“Có hai loại tức giận trên thế giới này: bộc phát và tiềm ẩn. Bộc phát là loại quát tháo với thu ngân vì không nhận phiếu giảm giá của họ. Tiềm ẩn là người thu ngân im lặng nhẫn nhịn nhưng ngày hôm sau lại xả súng vào tất cả mọi người”. – Angry Management (2003)
“Sự bàng quan của người tốt còn nguy hiểm hơn sự tàn ác của kẻ xấu” – Martin Luther King.
Đây là hai câu mình lập tức nghĩ đến sau khi kết thúc phim D.P trên Netflix. Bộ phim khai thác một chủ đề mới mà cũng không mới trên màn ảnh Hàn Quốc – Lính nhập ngũ.
Nếu quen với điện ảnh hay truyền hình Hàn thì chắc đây không phải lần đầu tiên bạn biết về tình trạng khắc nghiệt của việc nhập ngũ. Có lẽ vì quá tàn khốc, cực khổ mà việc “trốn nhập ngũ” làm cho người khác thấy bất công hàng vạn lần.
Mục lục
Nội dung phim
Phim D.P lột tả về cuộc sống ở đây qua đội quân cảnh chuyên bắt những người lính đào ngũ. Bộ phim khá ngắn, nhịp nhanh, không tình tiết thừa, chỉ vỏn vẹn trong 6 tập. Thuộc dạng tình huống ngắn, mỗi tập phim là một câu chuyện.
Tóm tắt thì đây là bộ phim đáng xem bởi tính giải trí tốt, không có love-line, vừa đủ kịch tính cũng vừa đủ hài hước, khá là cân bằng mọi thứ. Lý do của việc trốn khỏi quân đội là dựa trên các hoàn cảnh khác nhau và mọi thứ được đẩy lên cao trào ở tập cuối cùng.
Tại sao ai cũng biết được tình trạng của bắt nạt ở quân đội nhưng không ai giải quyết? Tại sao không biết cách mà cũng không thử cách? Đó là một câu hỏi được đặt ra. Việc bắt nạt như sự “truyền nối” ở các thế hệ, thế hệ bị bắt nạt lại trở thành kẻ bắt nạt người khác để trả thù và thể hiện quyền uy. Dù khi ra đời làm người thường, những kẻ đó cũng chỉ biết vâng dạ với người khác.
Lính truy bắt đào ngũ, công việc ước mơ?
Nếu được gia nhập hội lính truy bắt đào ngũ, bạn sẽ không phải ở trong doanh trại nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc được để tóc dài, được ra ngoài tự do trong khoảng thời gian ở quân đội. Mọi người đều ganh tị với những ai có công việc này, thế nhưng nếu chú tâm làm việc, sẽ mệt mỏi không kém.
Bắt lính đào ngũ đồng nghĩa với việc phải tiếp xúc với tất cả thể loại người và nghe tất cả câu chuyện. Có những kẻ thật sự rác rưởi, nhưng cũng có những người vô cùng đáng thương. Cũng may mắn là Ho Yeol đi cùng Jun Ho là người trông có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại thông minh và hiểu chuyện nên tránh được rất nhiều chuyện đáng tiếc có thể sẽ xảy ra.
Nếu biết, tại sao không thay đổi?
Đó có lẽ là câu hỏi mà bất kì ai xem đoạn cuối cùng của phim phải trăn trở.
“Nếu một con chó quay lại cắn, thì có nghĩa nó phải chết”. Park Bum Gu đã nói câu này khi mọi chuyện diễn ra. Nhưng vấn đề là, không phải là con chó, mà là một người đã bị dồn đến bước đường cùng.
Cũng như Seok Bong, có lẽ mọi người đều thắc mắc; tại sao phải bắt nạt, tại sao một người nào đó có thể trở thành một kẻ bị bắt nạt tàn nhẫn, tại sao những kẻ đó không một chút thấy có lỗi. Nếu là một trò đùa vui, chắc hẳn mọi người đều phải cười chứ.
Seok Bong đã biến chất. Sau bao ngày không quay trở lại trại, Jun Ho cũng không tin rằng người từng dạy mình đối xử tốt với đàn em có thể ngược đãi tàn nhẫn tân binh mới nhập ngũ chỉ vì họ không biết tiền bối. Thế nhưng khi chứng kiến việc đó xảy ra, Jun Ho lẫn Ho Yeol đều không ngăn cản hay có bất kì động thái nào, vẫn là tự lo cho bản thân mình trước.
Phải, tất cả mọi người đều như vậy. Họ chứng kiến, hoặc chọn phe để không bị liên luỵ, hoặc dửng dưng.
Seok Bong, có lẽ đã thử làm một thứ gì đó. Một thứ gì đó cuối cùng để cứu vãn sự tự tôn của bản thân, và thay đổi xung quanh một chút. Những kẻ từng bắt nạt anh đến chết đi sống lại, sợ hãi cầm súng, sợ hãi vây bắt và từ chối bắn anh. Những kẻ đó, gọi anh là “đồng đội”.
Series phim có 6 tập, trong đó có bốn tập về bốn hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau; và đặc biệt có hai tập được đẩy lên cao trào. Đặc biệt trong tập cuối cùng, có nhiều chi tiết khiến người xem phải quặn thắt, đau lòng và suy ngẫm. Việc bắt nạt dù ở bất cứ nơi đâu, là học đường hay quân ngũ, hay cơ quan công sở; đều không phải là mới.
Ở những trường hợp đó, chúng ta có thể đã trở thành những vai không mong muốn. Một số là kẻ bắt nạt, hoặc kẻ bị bắt nạt, hoặc kẻ dửng dưng. Và mọi chuyện mãi vẫn luôn tiếp diễn, cho đến khi kẻ bị bắt nạt dồn đến chân tường, khiến họ phải tìm lối ra, hoặc kẻ dửng dưng trở thành người lên tiếng.
Có hai kiểu tức giận, sẽ thật không may mắn nếu kẻ bị bắt nạt trở thành kiểu thứ hai.
Đến cuối cùng, ở đâu đó, mọi chuyện vẫn tiếp diễn, và sẽ lại có những người bị dồn đến đường cùng phải “nổ tung”.
Vậy phim D.P có đáng xem không?
Câu trả lời là có. Đối với mình, D.P là bộ phim có thể giải trí và thưởng thức.
Về diễn xuất, có lẽ là do tính cách và vai diễn, nên Jung Hae In có thể gọi là “tròn vai” nhưng vẫn chưa có nhiều điểm nhấn cũng như sự đặc sắc. Hoặc có thể do bị nhân vật Ho Yeon lấn át quá nhiều. Ho Yeol thông minh, khôn khéo, biết ứng xử; là một điểm sáng cho bộ phim. Ngoài ra, những nhân vật phụ đều góp phần tô điểm cho bộ phim toàn vẹn, có thể nói là không có lỗ hỏng diễn xuất làm người xem cảm thấy phim gượng ép.
Về nội dung, những câu chuyện được mang đến ở phim D.P không mới, nhưng cách thể hiển liền mạch, không quá “kịch”, không “làm quá”, không gây khó chịu khi biến nhân vật chính thành kiểu quá “anh hùng” hay “xuất chúng”. Có lẽ nếu bạn thấy việc chọn ba cánh cửa khá quen, thì đúng, bạn đã gặp ở phim 21.
Điểm cộng lớn của phim có lẽ là quay và dựng. Các bộ phim của Netflix luôn khiến khán giả hài lòng về chất lượng, cảnh quay, có thể nói là đẹp không kém một bộ phim điện ảnh. Phim có sáu tập, mỗi tập gần một giờ, có thể nói là không quá dài để cảm thấy “đuối” và không quá ngắn để mọi thứ diễn ra quá nhanh.
Truyền tải thông điệp không thô cứng và cố gắng lồng ghép quá nhiều bài học, cũng như mạnh dạn đưa lên màn ảnh thực trạng vẫn đang muốn bị che giấu ở Hàn Quốc hiện nay. Bộ phim xen kẽ đủ các cung bậc, vui vẻ hài hước, đau buồn, quặn thắt, căm phẫn và cả hồi hộp đến thót tim. Tất cả được đi chậm rãi, rồi đẩy nhanh đến tột bậc ở cuối phim. Kết cục, một khoảng lặng khi Jun Ho thương xót cho người chiến sĩ đã dạy anh một bài học mà anh chưa gao giờ gặp, rồi một màn After Credit mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới.