Phải nói rằng mùa phim Tết Giáp Thìn nhộn nhịp hơn năm ngoái ngay cả trước khi mùa phim thực sự bắt đầu. Sự đa dạng thể loại của các bộ phim năm nay là một tín hiệu đáng mừng, dù điều đó chỉ diễn ra ngắn ngủi.
Một số sẽ nhận xét mùa phim lần này khá bất ổn với những quyết định dời lịch đột ngột. Tất nhiên, không thiếu những lời bình, nhận xét khen chê lẫn lộn. Nhìn chung, mùa phim Tết 2024 là tổ hợp của ngạc nhiên và quyết định dễ hiểu. Từ đó là những bài học đáng nhớ.
Mục lục
Mùa phim Tết 2024: Thời điểm làm nên thành công
Trong những mùa phim Tết gần đây, bắt đầu khi Trấn Thành dấn thân làm phim, điện ảnh Việt Nam cũng có những kỷ lục, nhưng mỗi lần Trấn Thành làm một bộ phim mới, những kỷ lục cũ sẽ bị phá vỡ.
Trong khi đó, dù chiếu sớm trước một tuần, Gặp Lại Chị Bầu ban đầu đạt doanh thu mở màn 9 tỷ, nay đã có dấu hiệu chậm lại và đến sáng ngày 19.02, phim đạt 61 tỷ đồng.
Mùa phim Tết năm nay cũng có chút tiếc nuối. Gặp Lại Chị Bầu chiếu sớm không bất thường bằng Sáng Đèn và Trà lần lượt rời khỏi đường đua, hẹn gặp khán giả vào một ngày không xa. Trà có thể không áp lực doanh thu, nhưng quyết định trên khiến Sáng Đèn thiệt hại không nhỏ, ví như chiến dịch quảng bá phải thực hiện lại từ đầu vào thời điểm chiếu mới.
Từ đây, bức tranh phim Tết lại trở lại hai gam màu lẻ loi và quen thuộc. Ước mơ về một mùa phim đa dạng vẫn là một giấc mơ xa vời. Nhưng tình trạng này phần nào được dự báo trước. Nhồi nhét 4 bộ phim Việt vào một khoảng thời gian ngắn như Tết Nguyên Đán là quá nhiều.
Lựa chọn thời điểm ra mắt đã trở nên quan trọng ra sau khi nhìn vào mùa phim vừa qua. Lật Mặt là một ví dụ điển hình khi ra mắt phim tại những ngày lễ 30.04 và 01.05 – ít cạnh tranh và tranh thủ thời gian hiệu quả.
Sáng Đèn, Trà: Hiểu rõ đối thủ và khán giả rất quan trọng
Thành thật mà nói, một mùa phim Tết đa dạng thể loại là một điều quá hiếm hoi, nhưng quyết định của nhà sản xuất thì lại dễ hiểu, nhiều khi là đoán trước được phần nào. Với câu chuyện cải lương điện ảnh như Sáng Đèn, ngoại tình thô như Trà, thật khó để tưởng tượng 2 bộ phim trở thành lựa chọn hàng đầu đối với khán giả ngày Tết.
Sáng Đèn là một phim được đầu tư kỹ lưỡng và thực hiện với trái tim hướng về nghệ thuật cải lương cùng các nghệ sĩ của nó. Tuy nhiên, như cải lương đang chật vật để kết nối với khán giả, Sáng Đèn hiện lên xa vời, một chút lạ lẫm, và khá buồn đối với không khí ngày Tết.
Còn đối với Trà – bộ phim chỉ thu về hơn 1 tỷ khi khởi chiếu – nguyên nhân đã quá rõ ràng. Tạm gác câu hỏi về chất lượng sang một bên. Chủ đề ngoại tình và tiểu tam là một chủ đề quen thuộc đến mức bội thực trong điện ảnh. Nếu đạo diễn Lê Hoàng tìm được một hướng tiếp cận hào hứng hơn để làm phim Trà, mọi thứ đã dễ dàng hơn cho khán giả.
Bộ phim cũ kỹ và sáo mòn như Trà như thể bắt người xem ăn bánh trung thu trong Tết Nguyên Đán vậy – đã lạc lõng lại còn không ngon.
Đặt cạnh hai bộ phim có chủ đề không mấy liên quan đến Tết nhưng mang tính “bắt sóng” với đa thế hệ như Gặp Lại Chị Bầu và Mai, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được quyết định rút lui của Sáng Đèn và Trà. Tình hình không thuận lợi là càng không thể cưỡng cầu. Trà và Sáng Đèn nếu rút lui hôm nay vẫn có thể tranh thủ những “ngách” trong đợt sau.
Mai, Trà: Thành bại không tại 18+
Không có gì sai khi làm một bộ phim “18+”, nhưng đó phải là bộ phim mà đối tượng khán giả ấy có thể thưởng thức. Mai không còn là một bộ phim đại trà như Nhà Bà Nữ và Bố Già nữa. Nhưng phim của Trấn Thành có thể bắt sóng tốt hơn và tạo ấn tượng bằng chuyện tình của Mai dù bộ phận khán giả đã eo hẹp.
Thật ra, Trà cũng hướng đến bộ phận khán giả trưởng thành như thế. Cách thực hiện đã khiến hai phim có kết quả khác nhau vô cùng.
“18+” – nhãn phim khiến nhiều người phải cau mày mỗi khi xuất hiện ở phim Việt nào. Nó được coi là một chiêu trò câu khách rẻ tiền, nhất là khi được dùng để “bù trừ” cho phần kịch bản yếu kém. Đó là những gì diễn ra với Trà. Có lẽ đạo diễn Lê Hoàng không có ý định lạm dụng cảnh nóng như thế, nhưng bộ phim lại thể hiện điều đó với kịch bản chắp vá, vừa lủng củng lại vừa lê thê.
Mai lại hoàn toàn trái ngược. Vẫn là nhãn “18+”, cách làm lại khéo léo hơn. Mai vẫn có yếu tố người lớn, nhưng mạch truyện liên kết chặt chẽ, mạch cảm xúc ổn định với sự mùi mẫn được tiết chế. Trọng yếu hơn là là yếu tố 18+ không lấn át chuyện tình chính của cặp đôi Phương Anh Đào và Tuấn Trần, mà đóng vai trò phụ trợ và xuất hiện một cách tự nhiên.
Đơn giản là hai người nam nữ chính trong phim vốn là hai người lớn yêu nhau. Còn ở Trà, cảnh nóng và 18+ được dùng cho mục đích gây sốc và các khung hình thiếu tính nghệ đã thể hiện điều đó bất chấp ý định của đạo diễn, tạo nên những khung cảnh gai người theo nghĩa không mấy hay ho.
Thêm vào đó, câu chuyện đầy chắp vá và lộn xộn đã cộng hưởng với cảnh nóng vô hồn và diễn xuất cường điệu để làm nên một bộ phim không hợp nhãn các khán giả chút nào. Thật trớ trêu làm sao, Trà có thể là bộ phim thảnh thơi nhất hiện tại theo lời đạo diễn Lê Hoàng, vì bộ phim vốn là một dự án kinh phí thấp.
Mai: Chất lượng vẫn là chất lượng
Nhìn vào các con số và tình hình phòng vé, Trấn Thành chắc chắn bỏ túi thêm một thành công trăm tỷ nữa. Thành công lần này cũng không khỏi vướng phải nhiều điểm dấu chấm hỏi – trọng yếu có lẽ là liệu Mai thành công nhờ vào việc chiếm quá nhiều suất chiếu? Đánh giá một cách khách quan, phim Mai hoàn toàn không phải một cú ăn may nhờ hoàn cảnh. Đúng hơn là bộ phim là thành quả của thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Về cơ bản, hai câu chuyện của hai bộ phim mang nhiều điểm tương đồng, đều là chuyện đời thường, kể về hai người phụ nữ mang số phận hẩm hiu, lận đận tình cảm, gặp được người mình yêu trong tình huống oái oăm. Nhưng cách kể của Mai lại lớp lang và phân tầng cảm xúc, đời hơn một bộ phim hơi hướng thanh xuân như Gặp Lại Chị Bầu. Ngược lại, bộ phim có Anh Tú và Diệu Nhi lại đơn giản, mỏng, dễ xem và không đọng lại lâu.
Trấn Thành được đánh giá là không thể làm phim nghệ thuật và tham lấy nước mắt khán giả, nhưng không thể phủ nhận, anh nắm bắt chủ đề rất chuẩn, đảm bảo có thể đưa câu chuyện đến với nhiều đối tượng khán giả.
Mai lần này được thể hiện dưới góc nhìn 18+, trưởng thành, mang tính đời vào khung hình. Các cảnh quay không quá độc đáo nhưng cốt truyện khiến người ta suy nghĩ và cảm nhận về những ngụ ý lẫn phân tầng ý nghĩa. Đặc biệt hơn là bộ phim cho thấy sự tiết chế và điều chỉnh của Trấn Thành ở cương vị đạo diễn.
Về yếu tố thiên thời và địa lợi, bộ phim có nhiều suất chiếu hơn không đảm bảo nó sẽ thành công. Không có cốt truyện tương đối hay thì dù chiếm lĩnh các khung giờ vàng vẫn không được khán giả chấp nhận.
Không có điểm để khen thì chiến dịch quảng bá kỳ công đến mấy, tính truyền miệng đủ lớn để kéo thêm người xem trong thời đại yêu cầu và nhu cầu của khán giả đã thay đổi nhiều trong năm qua.
Mai không phải siêu phẩm. Phim cũng không phải một dự án dưới trung bình. Mai tiến bộ hơn Nhà Bà Nữ và Bố Già – đó là điều không thể bàn cãi. Đó đã trở thành yếu tố chống lưng cho phim. Chất lượng vẫn hơn, và các yếu tố đó đã cho phép Mai dẫn đầu phòng vé dịp Tết. Hiện tại, phim Mai cùng rất nhiều bộ phim mới đã và đang có mặt tại tất cả cụm rạp trên toàn quốc để phục vụ khán giả, xem lịch chiếu nhanh nhất tại Moveek và mua vé xem phim vô cùng dễ dàng.
So sánh 3 bộ phim đầu tay của Trấn Thành
Mai chính thức là bộ phim ghi tên vào bộ 3 tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trấn Thành.
Theo: Moveek.com