Nhắc đến Thanh Gươm Diệt Quỷ (Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba), khán giả sẽ nghĩ ngay đến câu chuyện về một cậu thiếu niên tên Tanjiro trong hành trình trở thành kiếm sĩ diệt quỷ cùng cô em gái của mình là Nezuko sau khi cả gia đình họ bị sát hại. Cho đến thời điểm hiện tại, sức nóng của phim vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, vào ngày 22.03 tới đây, phần 3 của bộ anime ăn khách nhất nhì Nhật Bản dự kiến được trình làng với khán giả Việt Nam qua tên gọi Thanh Gươm Diệt Quỷ: Đường Đến Làng Rèn Gươm. Đây sẽ là chặng đường tiếp theo của Tanjiro sau trận chiến cùng anh em quỷ Thượng Huyền Lục Gyuutarou và Daki tại Phố Đèn Đỏ. 

 

Thanh Gươm Diệt Quỷ: Đường Đến Làng Rèn Gươm công chiếu vào ngày 22.03
Thanh Gươm Diệt Quỷ: Đường Đến Làng Rèn Gươm công chiếu vào ngày 22.03

 

Để một tác phẩm được đánh giá là thành công, bên cạnh sự xuất sắc về kịch bản thì việc thiết lập tuyến nhân vật hấp dẫn cũng được xem là bước đi không thể thiếu. Ngày nay, khuynh hướng tạo hình cho các nhân vật anime thường là gắn liền chúng với những khuyết điểm của con người. Nổi bật nhất trong số đó chính là hình tượng Denji trong siêu phẩm Chainsaw Man. Nhân vật được xây dựng là một đứa trẻ bất cần đời, với tính cách kệch cỡm và thậm chí còn không có lòng tự trọng. Vì cơ bản không ai trên đời là hoàn hảo nên với cách làm này, tác giả đã phần nào khéo léo trong việc thắt chặt sợi dây nối kết giữa nhân vật và người xem. Khi ấy, khán giả sẽ dễ nảy sinh sự đồng cảm dành cho nhân vật. 

 

 

Tuy là tuyến nhân vật cũ nhưng Tanjiro vẫn được công chúng hết lòng đón nhận
Tuy là tuyến nhân vật cũ nhưng Tanjiro vẫn được công chúng hết lòng đón nhận

 

Trái với cách làm trên, tác giả của Thanh Gươm Diệt Quỷ là Gotouge Koyoharu lại quyết định khắc họa Tanjiro theo công thức cũ, tức nghĩa nhân vật khi ấy gần như hoàn hảo về mọi mặt. Điều này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp qua tượng đài Son Goku trong loạt phim Bảy Viên Ngọc Rồng. Tuy nhiên, dù lặp lại những gì đã có nhưng không hẳn là đi theo lối mòn mà với Thanh Gươm Diệt Quỷ, điều này được xem là thiết yếu. Nhưng trước tiên, hãy cùng nhìn qua đôi nét về Tanjiro và tìm hiểu nguyên nhân vì sao gọi Tanjiro là nhân vật đi theo khuôn khổ để rồi sau đó lý giải nguyên do mà tác giả Gotouge Koyoharu lại chọn hướng đi này.

1. Thiên tài 

Tài năng thiên bẩm của Tanjiro xuất hiện lần đầu tiên trong Thanh Gươm Diệt Quỷ là lúc cậu ra sức cứu Nezuko. Chính hành động vung rìu đã phần nào khiến Thủy Trụ Giyuu thay đổi cách nhìn. Khi đó, Tanjiro dù vẫn chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp nhưng với những kỹ năng ấy thì khán giả có thể dễ dàng nhận ra tiềm năng về cậu bé này. 

 

Thử thách cuối cùng danh cho Tanjiro trước khi bước vào cuộc tuyển chọn thành viên Sát Quỷ Đoàn
Thử thách cuối cùng danh cho Tanjiro trước khi bước vào cuộc tuyển chọn thành viên Sát Quỷ Đoàn

 

Sau thảm kịch gia đình, Tanjiro đã hạ quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một kiếm sĩ diệt quỷ. Sau những nỗ lực ngày đêm luyện tập, Tanjiro đã vượt qua được cuộc tuyển chọn cuối cùng và trở thành một trong số những thành viên của Sát Quỷ Đoàn. Trước Tanjiro, đã có không ít học trò của cựu Thủy Trụ Sakonji tham gia vào cuộc tuyển chọn nhưng hầu hết họ đều bị mất mạng. Còn ở Tanjiro, sự quay trở về của cậu tuy là một tin mừng nhưng đồng thời chính điều này cũng đã dấy lên một số câu hỏi xoay quanh năng lực thật sự của cậu.

Để có thể sống sót sau cuộc thi, kiếm sĩ buộc phải đạt đến một trình độ nhất định, và nó được đánh đổi bằng thời gian luyện tập của họ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm khổ luyện, Tanjiro đã có thể hạ gục hàng loạt con quỷ tại nhà tù hoa tử đằng, vượt qua khỏi Sabito, học trò giỏi nhất của cựu Thủy Trụ. Với quãng thời gian ngắn ngủi như thế, bên cạnh việc chăm chỉ thì ngay từ đầu, chính Tanjiro cũng là một người có tài năng thiên bẩm. 

 

Tanjiro trong điệu múa Hỏa Thần
Tanjiro trong điệu múa Hỏa Thần

 

Ngoài ra, khả năng thiên tài của cậu còn được thể hiện qua cách Tanjiro sử dụng điệu múa Hỏa Thần. Bằng kí ức của mình về người cha quá cố, trong trận chiến cùng Hạ Huyền Ngũ, Tanjiro đã có thể tái hiện lại điệu múa Hỏa Thần. Nhưng để sử dụng một cách thuần thục, tất nhiên cậu phải cần siêng năng luyện tập.

2. Khứu giác nhạy bén 

Khứu giác của Tanjiro rất nhạy bén, chính điều này đã trở thành lợi thế khi nó giúp cho Tanjiro có thể phân biệt được mùi của mọi thứ, đặc biệt là sự khác nhau giữa quỷ và người. Đã hai năm kể từ khi gia đình Tanjiro bị sát hại nhưng giữa thành phố đông người, Tanjiro vẫn có thể nhận ra mùi hương của chúa quỷ Muzan.

 

Chúa quỷ Muzan trong lần chạm trán bất ngờ với Tanjiro
Chúa quỷ Muzan trong lần chạm trán bất ngờ với Tanjiro

 

Tuy nhiên, phần đặc sắc vẫn chưa dừng lại ở đó khi khứu giác của Tanjiro còn có thể ngửi thấy cảm xúc của người khác. Điển hình nhất là với Trùng Trụ Kochou Shinobu. Dù đã cố gắng che giấu cảm xúc thật của mình bằng một gương mặt giả tạo nhưng thực tế, lòng thù hận của cô đối với quỷ lại rất mãnh liệt và điều này vô tình bị phát giác bởi Tanjiro. 

3. Không thể nói dối

Trung thực là một đức tính tốt nhưng trong một số trường hợp, chính sự thật thà của Tanjiro lại khiến cho cậu gặp phải không ít rắc rối. Đặc điểm này được thể hiện rõ nét nhất trong phần phim Phố Đèn Đỏ khi Tanjiro trà trộn vào bên trong kỹ viện để tìm kiếm tung tích về Thập Nhị Quỷ Nguyệt. Mỗi lần nói dối, gương mặt của Tanjiro lại trở nên biến sắc một cách kì lạ và đây cũng được xem là điểm yếu của cậu. 

 

 

Nét mặt của Tanjiro khi nói dối
Nét mặt của Tanjiro khi nói dối

 

4. Yêu thương gia đình 

Ngay từ mở đầu đầu phim, Tanjiro đã cho khán giả thấy được hình ảnh của một người anh cả trong gia đình. Mặc kệ đường đi nguy hiểm vì có tuyết, Tanjiro vẫn muốn được đi bán than vì với cậu, điều này sẽ giúp cho cả nhà được no bụng trong dịp năm mới. Thế nên, mất đi gia đình, Tanjiro như mất đi tất cả khi chỗ dựa tinh thần duy nhất của mình đã không còn nữa.

Bên cạnh đó, vì hết mực yêu thương em nên ngay cả khi Nezuko biến thành quỷ, cậu vẫn ra sức bảo vệ cô dù cho trước mặt có là Trụ Cột hay Thập Nhị Quỷ Nguyệt. Tanjiro có thể bất chấp tất cả, ngay cả tính mạng của mình để giữ an toàn cho Nezuko. 

 

Bằng mọi cách, Tanjiro luôn bảo vệ Nezuko
Bằng mọi cách, Tanjiro luôn bảo vệ Nezuko

 

Qua những đặc điểm về tính cách của Tanjiro, ta thấy được đây chính là hình tượng nhân vật chính điển hình trong các bộ anime. Dù vậy nhưng cách làm đi ngược lại với xu hướng thị trường hiện nay cũng bắt nguồn từ nhiều lý do. Dễ nhận thấy nhất khi đây chính là sự dung hòa tính cách giữa ba cá thể là Zenitsu, Inosuke và Tanjiro. Với Zenitsu, cậu luôn trong trạng thái sợ hãi, hèn nhát và không dám đối mặt với hiểm nguy. Trái ngược lại với đó là Inosuke, kẻ luôn hiên ngang trong mọi cuộc chiến. Tuy nhiên, tính hiếu chiến của Inosuke đôi lúc lại khiến cho cậu trở nên cao ngạo và đã không ít lần Inosuke sa vào bẫy của kẻ địch.

 

Mối quan hệ mật thiết giữa bộ ba kiếm sĩ Tanjiro, Zenitsu và Inosuke
Mối quan hệ mật thiết giữa bộ ba kiếm sĩ Tanjiro, Zenitsu và Inosuke

 

Và sự ra đời của Tanjiro đã giúp cân bằng lại hai cảm xúc đó. Ở Tanjiro, cậu hội tụ đủ những phẩm chất để trở thành một trưởng nhóm. Chính sự mạnh mẽ của Tanjiro đã giúp truyền lửa cho Zenitsu và sự bình tĩnh của cậu phần nào kiềm hãm lại tính nóng vội của Inosuke. Tóm lại, việc định hình tính cách Tanjiro như thế đã góp phần tạo nên sự cân đối trong đường dây nhân vật. Đây có lẽ là lý do giải thích cho việc Gotouge Koyoharu dù đi ngược lại với xu hướng thị trường hiện nay nhưng Thanh Gươm Diệt Quỷ vẫn trở thành bộ phim ăn khách khi thu hút được lượt fan khủng trên toàn thế giới.