Thứ Tư, Tháng Mười 23, 2024
Trang chủGAMEKhám Phá & Trải NghiệmNhững điều có thể bạn chưa biết về Persona 5/ Persona 5...

Những điều có thể bạn chưa biết về Persona 5/ Persona 5 Royal (P.2)

Để nối tiếp series những điều có thể bạn chưa biết về Persona 5/ Persona 5 Royal, chúng ta hãy cùng đến với những thông số và chi tiết thú vị xung quanh tựa game JRPG  xuất sắc này nhé!

Không giống như những tựa game trước đây, Persona 5 là tựa game đầu tiên đưa các địa điểm có thật vào trong game. Thay vì diễn ra ở Inaba hay Gekkoukan như trước thì game đưa người chơi đến với Tokyo ở thời điểm hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc, gần như mọi địa điểm nổi tiếng tại sẽ được “sao y bản chính”. Ví dụ như khu phố Akihabara và Shibuya, dù game sở hữu đồ họa khá khiêm tốn nhưng hầu hết mọi chi tiết đặc trưng nhất vẫn được ATLUS khắc họa vô cùng chính xác.


Khu phố Yongen-Jaya mà nhân vật chính sinh sống trong game cũng được lấy ý tưởng từ Sangen-Jaya. Nằm trong khu Setagaya, Sangenjaya là một trong những con phố lâu đời nhất của Tokyo. Bình yên hơn so với Daikanya hào nhoáng và sang trọng, Sangenjaya (hay ‘Sancha’) nổi tiếng bởi những ngôi nhà gỗ nhỏ, quán bar thân thiện, và izakya grub chính hãng. Sancha là một sự pha trộn giữa cái mới và cái cũ, với những góc phố đổ nát, nơi bên kia đường là một quán cà phê cửa sổ kính đầy phong cách.


Thật ra tên của khu phố trong game là một phép chơi chữ từ con phố thật ngoài đời khi Yon (“四 “軒茶屋 ) tức là 4 còn San (“三”軒茶屋) tức là 3.

ATLUS cũng lập một trụ sở của tại chính khu phố này bởi đạo diễn Hashino muốn có được trải nghiệm sát với nhân vật nhất có thể.


Nếu bạn thắc mắc rằng tại sao các Persona trong game đều được đặt tên dựa theo thần thoại thì có lẽ đây là sở thích của ATLUS khi tất cả các tựa game Shin Megami Tensei dùng tên các nhân vật trong thần thoại từ tất cả mọi nơi trên thế giới. Chúng trải dài từ thần thoại Bắc Âu, thần thoại Ai Cập, Aztec .v.v.v Một vài cái tên mà người chơi có thể dễ dàng nhận ra như Loki, Thor, Ordin hay Anubis, Osiris. 


Vậy tại sao chúng được gọi là Persona? Bạn nhớ nghiên cứu của tiến sĩ Carl Jung mà mình đã đề cập phía trên phải không? Persona (cách viết khác là personas hoặc personae) tiếng Latin có nghĩa là mặt nạ. Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung, mỗi con người đều ít nhiều mang một chiếc “mặt nạ” che dấu đi tính cách thật để đối diện và giao tiếp với thế giới xung quanh.

Để tạo dựng một persona, con người phải che dấu một phần nhân cách của mình. Phần nhân cách đó chứa đựng cả mặt tốt và mặt xấu, bị chính cái tôi dồn nén lại và không bao giờ nhận biết được, đó là tất cả những mặt tối của con người. Persona là nguyên mẫu đại diện cho hình ảnh bên ngoài của mỗi cá nhân, và vì thế có liên hệ trực tiếp đến nhân cách con người, đơn giản là vì chúng ta sử dụng nhân cách để tiếp cận với môi trường đời sống xung quanh. 

Khi đối mặt với thế giới bên ngoài, chúng ta thường thể hiện một phiên bản cường điệu hoá của bản thân nhằm gây ấn tượng tốt. Cá tính mà chúng ta thể hiện trong công việc không hề giống với khi ta ở nhà. Vì chúng ta không phải gây ấn tượng với ai khi ở một mình cả, nhưng khi ở trong đám đông chúng ta đeo mặt nạ, một cái persona, để chúng ta có thể áp đặt hình ảnh mà bản thân mong muốn lên người khác


Đây cũng là ý tưởng chính để tạo nên tích cách và hình mẫu các nhân vật trong Persona. Mỗi nhân vật đều được gán cho 1 Persona – 1 tính cách duy nhất mà họ sở hữu. Chỉ riêng nhân vật chính, anh ta có thể là bất kì ai và sở hữu tính cách tương ứng của người nhập vai, đó cũng là lý do mà anh ta có thể sở hữu nhiều Persona.

Carl Jung cũng nhắc tới một nửa nhân cách còn lại, hay chúng ta vẫn gọi là Shadow. Shadow là cảm xúc cần thiết trong tự nhiên, vì nó phải chống lại sự cứng nhắc của bản ngã; nó giữ quyền tự chủ của riêng mình, tách rời khỏi phần tâm trí có ý thức. Bởi tính bản năng và phi lý trí như vậy, Shadow thể hiện sự phóng chiếu tâm lý, bằng cách chúng ta gán những người khác mọi phẩm chất xấu xa và thấp kém mà tự bản thân ta không dám thừa nhận. Điều này được thể hiện vô cùng rõ đối với phiên bản shadow của những kẻ bị tha hóa trong Persona 5.

Với những thành viên trong nhóm Phantom Thieves, nhân cách còn lại hay Persona của họ đều được thiết kế dựa theo những kẻ nổi loạn đã từng xuất hiện trong lịch sử. Ví dụ như Captain Kidd của Ryuji được lấy ý tưởng từ cướp biển William Kidd sống tại thế kỷ 17.
Ở thời điểm này, cướp biển được coi là những kẻ nổi loạn khi cướp biển luôn tìm cách thoát khỏi ách thống trị của người Anh. Và trang phục của Ryuji cũng được thiết kế giống với một tên cướp biển.


Hình mẫu Persona gốc của nhân vật chính cũng được lấy ý tưởng từ siêu trộm Arsène Lupin trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Maurice Leblanc. Ban đầu đội ngũ phát triển không có ý định lấy Arsene làm Persona của nhân vật chính, mà thay vào đó là Mephistopheles, nhưng trong quá trình thiết kế nhân vật, họ lại nhận ra Arsene phù hợp với hình mẫu của nhân vật chính hơn.


Persona được chia thành nhiều phân lớp khác nhau được gọi là Arcana, mỗi Arcana ứng với một lá trong bộ bài Tarot. Ý nghĩa các lá bài Tarot trong bộ Ẩn Chính Major Arcana phác họa cấu trúc của nhận thức con người và, cũng vì thế, giữ chìa khóa dẫn đến những bài học cuộc sống tích lũy theo thời gian. Hình ảnh trong những lá bài Major Arcana chứa đựng sự tinh túy của nhiều nền văn hóa và các tín ngưỡng huyền bí, như Ai Cập, Phật Giáo, Hindu Giáo, Do Thái Giáo và Kitô Giáo.


Các lá bài Major Arcana cũng thể hiện nguyên mẫu của Carl Jung – những mô hình định hướng, đồng nhất về sự ảnh hưởng như một phần vốn có trong bản chất của con người. Chúng là chủ đề đặc trưng, mô tả và biểu tượng hóa các trạng thái tâm lý chúng ta mà nhờ đó chúng ta muốn trở thành một con người toàn diện và cân bằng. Cùng với hành trình này, chúng ta sẽ gặp phải nhiều thách thức, phải đối mặt với nghịch cảnh, phải làm việc, ra quyết định và chiến đấu chống lại các thế lực đối lập.

Mỗi bước đi trên con đường này sẽ mang chúng ta gần hơn tới giác ngộ. Đây thường được xem là hành trình của the Fool.

Ý tưởng này được sử dụng trong cả 3 phần game là Persona 3, 4 và 5. Từ phần thứ 3 trở đi, nhân vật chính đều sẽ mặc định được gán với lá The Fool. 

Đây không phải là một trò đùa hay chơi chữ mà thực chất lá The Fool ứng với con số 0. Khởi đầu, The Fool được đặt ở giữa vạn vật. Anh ta trống rỗng lạ thường (giống như số 0), nhưng luôn mong muốn được bước ra ngoài và học hỏi.
The Fool đại diện cho mỗi chúng ta khi bắt đầu cuộc hành trình đời mình. Anh ta còn rất ngờ nghệch bởi vì chỉ có tâm hồn trong sáng mới có niềm tin ngây thơ vào việc bắt đầu lao vào cuộc sống mà không để ý đến bao nguy hiểm và đau khổ trước mặt.

Trong cuộc hành trình của mình, anh ta gặp được rất nhiều người khác, ở ngay khởi đầu, anh ta gặp được The Magician (1) và The High Priestess (2) – những thế lực cân bằng vĩ đại tạo nên một thế giới có nhận thức. Và hầu như ở bất kì cuộc hành trình nào, nhân vật đầu tiên làm quen với người chơi cũng đều được gán với lá Magician.


Trong Persona 5, chúng được phản ánh bằng hệ thống Confidant tương ứng với các lá Major Arcana. Nhân vật chính sẽ bắt đầu cuộc hành trình và gặp gỡ rất nhiều bạn bè, anh ta sẽ dần phát triển mối quan hệ và nhận được sự trợ giúp từ họ khi gặp khó khăn.


Bên cạnh nhân vật chính, các nhân vật trong căn phòng Velvet Room cũng được đặt tên theo tác phẩm Frankenstein của Mary Shelley.

Ví dụ như trợ lý của Frankenstein là Igor, Caroline là tên mẹ của Frankenstein và Justine cũng là một cô gái xuất hiện trong tác phẩm. Thêm nữa 2 cái tên Caroline và Justine cũng tượng trưng cho tự do và công lý.


Cốt truyện được lên ý tưởng ban đầu của Persona 5 rất khác so với hiện tại. ATLUS đã muốn nhân vật chính là một nhà lữ hành đi vòng quanh thế giới để khám phá những bí ẩn liên quan tới Persona.

Để có thể khắc họa mọi thứ chính xác nhất, đội ngũ phát triển Persona 5 đã lên kế hoạch để làm điều tương tự, nhưng quyết định lại bị thay đổi vào phút chót do vụ động đất tại Tohoku vào năm 2011. Chính điều này đã khiến cả nhóm phải điều chỉnh lại cốt truyện của Persona 5. Họ muốn tập trung và khắc họa lại cuộc sống tại chính nơi mình sinh ra. 

Dẫu vậy, chính những thiết kế mô phỏng theo đời thật này đã trở thành một vấn đề đau đầu đối với ATLUS khi có rất nhiều người đổ xô tới những nơi được tái hiện trong game.

Một số thì đến để chụp ảnh Cosplay, còn phần đông thì đến vì tò mò. Sự việc này đã khiến ATLUS phải đăng thông báo lên trang chủ của tựa game để kêu gọi mọi người tránh làm phiền các khu vực ngoài đời thật.

Và đây cũng không phải là rắc rối duy nhất mà ATLUS gặp phải đối với Persona 5. Khi game được ra mắt trên toàn cầu vào tháng 4 2017, ATLUS đã phải cố gắng để tựa game của mình không bị spoil nội dung ra quá sớm.
Rất nhiều kênh Youtube đã bị đánh bản quyền hoặc thậm chí là “xanh cỏ” vì đã cố tình phát tán nội dung của game trước ngày quy định. Đỉnh điểm của sự việc là khi ATLUS nhận về vô số gạch đá từ cộng đồng khi phiên bản PS4 của game bị khóa chức năng chia sẻ và record.

Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều streamer đã giúp thương hiệu Persona 5 trở nên nổi tiếng hơn. ATLUS cuối cùng đã phải thay đổi lại ngày được chia sẻ các nội dung của game từ 7/7 sang 19/11 để tựa game không bị rơi vào lãng quên quá sớm.

Không chỉ thành công tại thị trường Nhật Bản, ngay sau khi ra mắt trên toàn cầu, Persona 5 đã ngay lập tức nhận được những lời khen đặc biệt từ nhiều tờ báo lớn, uy tín về game, đi kèm với đó là số điểm đánh giá cực cao, gần như là hoàn hảo.

Tạp chí IGN ưu ái dành cho Persona 5 số điểm gần tuyệt đối là 9,7/10, trang Gamespot là 9/10, trang Polygon 9/10, Game Informer 9,25/10 trong khi tạp chí Famitsu của Nhật cũng cho số điểm gần như hoàn hảo 39/40. Tổng điểm Metacritic của Persona 5 là 94/100, cho thấy đây là một trong những tựa game JRPG được đánh giá cao nhất hiện nay.

Trên thực tế thì mới đây, Atlus đã bất ngờ thông báo rằng đứa con cưng Persona 5 đã bán được tới 1,5 triệu bản trên toàn thế giới chỉ sau 1 ngày ra mắt. Đây có thể xem là một con số không tưởng đối với dòng game Persona nói riêng hay Shin Megami Tensei nói chung. Persona 5 đã trở thành tựa game bán chạy nhất của ATLUS sau hơn 30 năm phát triển.

Dù cho 1,5 triệu bản bán ra trong ngày đầu không phải là một con số quá “khủng” trong lịch sử làng game thế giới, thế nhưng nó lại có ý nghĩa quan trọng đối với Atlus. Cần phải biết rằng, tựa game đàn anh Persona 4 chỉ tiêu thụ được tổng số 0,82 triệu bản trên toàn thế giới mà thôi, thế nhưng Persona 5 thậm chí tiêu thụ được gần gấp đôi chỉ trong ngày đầu ra mắt.

Có rất nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, Ann Takami là người Phần Lan, nhưng điều này đã được đính chính lại trong trailer thứ 3 của game. Ann thực chất là người Mỹ gốc Nhật nhưng cô đã từng có thời gian sinh sống tại Phần Lan cùng cha mẹ của mình.

Hifumi Togo đã từng được lên kế hoạch để trở thành một nhân vật chơi được (tức là thành viên của nhóm Phantom Thievies) trong game nhưng do khối lượng quá lớn của cốt truyện nên ATLUS đã phải bỏ ý định này để khiến mọi thứ đơn giản hơn.

Thêm nữa, ở bản thiết kế ban đầu khi người chơi đang hẹn hò với các cô gái khác mà bị bắt gặp thì mối quan hệ đó sẽ lập tức bị đảo ngược (giống như lúc bạn chọn sai quá nhiều khi đối thoại). Nhưng khi game ra mắt chính thức, điều này đã được thay bằng đoạn kết cho kẻ trăng hoa ở ngày Valentine.

Thật ra đây không phải là kết thúc duy nhất của ngày Valentine. Ban đầu ATLUS đã dự định cho Joker có một Valentine “màu hồng” bên cạnh dàn harem của mình. Nhưng sau đó phân đoạn này đã bị loại bỏ khi game ra mắt chính thức. Có thể là do Persona 5 Royal …. đã có quá nhiều cảnh fan service rồi chăng?

Không chỉ vậy, bản beta của game ban đầu cũng cho phép nhân vật chính sống cùng Sae Nijima trong thời gian chịu án chứ không phải là trên gác xép của Leblanc như hiện tại. Lúc này Sae Nijima sẽ là người dám hộ của Joker thay vì là ông Sakura như ở hiện tại.

 Nếu bạn để ý, hình mẫu của Sae ban đầu được sử dụng khá giống với model của Katherine – nhân vật chính trong series game Catherine do ATLUS thực hiện.

Nếu ý tưởng này được giữ nguyên thì rất có thể Nijima đã có một confidant chi tiết hơn và trên hết là người chơi có thể hẹn hò cùng cô. Tin tôi đi, chắc chắn nhiều người cũng muốn hẹn hò cùng Nijima, Kawakami và Takemi phải không? Dù không được đưa vào trong game nhưng A-1 đã hiện thực hóa điều này bằng 1 tập OVA đặc biệt, nơi nhân vật chính được hẹn hò cùng Sae Nijima trong ngày Valentine. Yesss! A-1 vạn tuế!

Trong spin-off Persona 5: Dancing In Starlight, mối liên hệ này cũng được Ann nhắc đến. Và cũng chính ở phân cảnh này, nhiều người hâm mộ cũng nhận ra rằng Makoto được ATLUS đẩy thuyền cùng với Joker khá nhiều.

Trong Persona 5 Striker, ở phân cảnh cá nhóm ngồi ăn trên bãi biển với nhau thì Ann sẽ hỏi nhân vật chính về vóc dáng của Makoto. Lúc này người chơi sẽ được lựa chọn khen hoặc không. Nhưng có thể thấy, Makoto là nhân vật được ưu ái rất nhiều so với những nhân vật nữ còn lại ở mạch truyện chính. Thêm nữa là ATLUS còn thả rất nhiều “hint” về cặp đôi này trong nhiều phân cảnh khác nữa.

Có thể đây là lời khẳng định của ATLUS về giả thuyết The Lover luôn chiến thắng trong cuộc chiến chiếm lấy trái tim nhân vật chính?

Còn tiếp…


4.6/5 - (163 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN