Nền văn hóa khác nhau sẽ có những quan niệm ma quỷ khác nhau. Nhưng đôi khi, những nền văn hóa lại có cùng một ý tưởng về thực thể mang tên Ông Kẹ (có lẽ vì trẻ hư tồn tại ở khắp nơi chăng?). Là một thực thể được dựng lên để dọa trẻ em, thực thể siêu nhiên này là công cụ thuyết phục chúng phải cư xử ngoan ngoãn. Ông Kẹ thường được nhắc đến trong những truyền thuyết, câu chuyện dân gian hoặc chỉ đơn giản là lời dặn dò ngắn ngủi của các phụ huynh khi ru con họ ngủ. Và hắn là lý do chúng ta không để chân vượt khỏi ranh giới giường ngủ mỗi đêm.
Những đặc điểm chung phải kể đến là hình thù không rõ, chỉ có đáng sợ, thường ẩn trốn trong tủ đồ hoặc những góc tối trong nhà, chắc chắn là một vị khách không mời mà đến khó rũ bỏ, thường đến bắt cóc những đứa trẻ và đem chúng đến thế giới của hắn để ăn thịt. Có lẽ do là kẻ chuyên săn trẻ em mà Ông Kẹ được xem là một cơn ác mộng đặc biệt đáng sợ đối với tâm hồn trẻ thơ và nếu thành sự thật, là nỗi rùng rợn lạnh người của các bậc phụ huynh.
Chính vì không có một mô tả ngoại hình cụ thể cũng như năng lực siêu nhiên mơ hồ, những nhà làm phim đã thoải mái xây dựng cho mình những phiên bản Ông Kẹ đáng sợ. Sau đây là những Ông Kẹ khiến người xem dựng cả tóc gáy.
Beldam – Coraline
Nếu Stephen King nổi tiếng với những thực thể kinh dị, thì Neil Gaiman chuyên đánh vào thế giới huyền bí ma mị. Và Beldam từ câu chuyện và phim Coraline là một trong số đó. Nếu ba mẹ bạn từng có suy nghĩ hoạt hình là chỉ dành cho trẻ con, hãy để họ xem Coraline, phim mà các phụ huynh sẽ rùng mình khi thấy ác mộng của họ thành hiện thực thông qua nhân vật Beldam.
Beldam, kẻ ngự trị thế giới song song kết nối với nhà mà cô bé Coraline đang ở, là “mẹ mìn” đúng nghĩa. Với vỏ bọc người mẹ hoàn hảo và duyên dáng, mụ đã lừa lọc và dụ dỗ thành công những đứa trẻ đến nơi ở của mụ, nơi Beldam như một con nhện, hút lấy sinh mạng của chúng một cách từ từ. Và chúng không bao giờ trở về nhà được nữa. Chưa kể hình thù của Beldam đáng sợ không kém.
Krampus – Krampus (2015)
Với nhiều điểm tương đồng với những quan niệm về Ông Kẹ, Krampus nhiều khi cũng được xem là một Ông Kẹ điển hình. Krampus là phiên bản khủng khiếp hơn của người đàn ông mặc đồ đỏ, cưỡi xe tuần lộc để phát quà cho trẻ em vào đêm Giáng Sinh. Nhưng thay vì quà, Krampus sẽ tặng chúng một đống than.
Và “chúng” là ai? Bạn còn nhớ danh sách trẻ hư, trẻ ngoan luôn đi cùng hình ảnh Ông già Noel chứ? Nếu trẻ ngoan được ông tặng quà, bạn đoán được trẻ hư sẽ gặp ai rồi đó. Kinh khủng hơn, Krampus sẽ nhét những đứa trẻ hư vào chiếc túi lớn của hắn và đem chúng về hang ổ của hắn để ăn thịt. Trong Krampus (2019), trước khi chúng bắt những đứa quậy phá trong đây, hắn sẽ tra tấn gia đình bất hạnh này trước bằng những phương thức đảm bảo đêm Giáng Sinh đó là một đêm đẫm máu.
Pale Man – Pan’s Labyrinth (2006)
Tình yêu với “quái vật” của Guillermo del Toro đã sinh ra những sinh vật thật sự khiến người xem đi từ kinh ngạc đến hãi hùng. Trong Pan’s Labyrinth, vị đạo diễn đã thổi hồn cho một Ông Kẹ khủng khiếp được gọi là Pale Man.
Như tên gọi, hắn cao lênh khênh, gầy gò, nhợt nhạt từ đầu đến chân và hai mắt gắn ở lòng bàn tay. Hang ổ của hắn là nơi mà Ofelia phải đi qua nếu muốn tìm đường khỏi mê cung. Khi cô giáp mặt sinh vật này, hắn đang ngồi ở đầu một bàn ăn tối dài, bao quanh là những bức tranh về hắn và món ăn khoái khẩu – trẻ em. Bên cạnh bàn ăn là một đống đồ trẻ em đã cũ. Pale Man và Ofelia đã có một pha rượt đuổi nghẹt thở khiến nó trở thành phân đoạn đáng sợ và hay nhất của bộ phim.
Babadook – Babadook (2014)
Ông Kẹ thường là nỗi ác mộng của trẻ em, nhưng Babadook là nỗi ác mộng của người lớn. Vì dưới sự ảnh hưởng của hắn, cha mẹ sẽ sát hại cả con của mình. Điều đó đồng nghĩa không ai an toàn trước Babadook.
Được “mời” vào nhà trong hình dạng một cuốn truyện pop-up và cơn ác mộng của trẻ em, Babadook dù không được hé lộ hình dạng, nhưng sự hiện diện quỷ quyệt của hắn có thể được cảm nhận từ trong từng thước phim. Babadook “ăn” thứ cảm xúc tiêu cực. Điều đó thôi thúc hắn tra tấn nạn nhân và nhấn chìm họ trong đau khổ. Nhưng khủng khiếp hơn, từ một cái bóng đứng lặng yên trong góc tối của căn nhà, Babadook trở thành thế lực khủng khiếp khiến nạn nhân không thể phân biệt giữa ảo ảnh và thực tế, khiến họ không thể kiểm soát hành vi của mình.
Pennywise – It
Nhờ có phần phim remake ăn khách It (2017), Hề Pennywise có lẽ là tên hề khủng khiếp được biết đến nhiều nhất với khán giả đại chúng. Mặc dù là thực thể ngoài hành tinh, Pennywise không khác Ông Kẹ bao nhiêu với món khoái khẩu của hắn là trẻ em Thức giấc sau mỗi giấc ngủ đông kéo dài 27 năm, Pennywise dành 1 năm để chất đầy “kho thực phẩm” của hắn. Bằng khả năng thao túng, hiện thực hóa những nỗi sợ của nạn nhân như một cách làm nạnh nhân của hắn ngon miệng hơn, Pennywise là kẻ mà bạn nghĩ đến khi nhắc đến những con quái vật nấp dưới gầm giường.
Không có bất kỳ tình thương hay cảm xúc nào ngoài ham muốn ăn và sống, với cách giết người tàn bạo và dã man, Pennywise là thực thể nổi tiếng nhất của vũ trụ kinh dị Stephen King. Sự tồn tại của Pennywise độc hại đến mức khiến thị trấn Derry trở thành một điểm nóng siêu nhiên bất ổn nhất trong vũ trụ Stephen King, nơi đã được coi là bị nguyền rủa ngay từ đầu.
Bughuul – Sinister (2012)
Nếu Ông Kẹ thực sự tồn tại, bạn sẽ không muốn hắn lấy hình thù và khả năng của Bughuul làm nguyên mẫu. Được lấy cảm hứng từ nhiều vị thần có thật, Bughuul là thực thể vô cùng tàn ác. Mỗi khi “viếng thăm” một gia đình, hắn thao túng một người con của họ thực hiện những cuộc tàn sát người thân vô cùng man rợ.
Quá trình đó được quay lại trên máy quay như những thước phim lưu giữ kỷ niệm gia đình. Thứ sau đó sẽ là vật “lây lan” lời nguyền này đến những gia đình xấu số khác. Còn đứa trẻ còn lại được Bughuul bắt đến vùng đất của hắn, trở thành thức ăn dần cho hắn ta. Đến nay, vẫn không có cách nào khắc chế được Bughuul.
Gương mặt sắp tham gia: The Boogeyman – Ông Kẹ (2023)
Trong khi những thực thể trên chỉ mang tiếng, thực thể này được gọi hẳn tên cúng cơm là Ông Kẹ. Cũng như Pennywise, Ông Kẹ là thực thể được Stephen King sáng tạo trong truyện ngắn cùng tên.
Nhưng không như tên hề này, Ông Kẹ hầu như không được mô tả cụ thể trong câu chuyện của ông, mà nhà văn để độc giả tự tưởng tượng đến hắn và cảm nhận được sự hiện diện quỷ quyệt của thực thể này trong các chi tiết ám chỉ. Về điểm này, Ông Kẹ chia sẻ nhiều điển tương đồng với Babadook khi cả hai đều “ăn” những cảm xúc tiêu cực. Nhưng Ông Kẹ đặc biệt thích trẻ em và hắn không ngại tra tấn lũ trẻ để “no bụng”.
Theo: Moveek.com