Jurassic World – Dominion ra rạp cũng là ngày đánh dấu định dạng 3D trở lại phòng chiếu Việt sau đại dịch nên Xì Bàng cũng tò mò ra rạp xem sao ai ngờ đâu cái kết hơi bị “ô dề”. Nói thiệt chứ do là phần kết của loạt phim nên kịch bản không những đi vào lối mòn mà hình ảnh coi cũng không đã con mắt làm mình thất vọng tràn trề nha.
Câu chuyện phim phần này lấy bối cảnh 30 năm sau khi hòn đảo Isla Nublar sụp đổ. Lúc này khủng long đã tồn tại ở khắp nơi trong môi trường sống của con người. Sau cái kết của Jurassic World – The Fallen Kingdom thì Claire và Owen trở thành cha mẹ cho Maisie Lockwood.
Maisie là sản phẩm của công nghệ loại bỏ hoàn hảo các tế bào xấu trong DNA nên bọn kẻ xấu lũ lượt đi tìm, trong đó có tập đoàn Biosyn. Tiến sĩ Henry Wu trở lại nhưng lần này gây rối quá trời do phát minh ra đám châu chấu phá hoại mùa màng đe dọa an ninh lương thực thế giới. Biosyn bắt cóc Maisie về là đã sửa chữa sai lầm này.
Phim cũng đánh dấu sự trở lại của bộ ba tiến sĩ là Ellie, Alan và Ian. Ian thì làm việc cho Biosyn nhưng thực chất là nội gián để cho Ellie và Alan thu thập mẫu châu chấu độc hại. Biosyn đã thành công trong việc đưa nhiều loài khủng long hiếm, trong đó có Giganotosaurus về với khu bảo tồn của mình. Mục đích chính của công ti này là khai thác loài khủng long nhằm ứng dụng vào công nghệ gene.
Đầu tiên, điểm mới lạ duy nhất mình thấy được trong phần phim này đó là về vấn đề vũ khí sinh học và các học thuyết liên quan đến sinh thái. Hành động thả châu chấu của Biosyn tuy chỉ là sự cố nhưng lại mang tính chất đe dọa đến an ninh lương thực của hàng triệu người.
Hơn thế nữa, nhiều sự việc xảy ra trong phần phim này cũng cho thấy sự nhỏ bé, mong manh của con người trước thiên nhiên. Điều này hoàn toàn cập nhật với quan điểm mới trong các trường phái sinh thái, không giống như các học thuyết cũ của Charles Darwin.
Con người không và chưa bao giờ nắm giữ vị trí động vât bậc cao nhất và không nên kiêu hãnh vì điều đó. Chúng ta cũng không đứng đầu chuỗi thức ăn mà ngay cả cái đập cánh của một con châu chấu, một cây lúa mì cũng có thể ảnh hưởng tới an nguy nhân loại.
Việc câu hỏi lớn đặt ra trong toàn bộ trilogy là con người nên sống chung hay hủy diệt khủng long cũng là câu hỏi mang tính thách thức lớn. Tuy nhiên, mình thấy sáng kiến sử dụng khủng long thể thu thập các gene hiệu quả của tiến sĩ Lewis sẽ không phải là ý kiến quá tệ nếu con người kiểm soát được tình hình.
Ngoài các ưu thế mang tính thời đại trên thì mình không tìm được bất cứ điểm nổi trội nào hơn vì mọi thứ cứ bình thường như cân đường hộp sữa do đã bị bão hòa.
Phần phim đánh dấu sự trở lại của các thế hệ tiến sĩ trong Jurassic Park là Alan, Ellie và Ian khiến mình rất phấn khích. Thậm chí họ còn flashback nhiều vì mặc lại trang phục y chang như phim năm xưa. Tuy nhiên, một điều mình thấy rõ ràng là giữa hai thế hệ vẫn chưa có nhiều nối kết trong khi họ đều là những người yêu khủng long.
Một điều nữa mình thấy được là hành trình của các nhân vật diễn ra quá là suôn sẻ luôn, không có tính cam go thử thách. Hai nhóm già trẻ cứ phần việc mình mà làm rồi sau đó ngẫu nhiên tìm được nhau, tụ lại thành một nhóm tìm cách thoát khỏi khu bảo tồn.
Hơn thế nữa, do việc sử dụng quá nhiều nhân vật nên dẫn đến đất diễn không đồng đều. Mặc dù các nhân vật diễn khá tốt nhưng ai cũng chìm chìm (ngoại trừ chú Ian với vài câu thoại chất như nước cất).
Cô bé Maisie chỉ hiện lên như bao đứa trẻ ở tuổi dậy thì khác, hoàn toàn không có điểm gì nổi trội. Mình đã hi vọng là sau pha thả khủng long đi ở phần trước thì cô bé này sẽ làm việc gì đó lớn lao hơn nhưng hoàn toàn không. Nếu không phải mang bộ gene y xì đúc người mẹ Charlotte thì chắc cũng không có gì đặc biệt luôn.
Các nhân vật phản diện như tiến sĩ Lewis và Henry Wu thực ra thì chẳng có gì làm nguy hiểm. Thậm chí mình thấy sau khi Henry cho Maisie coi đoạn phim về mẹ mình năm xưa, cô bé còn có vẻ đồng ý với yêu cầu của ông. Tiến sĩ Biosyn thực chất chỉ là một người có tham vọng khoa học lớn chứ không hẳn là kẻ độc tài.
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần khi chứng kiến những màn hành động phá tan mọi định luật vật lí từ phim này. Claire quả là con ghê hơn Wonder Woman khi nhào lộn qua mấy tòa nhà không một mảnh giáp mà không sứt mẻ miếng nào.
Chưa kể đến đoạn đua xe cháy phố với khủng long của Owen nhìn có vẻ giống Mission Impossible của Tom Cruise nhưng gây cười là chính. Nói chung là trước khi xem các pha hành động này thì cứ tưởng tượng như đang xem phim Ấn Độ chứ đừng nghĩ nó là phim Hollywood thì sẽ tạm chấp nhận được.
Xem phim khủng long thì cái chính mà người ta xem là khủng long thì phim này vừa đáp ứng, lại vừa không. Cái đáp ứng được là mình thấy hệ sinh thái khủng long khá đa dạng, mặt đất tới mặt nước đều có. Nhiều loài khủng long có lông vũ nhìn như thủy tổ của loài gà cũng góp vui.
Tuy nhiên để mà nói có nên xem định dạng 3D hay không thì mình thấy không đáng, các màn combat khủng long chưa thực sự mãn nhãn khi chỉ diễn ra với vài phút thôi. Hai phe xử nhau một cách nhanh gọn lẹ không có kịch tính gì hết. Khung cảnh rừng núi thì mình thấy cũng thường thường như các phần trước chứ không có sự khác biệt nhiều.
Ngoài ra, phim còn mắc thêm hạn chế là quá nhiều tình tiết dư thừa trong khi câu chuyện thì lại đơn giản, dễ đoán. Mình thấy không đáng khi thời lượng phim kéo dài đến cả 2 tiếng 27 phút mà chỉ có vài phút combat khủng long. Kết phim cũng đi vào lối mòn khi đẹp đẽ và lạc quan như truyện cổ tích vậy trong khi câu hỏi đặt ra về khủng long còn bị bỏ ngỏ.
Nhìn chung thì Jurassic World: Dominion sẽ không phải là một trải nghiệm điện ảnh xuất sắc nếu bạn đã là fan của dòng phim này như mình. Coi chơi chơi và riêng lẻ thì được chứ xâu chuỗi trilogy thì mình thấy phần này là thiếu kịch tính nhất.
Theo: Dienanh.net