Vậy là mùa phim hè đã chính thức bắt đầu. Khoảng thời gian này bỗng trở nên chật chội với hàng loạt những bom tấn được khán giả chờ đợi. Trong số đó, không thể không kể đến phim Chúa tể Godzilla (Godzilla: King of the Monsters) – phần tiếp theo về quái vật Godzilla. Phim có after credit nên mọi người nhớ ngồi lại nhé.
Cảnh báo: Có SPOIL. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!!!
Cái tên Godzilla chắc hẳn không còn quá xa lạ với mọi người. Quái vật to lớn này có khá nhiều nguồn gốc khác nhau. Trong Godzilla 1998 của Roland Emmerich thì Godzilla là một loài bò sát đột biến do ảnh hưởng của thử nghiệm hạt nhân. Đây cũng là phim về Godzilla mà tôi xem lại nhiều nhất. Roland Emmerich chính là người đứng sau The Day After Tomorrow, Independence Day rồi 2012, toàn phim về thảm họa tận thế nên trong phim, Godzilla gần như đã xới tung Manhattan trong hành trình…đẻ trứng của mình.
Hồi nhỏ tôi rất mê phiên bản này nhưng mãi về sau mới biết hóa ra phim không được đánh giá cao lắm với chỉ 5,3 điểm trên IMDb, bên metacritic.com thậm chí còn thê thảm hơn khi dừng lại ở mức 32/100. Ngẫm lại cũng không oan lắm khi Godzilla này có tạo hình không khác gì khủng long, suốt ngày chỉ lo kiếm cá nuôi đàn con nheo nhóc. Mà quan trọng là đến cuối phim Godzilla này bị bom đạn bắn chết queo luôn. Cuộc đời của Godzilla gói gọn trong 2h19’ rồi kết thúc lãng xẹt như vậy có lẽ bởi vì phim muốn nói về vấn đề bảo vệ môi trường nhiều hơn.
Phải đến Godzilla 2014 và gần đây nhất là Godzilla: King of the Monsters thì tôi mới được thấy một chúa tể Godzilla đúng nghĩa với tạo hình khổng lồ, lớp da dày có khả năng chống lại mọi thứ vũ khí của con người, những cái gai sắc nhọn chạy dọc từ lưng đến tận đuôi cùng hơi thở nguyên tử có sức mạnh hủy diệt. Đoạn Godzilla hồi phục sức mạnh sau khi được tiến sĩ Serizawa hỗ trợ vươn người gầm vang giữa biển khơi quá là hoành tráng luôn. Đây mới là Godzilla mà tôi cùng nhiều khán giả khác mong chờ chứ không phải một con quái vật to đùng chỉ biết chạy lòng vòng quanh thành phố.
Review phim Chúa Tể Godzilla
Godzilla của MonsterVerse cũng không phải thằn lằn đột biến nữa mà là một trong nhiều sinh vật cổ xưa sống nhờ vào năng lượng nguyên tử. Trong phim điện ảnh năm 2014, Godzilla được xây dựng với hình tượng đấng cứu thế của con người khi đứng lên chiến đấu với 2 MUTO để bảo vệ trái đất. Và đúng như những gì đã được hé lộ trong after credit của Kong: Skull Island: “Trái đất chưa bao giờ thuộc về chúng ta. Kong không phải vị vua duy nhất.”, khán giả sẽ được chứng kiến cuộc chạm trán giữa Godzilla, Mothra và Ghidorah cùng Rodan.
Ghidorah, hay còn được tổ chức Monarch gọi với cái tên Monster Zero, là một con rồng ba đầu đến từ ngoài vũ trụ, chuyên đi phá hủy các hành tinh, có mưu đồ bá chủ thế giới sau khi được đánh thức. “Quỷ lửa” Rodan mang hình dáng của một con khủng long có cánh và có khả năng phun lửa (Mặc dù tôi thấy con gà tây hơn). Con quái này có vẻ ba phải khi vừa thức dậy sau giấc ngủ dài trong một núi lửa ở Mexico thì đâm đầu vào uýnh nhau với Ghidorah, lúc sau thấy đánh không lại thì quay ra làm tay sai. Còn nữ hoàng của giới quái vật Mothra sẽ sát cánh bên Godzilla trong cuộc chiến nảy lửa.
Nghe thôi là đủ thấy rạo rực rồi đúng không? Không để khán giả phải thất vọng, Godzilla: King of the Monsters sẽ khiến các rạp chiếu rung chuyển với màn chạm trán giữa các titan. Lúc từng cái gai của Godzilla sáng lên để chuẩn bị cho hơi thở nguyên tử xem mà thấy sướng gai người luôn. Nói chung mọi người hoàn toàn có thể yên tâm về phần nhìn của Godzilla: King of the Monsters khi phim sẽ cho lên sàn hàng loạt các cảnh chiến đấu mãn nhãn. Và cũng bởi lần này toàn quái vật hạng khủng, một cháu thở ra nguyên tử, cháu còn lại khạc ra lửa nên dù có choảng nhau trong đêm thì cũng không còn cảnh khán giả phải căng mắt để theo dõi diễn biến trận đấu nữa.
Phim đã khéo léo khắc phục lỗi của Godzilla 2014 cũng như nhiều đàn anh trước đó. Có nhiều quái vật to lớn, hồn ma đáng sợ hay sát nhân khát máu đến mấy mà người xem không nhìn thấy gì thì cũng bằng không. Mà có ai để ý cứ phim nào liên quan đến Godzilla cũng đều có cảnh mưa không? Từ Godzilla 1998, Godzilla 2014 và giờ là Godzilla: King of the Monsters.
Điểm trừ của phim lại đến từ chính tuyến nhân vật con người. Nhân vật chính của Godzilla: King of the Monsters là gia đình Mark và Emma Russell. Trận chiến giữa Godzilla với 2 MUTO năm 2014 đã tàn phá thành phố San Francisco, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có con trai họ – Andrew. Sau biến cố đó, họ ly thân. Mark sang châu Phi, Emma là tiến sĩ làm việc tại Monarch, chuyên nghiên cứu về các titan. Cô con gái Madison sống cùng mẹ trong một cơ sở của tổ chức Monarch ở Trung Quốc.
Mâu thuẫn và sạn logic khắp mọi nơi
Vậy mọi người nghĩ một người mẹ với nỗi đau mất con vì các quái vật sẽ ấp ủ kế hoạch gì trong những năm qua? Tiêu diệt hết lũ titan? Dùng ORCA để kìm hãm những sinh vật này, ngăn chúng gây họa lần nữa? Nghe phương án 2 có vẻ hợp lý hơn nhỉ? Nhưng rồi khán giả sẽ được một phen ố á khi biết ý định thật của Emma. Hóa ra đây mới là trùm cuối khi tận dụng công nghệ và nguồn lực của Monarch để chế tạo thành công máy ORCA rồi bắt tay với Jonah Alan đánh thức các titan.
Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Cô ta chính là muốn chúng thức giấc. Ngay từ lúc ở căn cứ Nam Cực tôi đã thấy Emma chẳng có vẻ gì giống như bị bắt cóc cả. Lúc Mark đến cứu hai mẹ con, Emma không cho Madison bước lại chỗ anh. Rồi cả hành động ấn nút kích hoạt bom phá băng không chút do dự nữa. Đến đây thì không còn nghi ngờ gì nữa rồi, tôi chỉ tò mò về ý định của cô ta thôi. Và khi còn chưa có ai kịp bắt tay vào điều tra, khổ chủ đã tự giác khai báo về hành vi của mình. Theo lời Emma, vì không muốn sự ra đi của Andrew là vô nghĩa nên cô quyết định hợp tác với Jonah gọi hết các titan dậy để tiến hành thanh lọc tự nhiên do trái đất đang bị tàn phá bởi con người??? Nghe thì có vẻ vĩ mô đấy nhưng có chút không liên quan lắm thì phải. Sao đang từ con cô thiệt mạng trong trận chiến của các titan mà giờ lại ngoằng sang bùng nổ dân số là sao.
Việc kẻ phản diện muốn diệt bớt dân số thế giới cũng không còn lý do quá mới mẻ nữa, người thì vì tiền, người thì vì nghĩ cho trái đất. Trong số những người tự nhận mình làm vì đại cục, phương pháp nhẹ nhàng nhất thì có Bertrand Zobrist trong tiểu thuyết Hỏa Ngục của Dan Brown. Gu mặn hơn một chút là Valentine của Kingsman: The Secret Service. Nổi tiếng nhất với lý tưởng này chính là Thanos của MCU. Và cũng phải nói thật là từ sau thành công Infinity War, ngày càng có nhiều nhân vật lấy đó làm lý do cho việc làm của mình.
Emma cũng vậy, cô ta coi đó là sự cứu rỗi, nhưng thực tế thì sao? Cú búng tay của Thanos tính ra vẫn là êm ái chán đối với những người bị bay màu. Còn Emma lại chọn giải pháp nặng đô nhất khi cho một đám quái vật khổng lồ cày xới các thành phố, phá hủy hàng loạt nhà cửa. Cô ta không muốn con mình chết vô ích nhưng lại nhẫn tâm đẩy hàng triệu người khác vào cảnh mất người thân. Hay đó chỉ là cái cớ để ngụy biện cho việc Emma muốn họ cũng phải chịu nỗi đau giống mình?
Đúng là chúng ta cần phải có biện pháp đối phó với tình trạng gia tăng dân số, nhưng tôi chưa bao giờ đồng ý với giải pháp của những nhân vật kể trên, đặc biệt là Emma. Bởi không ai được tự cho mình quyền quyết định sự sống chết của người khác và hơn hết, lý lẽ của cô ta nghe quá là ấu trĩ. Giả sử Ghidorah mới là kẻ giành chiến thắng thì chắc nó với đồng bọn phá tung trái đất luôn rồi sau đó tìm một hành tinh khác để tiếp tục quậy phá chứ chả còn chỗ để khôi phục hệ sinh thái các kiểu như những gì Emma vẽ ra đâu. Chính Emma cũng đã nhìn thấy sức tàn phá của các titan nhưng vẫn sẵn sàng sử dụng máy ORCA để đánh thức chúng, còn bản thân thì cùng con gái chui rúc ở một nơi an toàn rồi lên giọng rao giảng đạo đức với mọi người.
“Mẹ đúng là một con quái vật”, câu nói của Madison chính là nhận xét đúng nhất về con người của Emma lúc này. Vào cuối phim, khán giả được chứng kiến màn chia ly đẫm nước mắt của nhà Russell khi Emma tình nguyện mang máy ORCA để dụ Ghidorah tránh xa khỏi Godzilla. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng đoạn phim ấy không khiến tôi cảm động một tí nào bởi đây gần như là việc duy nhất Emma có thể làm để sửa chữa sai lầm to không kém gì Godzilla của cô ta.
Nói về giây phút khiến khán giả ngậm ngùi thì phải kể đến lúc tiến sĩ Serizawa quyết định hy sinh tính mạng khi kích hoạt thủ công quả bom nguyên tử để giúp Godzilla hồi phục nhanh hơn. Ngay từ đầu, trong khi không một ai dám đặt hy vọng vào Godzilla, tiến sĩ Serizawa vẫn luôn tin sinh vật này đứng về phía loài người. Ông chấp nhận đánh cược tính mạng của mình vào khả năng đó. Khoảnh khắc Serizawa cởi bỏ găng tay để chạm vào Godzilla, ánh mắt ông hiện lên sự mãn nguyện khi được gặp lại người bạn già dù sau đó họ ngay lập tức phải chia ly. Sự hi sinh thầm lặng ấy trái ngược hoàn toàn với một kẻ ích kỷ nhưng lúc nào cũng vỗ ngực nói mình nghĩ cho đại cục. Nhân đây cũng nhắc luôn, đến tháng 8 này, Brixton – phản diện của Fast & Furious: Hobbs & Shaw cũng có một loại virus có thể quét sạch một nửa dân số. Riết rồi nhân loại tuyệt chủng hết chắc mới vừa lòng mấy người.
Nếu Emma là cô gái vàng trong làng nói đạo lý thì con gái Madison chắc cũng là kiện tướng làng đi bộ việt dã. Xem cảnh Madison khăn gói quả mướp chuẩn bị mang máy ORCA bỏ trốn, tôi còn nghĩ đi kiểu này bao giờ mới đến nơi nhỉ? Thế mà chuyển sang cảnh sau đã thấy bé này đến sân vận động rồi. Siêu năng lực nào ở đây vậy? Madison còn cẩn thận mang theo cả nước uống, nhưng đi với tốc độ ánh sáng này chắc không cần đến nước đâu. Mà rõ ràng máy ORCA quan trọng như vậy nhưng lại không có ai đoái hoài gì đến việc phải canh gác nó. Này, không ai nhớ nó là thứ duy nhất có thể điều khiển các titan sao? Hay tất cả đều cho rằng nó không có chân nên không chạy đi đâu mà sợ?
Rồi cả đoạn đến sân vận động để kết nối ORCA với hệ thống loa nữa. Cũng biết là cảnh sát đang tập trung sơ tán dân tình nhưng chả nhẽ thiếu thốn nhân lực đến mức không cử được người canh gác ở đài điều khiển để theo dõi tình hình hay sao mà để Madison tự do ra vào như vậy? Chưa kể việc chuyển cảnh từ quái vật đánh nhau sang lúc thì xem Marrk và Emma nói nhau, lúc lại nhìn họ chạy khắp nơi tìm Madison thật sự làm tôi tụt mood kinh khủng. Tôi thà rằng ngồi hết hơn 2 tiếng xem titan choảng nhau còn sướng hơn thế này.
Đánh giá của giới phê bình về phim Chúa Tể Godzilla
Godzilla: King of the Monsters được chấm 6.7/10 ở IMDb. Các chuyên gia ở metacritic.com chặt tay hơn khi chỉ cho 48/100. Trên mặt trận Rotten Tomatoes, sự chia rẽ giữa khán giả đại chúng và các nhà phê bình còn sâu sắc hơn nữa, thể hiện ở con số 84% yêu thích và chứng nhận không được tươi ngon lắm với chỉ 40%. Godzilla có thể bá đạo trong phim lại không thể cất tiếng gầm vang tại bảng doanh thu phòng vé khi sau 3 ngày công chiếu ở Mỹ, phim chỉ thu về 49 triệu đô, kém xa thành tích của Kong: Skull Island chứ chưa cần so Godzilla 2014.
Đế vương lâm nguy một phần vì nội dung không quá hấp dẫn, phần vì Warner Bros. đã dời lịch chiếu của phim từ tháng 3 xuống tháng 5, vậy nên Godzilla: King of the Monsters phải chật vật vùng vẫy giữa hàng loạt các đối thủ sừng sỏ khác. Trong lúc tôi viết những dòng này, doanh thu của phim toàn cầu là 298 triệu đô. Đây là một dấu hiệu không mấy khả quan và tôi hy vọng nó không làm ảnh hưởng đến kế hoạch ra mắt Kong vs Godzilla vào năm sau.
Cá nhân tôi thấy Godzilla: King of the Monsters không phải là một bộ phim dở, tất nhiên là trừ yếu tố con người ra, bởi ngay từ lúc ra rạp tôi đã xác định với một phim nói về các titan tranh giành quyền lực để thống lĩnh thế giới thì cũng không thể đòi hỏi quá nhiều về mặt nội dung được. Bạn cần những cảnh đánh nhau long trời lở đất? Phim có thừa. Bạn cần kỹ xảo đẹp mắt? Phim hoàn toàn có thể đáp ứng. Vậy hãy cứ ra rạp và tận hưởng Godzilla: King of the Monsters nhé.