Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáHạ Cánh Khẩn Cấp: Từ nghẹt thở đến đồng cảm với hoàn...

Hạ Cánh Khẩn Cấp: Từ nghẹt thở đến đồng cảm với hoàn cảnh của nhân vật

Bằng cách nào đó, những bộ phim điện ảnh Hàn thường chạm đến cảm xúc của mình thông qua tình huống các nhân vật phải trải qua. Để rồi hơn hết, lại chính câu chuyện của họ vô tình tạo nên một thông điệp khiến mình thường nhận ra ở gần cuối phim.

Hạ Cánh Khẩn Cấp cũng vậy! Từ nghẹt thở với những tình huống các nhân vật trải qua, cho đến sự động cảm về câu chuyện của từng nhân vật trong phim, là những gì mình cảm được sau khi xem.

Hạ Cánh Khẩn Cấp nói về thảm họa hàng không của một nhóm hành khách đang trên đường bay đến Hawaii, một tên có hành tung bí hiểm quyết định phát tán một loại virus gây hại đến mạng sống của mọi người. 

Điều này vô tình biến chiếc máy bay thành một cỗ quan tài trên không đối với phi hành đoàn và hành khách. Trải qua từng tình huống, các nhân vật không chỉ phải đối mặt với khó khăn trước mắt, mà còn là đối diện với chính lòng người, lương tâm của chính bản thân mình. 

Hạ Cánh Khẩn Cấp sở hữu một kịch bản hoàn toàn quen thuộc, bởi với những đề tài thảm họa, mình thấy nhà làm phim thường đan xen các thông điệp nhân sinh, đặt các nhân vật vào tình huống buộc họ phải lộ ra bản chất của mỗi người. 

Mình thấy đúng như câu nói: “Hoạn nạn mới thấy chân tình!”, Hạ Cánh Khẩn Cấp đặt các nhân vật trong 3 tình huống chính: làm sao để tìm ra được kháng thể chữa trị, làm sao để được hạ cánh an toàn và cuối cùng là làm thế nào đáp đất trong khi bình nhiên liệu đã cạn kiệt.

Wukong thấy việc nhà làm phim đưa hàng loạt những câu hỏi tại sao tương ứng với các tình huống trong phim, không chỉ để tăng sự dồn dập, thể hiện tính liên tục cho một bộ phim gay cấn, mà còn là cách họ gợi mở ra những thông điệp ẩn ý, chứ không đơn thuần làm một tác phẩm với chủ để thảm họa giải trí đơn thuần.

Nếu xét đến yếu tố mạch phim cũng như lối kể, Wukong thấy Hạ Cánh Khẩn Cấp vẫn chưa thật sự đồng đều, bởi hơn 30 phút thời lượng đầu vào, nhà làm phim chỉ đưa ra những chi tiết nhỏ xoay quanh việc giới thiệu nhân vật, âm mưu của tên phản diện, nên mình cảm nhận mọi thứ như “ru ngủ” mình. 

Nhưng dần dần mình lại thấy Hạ Cánh Khẩn Cấp lại biết cách điều tiết nhịp phim trở nên dồn dập hơn chính nhờ cách nhà làm phim đưa ra hàng loạt tình huống, lật liên tục khiến mình bất ngờ. Vì cứ nghĩ đơn giản là sau khi tìm được phương thuốc chữa trị thì máy báy có thể hạ cánh an toàn, nhưng mình thấy lúc này chính là mấu chốt thử thách bản chất của mỗi người.

Cũng nhờ vậy, Wukong lại hiểu rõ được thông điệp chủ đạo của bộ phim không chỉ dừng lại ở việc bản thân đối mặt như thế nào trong tình huống rối ren, mà hơn hết là cách con người trao nhau sự độ lượng, tình cảm và sự hy sinh.

Đối với mình, cái hay của Hạ Cánh Khẩn Cấp chính là chia ra việc nhà làm phim chia bộ phim thành 2 tuyến rõ rệt: trên bầu trời và dưới mặt đất. Mọi thứ được diễn ra song hành mang đến hiệu quả nhất định trong cách kể chuyện. 

Với mình có lẽ điểm thú vị nhất trong phim là cách mà con người đối mặt với bệnh dịch, mọi cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố đều được toát lên rõ. Nó không chỉ gói gọn trong một quốc gia mà đó là vấn đề liên quan đến tình hình của cả thế giới, cụ thể trong phim là Nhật Bản và Mỹ.

Nói về nhân vật, mình phải thật sự bị thuyết phục bởi cách nhập tâm của dàn diễn viên trong phim, từ nụ cười lạnh nhạt đầy mưu mô của phản diện Ryu Jin Seok do Yim Si Wan thủ vai, cho đến tinh thần tự cường của nữ trưởng Sook Hee do Do Yeon Jeon đảm nhiệm. 

Nếu độ thành công của phim là 100% thì mình nghĩ hiệu ứng âm thanh và kỹ xảo dựng hình chiếm 30-40% trong số đó. Bởi phim xây dựng khá chỉn chu về phần này, ngay cả một số phân đoạn mình thấy nhà làm phim quay hẳn one-shot để cho mình hiểu được sự căng thẳng và khó khăn của nhân vật trong phim. 

Từ chi tiết nhỏ nhất cũng góp phần đưa người xem vào tâm lý và cảm nhận hết được, điển hình là cảnh chiếc máy bay đang xoay vòng và bổ nhào không kiểm soát từ độ cao hơn nghìn mét, đồ vật trong khoang bay tứ tung, đoàn khách thì từng người lộn nhào như thế lơ lửng vậy! 

Thật sự, Wukong nghĩ nhà làm phim tận dụng đã tối đa và chăm chút cho từng chi tiết nhỏ nhất, từ những hiệu ứng vật lý đến các góc máy khác nhau đều được tính toán sao cho trải nghiệm của mình khi xem đạt được tính chân thật.

Cuối cùng, sau những phân đoạn kịch tính, căng thẳng được xâu chuỗi liên tiếp với nhau, Hạ Cánh Khẩn Cấp cũng đã thưởng cho mình một trường đoạn lặng thinh, yên ắng sau khi nhân vật của Lee Byung Hun chia sẻ trên cabin về việc quyết định hạ cánh hay không. 

Lúc ấy mình cảm nhận rõ cả bối cảnh phim và những người xem suất chiếu hôm ấy như được nhà làm phim đưa vào một vùng tối. Nơi tất cả dừng lại chỉ để duy nhất cảm xúc lên tiếng. Đây thực sự là điều khiến mình đồng cảm hơn với hoàn cảnh của nhân vật trong Hạ Cánh Khẩn Cấp.

Tóm lại, Hạ Cánh Khẩn Cấp tuy sử dụng mô típ làm phim quen thuộc, nhưng mình cảm nhận được “bình cũ rượu mới” ở việc nhà làm phim liên tiếp tạo lập nhiều tình huống dồn dập và đưa hẳn thông điệp sáng lên ở một giây phút nhất định, khiến trải nghiệm xem phim của Wukong từ nghẹt thở đến đồng cảm hơn.

 

Theo: Dienanh.net


4.6/5 - (188 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN