Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại phải sống trên núi cao chẳng có bóng người, Mija dành phần lớn thời gian của mình để chăm sóc và chơi đùa với chú “siêu lợn” được Tập đoàn Mirando cho mượn. Chẳng phụ tấm lòng của cô bé Mija đáng yêu, cô lợn Okja của hai ông cháu quả thực là một “siêu lợn” với thân hình béo tốt phổng phao dù chỉ được nuôi lớn bằng vài quả hồng dại.
Nhưng không chỉ là đơn thuần là một con lợn-nuôi-để-lấy-thịt, Okja thông minh còn giúp Mija kiếm tìm thực phẩm trên núi, mưu mẹo giúp cô bé thoát khỏi những tình huống khó khăn, và thậm chí còn biết nhõng nhẽo với Mija như một người chị em thực sự.
Nhưng ngày vui của đôi bạn Mija-Okja rồi cũng đến ngày tàn khi “nhà động vật học” Johnny Wilcox (Jake Gyllenhaal) nhận lệnh của bà chủ tịch Lucy đã leo lên tận ngôi nhà tuềnh toàng của ông cụ Heebong để công bố – Okja chính là cô lợn thắng giải cuộc thi 10 năm của Tập đoàn Mirando, đồng nghĩa với việc cô sẽ bị Mirando đòi lại để đưa xuống thủ đô Seoul, rồi từ đó mang về New York trao giải và làm giống cho dòng lợn ăn ít-thịt ngon mà Lucy Mirando đã ấp ủ từ nhiều năm.
Coi Okja như người bạn, như cô em gái từ năm cô bé mới lên 4 tuổi, tất nhiên Mija không thể buông xuôi như cụ Heebong, cô quyết tâm khăn gói lên Seoul, rồi sang tận New York để đòi lại Okja. Từ miền ngược xuống nơi thành phố xa lạ, lại phải đơn độc đối đầu với cả một tập đoàn đa quốc gia vừa giàu có vừa thâm độc như Mirando, có lẽ Mija chẳng có lấy một phần trăm cơ hội đưa được cô lợn tốt bụng Okja về với núi rừng. Nhưng may mắn cho Mija là cô bé không đơn độc khi thật tình cờ là nhóm du kích Mặt trận Giải phóng Động vật ALF (“Animal Liberation Front”) của Jay (Paul Dano), K (Steven Yeun), Red (Lily Collins), Blond (Daniel Henshall), và Silver (Devon Bostick) cũng đã lên kế hoạch phá hoại cuộc thi “siêu lợn” của Lucy Mirando.
Dù bất đồng ngôn ngữ – khi Mija không biết nói tiếng Anh còn trong nhóm ALF chỉ có K là người biết tiếng Hàn, dù không cùng mục đích – khi Mija không muốn gì khác ngoài việc đưa Okja “về nhà” còn Jay lại muốn lật tẩy toàn bộ mưu đồ nham hiểm và độc ác của Lucy Mirando, nhưng với một phần nỗ lực và rất nhiều phần may mắn, Mija và ALF từng bước một đã đến gần được với Okja. Nhưng càng gần lại Okja bao nhiêu, cô bé kiên cường người Hàn và nhóm “kháng chiến” máu nóng đa quốc gia lại càng nhận ra Okja chẳng qua chỉ là điểm khởi đầu của một kế hoạch đầy tham vọng và máu lạnh của Tập đoàn Mirando.
Đánh giá phim Siêu Lợn Okja
Đạo diễn, biên kịch, và nhà sản xuất của phim Siêu Lợn Okja là Bong Joon-ho – một trong những đạo diễn nổi danh nhất của Hàn Quốc trong vài năm thập niên trở lại đây với nhiều tác phẩm thành công cả về mặt nghệ thuật và thương mại như Memories of Murder (2003) hay The Host (2006). Từng giữ kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Hàn Quốc trong nhiều năm, The Host có thể coi là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách của Bong Joon-ho – vừa gần gũi với công chúng (và vì thế trở nên ăn khách) nhờ cách tiếp cận đề tài đương đại dễ hiểu, dễ cảm và tuyến nhân vật rất đời thường đặc trưng cho xã hội Hàn Quốc ngày nay, nhưng cũng lại giàu giá trị nghệ thuật nhờ sự phá cách trong xây dựng nhân vật, phong cách trộng lẫn nhiều thể loại phim khác nhau từ hành động, kinh dị, tới hài hước, và rất nhiều thông điệp sâu sắc về những góc khuất, những điều trái ngang còn đầy rẫy trên đất nước Hàn Quốc.
Cũng có sự tham gia diễn xuất của Byun Hee-bong (vẫn trong vai một người ông tên Heebong), The Host xoay quanh một gia đình gồm toàn những nhân vật bất thường tìm cách giải cứu cô cháu gái cụ Heebong đang bị con quái vật sông Hán của Seoul bắt cóc. Cũng đầy ắp những nhân vật dị thường, phim Siêu Lợn Okja có thể coi là một phiên bản “ngược” của The Host khi đối tượng bị bắt cóc là cô “quái vật” đáng yêu Okja, còn người đi giải cứu cô lợn không phải ai khác lại chính là cô cháu gái Mija dũng cảm, kiên cường.
Mở rộng bối cảnh từ Seoul (không gian chính của The Host) lên tới vùng rừng núi Hàn Quốc và sang cả nước Mỹ xa xôi, phim Siêu Lợn Okja cũng không chỉ là tác phẩm đầy châm biếm về sự phân cách giàu nghèo trong xã hội, về sự yếu kém của bộ máy hành chính quan liêu nước Hàn, mà bộ phim còn chỉ trích hầu như mọi thói xấu của xã hội hiện đại, từ lòng tham tột độ của chủ nghĩa tư bản với đại diện là các công ty đa quốc gia, đến bản chất phù phiếm của một xã hội “sống ảo” với “selfie”, với mạng xã hội, và cả sự nông cản của những người trẻ muốn đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp như quyền lợi cho động vật nhưng lại sẵn sàng hy sinh những giá trị không kém phần quan trọng khác như tinh thần bất bạo lực, tình bạn, lòng tin giữa người với người, để đạt được mục đích của họ.
Tuy mức độ dày đặc của các thông điệp xã hội trong phim Siêu Lợn Okja chưa thể sánh được với bộ phim “chào sân” điện ảnh thế giới của Bong Joon-ho là Snowpiercer (2013), nhưng màu sắc châm biếm nhiều tiếng cười của Okja lại làm cho bộ phim của hãng Netflix này có phần nào đó dễ xem và dễ cảm thụ hơn so với tác phẩm tương đối nặng ký Snowpiercer, đặc biệt là đối với khán giả quốc tế vốn chưa thực sự quen với phong cách không giới hạn theo một dòng phim nhất định nào của Bong Joon-ho. Tất nhiên với những khán giả đã quen và đã yêu phim của đạo diễn 47 tuổi thì sự ôm đồm về mặt thông điệp của Okja, đặc biệt là ở những phân đoạn cuối cũng sẽ phần nào cảm thấy thất vọng vì cái kết thiếu chặt chẽ của phim, nhất là so với những tác phẩm chắc tay hơn rất nhiều về mặt kịch bản cũng của Bong như Memories of Murder hay The Host.
Tuy vẫn mang đậm tinh thần nhập thế như Memories of Murder, The Host, hay Snowpiercer nhưng với tư cách một bộ phim hành động-hài châm biếm, có thể nói phim Siêu Lợn Okja mới chỉ thành công một nửa. Nếu như nửa đầu của bộ phim thực sự thể hiện được phong cách quay và dựng phim của Bong Joon-ho với nhịp phim nhanh, dồn dập với các cảnh đuổi bắt được dàn dựng hết sức lôi cuốn thì nửa sau của phim (với bối cảnh chủ yếu là thành phố New York với chút hơi hướng của một xã hội phản-không tưởng “dystopia”) lại không thực sự tạo ra được sự khác biệt với các bộ phim hành động hạng trung bình vốn được Hollywood và Netflix sản xuất hàng loạt mỗi năm.
Tiêu tốn tới 50 triệu đô la, Siêu Lợn Okja là bộ phim đắt đỏ nhất trong sự nghiệp của Bong (thậm chí còn đắt hơn bộ phim “nhiều sao” trước đó của đạo diễn người Hàn là “Snowpiercer”) và là bộ phim đắt giá nhất trong năm 2016 của điện ảnh Hàn Quốc. Sự đầu tư của phim được thể hiện rất rõ qua phần kĩ xảo hình ảnh, với một Okja được xây dựng theo phong cách hiện thực huyền ảo vừa đầy chất giả tưởng, nhưng cũng chân thật, gần gũi, với những cử chỉ đáng yêu dễ dàng gợi nhớ khán giả tới hình ảnh của Totoro – hình tượng quái vật đáng yêu của đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki. Sự tương phản giữa nét dễ thương như bước ra từ một giấc mơ con trẻ của Okja ở đầu phim với những khung hình tàn bạo và chân thực ở đoạn cuối phim có lẽ là một trong những chi tiết đạt hiệu quả nhất của bộ phim cả về mặt thông điệp và cảm xúc. Tuy vậy, bối cảnh nhàn nhạt thiếu điểm nhấn của thành phố New York trong phim, cũng như cách dàn cảnh và biên tập hành động có phần lộn xộn, khó theo dõi ở trường đoạn cao trào thứ hai ở nửa sau của Okja lại gây thất vọng cho người yêu phim về viễn cảnh một tác phẩm của Netflix có thể hoàn toàn sánh ngang với các bộ phim hành động kinh phí cao chiếu rạp.
Bên cạnh chất lượng dàn dựng và biên tập ở nửa sau của phim, dàn diễn viên của phim cũng chưa thực sự thể hiện được thế mạnh thường thấy của đạo diễn Bong Joon-ho trong việc đo ni đóng giày nhân vật cho cho các diễn viên của ông. Điểm sáng hiếm hoi về mặt diễn xuất của Okja có lẽ là cô bé 13 tuổi Ahn Seo-hyun xuất thần trong vai Mija – một vai diễn gợi nhớ tới hình tượng mạnh mẽ, quyết đoán của Bae Doona (vai nữ cung thủ Park Nam-joo) trong The Host hơn mười năm trước.
Gương mặt ngây thơ và cặp mắt trong sáng biểu cảm của Seo-hyun đã làm lu mờ ngay cả những diễn viên thực lực có tiếng của Hollywood trong phim Siêu Lợn Okja như Paul Dano, Jake Gyllenhaal, hay thậm chí là Tilda Swinton. Bên cạnh Dano, Swinton, hay Gyllenhaal, thì ngôi sao người Mỹ gốc Hàn của loạt phim truyền hình ăn khách The Walking Dead là Steven Yeun cũng không gây ấn tượng khi thủ vai một nhân vật có tính cách tương đối nhạt nhoà. Chắc chắn khi xem phim nhiều người hâm mộ phim của Bong Joon-ho sẽ thấy nhớ Song Kang-ho, nam diễn viên có ngoại hình thường thường bậc trung nhưng luôn thể hiện được chất quái, và chiều sâu tính cách của các nhân vật mà anh được Bong Joon-ho tin tưởng giao vai. Không thể phủ nhận rằng phim Siêu Lợn Okja là một tác phẩm hành động-hài hấp dẫn, đặc biệt là ở nửa đầu của phim.
Cái nhìn châm biếm, chua cay trong tác phẩm thứ 6 do Bong Joon-ho đạo diễn về xã hội hiện đại chắc chắn cũng sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả. Tuy nhiên nếu so với những tác phẩm hết sức chắc tay của Bong Joon-ho như Memories of Murder, Mother (2009), hay The Host thì quả thực Bong chưa bộc lộ được hết tài năng đạo diễn và sức sáng tạo đặc biệt trong Okja dù đạo diễn người Hàn lần này có được sự hậu thuẫn tài chính rất lớn từ Netflix. Có lẽ khán giản sẽ còn phải chờ thêm một thời gian để người khổng lồ truyền thông Netflix tích luỹ thêm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim điện ảnh, còn đạo diễn người Hàn khôi phục lại bản sắc của riêng ông, bản sắc Bong Joon-ho.