Kéo xuống để xem tiếp


Nhà Bà Nữ là bộ phim mà bất cứ ai cũng có thể thấy bản thân mình trong đó. Trấn Thành vẫn giữ nguyên lối làm phim đã tạo nên phong cách cá nhân của mình chính là đi sâu vào những mâu thuẫn trong gia đình. Thế nhưng điều khiến Nhà Bà Nữ trở nên khác biệt so với Bố Già là khai thác về vấn đề sang chấn thế hệ và nỗi lòng của Gen Z. 

Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ
Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ

Sang chấn thế hệ (hay còn gọi là Sang chấn liên thế hệ) là một thuật ngữ không quá quen thuộc nhưng thực tế nó đã tồn tại từ rất lâu trong cuộc sống của chúng ta. Đó chính là việc một người phải chịu nhiều đả kích hay tổn thương, sau đó lại làm điều tương tự với thế hệ sau. Dễ thấy nhất là vấn nạn bạo hành gia đình. Khi bố hoặc mẹ là nạn nhân của vấn nạn đó thì rất dễ đổ lên những đứa con. Tuy không phải trường hợp nào cũng vậy, nhưng rõ ràng điều đó rất dễ xảy ra. Trong năm 2022, cũng có một bộ phim khai thác về vấn đề này đó chính là Đêm Tối Rực Rỡ. 

 

 

Những trường hợp khác thường thấy trong một gia đình có sự sang chấn thế hệ ví dụ như: bố mẹ từng bị ông bà cấm đoán, kiểm soát nên đã trở nên khắt khe trong vấn đề nuôi dạy con; bố hoặc mẹ từng trải qua đổ vỡ trong hôn nhân nên ngăn cản con đến với người mà họ cảm thấy không phù hợp; bố mẹ từng mắc phải một sai lầm nào đó nên đã ra sức cấm cản không muốn con đi vào vết xe đổ của mình,… Mặc dù tất cả đều xuất phát từ ý tốt, muốn bảo vệ con nhưng chính cách cư xử không phù hợp đã khiến họ trở nên khó hiểu trong mắt con cái và ngày càng đẩy mình ra xa khỏi các con. 

Trong Nhà Bà Nữ, sang chấn thế hệ bắt nguồn từ bà Nữ. Bà Nữ đã từng có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và sự kiện đó đã kết thúc bằng việc người chồng bỏ nhà ra đi. Kể từ đó, bà Nữ trở nên nóng tính, dễ nổi giận và khó khăn hơn với con cái trong chuyện tình cảm. Điển hình là việc Ngọc Như (Khả Như thủ vai) lấy Phú Nhuận (Trấn Thành thủ vai) cũng không dễ dàng gì. Cặp đôi cũng bị bà Nữ ngăm cấm hết lần này đến lần khác và Phú Nhuận cũng phải năm lần bảy lượt vượt qua ải của bà Nữ đến đến được với Ngọc Như. Thế nhưng câu chuyện này chỉ được thuật lại chứ không đi sâu vào trong Nhà Bà Nữ. 

Mối tình giữa Ngọc Nhi (Uyển Ân thủ vai) và John (Song Luân thủ vai) có thể cho chúng ta thấy nhiều hơn về sự kiểm soát con cái của bà Nữ. Bà Nữ không cho Ngọc Nhi ăn mặc hở hang, đến nỗi chỉ là một cái áo thun cũng không được. Vậy nên khi vô bar cô phải mặc một chiếc áo cổ xuồng khiến Lan (Phương Lan thủ vai) phải thắc mắc rằng: “Mày đi chùa hay sao mà ăn mặc kín đáo vậy!”. Và cũng như bao đứa trẻ khác, bà Nữ cũng đặt ra giờ giới nghiêm cho Ngọc Nhi, cô không được đi đâu quá 10 giờ tối. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là Ngọc Nhi từ lâu đã không còn là một cô bé dưới 18 nữa, cô đã là sinh viên đại học nhưng vẫn phải chịu những luật lệ hà khắc của mẹ. 

Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ
Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ

Những quyền riêng tư cơ bản của một con người như sắp xếp đồ đạc trong phòng, dán hình thần tượng hay password điện thoại, bà Nữ đều can thiệp và xem đó là một lẽ đương nhiên. Một câu thoại của Ngọc Nhi có thể cho thấy rõ điều này chính là: “Điện thoại của bạn là của bạn, nhưng điện thoại của tôi là của mẹ tôi.”

Đỉnh điểm của sự kiểm soát này chính là khi nghe tin Ngọc Nhi có bạn trai, bà đã ra sức cấm cản. Thậm chí là bắt Phú Nhuận đưa rước em đi học và chụp hình báo cáo. Thế nhưng ở tuổi của Ngọc Nhi, chuyện gì càng cấm cản họ lại càng muốn làm. Cuối cùng vì sơ suất, Ngọc Nhi đã có thai và đành bỏ nhà ra đi vì không thể chịu nổi sự chỉ trích của bà Nữ. 

Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ
Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ

Cảnh bà Nữ và Ngọc Nhi ngồi nói chuyện khi phát hiện ra vấn đề là phân cảnh đắt giá nhất bộ phim. Cũng đã lâu lắm rồi trên màn ảnh Việt mới có một cuộc đối thoại giữa hai thế hệ lấy được nhiều nước mắt của khán giả đến thế. Bà Nữ chính là đại diện cho các bậc làm cha làm mẹ, dù bên ngoài lớn tiếng nhưng bên trong cũng đầy tổn thương vì con cái không nghe lời. Ngọc Nhi thì trút hết tâm can, nói lên tiếng lòng của Gen Z nói riêng và người trẻ nói chung. Ngọc Nhi mong muốn được làm điều mình muốn, yêu người mình yêu và tự quyết định cuộc đời của mình. Đó dường như là những quyền cơ bản của con người nhưng từng ấy năm sống trong nhà bà Nữ, cô chưa một lần được thực hiện. 

Khi nghe bà Nữ giải thích rằng bà đã từng thất bại nên mới dùng những kinh nghiệm của mình để Ngọc Nhi không vấp phải sai lầm, cô đã nói rằng: “Thất bại cũng là quyền của con người.” Sau đó là một câu nói vô cùng thấm thía khiến bà Nữ lặng người và người trẻ vô cùng đồng cảm: “Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ.” 

Khi suy xét lại về mối tình của Ngọc Nhi và John, người viết thấy rằng họ đến với nhau không chỉ đơn thuần là vì sự rung động giữa nam và nữ. Dù gia cảnh khác nhau nhưng cả John và Ngọc Nhi đều có điểm chung là chịu sự kìm kẹp của gia đình, không được sống một cuộc đời như mình mong muốn. Chính điều đó đã khiến họ đồng cảm và dần nảy sinh tình cảm với nhau. 

 

Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ
Hình ảnh trong Nhà Bà Nữ

Trong quyển Hoàng Tử Bé, tác giả Antoine de Saint-Exupéry đã viết rằng: “Tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng chỉ rất ít người nhớ được điều đó.” Mỗi người đều lớn lên và trải qua những khoảng thời điểm giống nhau thế nhưng đôi khi chính thời gian làm chúng ta quên mất điều đó. Người ta vẫn thường đem khoảng cách thế hệ (generation gap) ra để giải thích về vấn đề này. Mỗi thời đều có những vấn đề khác nhau nhưng tựu trung lại, dù ở thời nào thì người trẻ cũng cần lắm sự bao dung, cảm thông và cho phép được là chính mình của các bậc làm cha làm mẹ.