Bullet Train (Sát Thủ Đối Đầu) có mọi yếu tố ban đầu đáng để chờ đợi: kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết bán chạy toàn cầu của nhà văn Nhật Bản Kōtarō Isaka, dàn diễn viên hạng A đầy thực lực và đạo diễn của nhiều bộ phim hành động ăn khách như Atomic Blonde hay Deadpool 2. Sự hòa trộn giữa những phân cảnh chiến đấu nghẹt thở và chất hài đen tối quen thuộc từ đạo diễn David Leitch có làm nên một bộ phim hay?

 

Poster của Sát Thủ Đối Đầu

 

Sát-thủ-muốn-hoàn-lương Ladybug (Brad Pitt) được thuê lên tàu lửa tốc hành Shinkansen tuyến Tokyo – Kyoto để lấy trộm một chiếc vali. Câu chuyện ngày càng phức tạp hơn khi anh ấy phát hiện ra trên đoàn tàu xuất hiện hàng loạt sát thủ danh tiếng khác như hai anh em “sinh đôi” Tangerine (Aaron Taylor-Johnson) và Lemon (Brian Tyree Henry), độc nữ The Hornet (Zazie Beetz) cùng gã chiến binh sôi sục ý chí trả thù cho hôn thê Wolf (Bad Bunny), cha con The Elder (Hiroyuki Sanada) và The Son (Logan Lerman). Tất cả bị cuốn vào âm mưu thâm độc của tên thủ lĩnh Yakuza khét tiếng White Death (Michael Shannon) và ả thiếu nữ mưu mô biệt danh Prince (Joey King).

Bullet Train chia thành 3 hồi mẫu mực như các phim hành động Hollyhood: hồi 1 giới thiệu nhanh về nhiệm vụ các nhân vật chính, hồi 2 các âm mưu được phơi bày và màn “chém giết” giữa các sát thủ, hồi 3 mọi người tập trung để “đánh boss”. Nhịp phim ở phần 1 khá nhanh, có cài cắm nhiều chi tiết tưởng là vô tình nhưng đều có vai trò quan trọng ở 2 hồi cuối, tính cách và cuộc đời của các sát thủ cũng được giới thiệu sơ lược nhưng đủ để người xem nắm bắt được điểm chính. Các tuyến nhân vật khá nhiều nên đôi khi gây cảm giác mệt và không trọn vẹn. Hồi 2 là sự tung hứng qua lại bởi các màn cận chiến nhanh gọn nhưng khá ấn tượng kèm các câu chuyện cười dark-humor gợi lại các phim của Quentin Tarantino và chính các phim cũ từ đạo diễn David Leitch. Các màn chém giết khá máu me nhưng được xử lý gọn lại hài hước, có chút mỉa mai thường thấy ở Deadpool. Hồi 3 lại cho cảm giác hơi vội vã và chưa mượt do các tuyến nhân vật chưa đủ thời gian giải quyết các vấn đề từ hồi 2, một vài nhân vật tạo cảm giác thừa thải (ví dụ nhân vật The Son).

 

White Death (Michael Shannon) và Prince (Joey King)

 

Dù được giới thiệu khá hoành tráng nhưng Death White lại chưa tạo được sự uy hiếp như người viết mong đợi, bù lại sự hiểm độc được bọc bên ngoài bởi vẻ ngây thơ không hề giả trân của Prince khá ấn tượng. Brad Pitt đem đến một vai diễn sát thủ khá thú vị, hòa trộn giữa ước mơ hòa-bình-bên-trong-tâm-hồn pha với chất sát thủ vẫn bốc lên vào đúng thời điểm chiến đấu sống còn. Sanada vẫn siêu ngầu với các cảnh chiến đấu với thanh katana. Cặp anh em ‘sinh đôi’ Tangerine và Lemon tung hứng rất ăn ý đem lại màn tấu hài thú vị.

 

 

 

 

Tuy nhiên câu chuyện bị bẻ lái quá gắt giữa chất trinh thám và hài hước – hành động đôi khi gây cảm giác hụt hẫng chưa làm thỏa mãn. Lối mòn từ các phim trước đây lẫn vay mượn phong cách Quentin Tarantino thái quá khiến phim không tạo sự đột phá mà ngược lại đánh mất tính bí ẩn và bất ngờ cần có ở thể loại trinh thám – hành động như Bullet Train. Hiệu ứng hình ảnh và nhạc phim làm khá tốt và đem đến nhiều đoạn rất hấp dẫn. Ánh đèn neon và đoàn tàu hiện đại phối hợp tạo ra khung cảnh vừa thân quen vừa giả tưởng rất hợp với theme chung của bộ phim.

 

 

Định mệnh là thứ xuyên suốt và dường như chi phối mọi thứ trong Bullet Train. Những thứ nhỏ bé lại có thể thay đổi hoàn toàn số mệnh của con người. Mỗi nhân vật như một mảnh ghép cho câu chuyện. Từ tiểu thuyết gốc đậm màu sắc đặc trưng Nhật Bản, các nhà làm phim thay đổi bằng dàn diễn viên đa quốc tịch và chen vào “văn hóa đại chúng” khiến phim dễ hiểu hơn với khán giả quốc tế, những cố gắng này có vẻ không hiệu quả lắm và phá đi sự hấp dẫn vốn có của tiểu thuyết gốc để lại nhiều luyến tiếc. Dù vậy, phim vẫn đậm tính giải trí cho khán giả muốn tìm kiếm chút thư giãn cuối tuần.

Nguồn ảnh: IMDb