Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang chủPHIMHành Trình Công Lý “remake” bản Mỹ mà làm không tới, xem...

Hành Trình Công Lý “remake” bản Mỹ mà làm không tới, xem mà buồn ngủ

Hành Trình Công Lý là bộ phim được Việt hóa từ tác phẩm nổi tiếng The Good Wife của Mỹ. Tuy nhiên, khác xa với sự trông đợi lúc ban đầu, trải qua gần nửa chặng đường thì bộ phim lại đưa tôi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Có lẽ đây là một phiên bản “remake” hoàn toàn thất bại vì khác xa nguyên tác. Quá lan man, xem mà buồn ngủ luôn!

>> Xem thêm: Hành Trình Công Lý: Tôi ủng hộ Phương-Quân vì Hoàng ngày càng quá quắt

Nguyên bản The Good Wife (Người Vợ Tốt) là một series truyền hình Mỹ lên sóng đài CBS từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2016 sau 7 mùa. Tác phẩm lấy đề tài pháp luật và chính trị từng chiến thắng đến 5 giải Emmy và được mệnh danh là “Tác phẩm truyền hình vĩ đại cuối cùng”. 

Nữ chính trong phim là Alicia Florrick (Julianna Margulies) là vợ của một luật sư danh tiếng khác với bản Việt là Hoàng (Việt Anh) là phó giám đốc công ty. Cũng chính vì vụ việc bê bối của chồng liên quan đến chính trị nên Florrick quyết định quay trở lại với nghề luật sư.

Theo như tôi được biết, kịch bản phim này đã được rất nhiều quốc gia mua lại để “remake”, trong đó có Việt Nam ta. Mỗi bản đều có ít nhiều những sự thay đổi để phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa nhưng vẫn đủ để bám sát cốt truyện về một nữ luật sư quay trở lại công việc sau khoảng thời gian dài làm hậu phương cho chồng. 

Trước khi lên sóng màn ảnh nhỏ, tôi còn nhớ Hành Trình Công Lý được giữ đúng tên của nguyên tác là Người Vợ Tốt nhưng khi đến “phút 89” thì tự nhiên lại thay đổi. Tôi không biết có yếu tố tâm linh gì ở đây không nhưng có lẽ biên kịch và đạo diễn muốn dẫn dắt khán giả đến với một bộ phim tập trung về phá án hơn là những drama tâm lý đã quá quen thuộc.

Trên website chính thức của VTV, Hành Trình Công Lý được giới thiệu là TV series dài 45 tập. Phim hiện tại đã bước sang tập 18, tức đi được 2/5 chặng đường. Tuy nhiên, cách kịch bản dẫn dắt câu chuyện khiến tôi không khỏi cảm thấy tác phẩm vẫn chưa qua được đoạn mở bài – với cột mốc đánh dấu quan trọng là sự kiện Phương trở lại làm luật sư.

Xuyên suốt những tập đầu tiên, biên kịch đã quá tham lam khi kể chuyện về Hoàng và nỗi dày vò, ám ảnh của Phương khi biết chồng “ăn vụng”. Mãi cho đến tập 9, Phương mới quay trở về với công việc luật sư. Khác xa hoàn toàn với bản gốc, nam chính sau khi vướng phải lùm xùm thì bộ phim đã được tua nhanh 6 tháng, đến cả giai đoạn nữ chính trở lại làm việc. Không riêng gì bản Mỹ thì bản Hàn làm lại cũng xử lý rất gọn ghẽ phần này. Tôi nghĩ đó là một điểm trừ khá lớn mà phiên bản Việt quá lạm dụng.

Với một bộ phim được giới thiệu là lấy đề tài luật pháp, việc mất đến 9 tập phim để “mở bài” là quá lan man. Sau chừng ấy tập phim, tôi vẫn chưa hiểu nữ chính lấy tự tin ở đâu để quay về với nghề luật sư sau 15 năm ngoài những lời động viên của bạn bè. Đã thế còn làm “hư bột hư đường”, xử lý tất cả chỉ nhờ may mắn và cảm tính.

Không những thế phim còn thiếu sự logic trong phim, không ít lần khiến giới luật sư phải “khóc thét” vì những thứ trên phim. Hết phản bội thân chủ rồi đến chia sẻ thông tin khách hàng công khai,… nhưng Phương lại vẫn được “buff hào quang” nữ chính một cách không có gì tự nhiên hơn được nữa. Tôi có xem qua những bộ phim Mỹ thì tôi thấy hầu như những phim về pháp luật như vậy thường được xuất hiện dày đặc, giải quyết gọn trong mỗi tập. Nhưng đối với Hành Trình Công Lý thì khác, lê thê một vụ đến 2, 3 tập coi mà ngán.

Với tất cả những điểm chưa toàn vẹn trên, rất tiếc phải nói Hành Trình Công Lý đã làm hỏng nguyên tác The Good Wife mà khán giả hằng yêu thích. Có lẽ đối tượng phim ảnh của Việt Nam và quốc tế có sự khác nhau, nhiều khi “drama” xã hội, gia đình này còn hút hơn chính trị đó chứ. Hy vọng rằng Hành Trình Công Lý sẽ quay trở lại đường đua, nắm bắt lại cơ hội của mình như lúc đầu.

 

 

Theo: Dienanh.net


Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN