Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủGAMEKhám Phá & Trải NghiệmTop 10 tựa game Metroidvania xuất sắc tính đến hiện tại

Top 10 tựa game Metroidvania xuất sắc tính đến hiện tại

Đối với nhiều người, Castlevania có lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ. Có thể nó không nổi tiếng như Mega Man hay Final Fantasy, nhưng đã là người có chơi game thì ít hay nhiều gì hẳn cũng từng nghe nói đến nó. Từ Metroidvania được ghép từ 2 tựa game khai sinh ra dòng game này là Metroid và Castle “Vania”. Giống như series Dark Soul đã khai sinh ra thể loại Soul-like, Rouge thì tạo nên Rouge-like, thì Metroidvania là đứa con của 2 tựa game Super Metroid (1994) và Castle Vania (1997). Castlevania tự tách bạch ra thành một thể loại độc đáo riêng, mà tề danh cùng dòng game Metroid để biến thành chủng loại game “Metroidvania” đặc thù. Điểm nhấn của dòng game này đó là cả tựa game được gói gọn trong một màn chơi cực lớn với vô số ngóc ngách và bí ẩn. Người chơi sẽ buộc phải ghi nhớ bản đồ và đi qua đi lại cùng một chỗ nhiều lần để khám phá trọn vẹn, vì cơ chế này luôn đi kèm với Kĩ năng – Chìa Khóa khiến cho game có giá trị chơi lại lớn hơn hẳn các tựa game khác.

Trở lại với bài viết, chúng ta sẽ cùng điểm qua danh sách 10 tựa game vô cùng xuất sắc của thể loại Metroidvania trong suốt nhiều thập kỉ vừa qua (đương nhiên là sẽ không có sự góp mặt của Alucard hay Samus).

Shadow Complex

Khi nhìn qua ảnh chụp màn hình của Shadow Complex, nhiều người hẳn không khỏi thất vọng khi nhìn thấy hình ảnh một game bắn súng 2.5D “tầm thường”, nhưng không, Shadow Complex đem đến nhiều hơn thế. Không phải ngẫu nhiên mà Shadow Complex được đánh giá là “tựa game xuất sắc nhất trong lịch sử Xbox Live”. Ngoài ra, Shadow Complex còn được GameSpot cho điểm 8,5/10 và IGN với 9,4/10. 

Shadow Complex mặc dù có một chút khác biệt so với những tựa game cùng thể loại, nhưng bản đồ đậm chất metroidvania thì không thể nhầm lẫn. Còn kịch bản trong từng màn chơi để dẫn người chơi đi đến cuối cuộc hành trình thì lại quá tuyệt vời và đan xen nhịp nhàng giữa các tính tiết kịch tính lẫn giải đố, khi thì vượt qua những tia lazer cắt xuyên da thịt, lúc thì đu người bám lên trên những vách đá cheo leo, hoặc bám vào dây chuyền sản xuất để rồi vượt qua tầng tầng lớp lớp kẻ thù.

Như đã đề cập ở trên, Shadow Complex ẩn chứa rất nhiều vật phẩm đặc biệt nằm trong những khu vực nhỏ đòi hỏi óc tìm tòi, chúng có thể là bình nâng cấp máu, nâng kho vũ khí… Cũng vì thế, anh chàng Jason càng lúc càng mạnh nhưng lại hợp lí và cũng chỉ có con đường đó người chơi mới dễ thở hơn về sau.

Với một lối chơi đã đạt đến chín mùi, không gì hoàn hảo hơn khi được tô điểm bằng vài con trùm hoành tráng và Shadow Complex rất may cũng không thiếu chúng. Không thiếu ở đây là cũng không quá nhiều đến nỗi phát ngán mà cũng chẳng ít đến độ hụt hẫng, các con trùm trong game đã đóng trọn vai trò của mình bằng những giây phút thử thách kĩ năng căng thẳng và đẩy nhịp hành động của game chạm mốc cao trào.

Blasphemous

Từ xưa đến nay hễ mỗi khi có một trò chơi nào đó có gameplay đi cảnh màn hình ngang, sở hữu bản đồ phức tạp cùng những con quái đa dạng xuất hiện, ngay lập tức nó sẽ bị cộp ngay cái mác truyền nhân, người thừa kế, kẻ ăn theo… và hàng tá danh hiệu liên quan đến Castlevania. Đó là một lợi thế tương đối hữu ích khi đối với các hãng game indie khi trò chơi được quảng bá mà không cần tốn quá nhiều chi phí. Ở chiều ngược lại với vị thế của một nhà phát hành có tên tuổi như Team17 Digital từng ra mắt nhiều tựa game siêu cấp thú vị như hai phiên bản Overcooked, My Time at Portia, Hell Let Loose, thì đấy lại không phải điều đó đáng ước ao cho lắm.

Phong cách di chuyển và chiến đấu của game không có quá nhiều điểm đặc sắc, không phải vì các NSX lười biếng hay kém tài mà thật sự trong những ngày này, bạn khó lòng mà sáng tạo ra được thứ gì mới khi những kẻ đi trước đã thực hiện quá tốt công việc của họ. Chơi Blasphemous là ta sẽ thấy một chút của Dead Cell, một chút của Celeste, một chút của Hollow Knight và tất nhiên không thể không nhắc đến tầm ảnh hưởng của huyền thoại Castlevania. Tất nhiên The Game Kitchen cũng giữ cho họ một con át chủ bài đó là yếu tố đẫm máu và sự hắc ám của cốt truyện. Trong các tác phẩm trước chúng ta có thể bắn kẻ thù nổ tung, đem chúng đi tịnh hóa hay làm gì đó tùy thích nhưng nhìn chung vẫn là các công thức cũ và Blasphemous quyết định chơi lớn khi dẹp bỏ những yếu tố đó và thay thế bằng máu tuôn xối xả, thịt vụn và nội tạng văng tứ tung cùng những thây người đổ rạp. Đó là cả một niềm phấn khích cho những Metrovanian!

Yoku’s Island Express

Cốt truyện của Yoku’s Island Express sẽ được xoay quanh anh chàng Yoku nhỏ bé, người vừa đặt chân đến hòn đảo Mokumana nhưng ngay lập tức bị cuốn vào cuộc phiêu lưu giải cứu vị thần ngủ quên của hòn đảo và phục dựng lại dịch vụ bưu điện. Yoku’s Island Express là một tựa game thế giới mở góc nhìn 2D, nhưng lại sử dụng kết hợp các cơ chế tương tự như trò chơi “bắn bi” pinball một cách đầy độc đáo. Nhờ vậy, cuộc hành trình phiêu lưu qua hòn đảo Mokumana đầy màu sắc của người chơi cũng sẽ không hề giống với các tựa game khác cùng thể loại. Là một tựa game thuộc thể loại thế giới mở, một điều tất yếu là Yoku’s Island Express sẽ cho phép người chơi được tự do khám phá mọi ngóc ngách của hòn đảo với các khung cảnh đa dạng như: biển, rừng, núi, hang động, thác nước… và cùng với đó là thực hiện các nhiệm vụ phụ bên cạnh việc tiến triển cốt truyện chính. Không chỉ vậy, game còn có những kĩ năng của nhân vật chính đã được ẩn đi để chờ người chơi “mở khóa”, một điểm không thể thiếu của bất kì tựa game thế giới mở nào.

Cơ chế banh điện là yếu tố gameplay chính của Yoku’s Island Express. Trò chơi xây dựng những “bàn banh” trong rất nhiều khu vực của màn chơi, vừa đóng vai trò như câu đố phải giải quyết nhưng cũng vừa là chướng ngại vật đòi hỏi kỹ năng và thậm chí là một chút may mắn của người chơi. Cơ chế banh điện được nhà phát triển đưa vào trò chơi rất tuyệt vời và đầy sáng tạo, nhưng cũng là yếu tố có thể gây nản lòng không ít người chơi. Nếu từng trải nghiệm banh điện, hẳn là bạn cũng biết nó tuy dễ chơi nhưng rất khó để chơi giỏi.

Cave Story

Trong game, nhân vật chính của chúng ta tỉnh dậy trong một hang động trên một hòn đảo nổi nhưng lại không nhớ làm sao mà anh ta lại tới được hạng động này. Sau khi đi lang thang bên ngoài tìm hiểu thông tin thì anh biết được hòn đảo này là nơi sinh sống của Mimiga, một chủng tộc sinh vật có tri giác giống với thỏ đang bị một đội quân người máy tàn sát một cách không thương tiết. Cụ thể thì đám người máy này đứng đầu bởi một tên giáo sư có tham vọng truy lùng chiếc vương miện quỷ có ma thuật khổng lồ đang được cất giấu trên hòn đảo này để khai thác làm vũ khí để phục vụ cho các cuộc chiến trên mặt đất. 

Điểm hay của game là mọi quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả sau này của cuộc hành trình. Ví dụ, nếu bạn vội vàng đổi súng của mình để lấy khẩu súng máy của Curly thì sau này bạn sẽ mất cơ hội nhận được những vũ khí mạnh hơn. Hay nếu quyết định chạy trốn thì thế giới lòng đất sẽ bị tiêu diệt dưới tay Ballos. Trong Cave Story, mọi lựa chọn đều dẫn đến kết quả khác nhau, vì vậy hãy thận trọng khi đưa ra một quyết định nào đó. Nhiệm vụ của người chơi là khéo léo né những đường đạn của đối phương và trả sát thương lại bằng vũ khí trên tay mình. Càng về sau các con trùm càng khó nhằn hơn, lượng máu trâu bò cùng các luồn đạn dày đặc sẽ là thứ bạn cần phải đối phó. Trên đường đi vật phẩm để nâng cấp vũ khí sẽ nẳm rải rác cho phép người chơi dễ dàng tăng tiến sức mạnh của mình. 

Axiom Verge

Trò chơi đưa người chơi đến với Trace, một nhà khoa học ở Trái đất bị mắc kẹt trong phòng thí nghiệm khi một vụ nổ xảy ra khiến anh bị chấn thương và mù. Trace tỉnh dậy trong thế giới Sudra của người ngoài hành tinh và được cư dân ở đây nhờ giúp đỡ để ngăn chặn một tên bác học điên đã từng gây nên thảm họa diệt vong cho người dân Sudra. Bắt đầu từ đây, Trace phải khám phá thế giới mê cung rộng lớn để tìm hiểu những bí mật tại hành tinh này. Đồng thời, anh ta cũng phải thu thập vũ khí và những vật dụng cần thiết để chiến đấu nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao, cứu lấy một thế giới ngoài hành tinh. Axiom Verge mang đậm chất metroidvania khi sử dụng bối cảnh viễn tưởng kết hợp cùng nền đồ họa pixel cổ điển, thật không lạ khi nhiều người lầm tưởng đây là một tựa game metroidvania được thiết kế từ những năm 1998.

Dead Cells

Là một game hành động đi cảnh màn hình ngang, Dead Cells có lối chơi chặt chém cực kỳ đã tay khi bạn được sử dụng cùng lúc tối đa 4 loại vũ khí với nhiều công dụng khác nhau, nếu là một người ưa thích cận chiến thì chúng ta có kiếm, song đao, đại đao, roi hay giáo dài đủ các loại, còn nếu muốn đứng xa tỉa thì cũng đầy đủ cung, nỏ, lựu đạn hoặc cả súng điện. Khả năng sáng tạo trong Dead Cells là tuyệt vời, khi nó cho phép người chơi tự lựa chọn lối chơi của mình, vì ngoài vũ khí ra còn có đủ loại bẫy và phép thuật để set up combo.

Vũ khí trong Dead Cells chia làm 3 loại tương ứng với 3 màu: Đỏ, Xanh lá và Tím, trong quá trình chơi bạn sẽ nhặt được những cuộn giấy nâng cấp, tùy theo bạn xây dựng nhân vật theo hướng nào để lựa chọn cho phù hợp. Trong Dead Cells không có nâng cấp vũ khí, thay vào đó bạn sẽ được mua mới chúng trong quá trình chơi, càng về các màn sau thì vũ khí càng mạnh hơn hoặc cũng có thể nhận được sau khi tiêu diệt những con trùm phụ. Chính vì cơ chế vũ khí độc đáo như vậy, nên để có được một set đồ ưng ý trong game là khá mất công và lúc đó lỡ như bạn mà chết thì đúng là tiếc muốn nổ ruột.

Dead Cells còn thử thách người chơi bằng những bí mật nhỏ, thí dụ như yêu cầu bạn phải đi thật nhanh để mở khóa những cửa bí mật, hoặc các kho báu chứa đồ cực hiếm nhưng bạn sẽ phải hạ 10 kẻ địch mà không trúng đòn một lần nào. Những khu vực ẩn trong Dead Cells khá khó kiếm và thường nó sẽ yêu cầu người chơi phải hoàn thành một loạt nhiệm vụ phụ, hãy thử tưởng tượng độ ức chế tâm lý khi bạn có một đống đồ xịn rồi chết và phải đi lại từ đầu…

Tất nhiên Dead Cells cũng không quá khó khăn tới mức bắt người chơi phải “tay trắng khởi nghiệp”, số Cells mà bạn thu được trên đường đi có thể dùng để nâng cấp các chỉ số vĩnh viễn như vũ khí khởi điểm xịn hơn, nhiều máu hơn hoặc nhặt lại một số tiền mỗi khi chết. Cells kiếm khó không thua gì vàng và cũng mất đi nếu bạn chết, do đó chơi Dead Cells khá giống một dạng Dark Souls mini, bạn bắt buộc phải lên bảng đếm số dù muốn hay không.

Bloodstained: Ritual of the Night

Bloodstained: Ritual of the Night – một dự án lớn được thai nghén từ 2014 và ra mắt vào năm 2019 vừa mới đây. Nhanh chóng cán mốc Kickstater chỉ trong vài ngày đầu, “thương hiệu” Igarashi quả thực đã chứng minh được sự tín nhiệm lớn lao của cộng đồng yêu game dành cho ông. Ra mắt ngày 26.06.2019 trên các hệ máy PlayStation 4, PC Steam và Nintendo Switch, Bloodstained: Ritual of the Night nhanh chóng nhận được vô số lời khen ngợi của giới chuyên môn, xứng tầm “người kế thừa” của Castlevania huyền thoại. 

Ở thời điểm trước khi cốt truyện Bloodstained: Ritual of the Night diễn ra, hội Giả kim lo sợ khi thấy cuộc cách mạng công nghiệp đang ngày càng đe dọa bản thân sớm hơn dự tính. Do đó họ đã lên một kế hoạch điên rồ là sẽ sử dụng toàn bộ các Shardbinder của mình để mở ra cánh cửa xuống quỷ giới, qua đó thả đám quỷ lên thế giới con người sau đó tiêu diệt chúng. Mục đích của bọn họ là khiến cho người dân thấy sức mạnh, cũng như tầm quan trọng của hội Giả kim và lấy lại vinh quang trước đây.

Lối chơi của Bloodstained: Ritual of the Night vẫn đi theo kiểu hành động màn hình ngang cổ điển, nhưng tiết tấu của nó nhanh hơn rất nhiều. Chúng ta có thể thấy game phỏng theo phong cách của bản Symphony of the Night rất rõ, với bản đồ trong một lâu đài cực lớn được chia thành nhiều khu vực riêng biệt, các cửa thông và đường hầm bí mật nằm rải rác khắp nơi. Cơ chế tìm đường mở cửa của Bloodstained: Ritual of the Night rất quen thuộc, những khu vực mới chỉ có thể mở ra khi bạn hạ được một con trùm nhất định.

Cũng giống như Symphony of the Night thì Bloodstained: Ritual of the Night cũng có rất nhiều kết thúc khác nhau tùy thuộc bạn tiêu diệt trùm cuối ra sao, nhưng xét về thời lượng thì nó vẫn hơn ngắn – nếu chơi ở mức độ normal thì game thủ sẽ mất khoảng 8 giờ để hoàn thành game. Tuy vậy các nhà phát triển cũng đã nói họ sẽ bổ sung thêm các nhân vật mới trong tương lai, nên giá trị chơi lại của Bloodstained: Ritual of the Night vẫn khá cao.

Guacamelee 2

Ra mắt lần đầu vào năm 2013, tựa game Guacamelee! đóng vai trò như một cú twist thành công trong thể loại game Metroidvania, nổi bật nhờ vào sự hài hước, phong cách nghệ thuật độc đáo, và lối chơi tập trung vào co-op của nó. Năm năm sau đó, hãng Drinkbox Studios đã cho ra đời Guacamelee! 2, bản tiếp theo không chỉ đạt được chất lượng như phần trước, mà thậm chí còn vượt mặt nó. Guacamelee! 2 như một lá thư tình hướng đến văn hóa Mexico, đấu vật chuyên nghiệp, và dĩ nhiên là cả trò chơi điện tử. Thế giới trong game đầy ắp những mối liên hệ hết sức thông minh, không chỉ gắn liền với những cái tên như Castlevania và Metroid, mà còn có tất cả mọi tiểu tiết thú vị khác, từ Final Fantasy cho tới Resident Evil. Sự hài hước của game trở nên sắc bén hơn, và nó làm hài lòng phần đông người chơi nhờ vào lối hài hước thông minh mà chỉ những người hâm mộ trung thành mới có thể nhận ra và đánh giá cao trò chơi.

Đến với Guacamelee! 2, sự hài hước tiếp tục trở thành một trong những yếu tố mạnh nhất góp phần tạo nên thành công cho cả trò chơi. Sự vui vẻ không chỉ được phản chiếu bởi những câu nói đùa và nhịp điệu của câu chuyện, mà nó còn thể hiện bởi phong cách đồ họa của game. Khác với nhiều tựa game cùng thể loại Metroidvania thường mang màu sắc u ám, tối tăm, Guacamelee! 2 lại có các môi trường rực rỡ sắc màu, cực kì chi tiết và ấn tượng, giúp cho mỗi khu vực trong game đều đáng để khám phá. Việc khám phá là một thành phần then chốt cho bất kì tựa game Metroidvania, và nó được đảm bảo giữ vững tinh thần đó trong Guacamelee! 2. Trong suốt quá trình chơi, khả năng khám phá thế giới game của nhân vật chính Juan được mở rộng rất tốt bởi vô số đòn tấn công mới mà anh học được. Mặc dù đúng là Juan trong hình dáng con người học được một vài mẹo mới trong các sự kiện của Guacamelee! 2, nhưng hình thái … gà của anh còn nhận được sự chú ý đặc biệt hơn. Việc biến đổi thành một con gà trong phần game đầu tiên được thực hiện như một hình thức gây cười, nhưng trong phần 2, nó trở thành điều không thể thiếu với lối chơi cũng như cốt truyện. Gà Juan có nhiều đòn đánh hơn trước, và người chơi phải làm quen với việc chuyển đổi nhanh giữa hai dạng ngay trong lúc chiến đấu. Đôi khi việc chuyển đổi không phản hồi nhanh như nó cần phải vậy, nhưng điều đó không quá ảnh hưởng lắm.

Ori and the Will of the Wisps

Là phần tiếp theo của một tựa game tuyệt vời cũng như cực kỳ được mong chờ, Ori and the Will of the Wisps là định nghĩa của nghệ thuật trong cách làm game hiện đại mà Moon Studios muốn chứng tỏ. Không hề có những màn cháy nổ rầm trời hay các cốt truyện vĩ đại phía sau, Ori and the Will of the Wisps chỉ đơn giản đem tới cho người một siêu phẩm đích thực – thứ sẽ chắc chắn thay đổi thế giới quan của bạn về game. Ngoài phần âm nhạc đã làm lên thương hiệu, Ori and the Will of the Wips thêm vào nhiều địa điểm mới, khiến game không chỉ là hậu bản của phần đầu mà còn thể hiện được sự đầu tư đáng kể của đội ngũ phát triển.

Về mặt hình ảnh và âm thanh, Ori and the Will of the Wisps đã không khiến người hâm mộ thất vọng trong việc truyền tải, vậy còn lối chơi của game thì sao?May mắn thay, những ưu điểm của phiên bản trước đó được game phát huy tối đa, còn những khuyết điểm thì được “sửa” một cách kĩ lưỡng. Lối chơi của game có hai nhân tố chính là phần “platforming” – đi cảnh và chiến đấu, và game yêu cầu người chơi phải thuần thục và chính xác trong cả hai nhân tố đó.

Một điểm khác với phiên bản trước đó là Ori and the Will of the Wisps sẽ không chỉ tập trung vào việc xây dựng và khám phá mà còn cho phép người chơi tham gia chiến đấu chống lại những kẻ thù hung bạo trong game. Với những ai chưa biết về phần đầu của tựa game này thì Ori and the Blind Forest là tựa game phiêu lưu platform và người chơi vào vai Ori, một tinh linh bị rơi khỏi cây thần Spirit Tree trong một cơn bão. May mắn Ori được tìm thấy, chăm sóc bởi Naru, một sinh vật lông lá to lớn, và rồi phải dấn thân vào một hành trình phiêu lưu phục hồi ba nguyên tố quan trọng sẽ mang lại sự sống cho khu rừng Nibel.

Hollow Knight

Cuộc phiêu lưu trong Hollow Knight mờ mịt và vô phương hệt như tiền đề trong câu chuyện chính của nó, nhưng qua mỗi thông điệp và những cuộc trò chuyện, nó cứ khiến tục khiến ta muốn đi mãi, đi xa hơn nữa, đi đến nỗi kể cả bóng tối cũng không hề khiến ta lùi bước. “Cắt một vết sâu nếu như nó cần thiết để mở đường tới mục tiêu của mình”, dẫu cho cuộc hành trình trong Hollow Knight đầy hiểm nguy và trắc trở, bóng ma nhỏ bé của chúng ta không hề đơn thân một cõi. Những kẻ đối địch trở thành đồng minh đắc lực, những người bạn đồng hành bạo gan với mục đích riêng của mình, tay hiệp sỹ rởm đời luôn gặp phải rắc rối nhưng tự đắc về cái tôi vĩ đại, và dĩ nhiên không hề thiếu những kẻ lừa lọc, xảo trá, hiện nguyên hình một khi thỏa mãn được mục đích của mình.

Hollow Knight không ngần ngại khiến cho bất kỳ trái tim sắc đá nào cũng phải chột dạ, và kể cả khi nó thể hiện một chút gì đó tình cảm hay hài hước trong giọng điệu của mình, thì nó cũng nhanh chóng dập tắt tiếng cười bằng cái sự độc ác thương tâm mà không ai có thể nhìn trước được. Thật may mắn bởi không phải tất cả mọi câu chuyện hiện hữu trong Hollow Knight đều chơi đùa với cảm xúc của người chơi (nếu như bạn khôn khéo và thực hiện hoặc không thực hiện một yêu cầu cụ thể nào đó), thế nhưng cái sự ngang trái khi mà bạn cho rằng điều mình làm là đúng đắn lại hoàn toàn đổ bể, hay một cái chết nào đó ập đến quá nhanh khiến cho mình không thể làm gì để lay chuyển nó, quả thực là một trò đùa quái ác diễn ra chỉ để khắc sâu vào tâm trí của người chơi.


4.7/5 - (41 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN