Thời gian vừa qua tôi được dịp xem hai tác phẩm điện ảnh có cùng đề tài về hội họa là Miss Hokusai (2015) và phim Loving Vincent (2017). Tuy một Đông một Tây nhưng cả hai ông Hokusai và Van Gogh đều là những họa sĩ lừng danh thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các trường phái tranh sau này. Cả hai tác phẩm không hẹn mà gặp đều là thể loại phim hoạt hình tiểu sử, để nói về nghệ thuật hội họa thì còn chất liệu nào tuyệt vời hơn nét vẽ từ những đôi bàn tay nghệ sĩ đầy tâm huyết? Tôi nghĩ thời điểm họ cùng làm phim là như nhau nhưng do Loving Vincent công phu hơn Miss Hokusai nhiều nên công chiếu trễ mất hai năm.
Katsushika Hokusai (1760 – 1849) được công chúng biết đến rộng rãi qua bức Sóng Lừng Kanagawa (The Great Wave off Kanagawa), là một trong những danh họa lớn nhất Nhật Bản sống vào thời kỳ Mạc Phủ Edo (Edo period). Vincent van Gogh (1853 – 1890) là danh họa người Hà Lan thuộc trường phái hậu ấn tượng (Post-Impressionism), ông đã quá nổi tiếng khắp thế giới với những bức tranh sơn dầu độc đáo của mình. Điều thú vị ở đây là trong quá trình nghiên cứu lý thuyết về màu sắc, Van Gogh đã có mua một số bức tranh khắc gỗ màu xanh cobalt của Nhật Bản thời Edo về làm nền cho một số tác phẩm của mình. Hiển nhiên Van Gogh cũng đã một phần học hỏi từ Hokusai, bậc thầy hàng đầu về tranh Ukiyo-e lúc bấy giờ. Tuy nhiên Hokusai thì sống đến tuổi cửu thập cổ lai hy còn Van Gogh thì đã tự sát khi còn khá trẻ.
Phim Miss Hokusai (2015)
Miss Hokusai nhìn chung là một bộ phim rất lạ mà khi xem xong tôi không biết mình nên nói là phim hay hay dở? Nó lại càng xa lạ hơn với các khán giả ít được tiếp xúc với những triết lý Phật Giáo và thần thoại Nhật Bản. Cũng như Loving Vincent, vị danh họa Hokusai không phải là nhân vật chính của phim mà là con gái ông O-Ei, một họa sĩ trẻ đang theo chân Hokusai học việc. Có lẽ khắc họa như vậy là hợp lý bởi vì đầu óc của những bậc cao nhân như Hokusai và Van Gogh thì quá thâm sâu và điên rồ, mượn một nhân vật khác để “vẽ mây nẩy trăng” thì quả là vẹn toàn và khách quan hơn cả.
Như mọi người đã biết vào thời kỳ Edo, Phật Giáo Thiền Tông rất phát triển. Văn hóa thị dân (chōnindō – văn hóa của người dân thành thị, nghệ sỹ và kỹ nữ…) cũng là linh hồn của Edo. Từ sự va chạm giữa các tầng lớp dân chúng ấy đã bắt rễ nên triết lý sống Phù Thể Ukiyo nghĩa là phù sinh, vô thường và trôi nổi theo thời gian. Vì vậy những bức tranh khắc gỗ ukiyo-e của Hokusai cũng mang đậm nét văn hóa và triết lý sống của thời kỳ này.
Xuyên suốt phim, chúng ta sẽ bắt gặp những hình ảnh gợi nhớ tới một số bức họa nổi tiếng của Hokusai như The Great Wave, The Great Daruma và cả những bức thần thoại kinh dị lẫn tranh Shunga phong tình… Mặc dù có một vài tình tiết vui nhộn nhưng bao trùm lên cả bộ phim là một cảm thức buồn rầu. Hokusai buồn vì mình là một người cha tồi, buồn vì cái chết trẻ của đứa con gái Út mù lòa, buồn vì sợ rằng mình sẽ không thể vươn tới đỉnh cao hội họa vào những năm cuối đời và trên tất cả, các nhân vật đều buồn vì thời Edo đã đến hồi mạc vận.
Những con sóng xanh, ca kỹ, thợ thuyền, bến bãi, … đều cũng sẽ tan biến đi để nhường chỗ cho một Tokyo hiện đại của thời kỳ Minh Trị huy hoàng, thời của những giá trị Tây Phương được tôn vinh. Tất cả đều là phù du trôi nổi của kiếp nhân sinh, duy chỉ có ngọn Phú Sĩ là vẫn sừng sững đứng đó đầy kiêu hãnh.
Phim Loving Vincent (2017)
Đã có nhiều phim điện ảnh khắc họa chân dung vị danh họa bạc mệnh Van Gogh như: Lust for Life (1956), Vincent (1987), Vincent and Me (1990), Vincent & Theo (1990), Van Gogh (1991). Cuộc đời Van Gogh có hai điều bí ẩn khiến người ta tò mò nhất: đó là cắt tai và tự sát. Do những phim trước đã nói về mối quan hệ giữa ông với người bạn họa sĩ chí cốt Gauguin cùng vụ cắt đứt một bên tai nên ở phần phim Loving Vincent (2017) này người ta chỉ tập trung nói đến những sự việc diễn ra sau đó và đặc biệt là về cái chết của Vincent.
Điểm nổi bật nhất của Loving Vincent là nó được tạo nên từ hơn 65.000 bức vẽ sơn dầu do 125 họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới thực hiện.
Tất cả đều mô phỏng phong cách vẽ đặc biệt của Van Gogh nên khi xem phim ta có cảm giác như lạc vào chính những bức tranh của vị danh họa này vậy. Cảm hứng làm phim đến từ những bức thư của Vincent gửi cho người em trai Theo thương mến. Trong bức thư cuối cùng mà Vincent nhờ người đưa thư Roulin gửi cho Theo, ông diễn tả bản thân đang trong trạng thái hoàn toàn bình thường và dễ chịu, nhưng chỉ ít lâu sau cái chết của Van Gogh đã gây chấn động mọi người. Ở những tình tiết sau đó, người con trai của Roulin là Armand Roulin lần theo vết tích trong thư để giải mã bí ẩn về cái chết của chàng Vincent đáng thương. Trong cuộc hành trình ấy Armand đã gặp rất nhiều nhân chứng và bạn bè của Van Gogh, họ đều được vị họa sĩ vẽ chân dung lại trong quá trình sáng tác cuối đời.
Anh chàng Armand này luôn mặc chiếc áo khoác màu vàng rất nổi bật, tựa như sắc vàng chủ đạo trong các bức vẽ của Van Gogh và cũng là màu của những bông hướng dương, tulip rực rỡ khắp xứ Hòa Lan. Điều mà Armand muốn biết là liệu Van Gogh đã tự tử hay có một kẻ nào đó đã sát hại ông: “Did he change his mind? Did he want to live after all? / Ông ấy đã đổi ý định ư? Có phải khao khát được sống của ông ấy cuối cùng đã trổi dậy?“. Nhưng một nhân vật cá tính khác là tiểu thư Marguerite Gachet đã nói một câu làm thức tỉnh Armand và cả chúng ta: “You want to know so much about his death, but what about his life? / Anh muốn biết nhiều điều về cái chết của ông ấy. Thế còn cuộc đời của ông ấy, anh biết được gì nào?”
Các bạn yêu mến tài hoa của Vincent hay chỉ yêu cái danh hiệu họa sĩ hàng đầu mà những tên nhà giàu buôn tranh dùng để tôn xưng Van Gogh? Điều gì đã khiến cho những con người tài hoa như Vincent van Gogh, Ernest Hemingway, Oscar Wilde, Sylvia Plath, Virginia Woolf, Dalida, Marilyn Monroe… tự sát? Bùi Giáng hỏi bởi mần răng mà tự tử hỡi các bạn thi sỹ một cây thái thậm thừa số dzách! Những nghệ sỹ tài hoa thường sở hữu tâm hồn đầy giông bão. Họ luôn nỗ lực để sáng tạo và muốn truyền tải những ước nguyện đến với người đời nhưng đám đông thì luôn lạnh nhạt và vô tình. Họ chỉ chú ý đến người nghệ sỹ chỉ khi họ chết đi hoặc khi có những vụ scandals động trời liên tục xảy đến.
“Funny when you’re dead how people start listening.”
Trong cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, tác giả Phạm Công Thiện đã giải thích sự điên loạn của Van Gogh như sau:
“Chúng ta phải kính trọng những bậc cao nhân có đầu óc không bình thường. Xét cho cùng, ta thấy con người bình thường chỉ có thể thích ứng được là vì họ đã chối bỏ bản ngã, họ đã hy sinh mất tâm hồn họ để đổi lấy sự thích ứng trên. Vì vậy, cái tính chất thực thụ và lòng hồn nhiên tự nhiên của họ đã bị đánh mất. Họ không còn là họ, họ mang mặt nạ. Họ đầu hàng trước những công thức, vì thế họ không còn hồn nhiên bỡ ngỡ trước cuộc đời, họ không khác gì một lưỡi dao cùn, họ có những phản ứng giả tạo hoặc máy móc, họ dễ bị lôi đi, họ không còn tinh thần sáng tạo, chính những người như họ đã đưa nhân loại đến những thảm trạng hãi hùng nhất hiện nay. Trái lại, người điên loạn là con người không chịu đầu hàng, họ điên là vì họ không chịu chấp nhận công thức xã hội, họ muốn cứu giữ bản ngã nhưng họ thất bại và họ tìm giải thoát trong điên loạn, rút lui vào một thế giới ảo hoặc kỳ lạ. Hắn cảm thấy bơ vơ, hắn cảm thấy cuộc đời đứng bên ngoài hắn, một thực thể hoàn toàn biệt lập. Hắn cảm thấy cô đơn và hoàn toàn bất lực, hắn không thể chịu đựng được nữa, thế là hắn chạy trốn.
Đường chạy trốn mở ra nhiều lối, nhưng tựu trung, ta có hai đường chính: một đường đưa đến sự sống và một đường đưa đến sự chết (chết trong tâm hồn hoặc thể xác). Con đường thứ hai này luôn luôn đưa đến tất cả những hiện tượng thần kinh suy nhược, thác loạn, điên loạn, mất thăng bằng trí não. Hắn trở thành tổng số của những thói quen và tinh thần sáng tạo bị bóp chết trong trứng.”
Ở đoạn cuối của phim Loving Vincent, Armand đã hiểu được lý do thực sự khiến Vincent muốn xa lìa trần thế và chìa khóa quan trọng nhất nằm ở bức Starry Night. Van Gogh đã từng nói: “Bằng những bức tranh của mình, tôi muốn cho cả thế giới biết rằng… trái tim của kẻ vô danh này, ẩn chứa những điều đẹp đẽ gì.” Nhưng đáng buồn thay cả đời ông đã sáng tác nên hơn 2100 tác phẩm trong đó có 860 bức sơn dầu nhưng chỉ bán được đúng duy nhất một bức tranh lúc còn sống. Chính người em trai Theo đã liên tục cổ vũ và tiêu tốn gần hết gia tài của mình để Vincent duy trì sự nghiệp. Tuy nhiên Theo cũng vì quá buồn rầu trước cái chết của anh trai và qua đời một năm sau đó.
Có lẽ tạo hóa đã gieo vào đời những người nghệ sỹ lắm bi kịch thương đau để từ nỗi buồn đau đó mà họ sáng tạo nên chân giá trị nghệ thuật để đời. Nhìn lại những tác phẩm của Van Gogh, có thể thấy ông là người rất yêu mến vẻ đẹp của cuộc sống, từ đóa hoa mỏng manh đến những cánh đồng lúa mì vàng rực và cả những đàn ông tả tơi trong bộ chùng rách mướp… Người đương thời chẳng thể yêu thương ông, nhưng tình yêu của ông dành cho hội họa là bất diệt. (For they could not love you, but still your love was true). Định mệnh của những họa sĩ là chỉ được nhìn nhận sau khi chết đi nên câu nói cuối cùng khi hấp hối của Vincent là:
“La tristesse durera toujours/ The sadness will last forever/ Và nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi.”
Trong ánh mắt cuồng nộ của Van Gogh ẩn chứa cả bầu trời xanh u buồn, trên đôi tay của Hokusai gánh cả một gia đình không êm ấm, những nỗi buồn này sẽ luôn đeo bám những người họa sĩ tài hoa và nó nhắc nhở chúng ta rằng: hãy mua tranh ảnh từ những người đang sống để cuộc đời của họ bớt phần nào cơ cực, tác phẩm của những vị danh họa quá cố âu cũng chỉ là thứ vật phẩm trang trí xa xỉ của giới thượng lưu mà thôi.
Poster phim Loving Vincent ở Vietnam, họ dịch tựa là Vincent Thương Mến. Lúc đi xem tôi cũng ngạc nhiên là có khá đông khán giả, chắc đa phần là dân làm ở ngành sáng tạo.