Làm nên một bộ phim hay, vai trò của đạo diễn là không thể bàn cãi. Biên kịch có thể viết nên câu truyện lên giấy, diễn viên có thể đem cảm xúc vào những con chữ, nhưng chính đạo diễn mới là người thiết lập tông, nhịp điệu, màu sắc, dựng cảnh, xây dựng các nhân vật sao cho đáng nhớ và kiểm soát các phân đoạn gồm mở đầu, cao trào và kết thúc. Chính những phong cách khác biệt của các tên tuổi đạo diễn khác nhau để lại những dấu ấn độc đáo cho các bộ phim, ngay cả khi chúng khai thác cùng một chủ đề. Ví dụ, Nolan là người nổi tiếng thích “chơi đùa” với dòng thời gian, Steven Spielberg thích để nhân vật thúc đẩy và kiểm soát câu chuyện của mình, thay vì ngược lại, Hitchcock yêu thích kỹ thuật “subjective camera” mà trong đó, khán giả được đặt vào vị trí của nhân vật để trải nghiệm những gì nhân vật đó đang trải qua (sợ hãi, kinh hoàng, ham muốn, nghi vấn…). Song, không phải lúc nào phong cách của các đạo diễn cũng được đánh giá cao, nhưng điều đó không có nghĩa là những cách tiếp cận câu chuyện của họ dở tệ.
Guy Ritchie thuộc trường hợp này. Ritchie cũng có cho mình một cách làm phim mà theo nhiều người nhận xét là không lẫn vào đâu được. Nhưng cũng chính những đặc trưng mà ông đem vào các dự án của mình, những đứa con tinh thần của đạo diễn thường là chủ đề tranh cãi giữa các nhà phê bình lẫn khán giả, hầu hết là giới phê bình. Hoặc là tệ hoặc là thiên tài, không có điểm cân bằng ở giữa. Điều này khiến Guy Ritchie trở thành một trong những nhà làm phim bị đánh giá thấp, dù người xem lúc nào cũng bị thu hút bởi những phim của ông.
Để thấu hiểu cách làm phim của Ritchie không khó. Những bộ phim gắn mắc Guy Ritchie sẽ có những đặc trưng lôi cuốn bạn ngay từ đầu.
1. Không phải chủ đề, mà là cách thực hiện
Guy Ritchie không hướng đến những bộ phim Hàn lâm, đó là điều chắc chắn. Ông thích thú với các bộ phim có thể mang đến những trải nghiệm giải trí tuyệt vời cho khán giả và chúng thường liên quan đến những bọn gangster Anh Quốc. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân ông cũng là một người Anh và ông trưởng thành trong nền văn hoá với khiếu khôi hài đặc thù của nước Anh – thứ mà đạo diễn thường lồng ghép vào những dự án của mình.
Guy Ritchie không phải là nhà làm phim tiên phong của thể loại Gangster, hoặc mong muốn phá vỡ công thức của thể loai để sáng tạo cái mới. Trong suốt sự nghiệp, Ritchie cũng không giới hạn bản thân chỉ với “anh em xã hội”, ông còn làm phim về một thám tử đại tại, những điệp viên lập dị thời Chiến tranh Lạnh, những điệp viên của kỷ nguyên số, về một vị vua huyền thoại…Có thể thấy, đối với Ritchie, một chủ đề có thể lập đi lập lại, một đống phim làm về cùng một nhân vật, mấu chốt là ở cách thực hiện.
Ritchie không phải là người đầu tiên làm phim tội phạm có tổ chức và các phi vụ trộm cướp, nhưng những “anh em xã hội” của ông đáng nhớ theo cách rất riêng. Hãy nhìn sang những bộ phim thuở đầu của ông là thấy. Snatch (2000), được xem là bộ phim xuất sắc trong các dự án của Ritchie theo IMDb. Đó là một bộ phim đan xen nhiều tuyến nhân vật, những pha hành động và các biệt danh đáng nhớ. The Gentlemen (2019) quy tụ số lượng nhân vật khổng lồ và theo đó là nhiều tầng lớp câu chuyện từ từ được hé mở.
Chia câu chuyện muốn kể thành nhiều tuyến là cách làm ưa thích của Ritchie. Những tuyến truyện này sẽ liên quan với nhau, nhưng liên quan thế nào thì từ từ phim sẽ hé lộ. Phương pháp chia tuyến còn cho phép khán giả chứng kiến câu chuyện từ góc nhìn của các nhân vật trong phim, từ đó tạo nên bức tranh toàn cảnh rộng lớn và phức tạp, tranh việc khán giả có thể dự đoán được những gì sắp diễn ra. Thêm vào đó sức sáng tạo, Ritchie vẫn có thể khiến câu chuyện của mình trở nên thu hút dù cho nó có sử dụng các chủ đề quen thuộc đi chăng nữa. Trên thực tế, các câu chuyện do Ritchie cầm cương rất khó để đoán trước các tình tiết, vì ông thường không sử dụng phương thức truyền thống của thể loại cho phim của mình, bất kể nó mở đầu không khác công thức bao nhiêu.
2. Dẫn truyện
Quy tụ một lượng nhân vật lớn là một yếu tố nữa Ritchie thích sử dụng cho phim của mình. Số lượng này có đủ kép chính, kép phụ, và thường chỉ có một nữ chính sánh đôi với nam chính – nếu bạn tìm được anh ta. Không sao, Ritchie sẽ giúp người xem với những đoạn tự sự dẫn truyện.
Thông thường, dẫn truyện là một phương thức truyền thống đưa người xem vào câu chuyện. Song, đối với những nhà làm phim hiện đại, dẫn truyện đã không còn được ưu ái như trước. Nhưng đối với Ritchie, đây là cách làm hiệu quả nhất để mở đầu bộ phim, đồng thời là cầu nối cho đặc trưng tiếp theo.
Những đoạn dẫn truyện trong phim Ritchie không phải chỉ để bắt đầu câu chuyện, nó là thời khắc phim thuyết phục người xem những nhân vật của nó đáng mến, hoặc đáng ghét, hoặc đáng khinh, hoặc đáng thương như thế nào. Hãy bắt đầu với The Man from U.N.C.L.E (2015), bộ phim về một nhóm điệp viên được chắp vá từ hai, ba quốc gia đang ở thế đối đầu phải hợp tác để ngăn chặn một mưu đồ lớn hơn. Bộ phim này bắt đầu với đoạn giới thiệu nhân vật cơ bản nhất: một chiếc máy chiếu đời cũ và một sĩ quan khác đứng đọc hồ sơ về các nhân vật, tương tự một bài thuyết trình powerpoint đấy. Từ đó, chúng ta biết được lý lịch bất ổn của điệp viên số 1 Napoleon Solo, sau đó, thông qua anh ta, chúng ta biết được quá khứ sang chấn của điệp viên số 2 Illya Kuryakin. Khán giả còn biết nhiệm vụ của họ là gì, nhưng khác với mong đợi của người xem khi ấy, The Man from U.N.C.L.E hoàn toàn khác biệt với các bộ phim điệp viên nổi đình nổi đám trong nền điện ảnh hiện đại.
3. Nhân vật “màu mè” có chủ đích
Cường điệu là yếu tố thường trực của điện ảnh, mấu chốt là nó được thể hiện tinh tế hay không. Nếu quà cường điệu, sẽ thành phô trương, làm phim trở nên rất giả. Ritchie có giải pháp cho điều này – để nhân vật của ông làm, kết hợp với dẫn truyện luôn.
Một phân cảnh nữa khiến các nhân vật trong The Man from U.N.C.L.E trở nên ấn tượng, biến thành một điểm sáng của câu chuyện là hành động. Bạn còn nhớ khi hai anh chàng Solo và Kuryakin đang đột nhập vào cơ sở của kẻ thù chứ. Họ đã có màn đấu khẩu, so tài kỹ năng và xem công nghệ bên nào hiện đại hơn như cái kiềm cắt dây được mài bằng tia laze CO2 của Mỹ với tia laze CO2 của Liên Xô ấy, hoặc đáng nhớ hơn nữa là màn mở két sắt do Solo thực hiện, hoặc hài hước hơn là hai anh chàng ném những chiếc máy nghe lén cho nhau như một cách “đâm chọt” lẫn nhau. Chúng không có sự nghiêm túc như James Bond xâm nhập vào sòng bạc dưới mũi kẻ thù trong Casino Royale, hay dữ dội như màn tẩu thoát của Bourne trong The Bourne Legacy.
Đó là điểm nhấn của Ritchie, nhân vật của ông có thể vừa “ngầu”, vui tính, nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, đồng thời có cả những đặc điểm không ngờ tới được. Bộ phim mới nhất của Ritchie là Phi Vụ Toàn Sao (Operation Fortune: Ruse de Guerre) cũng vận dụng nguyên lý trên cho nhân vật. Ai mà ngờ được một điệp viên điêu luyện như Orson Fortune, do chính Jason Statham thể hiện, lại có khả năng phương hướng vô cùng tệ.
Không cần đao to, búa lớn hay những kế hoạch quá phức tạp, những nhân vật của Ritchie thường được gắn liền với các màn phô diễn kỹ năng như vậy. Trước khi bạn nhắc đến gangster, bạo lực cũng là một kỹ năng đó. Và họ ngay lập tức trở nên đáng nhớ, như một dấu hiệu phân biệt những gương mặt được Ritchie đưa vào phim.
4. Cân bằng
Tương tự như những màn đột nhập, đánh cắp thông tin là điểm nhấn cho các điệp viên, ở những bộ phim gangster, bạo lực là thứ đi kèm với nhân vật. Những gương mặt ở The Gentlemen đều xuất hiện lần đầu với những màn đang “chăm sóc” một ai đó. Nhưng Ritchie chưa từng khắc hoạ những màn bạo lực quá mức lên phim. Ông chọn những góc quay cố ý che khuất hình ảnh của nạn nhân, chỉ để hành động của nhân vật “anh chị em” xã hội lọt vào ống kính, phần còn lại để khán giả tự tưởng tượng. Ví dụ, trong bộ phim Phi Vụ Toàn Sao có một phản diện không thể tồi tệ hơn (hắn ta ghét trẻ mồ côi và góp phần tạo ra chúng cho thế giới) lại hâm mộ một ngôi sao điện ảnh.
5. Góc quay hành động
Nếu Zack Snyder nổi tiếng với các phân cảnh quay chậm (slow-motion), thì Guy Ritchie được gắn liền với các phân đoạn chạy đuổi giàu năng lượng. Khi những cảnh hành động xuất hiện, chúng thường được kết hợp với những bản nhạc nền nhịp điệu sôi nổi, như King Arthur: Legend of the Sword nổi bật với trường đoạn nhân vật chính chạy trốn kẻ thù. Một số ông diễn giải bằng các góc máy rung lắc theo từng chuyển động của các nhân vật, đồng thời kết hợp với góc quay cận cảnh. Người xem có cảm giác như bản thân đang ở sát cạnh những nhân vật họ đang nhìn thấy, gần đến mức có thể cảm nhận được hơi thở hay chuyển động của cơ bắp.
Ritchie không chỉ lấy hành động làm yếu tố trang trí đơn thuần. Ông muốn chúng mang ý nghĩa đến cho bộ phim, nên chúng thường sẽ phản ánh những khía cạnh bản tính của nhân vật. Không chỉ đơn giản là những màn chứng tỏ nhân vật là cao thủ về võ thuật, ví như trong Sherlock Holmes (2009), nó được dùng để diễn giải tài phán đoán và suy luận của thám tử đại tài cùng tên này.
Guy Ritchie có thể không phải là nhà làm phim vĩ đại của nền điện ảnh Âu-Mỹ, nhưng ông là một nhà làm phim có thể thổi hồn sáng tạo cho bất cứ thể loại nào. Từng có một thời người ta cho rằng Ritchie chỉ có thể “trị” phim về gangster, kho tàng phim ảnh của ông khẳng định điều ngược lạ. Ritchie là người hiếm hoi có thể cân bằng giữa phong cách và những yếu tố sâu sắc khác của điện ảnh – điều khiến ông nổi bật giữa các tên tuổi đạo diễn. Một điều thú vị là điều này cũng khiến phim của ông vô cùng giải trí. Nếu xem những bộ phim xuất hiện những đặc trưng kể trên, thì bạn chắc chắn biết bản thân đang xem một bộ phim của Guy Ritchie.
Theo: Moveek.com