Kéo xuống để xem tiếp


Chào rạp ngay những ngày đầu tiên của tháng 3, Khi Ta Hai Lăm gây được sức ảnh hưởng khá lớn khi trong ngay ngày họp báo, số lượng các nghệ sĩ cũng như fan hâm mộ đến tham dự rất đông hứa hẹn cho một dự án bùng nổ về cả số lượng lẫn chất lượng. Thế nhưng, có vẻ như Khi Ta Hai Lăm đã không làm tốt được vai trò của mình khi phim có quá nhiều lỗ hổng đáng thất vọng cả về nội dung lẫn diễn xuất.

 

Teaser trailer Khi Ta Hai Lăm

 

Khi Ta Hai Lăm xoay quanh câu chuyện về Tuệ Lâm (Midu), một nữ quản lý nghệ sĩ trẻ tuổi với tâm huyết cháy bỏng dành cho nhóm nhạc nam của mình – The Air. Tuy nhiên, sau một biến cố lớn xảy ra, mọi dự định của cô và nhóm đành phải bị tạm hoãn, Tuệ Lâm phải sang Hàn Quốc làm việc trong 2 năm. Sau khi trở về, biết bản thân bị sếp lớn lừa và không giữ lời hứa như trước đó với mình, Tuệ Lâm quyết định tự thành lập công ty riêng và quyết khôi phục lại nhóm nhạc đầu tiên mà mình quản lý trong sự nghiệp. Hành trình tiếp theo là câu chuyện giữa Tuệ Lâm và nhóm nhạc tân binh của mình trải qua nhiều khó khăn để đến được ngày debut xứng đáng.

 

 

Poster Khi Ta Hai Lăm
Poster Khi Ta Hai Lăm

 

Về mặt hình ảnh, Khi Ta Hai Lăm chưa có những góc máy quá ấn tượng và mang được tính điện ảnh đặc trưng. Màu phim khá nhợt nhạt, chất lượng hình ảnh nằm ở mức tạm chấp nhận được. Trang phục và tạo hình của các nhân vật trong phim thực sự không gây được ấn tượng cho mình, ngoài Midu xinh lung linh với những bộ cánh có lẽ “tự thân stylist” thì tạo hình và trang phục của các diễn viên còn lại quá bình thường, không tạo được hào quang nhân vật.

Có vẻ như đạo diễn Luk Vân đã quá chú trọng vào các nhân vật chính mà để dàn cameo “muốn mặc gì thì mặc”. Ông bà ngoại của nam chính khi còn trẻ không hiểu sao lại có thể để tóc kiểu “Khá Bảnh”, sơ mi, quần âu chuẩn “soái ca” thế hệ 9x sau này. Đáng trách cho sự thiếu chỉn chu trong khâu tạo hình đã để hình ảnh của phim thiếu logic và tính nhất quáng thời đại như vậy.

Âm nhạc của phim có lẽ là một trong những điểm cộng “hiếm hoi” trong dự án comeback lần này của Luk Vân. OST trong phim khá đa dạng mặc dù hiệu quả trong việc đẩy cảm xúc nhân vật và khán giả thông qua âm thanh không thực sự quá nổi bật. Hầu như rất ít nhạc nền để tạo mood từ từ, điểm nhấn có lẽ lại đến từ 2 bài hát mà chàng diễn viên “hài” Lê Dương Bảo Lâm góp giọng. Thật không biết nên vui hay nên buồn luôn!

 

Dương Lâm cùng dàn cast trong một phân cảnh
Dương Lâm cùng dàn cast trong một phân cảnh

 

Về phần kịch bản và nội dung phim, thực sự thất vọng vì kịch bản của Khi Ta Hai Lăm quá nông, rất nhiều câu chuyện được tạo ra đến từ các tuyến nhân vật nhưng không hề giải quyết được một vấn đề nào triệt để. Đây có lẽ là bộ phim đầu tiên và duy nhất từ trước đến giờ mình xem mà không có cú twist, nếu có thì cú twist chắc đến từ “cú sốc tâm lý của khán giả” vì không nghĩ kịch bản có thể mỏng và “non” đến như vậy.

Cách giải quyết vấn đề thiếu logic, vô lý đến độ không thể chấp nhận được. Một bộ phim mà nhân vật chính chỉ đóng vai trò dẫn lối và “khóc”, khán giả thì hoang mang không biết tâm lý nhân vật là gì. Chẳng có bộ phim nào mà một nhân vật được tạo ra chỉ để xuất hiện tầm 5 phút đầu phim rồi chết, một cái chết “cực kỳ vô lý”, chết để làm nền cho loạt câu chuyện “trẻ con” tiếp theo diễn ra. Sự thay đổi trong nhận của thức nhân vật cũng “rất lạ lùng”, có thể thay đổi mà không cần có bất kì một tác động tâm lý nào.

Một kịch bản được triển khai vượt ngoài sức tưởng tượng của phần đông khán giả và phi thực tế từ đầu đến cuối phim. Quá non nớt cho một kịch bản phim điện ảnh!

 

Kịch bán quá mỏng là điểm trừ lớn nhất của phim
Kịch bán quá mỏng là điểm trừ lớn nhất của phim

 

Về diễn xuất trong Khi Ta Hai Lăm, Lê Dương Bảo Lâm và Midu gồng gánh toàn bộ, mặc dù hình tượng nhân vật trong dự án lần này mình thấy không thực sự phù hợp với Dương Lâm nhưng xét trong tổng thể, anh vẫn là người cứu cánh cho cả bộ phim. Midu là nhân vật chính song cũng quá ít đất diễn, diễn xuất chính của “thần tiên muội muội” trong phim chỉ có khóc, khóc rưng rưng, khóc thút thít và khóc òa lên. Còn lại, diễn xuất của các diễn viên thứ chính khác đều đơ cứng, có những nhân vật cũng được gọi là chính nhưng thoại cả phim chưa được đến 10 câu, nhiều nhân tố xuất hiện từ đầu đến cuối phim nhưng lại dư thừa đến tội nghiệp.

Nhịp phim chậm và trì, quá nhiều slow motion không cần thiết làm cho tác phẩm 1 tiếng 51 dài như 3 tiếng nhưng không đọng lại bất cứ ấn tượng gì. Quá thất vọng cho một “tác phẩm điện ảnh” đến từ người đạo diễn đã lăn lộn khá lâu năm trong nghề như Luk Vân.

 

Khóc là diễn xuất xuyên suốt trong phim của nữ chính Midu
Khóc là diễn xuất xuyên suốt trong phim của nữ chính Midu

 

Một vài điểm sáng khác mà Khi Ta Hai Lăm có như chất lượng dàn cameo vượt trội hơn cả dàn cast chính, số lượng cameo trong phim rất nhiều và đều là những nhân vật rất nổi bật, có sức ảnh hưởng đến với công chúng. Một vài miếng hài mà Dương Lâm quăng ra cũng tạo được hiệu ứng đến khán giả. Và đó là tất cả những gì mà Khi Ta Hai Lăm có thể làm được.

Một bộ phim để lại cho mình khá nhiều sự thất vọng và bứt rứt sau khi rời khỏi rạp, một kịch bản nên dừng lại ở cấp độ phim ngắn chiếu trên Youtube thay vì phủ sóng tại các rạp phim. Nếu muốn biết rõ hơn những trải nghiệm của mình, bạn có thể ra rạp để xem thử nhé!