Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáReview phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn...

Review phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn những vì sao

Mình nhớ đã thấy các nhà rạp rậm rịch treo poster của phim Ad Astra tác phẩm chính kịch, phiêu lưu kì bí (với một chút khoa học viễn tưởng) này từ hồi tháng Bảy. Nhưng tới tận lúc này, tức là tháng 9, phim mới ra rạp. Nhưng có xá gì đâu, vì “Ad Astra” không phải một bộ phim ta có thể xem nhanh, xem vội như cái cách chúng ta vẫn hay tham lam ngốn ngấu những phim bom tấn hè.

Review phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn những vì sao

Tên gọi của bộ phim – “Ad Astra” là phần rút ngắn của một câu tiếng La-tinh dịch ra tiếng Anh là “through hardships to the stars” – vượt qua khó khăn để đến được với các vì sao. Riêng cụm từ “ad astra” thì chỉ có nghĩa là “tới các vì sao”.

Trong phim “Ad Astra”, thế giới đang phải đối mặt với sự hiểm nguy đến từ những cơn bão… à, sóng vũ trụ chứ. Sóng vũ trụ càn quét Trái Đất, giết chết hàng chục nghìn người trên khắp địa cầu. Anh chàng Roy (do Brat Pitt thủ vai) là một phi công vũ trụ. Anh này làm việc ở một trạm ra đa có cột thu phát sóng nằm ngoài tầng khí quyển. Trong một lần Roy làm công việc bảo trì cột thu phát, thì một cơn sóng vũ trụ đánh trúng trạm tín hiệu của anh, vứt Roy rơi tự do từ ngoài tầng khí quyển xuống Trái Đất.

Nhưng tất nhiên là anh sống sót nhờ mở kịp dù vào phút cuối.

Review phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn những vì sao

An toàn trở về Trái Đất, vượt qua được cái chết cận kề, nhưng thử thách với Roy vẫn chưa chấm dứt khi những mất mát từ quá khứ và nỗi cô đơn lại sống dậy trong anh, hành hạ anh với những suy tư đứt đoạn đầy đau đớn. Người phụ nữ của cuộc đời anh bỏ anh ra đi, giống như cha anh đã từng bỏ lại anh và gia đình. Nhưng trước khi Roy hoàn toàn mất phương hướng, anh được tuyển dụng vào một sứ mệnh mà với anh gần như một chiếc phao cứu sinh – Cha anh vẫn còn sống ở đâu đó bên ngoài vành đai của sao Hải Vương, và anh có cơ hội để đưa ông quay trở về.

Hành trình tìm lại người cha đưa Roy từ Trái Đất lên Mặt Trăng, rồi từ Mặt Trăng đến sao Hỏa… Anh được gặp những người bạn đồng hành, chạm trán những kẻ tấn công nguy hiểm, trải qua cùng lúc cả cảm giác được tin tưởng và bị phản bội… Hành trình của Roy giữa vũ trụ cũng là khoảng thời gian mà các phân cảnh hành động xảy ra với mật độ cao, nhịp phim nhanh và gấp gáp hơn so với nửa đầu khá chậm rãi. Nhưng nhịp phim càng nhanh, thì khán giả sẽ càng thấy mình cùng Roy chìm sâu hơn vào cơn khủng hoảng.

Review phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn những vì sao

Các cảnh hành động đấm đá, súng bắn và đạn nổ tưởng thường được sử dụng như cách để nhân vật chính tự giải thoát mình khỏi tình thế khó khăn mà họ gặp phải – ví dụ như chạy trốn một tên giết người, hay chống lại một tòa nhà toàn bọn khủng bố. Nhưng trong trường hợp của Roy, càng dính dáng sâu hơn vào những cuộc xung đột, anh lại càng trở nên dễ tổn thương. Cùng với kí ức đau buồn về tuổi thơ vắng bóng người cha, tinh thần Roy đã bị bẻ gãy hoàn toàn khi cuối cùng chỉ còn lại một mình anh giữa vụ trụ vô hạn. Kim chỉ nam duy nhất của anh lúc này chỉ còn là ham muốn được gặp lại người cha bấy lâu thất lạc.

Nhưng là Roy muốn tìm thấy cha, hay anh muốn bản thân mình được tìm lại?

Cả cuộc đời cha anh đi tìm sự sống ngoài Trái Đất. Đó không chỉ là một lí tưởng lao động mà đã trở thành một nỗi ám ảnh khiến ông bỏ rơi Trái Đất, bỏ rơi vợ con, và sau cùng, là bỏ rơi chính phi hành đoàn của mình. Cha của Roy sợ hãi điều càng ngày càng xác thực – con người cô độc giữa vũ trụ này, và theo nghĩa đó, ông cũng bị bỏ lại bơ vơ. Sự hi sinh của ông, cuộc đời của ông theo đó cũng sẽ chỉ còn là con số 0 tròn trĩnh. Còn Roy, lớn lên với vết thương lòng, anh dành cả cuộc đời mình để hướng về vũ trụ bao la – nơi mà cha anh vẫn đang dạt trôi ở một ngóc ngách nào đó, tới độ, người bạn đời của anh đã ra đi, bởi cho đến sau cùng, cô vẫn không hiểu được anh ngay cả khi đã có anh bên mình.

Mọi đứa con sinh ra đều phảng phất bóng dáng của những bậc sinh thành. Câu nói này hóa ra chưa bao giờ sai. Và với hành trình đi tìm lại người cha thất lạc của Roy chính là phép thử. Cả hai cha con anh đều rất khó khăn để thấy được những điều nằm ngay trước mắt. Ánh mắt họ luôn hướng ra xa hơn, xa mãi về một nơi chốn nào đó không ai thấy được. Và theo cách đó, thực tại bỏ rơi họ, tương lai không chào đón họ, chỉ có quá khứ ở bên họ, như một gã bạn đồng hành mang lại toàn những sầu đau.

Review phim Ad Astra – Không thể hối hả khi ngước nhìn những vì sao

Phân cảnh của hai cha con Roy trong con tàu vũ trụ ở bên rìa vành đai của sao Hải Vương với mình là điểm sáng của cả bộ phim. Roy nắm lấy bàn tay của cha anh, giúp ông mặc bộ đồ không gian… anh làm tất cả những việc ấy, kiên nhẫn và dịu dàng, cứ như thể anh đã chờ đợi cả cuộc đời mình để được chạm vào ông một lần nữa. Roy muốn gặp lại ông, Roy biết ông sẽ già đi, và anh chấp nhận sự thật ấy, như anh chấp nhận tha thứ cho khoảng thời gian xa cách đớn đau giữa hai người. Ngược lại, từ phía cha Roy, ông run rẩy nép mình, thậm chí còn cố không để con trai chạm vào mình lần đầu tiên. Là ông lão ấy đang hổ thẹn, đang sợ hãi đề phòng hay đang nuôi dưỡng một mưu đồ đáng sợ nào đó để thoát khỏi cậu con trai đang cố tách ông với công việc đã lấy của ông cả cuộc đời? Mình đã sợ hãi một sự kiện khủng khiếp sẽ xảy ra theo kịch bản sau cùng ấy.

Nhưng có lẽ cả hai cha con họ đã có cả một cuộc đời để suy nghĩ về nhau, và để dằn vặt chính bản thân mình. Nên họ chỉ đơn giản là chấp nhận đối phương, dù giờ đây vai trò giữa hai bên đã có sự hoán đổi – không còn là hình ảnh người cha dắt tay cậu con trai còn bỡ ngỡ rụt rè bước ra với thế giới bên ngoài vô vàn điều mới mẻ, mà giờ là lúc cậu con trai đã trưởng thành đưa người cha mắt mờ chân run của mình về với quê hương xứ sở. Và chúng ta biết Roy đã trưởng thành, đã trút bỏ được quá khứ nặng nề, đã không còn oán trách khi anh dịu dàng nói với cha mình: “Cha đã thành công. Cha đã chứng minh được có lẽ chúng ta cô đơn trong vũ trụ này.” Điều anh làm không phải là gào vào mặt ông những điều gay gắt như mọi đứa con khác có thể đã nói với người cha đã bỏ rơi họ để chạy theo công việc trong một cảnh phim cao trào. Anh tôn trọng công việc của ông, anh kính trọng di sản của ông. Và hơn hết, anh hiểu những đau đớn dằn vặt mà ông đã trải qua.

“Ad Astra” gợi mình nhớ đến “Solaris” – bản của Nga ấy, không phải bản 2002 có George Clooney đâuuuu. Cũng cái mạch phim chậm chạp dường như khó có thể chịu đựng được ấy, cũng cái cảm giác tù túng bức bối quái gở dù cho trước mặt ta là vũ trụ bao la ngút tầm mắt… Đi xuyên qua bộ phim, khi mà sự chậm rãi mang đến cho ta hóa ra thêm thời gian để chiêm nghiệm của nhân vật chứ tuyệt nhiên không phải sự mệt mỏi, mình lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hóa ra là vậy. Vũ trụ dù không có điểm dừng cũng có thể trở thành một nhà tù chật chội, một con người nhỏ bé với ai đó cũng có thể trở thành một vũ trụ bao la. Bởi quan trọng nhất không phải là thông số đo đếm được bằng các đại lượng vật lí, mà là thái độ của mỗi người khi đứng trước vũ trụ, hay con người ấy. Anh ta muốn tiến về phía sự sống, hay muốn quay lưng bỏ chạy khỏi nó một lần cho mãi mãi. Đó là bài học mà cuối cùng Roy cũng có thể rút ra.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN