- Thể loại: JRPG, Adventure, Fantasy, Singleplayer, Hack and Slash
- Ngày ra mắt: 24 Apr, 2020
- Nhà sản xuất: Square Enix
- Nhà phát hành: Square Enix
Mục lục
Tựa game được Divine lựa chọn để đánh giá lần này là một cái tên quen mà lạ. Đó chính là Trials of Mana đến từ Square Enix.
https://www.youtube.com/watch?v=N09PAEkNSP8
Dòng game Mana, ở Nhật có tên là Seiken Densetsu, thực tế ban đầu là một spin-off của series Final Fantasy. Tựa game đầu tiên được đặt tên là Final Fantasy Adventure và sau đổi lại tên là Sword of Mana, cho tới khi Squaresoft quyết định tách dòng game này ra khỏi Final Fantasy từ phiên bản Seiken Densetsu 2 (hay Secret of Mana). Khi Seiken Densetsu 3 ra mắt trên hệ máy Super Famicom vào vào năm 1995, hệ máy này đã ở gần cuối vòng đời của nó và Squaresoft có nhiều thứ cần đổ tiền vào hơn là việc đưa tựa game này tới thị trường trời Tây. Vì vậy mà nó chưa bao giờ được ra mắt ở ngoài Nhật Bản, cho tới tận năm ngoái, khi tựa game được gộp vào Collection of Mana trên Nintendo Switch và được đặt tên là Trials of Mana.
Remake để thêm vào những mảnh ghép còn thiếu
Đối với những người hâm mộ lâu đời của dòng Mana thì chắc chắn điều đầu tiên mà bạn nhận ra đó là game hoàn toàn được làm lại hoàn toàn bằng 3D. Square Enix đã làm mọi cách để mọi vật trong thế giới này vừa gợi lên kỷ niệm một thời xa xưa cho những người chơi cũ, đồng thời cũng có thêm vài thứ mới để họ mong chờ, điều này được thể hiện rất rõ ràng từ tạo hình nhân vật cho đến bản nhạc của game.
Trong Trials of Mana, gần như mọi chi tiết ở bản gốc được giữ nguyên ở bản remake này. Ngoài ra, những cảnh đáng nhớ trong bản gốc giờ đây cũng đã được được tái hiện với đồ họa hiện đại, bố trí các góc quay đầy đủ và diễn viên lồng tiếng đã làm nhân vật của mình sống dậy trong từng cuộc đối thoại.
Cốt truyện được chia nhánh theo góc nhìn của mỗi nhân vật
Khác với bản làm lại của Sword of Mana, Trials of Mana hầu như giữ nguyên cốt truyện của phiên bản gốc. Ban đầu, người chơi sẽ được chọn một nhân vật chính và hai nhân vật hỗ trợ từ 6 nhân vật chơi được và mạch truyện của trò chơi sẽ khác hoàn toàn tùy vào lựa chọn của bạn. Nếu bạn chọn Duran hoặc Angela làm nhân vật chính bạn sẽ được thưởng thức một mạch truyện, nếu bạn chọn Hawkeye hoặc Riesz bạn sẽ được trải nghiệm một mạch truyện khác hẳn, và nếu bạn chọn Charlotte hoặc Kevin bạn sẽ lại được chứng kiến một mạch truyện khác nữa. Ngoài ra, khi gặp những nhân vật hỗ trợ này, bạn sẽ còn được chơi một cảnh flashback, giúp bạn hiểu rõ hơn về quá khứ và động cơ của họ.
Như vậy, giá trị chơi lại của Trials of Mana có thể sẽ rất cao, khi người chơi muốn thưởng thức cốt truyện một cách hoàn chỉnh. Nhân tiện, các bạn cũng không cần biết về hai tựa game trước để hiểu cốt truyện của Trials of Mana, do dòng game này có cấu trúc giống hệt Final Fantasy: mỗi tựa game là một cốt truyện riêng biệt, chỉ chia sẻ một số yếu tố.
Thay đổi về đồ họa
Mặc dù ý tưởng ban đầu của game là 1 Spin-off cho Final Fantasy. Nhưng game lại được họa sĩ Akira Toriyama chắp bút cho các nhân vật vì vậy không có gì lạ khi bạn sẽ nhầm đây là 1 phần của series Dragon Quest. Không theo đuổi nền đồ họa siêu thực như Final Fantasy VII, Trials of Mana đi theo con đường của Dragon Quest XI với phương thức đổ bóng viền và được tô sắc màu rực rỡ, khiến người chơi như lạc vào một bộ phim hoạt hình đẹp đẽ.
Nhờ vậy, cảnh quan của tựa game vô cùng sống động và những địa điểm như khu rừng Rabite thực sự trở nên sinh động chứ không còn là những “hành lang” như phiên bản gốc. Một thay đổi đáng kể khác trong lối chơi là sự xuất hiện của chỉ dẫn, và điều này thực sự là “con dao hai lưỡi”. Một mặt, người chơi sẽ không còn phải tốn thời gian đi quanh thành phố nói chuyện với từng người để biết được mình cần làm gì, chỉ cần đi theo ngôi sao chỉ dẫn to đùng trên bản đồ là có thể tiếp bước cốt truyện.
Điều này sẽ giúp những người chơi mới dễ tiếp cận hơn với game nhưng vô hình chung điều đó cũng khiến người chơi sẽ khó lòng tìm được cảm giác “lạc trong thế giới rộng lớn” cũng như cảm giác tìm tòi khám phá, mà sẽ cảm thấy trò chơi giống như một đường thẳng đi từ A đến B gò bó người chơi giống như điều mà Final Fantasy VIII đã từng làm.
Cải tiến về gameplay
Bên cạnh việc chuyển toàn bộ dàn nhân vật của mình từ 2D sang dạng 3D, Trials of Mana cũng đã mang đến một số thay đổi đến lối chơi. Đầu tiên chính là trò chơi không còn giữ góc nhìn top-down view mà lại đổi thành góc nhìn thứ ba. Tiếp đến, mọi nhân vật có thể sử dụng hai loại đòn tấn công: đánh thường và đánh mạnh, điều này cho phép bạn phối hợp giữa hai nút này để có thêm nhiều chuỗi đón đánh, với các tác dụng khác nhau. Bằng cách tấn công kẻ địch với hình thức này, bạn sẽ nhặt được những mẩu thủy tinh làm đầy thanh CS (Class Strike) của mình.
Đúng với tên gọi, khi bạn làm đầy thanh này thì có thể sử dụng một trong những tuyệt chiêu đặc biệt của nhân vật mà bạn đang chọn, ban đầu mỗi nhân vật chỉ có một kỹ năng CS nhưng trong quá trình chơi, bạn có thể unlock được thêm nhiều loại CS khác. Một cải tiến khác của game là về các Training Points nay đã ảnh hưởng nhiều hơn trong quá trình phát triển nhân vật chứ không hề mờ nhạt như bản gốc.
Vẫn là một lối chơi cổ điển và thuần túy của dòng Mana nhưng không phải tất cả đều được giữ lại. Trong phiên bản gốc, sau mỗi nhát chém thì sẽ có một khoảng thời gian “hồi chiêu” khiến bạn không thể làm gì cả ngoài di chuyển né đòn, khiến cho tựa game này gần như là đánh theo lượt. Nhưng ở phiên bản làm lại, người chơi sẽ có thể đánh liên tục mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên điều đó cũng khiến tốc độ của trận đấu được đẩy lên cao hơn thay vì phải chờ đợi và chạy lòng vòng đợi để spam chiêu như trước.
Ngoài ra, trò chơi còn giới thiệu thêm về Chain Abilities, đây cũng chính là các kỹ năng bị động nhưng bất kỳ thành viên nào trong nhóm cũng có thể sử dụng và không quan trọng nhân vật nào “mở khóa”. Điều khiến những kỹ năng này thú vị hơn bình thường chính là chúng có thể được học không chỉ bằng việc thêm vào điểm, mà thay vào đó nó giống như 1 phần thưởng được ẩn đi nếu người chơi chịu dành thời gian ra đi lục lọi mọi ngóc ngách để tìm kiếm nó.
Việc thay đổi class cho phép các thành viên trong nhóm được thêm nhiều kỹ năng mới, đồng thời biến đổi chỉ số nhân vật một cách rõ rệt. Vì vậy việc lựa chọn để thay đổi sẽ phải vô cùng kĩ lưỡng và cẩn thận. Đối với bản gốc, bậc ba là lần cuối bạn có thể thay class của nhân vật nhưng trong phiên bản này, bạn có thể nâng cấp thành viên của mình lên bậc mạnh nhất chỉ sau khi hoàn thành cốt truyện. Mỗi nhân vật có tổng cộng bốn bậc nâng cấp, người chơi được phép thay đổi lần đầu khi lên cấp 18, tại đây bạn có thể nâng cấp từ bậc đầu tiên lên bậc thứ hai theo hai hướng: Dark và Light. Để có thể tiếp tục tiến hóa lên bậc ba, bạn phải lên cấp 38 và sở hữu một món đồ nâng cấp được lấy từ các Seed.
Âm nhạc vẫn mang màu sắc cổ điển
Seiken Densetsu 3 là một trong những tựa game có âm nhạc hay nhất nền tảng Super Famicom. Và Trials of Mana sẽ được thừa kế toàn bộ “di sản” này. Người chơi sẽ có thể chọn lựa giữa “bản làm lại” âm nhạc với công nghệ mới, hoặc tận hưởng những âm thanh du dương của phiên bản gốc.
Nhưng âm thanh không phải là điểm sáng của game khi số lượng soundtrack của game khá nghèo nèn mặc dù chất lượng của chúng chỉ ở mức khá. Là một tựa game xuất xứ từ đất nước của Seiyuu, vì vậy phần lồng tiếng của game được đầu tư khá kĩ lượng. Các seiyuu tham gia lồng tiếng vô cùng quen thuộc như Duran được lồng bởi Takuya Eguchi (Vane trong Granblue Fantasy: Relink, Haar trong Fire Emblem Heroes) Ries được lồng tiếng bởi Mikako Komatsu (Selesia Upitiria trong Re:CREATORS, Lancer /Valkyrie Hildr trong Fate/Grand Order) Angela được lồng tiếng bởi Rumi Okubo (Kimi Todo trong Fruit Basket 2019, Kotetsu trong Tsugumomo) .v.v.v
Tạm kết
Những gì Trials of Mana đem lại là một cảm giác hoài cổ từ những tựa game 16bits xưa cũ. Nhưng những thay đổi về mặt đồ họa và gameplay khiến game được thay đổi và tiếp cận được với nhiều game thủ hơn. Một cốt truyện Fantasy xưa cũ, không quá khó để hiểu , gameplay JRPG thuần túy nhưng không quá rắc rối, tất cả tạo nên 1 tựa game remake đem về nhiều kỉ niệm của các game thủ 8X.
Không phải là 1 series xuất sắc hay nổi tiếng, Trials of Mana vãn có 1 chỗ đứng riêng của mình trong lòng người hâm mộ. Những thay đổi mà Trials of Mana đem đến có người khen kẻ chê nhưng những thay đổi mà game muốn hướng tới là sự hoàn thiện hơn, là cải tiến những gì mà tựa game gốc chưa làm được. Trials of Mana vẫn hấp dẫn những người mới như tôi, những người chưa được chạm tay vào bất kì một phần game tiền nhiệm nào của series bằng một cốt truyện hấp dẫn cùng đồ họa đẹp mắt cũng không kém phần quen thuộc đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều fan hâm mộ Dragon Ball.