Vào đầu tháng 2 năm 2020, dự án Em và Trịnh công bố casting trên toàn quốc, đồng thời dự án cũng gây chú ý khi được đầu tư mạnh với kinh phí “khủng”, lên đến 50 tỷ đồng, kể về cuộc đời, sự nghiệp và những mối tình đi qua cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trước khi bắt đầu sản xuất đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng ekip Em và Trịnh đã phải dành ra hai năm trời để thu thập tất cả thông tin, tài liệu từ bạn bè và người thân trong gia đình của cố nhạc sĩ. Không những vậy, đạo diễn còn trực tiếp đi khảo sát, gặp gỡ và phỏng vấn với những người thân thiết nhất của ông để có một cái nhìn chân thật và tỉ mỉ nhất về người nghệ sĩ quá cố này. Với kho tư liệu khổng lồ, Phan Gia Nhật Linh cùng hai biên kịch là Nguyễn Thái Hà và Bình Bồng Bột đã bắt tay vào xây dựng câu chuyện.
Lý tưởng tạo nên chân dung của một người nghệ sĩ tài năng trong Em và Trịnh
Nhắc đến Trịnh Công Sơn mọi người luôn nhớ về người nhạc sĩ với chủ nghĩa lãng mạn đặc trưng, với những ca khúc được viết bằng cả trái tim chân thành, nhưng cuộc đời ông cũng gắn liền với một trong những giai đoạn biến cố chiến tranh ác liệt của đất nước. Thông qua trailer Em và Trịnh, người xem có thể phần nào cảm nhận được bối cảnh mà người nhạc sĩ tài ba này đồng hành cùng giới sinh viên, tri thức Việt Nam tham gia các hoạt động phản chiến.
Chàng thanh niên trông gầy gò, ốm yếu đấy có quan điểm rất rõ ràng: người nghệ sĩ phải cống hiến tài năng của mình, dùng lời ca tiếng nhạc để ủng hộ hòa bình và phản đối chiến tranh. Điều này cũng phản ánh tính cách con người của Trịnh Công Sơn. Ông yêu hòa bình, yêu cuộc sống và trái tim ông đầy lòng nhân ái, luôn khắc khoải về những phận người bé mọn giữa chiến tranh tàn khốc. Vì vậy mà các ca khúc ra đời trong khoảng thời gian này thường nói về thân phận con người trong chiến tranh và ca ngợi hòa bình.
Trailer Em và Trịnh như phác họa bức tranh trưởng thành của anh thanh niên Trịnh Công Sơn, từ khi bắt đầu có những tâm tư riêng tư, cho đến khi trở thành một cái tên đứng đầu nền Tân nhạc Việt Nam, mộtnhạc sĩ tài hoa mà nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa.
Nói về quá trình tìm kiếm nhân vật Trịnh Công Sơn, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tâm sự: “Chúng tôi bắt đầu việc tìm kiếm từ cuối năm 2019, tìm kiếm trên cả nước, đi ra Huế tìm cả những diễn viên chưa bao giờ đóng phim, qua rất nhiều vòng tuyển chọn. Đã có lúc tôi khá bế tắc và nghĩ rằng mình sẽ không thể tìm được một diễn viên như mong muốn”.
May mắn thay, giữa lúc đó Avin Lu đã rụt rè xuất hiện và bước vào phòng casting. Ban đầu, anh không tạo được ấn tượng gì nhiều với nhà sản xuất vì quá hồi hộp khi vừa bước vào đã gặp rất nhiều gương mặt sáng giá ở phòng casting. Chỉ sau khi cầm đàn lên và hát, Avin Lu mới khiến mọi người bất ngờ với hình ảnh đậm chất nghệ sĩ toả ra quanh mình một cách tự nhiên mà có lẽ khó có diễn viên nào thực hiện được.
Để thấu suốt nỗi cô đơn mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nếm trải, Avin Lu được “giao bài tập” khăn gói lên Đà Lạt sống một mình suốt 2 tháng trời. Ở đó, anh chỉ làm bạn cỏ cây, với kịch bản và những bài nhạc Trịnh. Hằng ngày, Avin tập hát, tập đàn, tập nói giọng Huế và luyện viết theo bút tích của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
Nhận vai chính Trịnh Công Sơn trong một phim điện ảnh kinh phí khủng vốn đã chẳng dễ dàng, phải hóa thân thành biểu tượng văn hóa được nhiều người yêu kính lại càng khó khăn hơn. Không cần nói cũng biết áp lực khủng khiếp mà chàng diễn viên trẻ Avin Lu phải gánh trên vai mình.
May mắn sao, trong khoảng thời gian “khổ luyện” ấy, Avin Lu luôn nhận được nhiều lời góp ý và ủng hộ tinh thần từ phía gia đình cố nhạc sĩ. Kết quả là sau khi trở lại, Avin như được “lột xác”. Nam diễn viên đã giảm 10 kg, thần thái rụt rè lúng túng cũng không còn, thay vào đó là một vẻ thâm trầm rất nghệ sĩ. Avin Lu chia sẻ rằng trải nghiệm hóa thân làm Trịnh Công Sơn không chỉ là một vai diễn mà còn có sức mạnh khiến anh thay đổi: trưởng thành hơn, kiên định với đam mê hơn.
Tình yêu tạo nên những giai điệu rung động hàng triệu con tim trong Em và Trịnh
“Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất.”
Trịnh Công Sơn là con trưởng trong một gia đình bố mẹ đều là người Huế, sau anh còn có 7 người em. Ngoài tài năng sáng tác nhạc, anh còn thích làm thơ và vẽ tranh. Thuở nhỏ Trịnh Công Sơn theo học trường Lycée Français và Providence ở Huế và bắt đầu sáng tác nhạc vào khoảng thời gian này nhưng chưa công bố tác phẩm nào.
Rung động đầu đời với Bích Diễm trong Em và Trịnh
“Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế…”
Đối với công chúng, Bích Diễm là một hình ảnh thơ mộng, liêu trai đến từ ca khúc Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cũng là mối tính đầu của người nhạc sĩ. Nàng là con gái lớn của gia đình ông Ngô Đốc Khánh – một ông giáo gốc Hà Nội rất nghiêm khắc (NSND Trọng Trinh) và người mẹ là người Hà Nội (NSƯT Chiều Xuân) rất đẹp và có tính cách nền nã dịu dàng.
Vậy nên một chàng trai chưa có bằng Đại học, tóc dài, dáng vẻ lãng tử không thể làm họ hài lòng. Bích Diễm lúc ấy dù biết tình cảm của Trịnh Công Sơn thì cũng không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để đáp lại.
Trong Em và Trịnh, nhân vật Bích Diễm cần toát lên vẻ đằm thắm, “vừa dịu dàng, vừa có một điều gì đó nổi loạn từ bên trong” mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh muốn tìm kiếm. Vậy nên trong thông báo casting, ekip muốn tìm một thiếu nữ người Huế gốc Hà Nội. Tuy nhiên, bất ngờ là trải qua 3 vòng casting với hàng nghìn ứng viên sáng giá từ khắp nơi, cuối cùng, Diễm của Em và Trịnh lại là gương mặt mới toanh đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm Nguyễn Lan Thy (sinh năm 1998) hiện là người mẫu ảnh và tham gia đóng quảng cáo cho một vài nhãn hàng nổi tiếng. Cô sở hữu vẻ đẹp đậm chất Á Đông, gương mặt thanh tú với đôi mắt biết cười, sống mũi cao, mái tóc đen dài. Trong trailer Em và Trịnh ta sẽ thấy hình ảnh một Bích Diễm thong dong dưới hàng cây long não xanh mướt đến đại học Văn Khoa, hay những bước vội qua cầu Phủ Cam tránh cơn mưa rào bất chợt ập tới, để lại một vệt trắng tinh khôi trên dòng nhạc phổ Diễm Xưa.
“Duyên chị, tình em” với Dao Ánh trong Em và Trịnh, mối tình tuổi trẻ sâu đậm với 301 bức thư
“Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời.”
Ngô Vũ Dao Ánh là em gái ruột của Bích Diễm. Và giống như chị, Ánh sống ở Huế nhưng vẫn nói bằng giọng Hà Nội, và cũng lớn lên trong sự quản giáo nghiêm khắc của gia đình. Trong phim, khác với một Bích Diễm lạnh lùng xa cách với Trịnh Công Sơn, Dao Ánh dường như đã phải lòng cậu học trò lãng tử từ những lúc chạm mặt đầu tiên. Để rồi khi chuyện với Bích Diễm không thành, Dao Ánh như một niềm ủi an qua những bức thư đầu tiên cho Trịnh Công Sơn. Từ đó hai người thường thư qua, tin lại cho nhau.
Khi cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho nàng thơ Dao Ánh chỉ vừa chớm nở, thì đấy cũng là lúc anh phải rời khỏi Huế, chuyển lên B’lao để dạy học. Kể từ đó, nhạc sĩ đều đặn gửi tâm tư và cả những chuyện vụn vặt vào những bức thư. Họ cùng nhau sẻ chia, lắng nghe và giãi bày. Mối tình thanh xuân của Trịnh Công Sơn – Dao Ánh chỉ kéo dài 4 năm nhưng nhưng nhạc sĩ đã gửi cho nàng 301 bức thư, còn nàng vẫn trân trọng từng trang giấy, từng bức vẽ, từng chiếc lá úa, hoa khô mà anh gửi tặng mãi đến tận ngày nay.
Trong phim Em và Trịnh, ta sẽ thấy hình ảnh Dao Ánh gắn liền với hoa hướng dương. Nếu như nét đẹp của Bích Diễm có cảm giác liêu trai hư ảo, thì Dao Ánh lại sở hữu vẻ xinh xắn, rạng rỡ. Cũng chính vì thế Trịnh Công Sơn thường âu yếm gọi nàng là “Ánh Hướng Dương” (Ánh Tournesol) tên loài hoa mà cả hai cùng yêu thích. Người thủ vai Dao Ánh trong phim Em và Trịnh là diễn viên Hoàng Hà, cô sẽ thể hiện nhân vật Dao Ánh từ lúc còn là cô bé 14 tuổi đến khi trở thành thiếu nữ 21 tuổi.
Gương mặt Hoàng Hà không quá xa lạ, mà là “người quen” trong MV Nàng Thơ – bản hit đình đám của Hoàng Dũng, và còn là cô gái vào vai thứ phi Mộng Điệp trong MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp của Hoà Minzy. Một dịp tinh cờ, đạo diễn phim Em và Trịnh đã quen biết Hoàng Hà khi cô tham gia khóa học diễn xuất ở Gặp Gỡ Mùa Thu nên đã khuyến khích Hà đi thử vai. Ngoại hình phù hợp, diễn xuất tự nhiên cùng giọng nói truyền cảm của cô bạn sinh năm 1996 này đã chinh phục đạo diễn.
Từng là một diễn viên lồng tiếng, không ngạc nhiên khi Hoàng Hà cũng sở hữu chất giọng tình cảm, đài từ tự nhiên. Hơn nữa để hóa thân vào vai Dao Ánh trong Em và Trịnh, Hoàng Hà đã giảm khoảng 2-3kg cũng như tập hát. Nữ diễn viên hào hứng chia sẻ: “Mình đã nhỏ nhắn rồi nhưng thiếu nữ những năm 1960 thì họ còn mảnh mai hơn nữa nên đạo diễn có gợi ý Hà giảm cân một chút. Bên cạnh đó, Hà cũng cần tập hát. Dao Ánh không phải ca sĩ như nhân vật Khánh Ly hay Thanh Thúy, nhưng cô ấy sẽ hát”.
Thanh Thúy, nàng thơ với ca khúc đầu tay Ướt Mi trong Em và Trịnh
“Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh, mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng.”
Dạo ấy, Thanh Thúy thường xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài thướt tha, mái tóc buông dài sau vai, đôi mắt sầu buồn và cất giọng hát mê hoặc người nghe, được xưng tụng là “người yêu trong mộng của cả một thế hệ”. Có thể nói, người say mê tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy nhiều vô số kể, trong đó có chàng sinh viên nghèo nhút nhát Trịnh Công Sơn.
Trong một buổi tối, Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Điều bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một cảm xúc thật mãnh liệt. Có lẽ khi ấy Thanh Thúy nhớ tới người mẹ với căn bệnh nan y đang mỏi mòn chờ mình trở về nhà trong con hẻm nhỏ. Những giọt nước mắt xúc động mà Thanh Thúy cố kìm giữ đọng lại trên hai hàng mi đen dài đã khiến Trịnh Công Sơn viết ca khúc đầu tay Ướt Mi điệu slow, với ca từ rất buồn, rất đẹp và tuyệt hay.
Ca khúc được chàng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rụt rè mang gửi tặng nàng ca sĩ. Có thể nói, ca khúc này chính là viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ giây phút Thanh Thuý mang Ướt Mi đến với công chúng, Trịnh Công Sơn từ một chàng nhạc sĩ vô danh đã từng bước trở thành một huyền thoại âm nhạc của người mộ điệu Việt Nam.
Vượt qua 3 vòng casting gắt gao và hàng ngàn thí sinh ở Huế, Nhật Linh đã khiến đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng ê kíp sững sờ vì không chỉ có ngoại hình trùng khớp mà giọng hát cũng mang dáng dấp của nữ danh ca. Cô gái 18 tuổi quyết định tham gia tuyển chọn trong một tâm thế nhẹ nhàng cùng chút tò mò về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đứng sau những ca khúc mà cha vẫn thường mở cho cô từ những ngày còn bé.
Dẫu có ngoại hình khá giống, nhưng giọng hát của danh ca Thanh Thuý chắc chắn là thử thách lớn nhất đối với Nhật Linh. Nhưng nhạc sĩ Đức Trí đã trấn an và huấn luyện Nhật Linh để cô dần trở nên tự tin hơn. Trong đêm nhạc tưởng niệm, cô thể hiện ca khúc “Thương một người” và cô gái xứ Huế đã nhận về sự ủng hộ của đông đảo khán giả yêu nhạc Trịnh có mặt tại đó, hứa hẹn sẽ tái hiện được một danh ca Thanh Thuý từng gieo thương nhớ vào lòng người hâm mộ.
Với Khánh Ly một tình yêu lớn hơn tình yêu trai gái, đó là tình yêu đối với một tri kỷ
“Anh vừa quen thêm một người bạn mới. Gương mặt cổ thật vui, nhưng giọng thật buồn, không phải cái buồn não nề quen thuộc, mà là cái buồn thật bình thản. Cô ấy là Mai…”
Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp từ năm 17 tuổi. Năm 1964, khi Lệ Mai đang hát tại hộp đêm hộp đêm Tulipe Rouge (Đà Lạt), cô đã gặp chàng nhạc sĩ có vẻ ngoài nho nhã Trịnh Công Sơn. Cả hai đã có nhiều kỷ niệm tại quán Café Tùng, chính quán nhỏ này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường ngồi, tập đàn hát cùng Khánh Ly bên ly cà phê nóng…
Trịnh Công Sơn từng ngỏ ý mời Lệ Mai về Sài Gòn cùng hát với mình nhưng cô từ chối. Mãi đến năm 1967, hai người tình cờ gặp lại ở Sài Gòn, rồi ngay tối hôm đó, họ có buổi biểu diễn chung đầu tiên tại Quán Văn. Tuy chỉ là quán lá sơ sài dựng tạm trên khoảng đất trống phía sau Đại học Văn khoa nhưng khi ấy Quán Văn đã trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn. Lệ Mai choáng ngợp vì quá đông người. Cô chưa từng đứng trước nhiều khán giả đến thế.
Buổi diễn đến quá đột ngột nên lúc ấy Lệ Mai còn chưa nhớ nhạc, cũng chẳng thuộc lời, hát trật lên trật xuống. Cô sợ quá phải vịn vai Trịnh Công Sơn nhưng lại bị ông mắng: “Đứng hát cho đàng hoàng”. Lúc bấy giờ Khánh Ly bèn cởi giày, đi chân đất như hồi còn chạy lông nhông ở Đà Lạt để lấy lại bình tĩnh. Nhờ vậy, nàng đã bình tĩnh để trình bày hết khoảng 30~40 bài nhạc Trịnh suốt cả tối. Không ngờ, buổi biểu diễn đó gây tiếng vang lớn. Danh hiệu “Nữ hoàng chân đất” cũng ra đời từ đó.
Lệ Mai đổi nghệ danh thành Khánh Ly – được ghép từ tên hai nhân vật Khánh Kỵ và Yêu Ly trong Đông Chu liệt quốc. Từ đây, Trịnh Công Sơn và cô bắt đầu một trong những sự hợp tác nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
So với các nàng thơ khác như Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh thì Khánh Ly là nhân vật có độ nhận diện cao về cả ngoại hình lẫn chất giọng. Người thủ vai Khánh Ly không chỉ cần ngoại hình, diễn xuất phù hợp mà còn phải hát thật hay, sở hữu khí chất gợi nhớ đến nữ danh ca được bao thế hệ mến mộ. Nhân vật Khánh Ly trong Em và Trịnh sở hữu ngôn ngữ âm nhạc đặc biệt, dáng vẻ bên ngoài tưởng chừng mạnh mẽ, ngang tàng nhưng nội tâm lại dễ bị tổn thương… phảng phất gợi nhớ danh ca Khánh Ly ngoài đời.
Sự xuất hiện của Bùi Lan Hương chính là lời giải hoàn hảo cho bài toán hóc búa đó. Cô được mời đến thử vai và sau 5 vòng casting, Bùi Lan Hương chính thức trở thành nàng thơ thứ tư của Em và Trịnh. Trước đó, đạo diễn chưa từng biết đến Bùi Lan Hương, vậy mà trong lần đầu xem cô diễn vài phân cảnh, anh đã lập tức bị cuốn hút bởi thần thái của nữ ca sĩ gốc Hà Nội này. Cô chính là Khánh Ly mà anh tìm kiếm chứ không phải ai khác.
Quá trình casting khá suôn sẻ không đồng nghĩa với hành trình nhập vai cũng nhẹ nhàng thế. Ngoài việc tìm hiểu về nhân vật, đọc hồi ký Khánh Ly và ngâm cứu kịch bản, Bùi Lan Hương còn thay đổi cách hát cho phù hợp. Bên cạnh đó, cô đã cạo sạch cặp chân mày thật để vẽ đôi mày lá liễu cong cong đặc trưng của danh ca Khánh Ly. Bùi Lan Hương cũng là diễn viên duy nhất trong đoàn phải “hi sinh” chân mày thật vì vai diễn. Nhưng điều khó khăn hơn cả chính là tập hút thuốc, vì Hương bị xoang và không quen mùi khói thuốc.
Sau khi Em và Trịnh hé lộ tạo hình và giọng hát nhân vật Khánh Ly trong trailer, phản ứng tích cực từ phía khán giả đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của ê kíp và là chút hồi báo nho nhỏ cho những nỗ lực nhập vai “Nữ hoàng chân đất” của Bùi Lan Hương. Có thể nói, vai diễn điện ảnh đầu tiên này là một sự bứt phá đáng trông đợi của cô.
Michiko Yoshii nàng thơ với tình yêu lớn dành cho nhạc Trịnh
Michiko Yoshii là một cô gái trẻ người Nhật duyên dáng và trong trẻo. Cuối thập niên 80, khi đang là sinh viên học tại Pháp, Michiko có một luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Trong chuyến đến Việt Nam tìm tư liệu làm luận án, Michiko có dịp gặp được Trịnh Công Sơn, khi ấy ông đã gần 50 tuổi. Michiko rất yêu nhạc Trịnh và hầu như cô thuộc hết tất cả các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Chính vì điều đó mà nhạc sĩ họ Trịnh vô cùng xúc động và trân quý Michiko. Cả hai không những đồng điệu trong tâm hồn mà còn là đôi tri kỷ trong âm nhạc.
Em và Trịnh cũng hé lộ danh tính diễn viên vào vai nàng thơ Michiko Yoshii là Nakatani Akari – một YouTuber người Nhật sinh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 6 năm. Khi nhận được lời mời thử vai Michiko trong Em và Trịnh, Nakatani Akari cho biết cô hết sức ngạc nhiên vì bản thân chưa hề có kinh nghiệm diễn xuất. Tuy nhiên, vì tưởng đây chỉ là dự án phim ngắn hoặc MV ca nhạc nên người đẹp Nhật Bản cũng muốn thử sức. Chỉ khi đến casting xong, Akari mới biết đây là dự án phim lớn về một tượng đài âm nhạc của Việt Nam…
Em Và Trịnh đã phục dựng rất nhiều bối cảnh của bộ phim trong khoảng thời gian từ 1960-1990 nhằm tái hiện lại các sự kiện một cách chân thật nhất, ekip 100 người đã ghi hình các bối cảnh từ Huế, Đà Lạt, Tà Năng, Đồng Nai, cho đến Thành phố Hồ Chí Minh…
Nhà sản xuất đã không ngại tốn kém cho các đại cảnh hoành tráng ở Nhà hát lớn Thành Phố, Nhà văn hóa Thủ Đức. Gần 1000 diễn viên quần chúng được huy động, nhiều con đường được chặn lại và sửa sang theo phong cách thập niên 80-90. Các đạo cụ, thiết kế và phục trang được chăm chút tỉ mỉ để khơi gợi hoài niệm Sài Gòn thời ấy.
Theo: koicine.com