Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang chủGAMEKhám Phá & Trải NghiệmKhông bao giờ là quá muộn để chơi Persona 3 - Replay

Không bao giờ là quá muộn để chơi Persona 3 – Replay

Persona khi ấy có vai trò giống như một nhánh sản phẩm thử nghiệm của Atlus nhằm tạo ra một game Shin Megami Tensei nhập vai phổ cập hơn. Phép thử này đã đem đến thành công lớn cho hãng, đặc biệt là khi Persona 3 đạt được vô số thành công trên chiếc PSP vào năm 2007, chỉ một năm sau đó, ATLUS thừa thắng xông lên bằng cái tên Persona 4 trên PS2 khiến nó trở thành một trong những tựa game JRPG đáng chơi nhất trên hệ máy này. 

Sang tới Persona 5, đây có lẽ là lúc danh tiếng của toàn series được lan rộng ra toàn thế giới. Bạn có thể không phải là fan của toàn series Persona, nhưng ít nhất bạn cũng đã nghe hoặc đọc về Persona 5 và cả Persona 4 nữa khi nó mới được đưa lên PC sau 8 năm phát hành. Tuy Persona 3 lại không phổ biến như những hậu bối, nhưng đây quả thực là một tựa game khá hay. Và trong số Replay ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sức hút của Persona 3.

Có thể nói Persona 3 là bước ngoặt của cả dòng Persona nói riêng lẫn Shin Megami Tensei nói chung. Persona 3 lần đầu được phát hành trên PS2 năm 2006 tại Nhật Bản. Với một tựa game có tuổi đời khá lâu như vậy, chúng ta không thể áp dụng những tiêu chuẩn của game hiện đại vào P3, đặc biệt là phần hình ảnh. Mà chúng ta ở đây vì tình bạn, những buổi tụ tập sau giờ học và cả tình yêu tuổi học trò. Tuy có phần nghiêm túc hơn về mặt cốt truyện, nhưng về cơ bản Persona 3 cũng không khác quá nhiều so với 2 người hậu bối của mình. 

Persona 3 là tựa game mang tính chất “hiện đại” đầu tiên của toàn series khi game phá vỡ những chuẩn mực xưa cũ mà 2 phần game trước đó đều phải tuân theo. Chính vì là “tựa game đầu tiên” thay đổi hoàn toàn phong cách của Persona, P3 vẫn còn rất thô cứng và không thể hoàn thiện như những tựa game hiện tại. Ví dụ như game chỉ sở hữu duy nhất 1 dungeon duy nhất là Tartarus – phiên bản đời đầu của Mementos trong P5, mặc dù ở cuối game người chơi sẽ được thử thách với phiên bản khó hơn của nó. Thêm nữa là phần Social của game còn khá ít hoạt động và phần lớn chúng thường sẽ lặp lại liên tục. Bạn sẽ có khá ít lựa chọn để “ăn chơi nhảy múa” như P4 và P5, mà hầu hết thời gian là đi làm thêm kiếm hoặc cày Social Stat sấp mặt.

Cuối cùng là cốt truyện có phần “hơi nghiêm túc” so với P4, nhưng đây cũng là điểm sáng của game. Trong P3, bạn sẽ theo chân S.E.E.S, một nhóm học sinh sở hữu khả năng điều khiển Persona để chiến đấu chống lại các Shadow. Cùng với đó, họ còn phải tìm ra bí ẩn đằng sau Dark Hour. Một cốt truyện có phần tăm tối và nhiều mất mát, nhưng nó nghiêm túc và không thừa thãi. 

Vào năm 2007, phiên bản hoàn thiện của game là Persona 3 FES được ra mắt với nhiều Persona mới, Cutscene mới và quan trọng nhất là hé lộ thêm về phần kết còn bỏ ngỏ ở bản gốc. Nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm ở thời điểm hiện tại, thì có lẽ phiên bản Persona 3 Portable (2009) sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. P3P tối giản mọi thứ nhưng vẫn giữ được chất Persona. Và đây cũng là khuyết điểm của phiên bản này, đặc biệt là thế giới 3D ở phiên bản gốc đã bị lược bỏ, các đoạn anime cutscene ở FES cũng bị bỏ gần hết. Mất đi 2 yếu tố được thêm vào của FES là điều vô cùng đáng tiếc, nhưng may mắn thay, phần dungeon của game vẫn giữ được không gian 3D, nhưng là phiên bản thu gọn và “tĩnh” hơn so với bản gốc. Không chỉ vậy, Persona 3 Portable còn cho phép người chơi lựa chọn giới tính của nhân vật chính – sự lựa chọn này không chỉ tác động tới cốt truyện tổng thể mà đối thoại và các nhân vật xuất hiện cũng được thay đổi theo, khiến trải nghiệm giữa 2 giới tính là hoàn toàn khác biệt.

Persona 3 là game đầu tiên áp dụng yếu tố quản lý thời gian và dating sim – 2 yếu tổ chuẩn mực mà các tựa game sau này đều áp dụng. Trong Persona 3, ngoài việc khám phá các dungeon thì người chơi sẽ phải dành thêm thời gian trong ngày để tạo lập và cải thiện các mối quan hệ của mình qua hệ thống Social Link. Các mối quan hệ khi đạt tới cấp độ nhất định (thường là Level 10) sẽ cho phép người chơi mở khóa các Persona tương ứng với Arcana đó. Ngoài ra, còn có ba chỉ số điều kiện để tăng cấp Social Links, đó là Học Vấn (Academic), Sức Quyến Rũ (Charm) và Can Đảm (Courage) – ba chỉ số này cũng có thang cấp độ riêng, mọi hoạt động thường ngày của bạn đều có ảnh hưởng đến chúng. Vì đây là lần đầu tiên ATLUS áp dụng 2 hệ thống này nên chúng sẽ có rất khá nhiều thiếu sót, đặc biệt là về phần phân bố thời gian giữa Social Link và Social Stat. Nhưng chính nhờ những phép thử từ Persona 3, mà chúng ta mới có lối chơi ưu việt như ở P4 và P5 ở thời điểm hiện tại.

Về phần âm thanh, chính xác là phần lồng tiếng ở phiên bản tiếng anh có chất lượng khá tệ. Ở thời điểm game được ra mắt, mặc dù phiên bản dành cho PSP đã được sửa lại, nhưng mình không hiểu sao phần lồng tiếng của phiên bản gốc vẫn được giữ nguyên. May mắn thay, các bản soundtrack lại thực hiện rất tốt nhiệm vụ của nó. Dưới bàn tay tài ba của Shoji Meguro, những bản nhạc trong Persona 3 nghe cực kì bắt tai ngay cả ở thời điểm hiện tại. P3P còn được thêm vào một số bản soundtrack mới như Wiping All Out, A Way of Life và Soul Phrase giúp người chơi không còn phải nghe đi nghe lại “baby baby baby baby…” mỗi khi bắt đầu trận chiến. 

Nhìn chung, dù phần 3 không thực sự hoàn hảo, nhưng vẫn là phần game thực sự đáng để trải nghiệm. Với cá nhân mình, P3 không hề lỗi thời ngay cả ở thời điểm hiện tại. Lối chơi thú vị, cốt truyện hấp dẫn, thiết kế màn chơi tỉ mỉ, soundtrack bắt tai, chính những yếu tố như vậy đã giúp P3 đưa cả series trở nên nổi tiếng và phổ biến trên toàn thế giới. Nếu bạn muốn bắt đầu với Persona, hay đơn giản là muốn tìm kiếm một tựa game có phong cách gần nhất với P4 và P5, thì P3P sẽ là lựa chọn hoàn hảo.


4.5/5 - (109 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN