Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimReview phim Lion (2017) ai cũng có một ngôi nhà để tìm...

Review phim Lion (2017) ai cũng có một ngôi nhà để tìm về

Người ta bảo, nhà là nơi để về. Giống như Saroo trong phim Lion (2017). Đi lạc từ khi 5 tuổi, một mình giữa thế giới lạ lẫm mà chính cậu cũng không thể gọi tên. Họ nói một ngôn ngữ khác, những ánh mắt khác, những mặt người không quen, vùng vẫy rồi lạc lõng. Tớ nhớ nửa đầu phim Lion, khung cảnh rộng lớn mở ra và Saroo cứ nhỏ bé đến kỳ lạ. Cậu cầu cứu, rồi tiếng la cứ chìm dần trong dòng người đông, chìm cả vào trong thinh lặng của không gian trống rỗng. Không ai lắng nghe, không ai đáp lời. Saroo không hiểu họ nói, họ cũng đồng dạng không hiểu.

Cảm nhận phim Lion (2017) ai cũng có một ngôi nhà để tìm về

Saroo nhớ nhà, nhớ cái mái ấm có những người thương. Khi mà hai bịch sữa là lời hứa về cửa hàng Jalebis của Guddu vẫn còn văng vẳng. Hai anh em cùng nhau, nhảy lên những chuyến tàu cố chất đầy một túi than đeo chéo, đem chúng về bán chỉ đổi lấy ít tiền và đồ ăn. Lúc đó, một cái Jalebis là xa xỉ, mà anh, vẫn chia sẻ nửa trái xoài cho mẹ giữa nắng trời. Có mùi đất, mùi mồ hôi và cả cái khổ hằn trên gương mặt, nhưng không lạc lõng, vì đó là nhà.

Sau chuyến tàu hôm ấy, Saroo trở thành trẻ lang thang. Có thể ngủ ở bất kỳ đâu, ăn bất kỳ thứ gì. Tớ còn nhớ cái khoảnh khắc khi mấy người đàn ông đến bắt bọn trẻ lang thang, co rúm ở góc ga tàu, Saroo vẫn chạy mặc cho tiếng hét của những đứa trẻ kia vang ở phía sau. Giữa đường đời rộng lớn, cậu bé không biết chạy đi đâu, cũng không rõ sẽ có ai đến cứu cậu. Cho đến khi, có người, cuối cùng cũng đưa tay ra. Họ tìm cho Saroo, một mái nhà.

Cảm nhận phim Lion (2017) ai cũng có một ngôi nhà để tìm về

25 năm sống ở nơi khác. Anh bắt đầu học một ngôn ngữ khác, một văn hoá khác. Nơi dùng dĩa vào dao để ăn, nơi có những ly rượu vang thay vì chén sữa nhận vội. Một ngôi nhà, mới hơn. Tớ nghĩ đâu đó trong 25 năm, Saroo không ít lần hỏi, bản thân đến từ đâu, thuộc về nơi nào. Có lẽ ký ức về ngày 5 tuổi đâu đó nhạt nhòa sau những phù hoa của cuộc sống. Rồi trong một tiktak anh nhận ra, anh chưa bao giờ quên. Anh có thể quên cách ăn bằng đôi bàn tay, bằng chiếc bánh nan thơm vàng, hay quên mất trong Hindi tiếng xin lỗi nói ra sao, nhưng không thể quên được một chữ “nhà”.

Tìm lại từ con số không, từ những mảnh ghép vụn vỡ trong hồi ức của bản thân ngày 5 tuổi, không biết bao nhiêu lần ánh mắt Saroo ngập tràn sợ hãi và thất vọng. Nhưng rồi, thôi thúc ở đâu đó, trong tim, quẩn quanh trong trí nhớ vẫn vang vọng tiếng gọi “Ammi”, tiếng anh gào tên Guddu giữa ga tàu. Anh nhớ, chỉ là, chưa kịp nhận ra. Saroo vạch ra cho bản thân một “search radius”, khoanh tròn bán kính những nơi mình đi qua, những chuyến tàu vẫn còn tiếng còi trong mơ hồ. Tìm lại, một phần của quá khứ.

Nhưng giữa những năm tháng lạc lõng của Saroo, quanh anh lại tràn ngập ánh sáng. Sue và John thương yêu hết mực. Hay Lucy luôn ấm áp bên anh những đêm dài. Tớ nhớ Sue nhìn vào trong đôi mắt Saroo, dịu dàng nói “Có một điều, khiến ta yêu John. Đó là vì cả hai chúng ta đều đồng ý rằng, có quá nhiều người trên hành tinh này rồi. Có thêm một đứa con, chẳng thay đổi được gì cả. Nên chúng ta, chọn cho những đứa trẻ đang lạc lõng, vùng vẫy như con, như Matosh, một cơ hội”. Hành tây à, giây phút ấy, tớ thấy được tương lai. Tớ luôn nghĩ, sẽ không có riêng cho mình một đứa trẻ, thay vào đó, để tớ chọn chăm sóc ai đó cần tình thương. Và tớ nghĩ, muốn tìm một John cho bản thân mình.

Trên những cung đường của Saroo còn có Sue. Khi cô sau bao biết cố vẫn nắm tay anh ấy đi hết đường dài. Tớ nhớ khoảnh khắc đầu tiên, hai người chạy song song hai bên vỉa hè, nhìn nhau mỉm cười. Có tiếng nhạc vang. Tớ thích khoảnh khắc hai người nằm cạnh nhau, và ngón tay anh miết tròn trong lòng bàn tay của Lucy. Cả hai nhìn nhau, không nói, tớ gọi đó là yêu. Và khi Lucy nhẹ nhàng đến bên Saroo mỗi khi anh cần, đó là quan tâm, vô điều kiện. Tình yêu của cả hai không rõ nét, chỉ là những vệt mờ thoáng qua trong khoảnh khắc cả hai nhìn nhau, trong tiếng cãi vã, trong lời nói và cả những lần khẽ chạm, nhưng đủ để thấy, tình yêu của họ, đẹp đến thế nào.

Và giây phút khi anh tìm lại mẹ, tìm lại tiếng gọi “Ammi” thân thương và biết suốt ngần ấy năm, bà cũng gọi anh không biết bao nhiêu lần, cậu bật khóc. Anh nói xin lỗi bằng thứ tiếng bà không hiểu, nhưng nhìn nhau, tớ nghĩ, chẳng còn bao nhiêu ngôn từ cần thiết nữa. Đôi lúc, chỉ một ánh nhìn, đã có ngôn ngữ riêng của nó.

Bán kính tìm kiếm hay search radius của Saroo đưa anh tìm về nhà, cho anh tìm lại mẹ và gia đình, cũng tìm lại cảm giác yêu thương dành cho Matosh, cho John và Sue, hay cho anh và Lucy nữa. Họ đều ở đây, có cho mình một bán kính tìm kiếm, tìm về những yêu thương. Chợt tớ thấy giống như tớ ở đây, chờ cậu thu ngắn bán kính cô đơn của mình, tìm cho bản thân một hạnh phúc.

Phim Lion mang trong mình một bữa tiệc âm thanh đúng nghĩa. Khi mỗi thước phim, mỗi khung hình đều vang vọng những nhịp điệu, những thanh âm. Tiếng tàu xe, tiếng người nói, tiếng tụng kinh, gõ mõ, tiếng dao nĩa chạm vào nhau, tiếng bút chì chạy trên giấy hay cả tiếng bàn phím gõ lách cách. Mọi thứ sinh động đến lạ. Rồi thoáng đâu đó những điệu nhạc không quen. Phim Lion không phải là một bộ phim kịch tính, thậm chí lại rất chậm và nhẹ nhàng. Mông lung, lãng đãng. Như đọc một cuốn hồi ký viết vội trên chuyến tàu đi xa. Nhưng cũng đủ để nhớ.

Đó là ý nghĩa của phim Lion, ai cũng có một ngôi nhà để tìm về. Và dù có đi xa đến mấy, thì trong tim luôn có một sợi chỉ vô hình nối họ với nơi có những người thân thương.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN