Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáNgười Môi Giới: Bản hòa tấu cuộc đời đầy lắng đọng

Người Môi Giới: Bản hòa tấu cuộc đời đầy lắng đọng

Người Môi Giới với mình là bộ phim tình cảm, nhẹ nhàng, lắng đọng trước những biến động của cuộc đời. Phim đã cho mình góc nhìn khác về những vấn đề mang tính thời đại được đề cập đến trong đó. 

Người Môi Giới kể về hành trình đi tìm gia đình mới cho một đứa trẻ bị bỏ rơi trước một chiếc hộp em bé. Câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật chính: So Young (mẹ của đứa bé), Dong Soo (anh chàng nhân viên làm việc bán thời gian tại cơ sở nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi tại chiếc hộp em bé) và Sang Hyun (ông chủ tiệm giặt ủi). Họ sẽ được kết nối với nhau trên hành trình này. Qua đó, backstory (quá khứ) của từng người sẽ dần được hé lộ, họ sẽ hiểu, thương và đồng cảm cho số phận của nhau hơn. Cuối cùng, sau tất cả, đứa bé kia cũng có thể tìm được một mái ấm gia đình thật sự. 

Người Môi Giới có đề cập đến nhiều vấn đề an sinh xã hội khá nhạy cảm. Phim đã khéo léo lồng ghép vào đó hình ảnh và câu chuyện của chiếc hộp em bé. Có hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh chiếc hộp em bé này, một là nó có thể cứu sống và giúp cho những đứa trẻ bị bỏ rơi có cơ hội được nuôi nấng ở một môi trường đàng hoàng, tử tế; hai là nó góp phần “làm hư các bà mẹ” khi ngày càng nhiều những chiếc hộp em bé được lấp đầy. 

Mình nghĩ cái gì cũng có tính hai mặt của nó và rõ ràng trong Người Môi Giới cũng thể hiện được rõ 2 mặt tích cực lẫn tiêu cực của chiếc hộp em bé. Lúc đầu So Young bỏ rơi đứa con của mình trước chiếc hộp em bé, cô không có ý định quay trở lại và cũng không biết phải làm gì trước tình cảnh này. Rõ ràng, đó cũng là một mặt tiêu cực khi chiếc hộp em bé vô tình làm “hư” các bà mẹ. Nhiều bà mẹ trở nên vô trách nhiệm với đứa con vừa mới được sinh ra của mình hơn. 

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, cuối cùng, cũng chính chiếc hộp em bé đó đã giúp cho nhiều đứa trẻ có được cuộc sống mặc dù không phải là giàu sang phú quý nhưng cũng được nuôi dạy đàng hoàng. Đứa trẻ con của So Young cũng được tìm thấy trong chiếc hộp em bé và được đi tìm gia đình mới cho. 

Còn một vấn đề khác cũng gây tranh cãi không kém xoay quanh chiếc hộp em bé là những “người môi giới”. Khi những đứa trẻ bị bỏ rơi trước những chiếc hộp em bé, những người môi giới sẽ mang chúng về và “tìm cho chúng một gia đình mới”. Mặc dù trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế cũng có nhiều người môi giới vì đồng tiền mà đưa những đứa trẻ vào những nơi không tốt, làm hại đến cuộc đời của chúng. Trường hợp đó ngày càng nhiều nên những người môi giới thường bị đánh đồng là những kẻ xấu. 

Trong Người Môi Giới, Sang Hyun và Dong Soo tự nhận mình là những người môi giới “lương thiện”. Họ môi giới cho những đứa trẻ với những gia đình mới là xuất phát từ việc muốn những đứa trẻ này tìm được một gia đình yêu thương chúng thật sự. 

Thật ra thì ban đầu, mình thấy động cơ của Sang Hyun không hẳn là vậy, do anh ta đang mắc nợ nên mục đích chính vẫn là để kiếm tiền thôi. Tuy nhiên thì mặc dù vẫn nghĩ đến đồng tiền nhưng bản chất Sang Hyun và Dong Soo là người tốt, bằng chứng là việc họ rất tôn trọng quyết định của So Young và không ngại gian khó để kiếm cho đứa trẻ này một gia đình coi nó như con ruột của mình. 

Người Môi Giới đã khắc họa tốt hình ảnh chiếc hộp em bé và người môi giới trong xã hội Hàn Quốc. Phim đem đến cho mình những góc nhìn tích cực về 2 hình ảnh này nhưng cũng đề cập đến những trường hợp xấu xa, đi ngược lại đạo đức qua những cuộc trò chuyện của Thám tử Lee và Soo Jin. 

Người Môi Giới có nhiều câu nói khiến mình thật sự trăn trở và ám ảnh. Phim vô đề khá nhanh, ngay từ đầu phim cô cảnh sát Soo Jin đã gay gắt lên án hành vi của So Young bằng câu nói: “Không nuôi được thì đừng có sinh”. Mình không trách Soo Jin vì thực sự nếu như ai nhìn thấy một người mẹ vứt bỏ đứa con của mình cũng sẽ cảm thấy vô cùng tức giận. Câu nói của Soo Jin trong hoàn cảnh đó mình hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng mình tin là cái gì cũng phải có lý do và lý do mà So Young bỏ rơi đứa bé sẽ được bóc tách qua những sự kiện tiếp theo trải dài đến cuối phim. 

“Không nuôi được thì đừng có sinh” với mình là một câu nói mang tính sát thương cao. Mình nghĩ là thật sự không người mẹ nào có thể nhẫn tâm bỏ đi đứa con mà mình đứt ruột sinh ra. Nếu trong điều kiện bình thường, chắc sẽ chẳng có ai làm điều đó. Chắc chắn, sau hành vi mà ít ai có thể chấp nhận đó phải có một ẩn khuất nào đó mà người ngoài không thể nào dễ dàng biết được. 

Như trong tình cảnh của So Young, rõ ràng cô chẳng thể làm gì khác hơn. So Young cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng không may, cô lại bị lạm dụng. Đến khi không thể chịu đựng được việc cha của đứa bé muốn cô từ bỏ đứa con của mình ngay khi nó còn chưa được sinh ra, cô đã không kiềm được cảm xúc mà vô tình thực hiện hành vi sai trái. 

So Young từ nhỏ đã không được chăm sóc đàng hoàng, cô không biết cách để nuôi nấng một đứa trẻ. Vả lại, cô sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trước hành vi thiếu kiểm soát của mình. Chắc chắn, đứa trẻ khi sống với So Young sẽ không có tương lai, vậy nên cô mới buông bỏ để nó có thể được sống trong một gia đình với những điều kiện tốt hơn. Mình thấy thật sự khi hiểu về hoàn cảnh của So Young thì ai cũng sẽ cảm thấy thương nhiều hơn là ghét nhân vật này. 

 

Nhiều người có thể sẽ thấy So Young vô tâm, thậm chí là vô cảm với đứa con của mình, nhưng câu nói của Dong Soo đã mở ra tất cả. So Young không muốn nhìn và quấn quýt với đứa bé vì sợ sẽ nảy sinh tình cảm, sau này khó có thể dứt áo ra đi được. Đó là diễn biến tâm lý thường thấy của những bà mẹ trong trường hợp này. 

Diễn xuất của IU trong vai So Young cũng vô cùng xuất sắc. Ở So Young, mình thấy được sự bất lực, thất thần và yếu đuối trước những va đập của cuộc đời. Dường như So Young chưa đủ sức để một mình gồng gánh hết tất cả mọi thứ. Suốt từng ấy năm cuộc đời, So Young chưa bao giờ biết yêu và được yêu. Việc gần cuối phim, So Young nói rằng nếu như gặp được mọi người sớm thì có lẽ mọi thứ đã có thể chuyển biến tốt hơn chứng tỏ cô đã phần nào cảm nhận được tình yêu thương. 

Việc xây dựng nhân vật có phần khó hiểu ngay từ đầu và bắt đầu đi sâu, bóc tách để khám phá về quá khứ của nhân vật trong Người Môi Giới đã tạo được sự liên kết, liền mạch cho bộ phim và khiến mình có được rất nhiều khoảnh khắc vỡ òa. 

Hai nhân vật cũng nằm trong tuyến nhân vật chính là Sang Hyun và Dong Soo cũng được xây dựng background cực kỳ chắc. Người Môi Giới cũng có những cốt truyện phụ, những cuộc trò chuyện giữa các nhân vật để hiểu rõ hơn về quá khứ của hai nhân vật này. 

Với Dong Soo, anh cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi và anh quyết định ở lại khu nhi viện vì anh tin vào câu nói: “Mẹ nhất định sẽ quay lại đón con”. Thật ra thì trong xuyên suốt bộ phim, đứa trẻ nào bị bỏ rơi cũng có một mảnh giấy kế bên để dòng chữ này. Với mình thì câu nói đó một mặt vừa gieo cho những đứa trẻ niềm hy vọng rằng một ngày mẹ chúng sẽ trở lại và đón chúng đi, mặt khác có thể khiến những đứa trẻ này trở nên hận mẹ của mình hơn vì hứa mà không giữ lời. 

Dong Soo từ nhỏ đã luôn là một đứa trẻ hiểu chuyện. Đến từng tuổi đó rồi, Dong Soo vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ quay lại đón mình. Dong Soo có một mối liên kết kỳ lạ với So Young. 

Đến cuối phim hai người đã bắt đầu cảm mến nhau hơn. Lý do mà Dong Soo tốt với So Young đến vậy chính là vì khi thấy So Young, anh có thể đỡ đau đáu về việc mẹ bỏ rơi mình hơn. Qua trường hợp của So Young, Dong Soo nghĩ là có thể khi đó, mẹ anh cũng gặp những vấn đề khó khăn tương tự nên mới đành phải bỏ rơi mình. Đôi khi đó lại là sự lựa chọn tốt hơn cho anh. 

Việc Dong Soo cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi và anh có thể soi chiếu trường hợp của mình qua hình ảnh của So Young là một cách lồng ghép vấn đề vô cùng tinh tế. Nó đã cho mình có thêm nhiều góc nhìn mới lạ về cách mà những đứa trẻ bị bỏ rơi nghĩ về số phận của mình. 

 

Câu chuyện về backstory của Sang Hyun đa số được kể qua lời nói của anh và cuộc gặp gỡ của anh và con gái. Tuy nhiên mình thấy cuộc gặp gỡ này hơi thừa, nó cũng không góp phần tác động gì thêm vào câu chuyện. 

Ngoài lồng ghép nhiều vấn đề xã hội và đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ thì điểm mà Người Môi Giới đã làm tốt là cách lồng ghép nhạc phim vào cảnh quay vô cùng mượt mà. Nhiều bản nhạc không lời được đưa vào cảnh phim khiến mình cảm thấy rất bình yên dù cho trước đó câu chuyện có nặng nề đến mức nào. 

Tuy nhiên, nhịp phim của Người Môi Giới quá chậm khiến mình cảm thấy có phần hơi nhàm chán mặc dù mình ý thức được đây là một câu chuyện nhân văn và cảm động. Dù cho đã cố hết sức nhưng mình vẫn không thể hoàn toàn chìm đắm trong câu chuyện như một số bộ phim Hàn Quốc cùng thể loại trước đó ví dụ như Điều Kì Diệu Ở Phòng Giam Số 7, Điều Ba Mẹ Không Kể hay gần đây nhất là Ngày Mới Tốt Lành. Mặc dù khá kỳ vọng về Người Môi Giới nhưng phim vẫn chưa thể lấy đi nước mắt của mình. 

Ngoài ra, Người Môi Giới thuộc thể loại road-movie (phim hành trình) nhưng mỗi chặng đường qua đi trong phim lại không có sự tăng tiến. Vậy nên mình thấy mạch phim cứ đều đều, không có điểm nhấn. Người Môi Giới đưa ra nhiều vấn đề, khi bóc tách, phân tích từng khía cạnh thì mình thấy có rất nhiều thứ để nói. Nhưng thật sự là lúc xem phim cảm xúc của mình hơi khựng vì nhịp phim quá chậm. 

Tóm lại, với mình, Người Môi Giới đã làm tốt việc đưa ra vấn đề và gợi cho mình những suy nghĩ. Tuy nhiên, cách dẫn dắt vấn đề chưa tốt và chưa thật sự tạo được sự đồng cảm cho người xem. Mình nghĩ là không có quá nhiều người thật sự kiên nhẫn để thưởng thức hết cả bộ phim với nhịp phim chậm rãi quá mức thế này. 

 

Theo: Dienanh.net


4.9/5 - (60 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN