LHP quốc tế Hà Nội 2024 (HANIFF VII) nhằm phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới. Đồng thời kết nối, giao lưu hợp tác để cùng phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế. Mùa thu này đến Hà Nội xem phim miễn phí ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, nhân tiện khám phá các di tích lịch sử – văn hóa của thủ đô.
Nhiều bộ phim Việt đặc sắc tại HANIFF
Từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự, các Ban sơ tuyển và chung tuyển của LHP đã tuyển chọn được 117 bộ phim của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ để chiếu trong các Chương trình phim của LHP. Những bộ phim đa sắc màu phong cách thể hiện độc đáo, sáng tạo, hứa hẹn tạo nên một kỳ LHP sôi nổi, sống động, giàu bản sắc.
Trong 117 phim dài và phim ngắn tham dự LHP có 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam. Trong đó có 10 phim dài dự thi (09 phim dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran, Ấn Độ, Pháp và 01 phim truyện dài Dự thi của Việt Nam là phim Ngày xưa có một chuyện tình.
“Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII.
Cùng với đó, khán giả cũng sẽ được thưởng thức miễn phí các bộ phim đã thu hút khán giả thời gian qua như Bà già đi bụi; Cám; Đào, phở và piano; Đóa hoa mong manh; Gặp lại chị bầu; Giải cứu anh thầy; Hoa táo nở; Hồng Hà nữ sĩ; Kẻ ẩn danh; Kẻ ăn hồn; Làm giàu với ma; Móng vuốt; Những bức tường; Quỷ cẩu; Siêu lừa gặp siêu lầy; Tiểu đội hoa hồng; Trước giờ “Yêu”; Vầng trăng thơ ấu.
Dấu ấn Hà Nội tại HANIFF
Thông qua các hoạt động thuộc khuôn khổ HANIFF, ban tổ chức muốn gửi đến hình ảnh một thành phố yêu điện ảnh, đồng thời là một điểm đến thú vị về văn hóa, lịch sử.
Trailer chính thức về HANIFF giới thiệu nhiều hình ảnh về các công trình danh thắng, di tích tiêu biểu, nét đẹp văn hóa của Hà Nội như cột cờ Hà Nội, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, công trình tháp nước Hàng Đậu…
Ngoài ra còn có một số loại hình nghệ thuật đặc sắc như múa rối nước, nghệ thuật ca trù, hát chèo…
Dịp này khán giả cũng có cơ hội xem lại 9 phim đặc sắc về Hà Nội. Trong đó có 4 phim truyện đi cùng năm tháng gồm Truyện cổ tích cho tuổi 17, Em bé Hà Nội, Hà Nội mùa đông năm 46, Long thành cầm giả ca; phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai cùng 4 phim hoạt hình Nữ tướng Mê Linh, Sự tích đền Bạch Mã, Sự tích đền Voi Phục, Truyền thuyết gươm thần.
LHP dự kiến có khoảng 800 đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ LHP sẽ diễn ra nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện. Trong đó, Lễ khai mạc và Lễ bế mạc – trao giải được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 20 giờ, ngày 7/11; truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HTV1). Lễ bế mạc và trao giải thưởng diễn ra lúc 20 giờ, ngày 11/11; truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2).