Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
Trang chủGAMEKhám Phá & Trải NghiệmTop 10 tựa game Roguelike cực hay mà bạn nên thử qua

Top 10 tựa game Roguelike cực hay mà bạn nên thử qua

Trước khi đi sâu vào danh sách những tựa game Roguelike đáng trải nghiệm, chúng ta hãy cùng mở sách vở ra và nghiên cứu lại về định nghĩa “thế nào là Roguelike và Roguelite.” Roguelike là tên gọi được bắt nguồn từ cộng đồng Usenet – nơi những game thủ yêu thích thể loại này thường lên đó để bàn luận và chia sẻ quan điểm của mình. Khoảng năm 1993, khái niệm “Roguelike” đã chính thức đi vào lịch sử video game và cho một tựa game Roguelike sẽ phải đạt đủ 8 yếu tố là ..bla….bla.. Vì những yếu tố này rất dài và hàn lâm nên mình sẽ lược bỏ. Chung quy lại, người ta gọi nó là rogueLIKE vì nó Giống với tựa game dungeon crawler tên là Rogue ra mắt vào năm 1980. Tất cả những tựa game có yếu tố tương tự hoặc học theo đều sẽ được xếp chung vào thể loại này.

Ở thời điểm hiện tại, một số yếu tố của Roguelike đã bị lược bỏ bớt, nhưng những tựa game thuộc thể loại này vẫn sẽ sở hữu 2 yếu tố chính là procedural generation và permadeath (một số game thì bạn có thể tắt và bật 2 yếu tố này). Và dù chúng thuộc Roguelike hay Roguelite hoặc đại loại là “giống Roguelike”, mình cũng sẽ đưa nó vào trong danh sách này vì đơn giản là chúng đáng trải nghiệm và tuân theo 2 yếu tố cốt lõi đã nêu trên. 

Enter the Gungeon

Là một tựa game thuộc thể loại roguelike đi dungeon đã ra mắt từ 2016, nhưng Enter the Gungeon vẫn hấp dẫn nhờ lối chơi shoot-loot của mình. Không quá nổi trội về mắt đồ họa, nhưng điểm hấp dẫn của Enter the Gungeon là nằm ở phần gameplay khá “loạn lạc” của mình. Các màn chơi được thiết kế qua thuật toán, vì vậy sẽ không có lần đi dungeon nào hoàn toàn là giống nhau. Dẫu vậy nhưng nếu đã quen với nhịp độ dồn dập của game, thì việc qua các màn chơi không còn quá khó nhọc và khổ sở như lần đầu trải nghiệm nữa.
Các nhân vật đều có một số ưu và khuyết điểm riêng cùng với vũ khí ban đầu. Thông qua quá trình khám phá và chiến đấu từ các căn phòng trong mỗi màn chơi được gọi là chamber, bạn sẽ tìm và mở khóa các rương kho báu để thu thập vũ khí mới xịn hơn hoặc những vật phẩm hỗ trợ khác trong cuộc hành trình. Tất nhiên, người chơi cũng có thể mua những vật phẩm hỗ trợ khác từ các NPC mà bạn sẽ mở khóa được dần dần nếu bạn kiếm đủ tiền.

Game đòi hỏi nhiều ở kỹ năng và phản xạ của người chơi cũng như “một chút kiên nhẫn”.(Nhưng bạn sẽ không rage quit với 1 2 lần đầu, còn các lần sau thì không chắc…) Nếu để nhân vật chết dù ở bất cứ chamber nào, bạn cũng phải “hai bàn tay trắng” chơi lại ngay từ chamber đầu tiên. Dù vậy, do được thiết kế với yếu tố roguelike, hầu hết trải nghiệm đều tạo cảm giác mới mẻ, từ vị trí giấu súng mà bạn có thể tìm kiếm và những kẻ thù luôn bắn ra những cơn mưa đạn đẹp mắt nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Điểm nhấn trong trải nghiệm là tính năng lăn người cực kỳ hữu ích.

Về cơ bản, ngoại trừ việc giúp bạn tiêu diệt kẻ thù, lăn người là một tính năng khá quan trọng trong suốt trải nghiệm. Nó giúp tạo ra khoảnh khắc cực ngắn mà trong đó nhân vật của người chơi “vô đối”, né tránh được những cơn mưa đạn do kẻ thù bắn liên tục về phía bạn hoặc những chướng ngại vật khác trong môi trường màn chơi. Thế nhưng, vấn đề của trò chơi nằm ở yếu tố phát sinh màn chơi ngẫu nhiên bằng thuật toán, đôi lúc đòi hỏi bạn phải tìm được vũ khí tốt để vượt qua màn chơi hay thậm chí là đủ khả năng đánh boss. Sau cuối, Enter the Gungeon mang đến một trải nghiệm khám phá hang động khá độc đáo và vô cùng hấp dẫn ở gần như mọi khía cạnh. Trải nghiệm thậm chí còn thú vị và hào hứng hơn khi bạn chơi co-op cùng với một người chơi khác. Nếu yêu thích thể loại này, đây là một cái tên mà bạn không nên bỏ qua, nhất là khi có bạn để chơi cùng.

Into the Breach

Into the Breach được phát triển bởi Subset Games, đội ngũ đã tạo nên thành công cho siêu phẩm Faster Than Light. Into the Breach lấy bối cảnh trong tương lai xa khi loài người phải chiến đấu chống lại đội quân quái vật khổng lồ được gọi chung là Vek. Người chơi sẽ điều khiển những người lính vận hành những cỗ máy mech khổng lồ, trang bị nhiều loại vũ khí, áo giáp và các thiết bị khác. Trò chơi sử dụng hệ thống chiến đấu theo lượt, cho phép người chơi phối hợp hành động với đồng đội để đáp trả lại hành động của kẻ thù.

Trải nghiệm Into the Breach là sự chắt lọc từ công thức khá thành công của FTL: Faster Than Light, cùng với một yếu tố chiến thuật theo lượt đã thành danh tiếng của XCOM: Enemy Unknown và nguồn cảm hứng từ những bộ phim như Man of Steel và Pacific Rim. Ý tưởng này đến từ những khung cảnh trong các bộ phim nói trên khi những thành phố bị tàn phá mà chẳng ai để tâm tới mà chỉ quan tâm đến chiến thắng. Nhiệm vụ của người chơi là bảo vệ các tòa nhà và công trình kiến trúc để giảm thiểu thiệt hại thay vì chỉ chăm chăm vào chiến thắng kẻ thù. Chính thiết kế này đã giúp trải nghiệm game trở nên rất tuyệt vời, nhất là những ai yêu thích dòng game về mech như Super Robot Wars T hay SD Gundam G Generation Cross Rays.

Yếu tố địa hình và bản đồ trong Into the Breach cũng được các nhà thiết kế đầu tư khá kỹ lưỡng. Có bốn hòn đảo mà bạn phải bảo vệ, với địa hình, kẻ thù cũng như các quy tắc chiến đấu khác nhau. Ví dụ như Pinnacle Robotics là một vùng đất hoang nằm ở cực Bắc, nơi bị bao phủ bởi băng giá quanh năm. Những khu định cư của con người tại đây thường xuyên được bao phủ thêm một lớp băng tương đối dày – thứ giúp họ có thêm một lớp phòng vệ tự nhiên trước những đợt tấn công của binh đoàn Vek.

Như bao tựa game khác, khi khởi đầu với Into the Breach, bạn sẽ có một nhóm mechs – hay những chiến binh cơ bản. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ, bạn sẽ có cơ hội để mở khóa nhiều hơn. Into the Breach của Subset Games là một sản phẩm indie vì vậy game sẽ không sở hữu đồ họa bóng bẩy nhưng chắc chắn lối chơi sẽ là điểm ăn tiền của tựa game “nhỏ mà có võ này.”

Rogue Legacy

Rogue Legacy là một tựa game được Cellar Door Games xây theo phong cách 2D của những tựa game kinh điển ngày xưa, đoạn mở đầu của game thực sự khiến người chơi không khỏi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ với những tượng đài như Castlevania hay Ghosts ‘n Goblins trên hệ máy 4 nút thuở nào. Trong game, bạn sẽ hóa thân là một chiến binh thuộc dòng dõi hiệp sĩ dũng cảm lên đường tiêu diệt những con yêu quái hung hãn trong các tòa lâu đài cổ.

Được biết đến với một mức độ khó có thể nói là làm nản lòng bất kỳ game thủ kỳ cựu nào. Những cái bẫy chết người, quái vật xuất hiện liên tục trong màn chơi cùng địa hình bản đồ liên tục thay đổi khiến bạn không kịp trở tay, và đặc biệt nhất là mỗi khi tử nạn thì bạn sẽ phải chơi lại từ đầu. Một điểm khá thú vị là mỗi khi nhân vật của bạn chẳng may “chầu trời” thì con cháu đời sau sẽ thay tổ tiên tiếp tục hành trình báo thù với việc kế thừa toàn bộ “tài sản” như các nâng cấp, tiền vàng… và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi bạn tiêu diệt được trùm cuối. Chính điều này đã làm cho cốt truyện trong Rogue Legacy vừa hợp lý lại vừa giảm thiểu được độ khó dù vẫn còn rất cao của game.

Nethack

Trở lại thời kì mà máy tính cá nhân chỉ mới xuất hiện. Nethack mang nhiều nét tương đồng với Roguelike, và lại là một trò chơi miễn phí với mã nguồn mở. Trò chơi không ngừng được cải thiện và mở rộng kể từ khi những ý tưởng ban đầu lộ diện. Khác với các tựa game Roguelike ngày nay, Nethack thực sự rất khó phổ biến, vì nó vốn là một tựa game mã nguồn mở với hình ảnh không mấy hấp dẫn, mặc dù nó mang đầy đủ những yếu tố hay nhất của thể loại này. Nethack vẫn sẽ lựa chọn chủng tộc, vai trò, giới tính của nhân vật mình điều khiển, hoặc để game tự thiết lập một cách ngẫu nhiên, vượt qua vô số hầm ngục, chiến đấu với quái vật, và thu thập kho báu ở tầng cuối cùng rồi trốn thoát. Là tựa game Roguelike truyền thống nhất, Nethack mang đến các tính năng quen thuộc như những màn chơi được tạo ngẫu nhiên, chiến đấu theo kiểu chặt chém, và permadeath, buộc người chơi phải chơi lại từ đầu nếu để nhân vật của họ chết. Nhưng một khi đã thử chơi, game thủ sẽ dễ dàng bị hấp dẫn bởi họ sẽ được tự dẫn dắt mình đi qua một chuyến phiêu lưu, một câu chuyện riêng bởi tính ngẫu nhiên ít khi bị trùng lặp.

Dead Cells

Là một game hành động đi cảnh màn hình ngang, Dead Cells có lối chơi chặt chém cực kỳ đã tay khi bạn được sử dụng cùng lúc tối đa 4 loại vũ khí với nhiều công dụng khác nhau, nếu là một người ưa thích cận chiến thì chúng ta có kiếm, song đao, đại đao, roi hay giáo dài đủ các loại, còn nếu muốn đứng xa tỉa thì cũng đầy đủ cung, nỏ, lựu đạn hoặc cả súng điện. Khả năng sáng tạo trong Dead Cells là tuyệt vời, khi nó cho phép người chơi tự lựa chọn lối chơi của mình, vì ngoài vũ khí ra còn có đủ loại bẫy và phép thuật để set up combo.

Vũ khí trong Dead Cells chia làm 3 loại tương ứng với 3 màu: Đỏ, Xanh lá và Tím, trong quá trình chơi bạn sẽ nhặt được những cuộn giấy nâng cấp, tùy theo bạn xây dựng nhân vật theo hướng nào để lựa chọn cho phù hợp. Trong Dead Cells không có nâng cấp vũ khí, thay vào đó bạn sẽ được mua mới chúng trong quá trình chơi, càng về các màn sau thì vũ khí càng mạnh hơn hoặc cũng có thể nhận được sau khi tiêu diệt những con trùm phụ. Chính vì cơ chế vũ khí độc đáo như vậy, nên để có được một set đồ ưng ý trong game là khá mất công và lúc đó lỡ như bạn mà chết thì đúng là tiếc muốn nổ ruột.

Dead Cells còn thử thách người chơi bằng những bí mật nhỏ, thí dụ như yêu cầu bạn phải đi thật nhanh để mở khóa những cửa bí mật, hoặc các kho báu chứa đồ cực hiếm nhưng bạn sẽ phải hạ 10 kẻ địch mà không trúng đòn một lần nào. Những khu vực ẩn trong Dead Cells khá khó kiếm và thường nó sẽ yêu cầu người chơi phải hoàn thành một loạt nhiệm vụ phụ, hãy thử tưởng tượng độ ức chế tâm lý khi bạn có một đống đồ xịn rồi chết và phải đi lại từ đầu…

Tất nhiên Dead Cells cũng không quá khó khăn tới mức bắt người chơi phải “tay trắng khởi nghiệp”, số Cells mà bạn thu được trên đường đi có thể dùng để nâng cấp các chỉ số vĩnh viễn như vũ khí khởi điểm xịn hơn, nhiều máu hơn hoặc nhặt lại một số tiền mỗi khi chết. Cells kiếm khó không thua gì vàng và cũng mất đi nếu bạn chết, do đó chơi Dead Cells khá giống một dạng Dark Souls mini, bạn bắt buộc phải lên bảng đếm số dù muốn hay không.

FTL

Tuy sở hữu một nền đồ họa cực kì đơn giản, có thể nói Faster Than Light là một trong những tựa game chiến thuật sáng giá nhất trong thời gian gần đây. Bạn sẽ vào vai chỉ huy của một phi thuyền không gian mang trong mình một sứ mệnh cao cả, cứu lấy thiên hà đang lâm nguy. Trên hành trình của mình, phi thuyền của bạn sẽ phải đối mặt với vô số kẻ thù khác nhau, từ các thế lực thù địch cho tới những sinh vật ngoài hành tinh đầy nguy hiểm.

Khác với các trò chơi theo thể loại “phi thuyền không gian” khác, mỗi một phi thuyền trong Faster Than Light đều được mô phỏng cực kì chi tiết. Chúng đều sở hữu các hệ thống máy móc, các khoang riêng biệt phục vụ cho có chức năng quan trọng như cung cấp oxy, sử dụng vũ khí, tăng tốc di chuyển. Chính vì vậy mà người chơi có thể sử dụng vô số chiến thuật khác nhau trong các trận chiến với kẻ thù. Độ khó trong game cũng là một điểm sáng giá khi liên tục kích thích áp dụng các chiến thuật khác nhau nhằm mang lại chiến thắng cho mình.

Slay the Spire

Slay the Spire bắt đầu khá đơn giản với việc cho người chơi lựa chọn một trong 4 lớp (class) nhân vật định trước, mỗi nhân vật sẽ có 1 bộ bài khởi điểm với 5 lá tấn công, 5 lá phòng thủ và 1-2 lá có chức năng đặc biệt. Nhưng đó là trật tự duy nhất của tựa game. Mỗi lần chạy qua 3 màn chơi của Slay the Spire, người chơi sẽ dần dần thu thập vào bộ bài của mình những lá bài đặc biệt từ bộ sưu tập bài đồ sộ của game với hơn… 350 lá bài, dành riêng cho từng nhân vật một, với 3 độ hiếm khác nhau, cụ thể là hơn 100 lá bài cho mỗi nhân vật, cùng với hơn 30 lá bài “trắng” dùng được cho mọi nhân vật, dường như tiềm năng của game là bất tận.

Số lượng bài khổng lồ này xuất hiện ngẫu nhiên từ 1-5 lá sau mỗi cuộc đụng độ và người chơi sẽ phải cân nhắc kĩ lưỡng lựa chọn của mình trong việc xây dựng một bộ bài “toàn năng” cho lần chơi đó sau mỗi lần đụng độ. Yếu tố “roguelike” của Slay the Spire tỏa sáng mạnh nhất ở khoản này, vì những lá bài “rớt” giữa những cuộc đụng độ sẽ gần như không bao giờ trùng nhau, và khả năng trùng nhau còn thấp hơn nữa giữa hai lần chơi riêng biệt, khiến cho người chơi phải thay đổi hoàn toàn chiến thuật của mình mỗi lần bắt đầu lại từ đầu.

Để khiến cho điều đó thú vị, thiết kế các lá bài của game phải hết sức chặt chẽ. Khác với các tựa game thẻ bài khác khi mà người chơi biết chắc bộ bài mình sẽ có những gì, sự hỗn loạn của Slay the Spire lại dựa vào việc khiến cho các quân bài trở thành một mảnh ghép có thể khớp với những quân bài khác, nhưng hiếm khi “định đoạt” hoàn toàn hướng đi của bộ bài đó.

Spelunky 2

Spelunky là tựa game roguelike pha trộn “cày hầm ngục” với lối thiết kế đầy chỉn chu được nhào nặn bởi một nhà làm game duy nhất – Derek Yu. Kể từ khi ra mắt vào năm 2008 dưới dạng tải miễn phí cộng với mã nguồn mở, trò chơi đã thu hút không ít sự chú ý từ giới mộ điệu và cộng đồng modding, cũng như trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tựa game roguelike ra mắt sau này. Vẫn giữ nguyên công thức giống như phiên bản tiền nhiệm của mình, lối chơi thám hiểm hấp dẫn đưa bạn vào một hệ thống những bản đồ hang động được tạo theo quy trình và thách thức bạn tìm cách tiến xa hơn sau mỗi lần chơi. Mục tiêu của Spelunky 2 rất đơn giản. Bạn bị lạc trong một loạt các tàn tích và nhiệm vụ chính là tìm lối ra của từng map, chinh phục các kho báu bạn có thể tìm thấy trên đường đi. Mỗi khu vực bản đồ sẽ chứa đa dạng các loại sinh vật hoang dã, những quái vật bản địa nguy hiểm và những cái bẫy rình rập ở mọi nơi chỉ chực chờ giết bạn. 

Thành công trong Spelunky 2 không nằm ở việc bạn có thể ghi nhớ tốt mọi thứ sau mỗi lần chết. Mọi cấp độ trong trò chơi đều được tạo một cách ngẫu nhiên, vì vậy điều duy nhất bạn có thể thực sự ghi nhớ là những kẻ thù khác nhau mà bạn sẽ gặp, thiết kế của những cái bẫy chết người và thứ sẽ kích hoạt chúng. Có thể nhận ra, Spelunky 2 được xây dựng dựa trên nền tảng roguelike siêu chặt chẽ sau phiên bản tiền nhiệm và đã được mở rộng hơn rất nhiều về phạm vi và tham vọng.

Hades

Hades xoay quanh hành trình đào thoát khỏi địa ngục của Zagreus, con trai của chúa tể Địa Ngục Hades. Cốt lõi về lối chơi của Hades thuộc về dạng game Roguelike, trong đó mỗi một lần đào thoát của Zagreus sẽ dẫn người chơi qua nhiều “cõi” dưới địa ngục, với kết cấu là hàng chục căn phòng kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, và cuối mỗi “cõi” là một con trùm. Với đặc thù của dạng game Roguelike, người chơi có thể đảm bảo là hầu như không bao giờ hành trình đào thoát của Zagreus bị lặp lại, do bố cục phòng và kẻ địch bên trong sẽ được lập trình một cách ngẫu nhiên. Đây là cốt lõi khiến Hades có giá trị chơi lại khá cao (hoặc đơn thuần là khiến bạn không nhàm chán khi cứ phải đánh mãi vài con quái với move y hệt nhau). Để vượt qua một phòng, thường thì người chơi phải tiêu diệt hết kẻ địch bên trong, trước khi chọn một trong nhiều cửa để đi tiếp.

Như đã đề cập ở trên, với một tựa game Roguelike như Hades sẽ không có kết thúc ngay cả khi bạn đã hoàn thành hết tất cả các tầng địa ngục. Với độ khó tương đối cao dù chỉ từ những phút đầu tiên, việc người chơi nằm sấp để lại hồi sinh trong hoàng cung sẽ trở thành điều mà bạn phải làm quen – và dĩ nhiên, mọi nâng cấp trong lần chơi trước đó sẽ không cánh mà bay. Và khi phát triển một tựa game như vậy, Supergiant hẳn là phải nghĩ đủ mọi cách để cho người chơi không cảm thấy chán, khi mà cứ phải “tắt thở” liền tù tì như vậy. Đặc biệt là với những game thủ thiếu sự kiên nhẫn (như mình) thì sau vài chục lần nằm sấp, nó sẽ trở thành thứ khiến bạn muốn uninstall ngay cái tựa game của nợ này.

The Binding of Isaac

Và mặc dù ban đầu chỉ đóng vai trò là phiên bản remake của series game The Binding of Isaac với cái tên The Binding of Isaac Rebirth. Dần dần tựa game ngày càng trở nên nổi tiếng đến độ có cho mình 1 bản DLC mở rộng có tên The Binding of Isaac Afterbirth +. Đây được xem là bản DLC cuối cùng cũng như đầy đủ nhất khép lại câu chuyện về cậu bé nhút nhát Isaac. Lúc này, độ khó đó đối với người chơi mà nói không còn là một loại hình phạt nữa, mà là một cơ hội để tìm lại cảm giác mới. Cũng giống như bản Rebirth, ở Afterbirth + chết không phải là hết. Trên thực tế bạn sẽ phải chấp nhận việc chết rất nhiều lần trong những tầng đầu của trò chơi. Bản thân mình chỉ có thể lết lên được đến tầng hai trong lần chơi đầu tiên chỉ đơn giản do quá ngợp trước số lượng kẻ thù xuất hiện trên màn hình. Thực sự bản thân mình nghĩ ít nhất sẽ đạt đến màn The Womb ở lần đầu vì đã quá quen thuộc với cơ chế chơi game ở bản Rebirth. Mức độ quá khó của game trái ngược hoàn toàn với khả năng tăng tiến sức mạnh của nhân vật khiến cho việc trải nghiệm Afterbirth + đối với người mới chơi có thể nói là hoàn toàn bất khả thi. Nhìn chung, nội dung trong game sẽ biến hóa một cách ngẫu nhiên và tổ hợp một cách không giới hạn. Theo nhận xét của nhiều game thủ, tuy cơ chế thao tác có phần đơn giản, nhưng người chơi cũng phải bỏ ra hàng chục giờ đồng hồ mới có thể bắt gặp được boss mới và đến được vùng đất mới.

Và đó là top 10 tựa game roguelike đáng trải nghiệm ở thời điểm hiện tại, ngoài ra vẫn còn một số cái tên như Darkest Dungeon hay một số tựa game mới như Returnal và Curse of the Dead Gods mà bạn cũng có thể thử qua. Và nếu bạn thích những bài viết tương tự, đừng quên xem qua top 10 tựa game Metroidvania nhé!


4.8/5 - (120 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN