Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủPHIMTin Tức PhimMuôn kiểu dạy con, thương con của các ông bố VFC: Bố...

Muôn kiểu dạy con, thương con của các ông bố VFC: Bố Sơn là hình mẫu

Người ta nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và mỗi người cha, người mẹ tùy vào hoàn cảnh hay cách suy nghĩ sẽ chọn cho mình một cách riêng để giáo dục, yêu thương con cái. Trong bài viết này, mọi người hãy cùng tôi nhìn lại cách dạy con, thương con của các ông bố thuộc “vũ trụ VFC” nha.

 

Bố Sơn (Về Nhà Đi Con)

Người đầu tiên chắc chắn phải là một người rất đặc biệt, ông bố được khán giả gọi bằng cái tên thân thương “ông bố quốc dân” – bố Sơn (NSND Trung Anh) trong Về Nhà Đi Con đã để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Từ cái quá khứ có phần “xấu xí” khi bố bắt vợ mình phải đẻ cho mình được đứa con trai nối dõi nhưng bất thành rồi người vợ bị bỏ mặc một mình “vượt cạn” và thật không may người vợ đã qua đời sau lần đó. Đến cảnh “gà trống nuôi con” chăm lo cho ba cô con gái hết mực, luôn tìm cách để bù đắp những sai lầm trong quá khứ bản thân.

Rõ ràng ngay từ đầu, bố Sơn không phải là một người bố tốt khi mang trong mình những suy nghĩ gia trưởng để rồi sự việc đau lòng nhất xảy ra, nhưng sau tất cả những biến cố, bố đã biết sửa sai, với tôi điều đó rất đáng được trân trọng. Tôi không phủ nhận, trong lúc nóng giận bố Sơn vẫn có vài lần “vuốt má” các con, dù không cổ xúy cho việc “dùng sức” để dạy con nhưng mỗi lần bố làm như vậy đều là cơn nóng giận nhất thời, không kiềm chế được mình.

Bố biết mình không có những thứ tốt nhất dành cho các con, cũng không thể giúp các con nhiều trên đường đời và cuộc sống hôn nhân. Nhưng bố Sơn vẫn có một vòng tay đủ rộng để ôm tất cả các con vào lòng, vẫn còn đó một ngôi nhà để các con có thể về mỗi khi vấp ngã hay gặp những giông tố, ánh mắt bố luôn dõi theo các con và chưa bao giờ bỏ quên đứa nào cả.

Cách yêu thương, dạy dỗ của bố Sơn đều được thể hiện ra bằng những lời nói ân cần, những hành động ấm áp và đôi khi xem lẫn một chút sự dịu dàng như của người mẹ đã khuất. Sau tất cả, dù các con có không có được hạnh phúc trọn vẹn với gia đình nhỏ của mình thì vẫn còn đó một gia đình lớn, có bố, có các chị em luôn nương tựa vào nhau, trao cho nhau những niềm vui và sự bình yên.

Bác Thành (Lối Nhỏ Vào Đời)

Bác Thành (NSND Bùi Bài Bình) trong Lối Nhỏ Vào Đời thì có phần kém may mắn hơn bố Sơn, bác chỉ có độc một cậu con trai là Phong (Lý Chí Huy) mà anh lúc nào cũng làm cho bác phải phiền lòng. Đứa con trai ngỗ ngược, đã lập gia đình nhưng cả hai vợ chồng lúc nào cũng sống bám vào bố, bác có gì cũng bị nhăm nhe bòn rút cho hết.

Không ít lần bác Thành mong mình có thêm một cô con gái dịu hiền, nết na, nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước, khi giờ đây vợ bác đã đi xa mãi mãi. Để bác lại một mình xoay vần với thằng con trai, cũng may điều kiện gia đình đã không còn khó khăn như lúc trước nữa nên bác Thành cũng không còn phải lắng lo nhiều.

Nói về cách dạy con của bác Thành, có lẽ lúc trẻ do có một cuộc sống vất vả nên bác chỉ có thể chú tâm vào việc chăm lo kinh tế, còn Phong không có được sự quan tâm dạy dỗ đúng mực. Nhưng trách sao được, cha mẹ nào không muốn những điều tốt cho con cái, chỉ tiếc bản thân không thể làm gì hơn, khi kinh tế ổn định, con cái cũng đã lớn và không còn dễ uốn nắn. Điều duy nhất bác có thể làm hiện tại là âm thầm vun ven cho gia đình nhỏ của con trai và mong con có thể hiểu cho bố.

Phan Quân (Người Phán Xử)

Trong những ông bố của “vũ trụ VFC”, Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) có lẽ là người có lai lịch đặc biệt nhất. Đứng đầu Phan Thị – một tổ chức “ao hồ” lớn nhất nhì Vịnh Bắc Bộ nên ông Quân cũng có cách dạy con hết sức đặc biệt. Đúng khí chất của một người đứng đầu, ông Quân rất ít khi nổi nóng với các con, dù có công to, việc lớn như thế nào thì luôn nhắc các con đặt gia đình lên hàng đầu, không có gì quan trọng hơn gia đình cả.

Ông không phải một người tốt, nhưng qua những lời nói của ông đã làm tôi vỡ lẽ ra được rất nhiều thứ. Bỏ qua những điều không tốt, nếu nhìn nhận Phan Quân ở tư cách một người bố, rõ ràng chúng ta có nhiều điều cần học hỏi ông. Không cần phải đao to, búa lớn nhưng mỗi lời ông nói ra cần có sức nặng để răn dạy con cái.

Chú Lâm (Lối Về Miền Hoa)

Chú Lâm (Thanh Bình) cũng tương tự như Phan Quân, chú có một quá khứ bất hảo nhưng rất may đã “rửa tay gác kiếm” từ sớm. Vợ chú mất sớm, người làng cứ lời ra tiếng vào suốt và hầu như họ chưa bao giờ nghĩ tốt về chú cả. Nhưng bỏ qua hết tất cả mọi thứ, chú Lâm vẫn cố gắng nuôi Lợi (Trọng Lân) nên người.

Dĩ nhiên một người đàn ông với xuất thân như thế nên những lời dạy của chú có phần hơi thô cũng hoàn toàn dễ hiểu. Điều đáng quý nhất tôi thấy được ở chú Lâm là chú luôn coi con trai như một người bạn, hai bố con có thể thoải mái nói chuyện, tâm sự giãi bày mọi điều trên đời. Đa phần những ông bố rất khó để có thể gần gũi, thân thiết với con, nhưng chú Lâm đã làm được.

Quá khứ là một tay “anh chị” cộm cán, nhưng chú Lâm lại cực kỳ mau nước mắt, không ít lần tôi thấy cảm động khi người đàn ông này chực trào nước mắt lúc dạy con. Chú mắng con trai nhưng trong lòng lại tự trách mình đã không cố gắng làm tốt hơn, cho con trưởng thành hơn. Con dại thì cái mang, chú Lâm hiểu được điều đó và đã không ít lần đứng ra giải vây cho “cậu cả”.

Dù ai nói gì, tôi vẫn thấy chú Lâm là một người bố tốt, chỉ do Lợi hơi “chậm lớn” một chút thôi, nhưng miễn sao cậu biết quan tâm mọi người, biết đúng sai và luôn tôn trọng người khác là được. Chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều vào một ông bố “gà trống nuôi con” từ khi con mới lọt lòng, hiểu cho người khác cũng là một phần ý nghĩa của cuộc sống.

Ông Tuấn (Hương Vị Tình Thân)

Khác với những ông bố còn lại, ông Tuấn (NSND Công Lý) là một người bố nuôi, nhưng Nam (Phương Oanh) thật may mắn khi luôn được bố Tuấn coi như con ruột và chưa từng có một ngày nào ông Tuấn đối xử tệ với cô con gái nuôi cả. Mối quan hệ cha con này còn được gắn chặt bởi tình bạn giữa ông Tuấn và ông Sinh (NSƯT Võ Hoài Nam). Khi ông bạn thân không may phải đi “mặc áo kẻ sọc” thì ông Tuấn đã gánh vác cái trách nhiệm làm cha giúp ông Sinh.

Nhưng cuộc đời có mấy khi chiều được lòng người, sống tốt nhưng ông Tuấn lại phải nhận cho mình một kết cục không thể nào bi thương hơn, một tai nạn trong lúc đi tìm Nam đã vĩnh viễn cướp đi sinh mệnh của ông. Điều làm tôi cảm thấy day dứt nhất là đến phút cuối, ông Tuấn vẫn lo lắng cho con gái nuôi, cố gắng nói những lời cuối để dặn dò con.

Ông Sinh (Hương Vị Tình Thân)

Ông Tuấn qua đời nhưng ông Sinh vì nhiều lý do vẫn không sẵn sàng bước ra ánh sáng để có thể nhận lại đứa con gái của mình, luôn âm thầm nhìn theo Nam từ một góc khuất nào đó là cách ông Sinh đã chọn. Sợ quá khứ của mình ảnh hưởng đến cuộc sống của con có lẽ là lý do lớn nhất, bố đã từng một lần làm cuộc đời con không được trọn vẹn nên giờ không thể để con thiệt thòi thêm lần nữa.

Dù sau đó hai bố con đã nhận nhau, Nam cũng tha thiết muốn được ở cạnh bố, nhưng đến ngày cưới của con gái ông Sinh cố gắng sắm sửa cho mình một bộ vest cũ và cũng chỉ dám xuất hiện phía sau. Cái quá khứ kia như một bức tường chắn ngang, ông tự làm ra để ngăn cách giữa mình và con gái, nhưng thật may mắn đến cuối cùng mọi thứ đều đã được viên mãn.

 

Vậy mọi người ấn tượng nhất với cách dạy dỗ và thương con của ông bố nào nhất? Hãy để lại ý kiến của mình bên dưới phần bình luận nha. Tới đây chưa phải là hết, bài viết này sẽ có thêm một phần nữa với những ông bố cũng không hề kém cạnh dàn bố ở trên một chút nào, tôi mong mọi người sẽ thích nó.

 

Theo: Dienanh.net


4.9/5 - (112 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN