Phim Possessor (Kẻ Chiếm Hữu) thuộc thể loại kinh dị của đạo diễn bởi Brandon Cronenberg (con trai của David Cronenberg, vị đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim như The Fly, A History of Violence, A Dangerous Method,…). Bài viết có tiết lộ một vài chi tiết trong phim, bạn cân nhắc trước khi đọc.
Nội dung phim Possessor kể về Tasya Vos (Andrea Riseborough thủ vai) – một sát thủ sử dụng công nghệ “cấy não” để điều khiển người khác và thực hiện các phi vụ ám sát nhằm vào những nhân vật có tên tuổi lớn. Với một ý tưởng về sát thủ thú vị như vậy, một đạo diễn tầm trung có thể dễ dàng triển khai nó theo hướng action flick thuần hành động. Nhưng may mắn thay, đạo diễn Brandon Cronenberg đã đem lại chiều sâu cho tác phẩm, lột tả được tâm lý phức tạp của cả “thợ săn” lẫn “con mồi” trong cùng một thể xác.
Đánh giá về nội dung thì Possessor sở hữu một kịch bản khá thông minh, được viết một cách vô cùng tròn trịa, đôi lúc có phần bí ẩn úp mở và được thể hiện lên màn ảnh lớn đầy “phong cách”, bạo lực.
Thông điệp lớn trong một kịch bản u ám
Dù là một sát thủ chuyên nghiệp, song Tasya luôn gặp khó khăn ở khâu cuối cùng: Tự sát (Khiến vật chủ tự kết liễu). Vì sao? Chính vật chủ đã ngăn cô lại bởi y chí sinh tồn của con người quá cao. Bạn có thể thao túng một cá thể làm mọi thứ, song chỉ cần ý thức của nó còn le lói, nó sẽ đấu tranh để sống sót đến cùng.
Thao túng ở đời thường là có thật. Chưa cần tới công nghệ như trong phim, ta có thể cảm nhận được sự thao túng qua truyền thông mỗi ngày. Chính trị gia, phóng viên, nghệ sĩ đều ra sức thao túng các “khán giả” của họ.
Trong một bộ phim mà không chỉ bối cảnh của nó mà các nhân vật cũng rất u ám, nặng nề không kém về mặt cảm xúc thì hai nhân vật chính của bộ phim là hai nhân vật duy nhất cho ta thấy được những cung bậc cảm xúc đa dạng khác nhau. Đặc biệt là nhân vật Colin (Christopher Abbott thủ vai), đây chính là nhân vật “bị kiểm soát” bởi Tasya Vos và khán giả được thấy khả năng diễn xuất tuyệt vời của Christopher Abbott qua phim này kể từ khoảnh khắc anh bị cấy não và bị điều khiển bởi người khác. Lúc này anh là “người khác” nhưng vẫn có tỏ ra mình vẫn là Colin. Một sự mâu thuẫn tuyệt vời trong diễn biến tâm lý/cảm xúc của nhân vật này.
Khi Colin đổ lỗi cho Tasya mượn tay anh giết người, cô đáp, “Nhưng anh đang tự kiểm soát cơ thể mình mà”. À. Bởi sự tự ti của Colin khi ở cạnh bạn gái là thật, sự căm ghét dành cho bố vợ cũng thật nốt. Công ty của Tasya vốn dĩ chỉ chọn những ai có sẵn động cơ và động lực.
Thực ra, phim Possessor không khuyến khích bạo lực, tác phẩm chỉ đơn giản phơi bày bản chất xấu xí bên trong mỗi chúng ta, đồng thời cảnh báo nhân loại về những điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu mỗi chúng ta được sống tự do tới mức vô phép tắc.
Hiệu ứng hình ảnh ấn tượng trong phim Possessor
Đạo diễn Cronenberg và nhà quay phim Karim Hussain đã đem đến cho bộ phim này một tông màu, một bầu không khí có thể nói là rất phong cách theo một mặt nào đó nhưng đồng thời cũng rất nặng nề, u ám, xám xịt (nhưng tạo cảm giác theo một cách nào đó là thực tế).
Tuy nhiên, điểm sáng về mặt kỹ thuật của bộ phim này nằm ở phần thiết kế trường quay/bối cảnh và kỹ xảo của bộ phim. Vô cùng thực tế, sáng tạo và có thể nói phần nào là đáng sợ. Thực sự là việc những người làm bộ phim này sử dụng nhiều practical effects (mình cũng không biết dịch là gì) thay vì lạm dụng kỹ xảo CGI là một điều khiến mình rất ấn tượng với phong cách thực tế của bộ phim.
Điểm trừ đối với mình là ở một số trường đoạn, cảm giác như nhiều cảnh bị dồn, đặt đè lên nhau trong cùng 1 frame hình nhưng lại xảy ra trong một khoảng thời gian không ngắn khiến mình thấy nó có phần lê thê (nhưng cũng phần nào đó thích thú).
Đánh giá phim Possessor là một tác phẩm khá ổn, được đạo diễn xử lý tinh tế thể hiện được hết những khía cạnh vấn đề. Ngoaì phần hình ảnh và nội dung ấn tượng, phim còn mang đến những thông điệp sâu sắc.