Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimĐánh giá Avengers: Endgame đoạn kết của một chặng đường

Đánh giá Avengers: Endgame đoạn kết của một chặng đường

Vậy là sau hàng loạt thính rải hết từ năm ngoái đến năm nay, siêu bom tấn Avengers: Endgame đã chính thức phát nổ ở Việt Nam vào tối ngày 25/04/2019. Tôi đã kiểm chứng và xác nhận phim không có after credit. Vì vậy bạn nào có nhu cầu xả nước sau 3 tiếng ngồi trong rạp thì có thể đứng dậy ngay sau khi nhạc nổi lên nhé.

Cảnh báo: Có SPOIL và rất dài. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!!!!

Sự kiện điện ảnh của thập kỉ

Đúng là không quá khi nói Endgame là sự kiện điện ảnh lớn nhất năm 2019. Các thông tin liên quan đến phim được chia sẻ nhiệt tình, hàng loạt các giả thuyết được đưa ra và sau Infinity War, chúng ta lại một lần nữa chứng kiến tình trạng cháy vé trên diện rộng. Không ít hệ thống bán vé online đã thất thủ vì lượng người truy cập quá đông. Cuộc chiến mua vé khốc liệt không kém trên phim, chả khác gì một ngày hội đăng ký tín chỉ. Tôi năm ngoái mua vé Infinity War trước 1 ngày đã tưởng là ghê, năm nay phải mua trước 1 tuần luôn. Suất 7h tối ngày 25 tôi đi xem chật kín chỗ, không còn thừa dù chỉ là một ghế. Một tuần trước ngày công chiếu, đi đâu cũng có thể nghe người ta nhắc đến Endgame. người người Endgame, nhà nhà Endgame. Bởi ai ai cũng háo hức mong chờ đại tàn cuộc của trận chiến với Thanos.

Avengers: Endgame là sự kiện tiếp nối của Avengers: Infinity War. 5 năm sau cái búng tay của Thanos, thế giới trở nên hoang tàn lạnh lẽo còn Thanos cũng không khá hơn là bao. Sức mạnh quá lớn của găng tay vô cực khiến hắn bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi hoàn thành lý tưởng, gã hủy 6 viên đá vô cực và chọn cho mình cuộc sống điền viên tại một hành tinh khác. Chính vì vậy, các siêu anh hùng còn sống quyết định thử giải pháp du hành thời gian do Scott Lang gợi ý. Theo đó, họ sẽ sử dụng lượng tử giới trở về các thời điểm xác định trong quá khứ, thu thập đủ đá vô cực trước Thanos để đảo ngược mọi chuyện. Đây cũng là phương án được khá nhiều người hâm mộ dự đoán bởi trong loạt ảnh trên phim trường được tung ra, chúng ta có thể nhận thấy Captain America mặc trang phục giống trong Avengers 2012.

Chính vì vậy, Avengers: Endgame giống như cỗ máy thời gian đưa chúng ta trở về các mốc thời gian trong quá khứ của MCU, gặp lại một loạt các nhân vật quen thuộc. Trong đó xúc động nhất phải kể đến cuộc hội ngộ giữa Thor – Frigga và Tony – Howard. Chúng ta đều biết một trong những điều khiến Thor cảm thấy áy náy nhất chính là việc anh không đến yểm trợ Frigga kịp thời, nên bà phải bỏ mạng dưới tay Malekith. Chính vì vậy, khi được gặp lại Frigga ngay trước khi bà bị giết, bạn Thor râu ria xồm xoàm với cái bụng bia của chúng ta đã bật khóc như một đứa trẻ.

Còn với Tony, khán giả không còn lại gì mối quan hệ căng thẳng của anh với Howard Stark. Nhưng trong Iron Man 2, sau khi xem đoạn phim cũ của Howard, tất cả bất mãn trước đó nay chuyển thành hối tiếc và dằn vặt cả đời. Bởi đến lúc Howard không còn trên đời nữa, Tony mới hiểu được tình thương thầm lặng của cha. Trước khi anh ra đời, Howard cũng giống như bao ông bố bình thường khác, cảm thấy hồi hộp lo lắng không biết mình có thể làm tốt vai trò của một người cha không. Captain America: Civil War hé lộ việc Tony luôn áy náy vì không kịp nói câu “Con yêu cha” trong lần cuối cha con họ ở bên nhau. Nhưng đến Avengers: Endgame, anh đã có thể ôm Howad thật chặt và cảm ơn ông vì tất cả.

Từ trước đến nay, phim ảnh và các câu chuyện luôn có kết thúc là chính nghĩa lên ngôi còn cái ác bị trừng trị. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, nếu một ngày các siêu anh hùng bại trận thì sao? Họ sẽ đối diện với mọi chuyện thế nào? Endgame sẽ trả lời cho bạn cả hai câu hỏi trên.

Khi các siêu anh hùng mất mát

Cuối Avengers: Infinity War, nhóm đã thất bại trong việc ngăn chặn Thanos thổi bay một nửa sinh vật sống trên trái đất. Họ phải chấp nhận rằng mình đã thua trận: “Tất cả chúng ta đã thua trận. Mất người thân, mất bạn bè, mất đi một phần con người mình”. Bucky tan biến trước mắt Steve dù trước đó còn kề vai chiến đấu.

Thor từng là người có tất cả. Một gia đình hạnh phúc, một vương quốc yên bình, những người bạn tuyệt vời cùng tình yêu đẹp với Jane Foster. Nhưng mọi thứ cứ dần dần rời bỏ anh để rồi đến Avengers: Infinity War, anh chính thức mất đi tất cả khi phải chứng kiến cảnh Thanos giết chết Loki, tàn sát người dân Asgard.

Gia đình hạnh phúc của Clint Barton giờ chỉ còn lại mình anh sau khi 4 mẹ con biến mất trong nháy mắt,… Và mỗi người lại đối mặt với sự thật theo một cách khác nhau. Steve dành thời gian trò chuyện với mọi người. Anh lúc nào cũng khuyên họ nên bước về phía trước, nhưng bản thân lại cứ mắc kẹt mãi trong quá khứ.

Không còn là vị thần sấm oai phong, Thor trở nên trầm ngâm với tâm trạng đau đớn cùng tiếc nuối. Bởi nếu Thor xác định mục tiêu chuẩn xác hơn, mọi chuyện có thể sẽ khác. Chính vì thế, khi tìm thấy Thanos, anh đã không ngần ngại chém bay đầu gã titan điên như một cách chuộc lại lỗi lầm, nhưng tất cả đã không còn tác dụng gì nữa khi Thanos đã hủy hết 6 viên đá vô cực. Vậy nên anh chui rúc trong căn nhà tồi tàn hôi hám sống cho qua ngày, uống hết chai bia này đến bình rượu kia để quên đi sự đời, bỏ mặc những cư dân Asgard cho Valkyrie. Clint thì như trở thành một con người khác khi điên cuồng thanh toán các băng đảng xã hội đen: “Gia đình ta có Thanos, còn các ngươi có ta”.

Dù biết có chém giết nhiều đến đâu cũng chẳng thể mang vợ con mình quay lại nhưng Clint vẫn không thể dừng lại bởi tại sao họ cùng nhiều người tốt khác phải chết mà lũ cặn bã này lại được sống? Còn Natasha lại chỉ biết ôm mặt khóc nức nở một mình khi chỉ vài phút trước, cô vẫn tỏ ra là mình ổn khi nói chuyện với mọi người. Tôi chưa từng thấy Nat yếu đuối như vậy. Cô khóc vì bất lực, vì không thể ở bên cạnh Clint trong thời khắc khó khăn nhất. Nat coi các thành viên trong Avengers là gia đình của mình, nhưng giờ đây, gia đình ấy đã không còn trọn vẹn sau cú búng tay 5 năm trước. Người bỏ đi, kẻ sống bê tha quên ngày tháng, số khác rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng,… trong khi đó, cô lại không biết làm gì để mang tất cả trở lại. Chính vì vậy khi mới chỉ nghe Scott Lang giải thích về thế giới lượng tử, cô thuộc nhóm đầu tiên đồng ý với phương án du hành thời gian bởi “kể cả khi đó là một cơ hội nhỏ nhoi, ta nợ những người không có mặt ở căn phòng này một nỗ lực”.

Và cũng chính vì vậy, khi biết được điều kiện để lấy Soul Stone, cô đã không ngần ngại đánh đổi mạng sống của mình. Mọi người chỉ biết đến một Natasha Romanoff nổi tiếng quyến rũ, đầy thông minh, ma mãnh. Ít ai biết được, Góa Phụ Đen khét tiếng cũng có những ước mơ giản dị như bao cô gái mình thường khác. Một căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, một gia đình hạnh phúc. Nhưng những điều đó với Nat là quá xa vời bởi cô được nuôi dạy để trở thành một sát thủ chứ không phải một người mẹ, người vợ. Trong Avengers: Age Of Ultron, khi Nat nói với Bruce rằng: “Anh nghĩ mình là con quái vật duy nhất của đội sao?”, tôi mới nhận ra cô gái ấy vốn dĩ không coi trọng chính bản thân mình. Một người phụ nữ đầy khiếm khuyết, không có khả năng làm mẹ. Chẳng có gì cả. Bruce nghĩ sống với anh không có tương lai, nhưng Nat cũng đâu dám mơ mộng nhiều đến vậy.

Đội Avengers đã cho cô một mái nhà, những người bạn, người đồng đội chí cốt và giúp cô gặp được tình yêu của đời mình. Người mang tâm sự giống cô, người mà cô có thể thoải mái giãi bày nỗi lòng, người mà cô có thể dựa vào, người mà cô muốn dùng cả phần đời còn lại để cùng hàn gắn vết thương lòng. Gia đình ấy đối với Nat quan trọng như vậy, đến mức cô sẵn sàng hy sinh để mang lại tia hy vọng dù là nhỏ nhất.

Ngay từ Avengers: Infinity War, đã có nhiều dự đoán về cái chết của Iron Man, Captain America hay Thor. Nhưng việc họ vẫn sống sót đến tận cuối phim khiến tôi nghĩ chắc chắn điều đó đã nằm trong tính toán của anh em nhà Russo, đặc biệt là chi tiết Doctor Strange dùng Time Stone đổi lấy mạng sống của Tony Stark dù trước đó đã thẳng thừng tuyên bố nếu phải chọn giữa Time Stone và Tony cùng Peter, anh ta chắc chắn sẽ bảo vệ đá vô cực bằng mọi giá. Nghe đến đây là các bạn biết ai sẽ là người ra đi tiếp theo rồi đúng không?

Vậy rút cuộc Stephen Strange đã nhìn thấy gì trong hơn 14 triệu khả năng? “We are in the endgame now”, Strange đã nói vậy trong khoảnh khắc trao Time Stone cho Thanos. Tất cả những chi tiết trên cùng việc Avengers: Endgame là một trong những phim kết thúc phase 3 của MCU đã là lời tiên đoán trước cho sự ra đi của một vài siêu anh hùng đời đầu. Nói chung là cũng chuẩn bị tinh thần cả rồi, xem cảnh Nat cùng Clint đến Vormir lấy Soul Stone là đã biết có người phải hy sinh rồi, nhưng đến đoạn Nat nói “Bỏ tay em ra đi. Không sao đâu” thì nước mắt tự động chảy ra luôn.

Hơn cả một anh hùng, Iron man còn là một biểu tượng của tinh thần không bao giờ khuất phục

Từ đầu bài viết đến giờ mọi người vẫn còn thấy thiếu 1 người nhỉ? Đúng rồi, đó chính là Iron Man Tony Stark – tượng đài của MCU. Không phải tớ quên đâu, mà vì có nhiều thứ để nói về nhân vật này. Nếu bạn nào đã đọc các bài viết khác trên website này sẽ biết trước đây tớ vốn không ấn tượng mấy với Iron Man. Bởi đây cũng chỉ là một tỉ phú mặc áo giáp rồi làm siêu anh hùng thôi, đôi lúc lại còn nói nhiều nữa. Nhưng qua 3 phần Iron Man, Avengers: Age Of Ultron và đặc biệt là Captain America: Civil War, cái nhìn của tôi về anh đã thay đổi hoàn toàn.

Sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo nhưng Tony cũng là người bị ghét nhiều nhất trong MCU bởi tính cách của mình. “Không thể tin người nhà họ Stark”, “Đừng tin gã này nhé mọi người. Nếu có cơ hội hắn ta sẽ đâm sau lưng đó”, “Tôi biết nhiều người không cần bộ giáp vẫn đáng giá gấp 10 lần anh. Thứ duy nhất mà anh phục vụ là bản thân anh. Anh không phải là kẻ dám xả thân, nằm đè lên hàng rào kẽm gai để đồng đội trườn qua người. Lúc nào cũng tính bài chuồn”, “Anh nghĩ anh chiến đấu vì chúng tôi sao? Anh chỉ đang chiến đấu cho bản thân mình thôi”,… Tôi không đếm hết được những câu nói kiểu như vậy về anh.

Mọi người nói Tony Stark là kẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân. Nhưng rồi chính gã đàn ông ích kỷ ấy lại là người ôm quả bom nguyên tử lao vào vũ trụ để bảo vệ cả thành phố. “Tất cả là trò đùa với anh à? Anh cần tập trung vào vấn đề đi”, “Ông lớn trong bộ giáp. Bỏ nó ra thì anh là gì nào?”,…. Mọi người nói Tony Stark là kẻ không có trái tim. Nhưng người tưởng như vô âu vô lo ấy lại mang nhiều tâm sự hơn bất cứ ai. Marvel đã thành công trong việc xây dựng một anh hùng rất gần gũi với khán giả, phải vật lộn với những rắc rối đời thường nhất.

Sau Infinity War, Iron man là người mất nhiều nhất

Giống như Yinsen đã nhận xét: “Vậy ra anh là người có tất cả nhưng cũng chẳng có gì”. Đúng, Tony Stark có tất cả. Tiền bạc, có. Sự nghiệp, có. Tình ái, khỏi cần bàn. Tỷ phú, tay chơi, nhà từ thiện, thiên tài Tony Stark bề ngoài là chủ của tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, một kẻ tưng tửng, ăn chơi bạt mạng, tình một đêm nhiều không đếm được. Nhưng khi về đến nhà, anh còn lại gì? Căn nhà rộng lớn trống trải, cả ngày lao đầu vào phòng nghiên cứu để chế tạo các bộ giáp mới. Ngoài Rhodes, Happy, anh không còn một người bạn nào cả. Ngay cả mối quan hệ với Pepper lúc đầu cũng đơn thuần chỉ là công việc. Hai người, à không, phải nói là 2 thứ gần gũi với anh nhất có lẽ là Jarvis và robot Dum-e. Đã từng có một Tony Stark cô đơn như vậy.

Thế rồi trong hành trình của mình, anh gặp được những người bạn mới, tìm thấy tình yêu của đời mình. Tony dần thay đổi, từ bỏ cái tôi to đùng, học cách kề vai sát cánh cùng nhóm Avengers, dần dần mở lòng với họ, tìm mọi cách để bảo vệ họ. Trong Iron Man 3 và nhất là đoạn đầu của Avengers: Age Of Ultron, chúng ta đã thấy Tony bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề thế nào. Anh gần như bị ám ảnh bởi 2 từ “hòa bình”, bởi Tony sợ cô độc nhưng anh còn sợ viễn cảnh mất đi những người đồng đội nhiều hơn thế. Nhưng trớ trêu thay, hết lần này đến lần khác, bằng cách này hay cách khác, anh đều phải tận mắt chứng kiến họ rời bỏ mình, từng người từng người một.

Năm đó, Yinsen vì cứu anh mà phải bỏ mạng trong hang đá. Để bảo vệ người bạn thời thơ ấu, Steve Rogers – đồng đội thân thiết nhất thà che giấu bí mật về cái chết của bố mẹ anh còn hơn là để anh biết sự thật. “Tôi cũng đã từng là bạn của anh”, tôi không bao giờ quên được ánh mắt đầy đau đớn uất hận Tony lúc ấy. Nhất là sau đó, anh bị người đó dùng chiếc khiên – món quà của bố anh, đập vỡ lò phản ứng trước ngực.

Những tưởng trái tim anh đã tan vỡ đủ rồi thì đến Avengers: Infinity War, Tony lại phải đứng nhìn Peter Parker tan biến sau cú búng tay của Thanos. Lúc ấy, anh đã cố níu kéo Peter bằng cách ôm cậu nhóc chặt hết mức có thể nhưng cuối cùng tất cả vẫn chỉ còn tro bụi chảy trôi qua kẽ tay. Sự ra đi của Peter là đòn đả kích nặng nề đối với Tony đến nỗi câu đầu tiên anh nói với Steve sau khi được Captain Marvel giải cứu ngoài không gian chính là “Tôi không ngăn được hắn. Tôi mất thằng bé rồi”.

Nat nghĩ Tony không chấp nhận phương án của Lang vì anh sợ. Cũng phải thôi, trong khi mọi người phải đối diện với mất mát thì anh có được cuộc sống yên bình bên vợ con. Nhưng thật ra suốt 5 năm qua, anh luôn phải sống trong những dằn vặt ám ảnh của quá khứ. Không ai biết được Tony cũng có ý tưởng giống như vậy từ lâu và trong khoảng thời gian ấy anh đã tiến hành bao nhiêu thí nghiệm để nghiên cứu chế tạo đường hầm lượng tử như lời Lang đã nói. Lý trí mách bảo anh nên vứt bỏ hết mọi thứ và lên giường đi ngủ nhưng con tim không cho phép anh làm vậy. Bởi anh biết sau đó sẽ là những giấc ngủ mộng mị kéo dài cùng cảm giác day dứt khôn nguôi.

Khoảnh khắc Tony cướp được 6 viên đá từ Thanos, cả rạp phim dường như vỡ òa. Mọi người vỗ tay tán thưởng, còn tôi đã khóc đến mờ cả kính 3D vì biết anh không thể chịu được năng lượng của găng tay vô cực. Tony cũng thừa hiểu điều đó nhưng anh phải kết thúc mọi chuyện. Bởi trong hơn 14 triệu khả năng, họ chỉ có duy nhất một cơ hội mà thôi. Steve từng nói với anh rằng: “Có thể anh không phải là mối đe dọa nhưng tốt hơn hết đừng giả bộ là người hùng”.

Đã từ lâu, Tony cũng đâu còn muốn là người hùng nữa. Cái anh cần chỉ là cuộc sống bình yên bên người quan trọng nhất cuộc đời mình. Nhưng những mối đe dọa cứ luôn tìm đến, còn anh thì phải thất hứa với Pepper hết lần này tới lần khác, đến cả câu từ biệt cũng không kịp nói ra.

Nếu Thanos cho rằng hắn là chúa tể thống trị dải ngân hà: “Ta là điều hiển nhiên phải đến” thì Tony chỉ đáp lại ngắn gọn: “Còn tôi là Iron Man”. Anh chỉ là đơn giản là Tony Stark, một người đàn ông cố gắng làm việc gì đó đúng đắn. Sau cái búng tay ấy là khoảng im lặng tưởng như kéo dài đến vô tận. “Chú Stark, chú thành công rồi. Chúng ta đã thắng rồi”. Phải, chúng ta đã thắng, nhưng tỷ phú Tony Stark với bộ óc thiên tài nay không còn nữa. Giây phút ánh sáng của lò phản ứng yếu dần rồi tắt hẳn chắc chắn là khoảng khắc đau lòng nhất với những ai yêu thích Iron Man. Bởi sau tất cả, anh xứng đáng với một cái kết có hậu hơn thế. Nhưng ít nhất, Tony cũng được ra đi trong thanh thản vì dù sao anh cũng đã bảo vệ được thứ mình đang có trong hiện tại và tìm thấy những gì đã đánh mất trong quá khứ. Giờ đây anh có thể nghỉ ngơi được rồi.

Avengers bách chiến bách thắng đã gặp phải một đối thủ quá mạnh

Avengers: Endgame dành nhiều thời lượng khai thác tâm lý nhân vật và nói về quá trình ngược dòng thời gian để thu thập đá vô cực nên một số bạn sẽ thấy phim hơi dài dòng và có quá ít cảnh chiến đấu. Nhưng tôi thấy diễn biến này khá hợp lý bởi trước giờ đội Avengers bách chiến bách thắng đã gặp phải một đối thủ quá mạnh. Họ bước vào trận chiến với tâm lý tự tin nhưng phút chốc đã thảm bại dưới tay Thanos.

Với những người đã quá quen với chiến thắng, thất bại đau đớn này không khác nào một đòn giáng chí mạng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý chí chiến đấu của cả đội. Chính vì vậy, họ trở nên e dè hơn khi nhắc đến Thanos, bối rối không biết phải làm gì để cứu vãn tất cả. Khi trở về quá khứ, họ cũng biết cách kiểm soát tình hình hơn chứ không cần quá dựa vào sức mạnh chân tay nữa, đặc biệt là Captain America và Hulk. Sau biến cố 5 năm trước, Hulk và Banner giờ không còn ghét bỏ lẫn nhau mà đã có thể chung sống trong hòa bình. Thế là chúng ta có 1 Bruce Banner trong cơ thể Hulk, cơ bắp và trí óc đều ngon lành cả. Còn Steve Rogers, từ một đội trưởng mẫu mực, nhắc nhở Iron Man phải chú ý cách ăn nói, giờ đây thanh niên nghiêm túc ấy đã biết nói câu “Let’s go, get this son of a bitch”.

Chứng kiến cảnh Steve bị vây quanh bởi Jasper Sitwell cùng nhóm Strike, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến câu “Before we get started, does anyone want to get out?” cùng trận chiến kinh điển trong thang máy ở Captain America: The Winter Soldier. Nhưng không, anh chỉ thì thầm vào tai Jasper 2 từ ngắn gọn nhưng mang lại hiệu quả tuyệt đối “Hail Hydra”. Kết quả, anh ngang nhiên nẫng tay trên Mind Stone trong ánh mắt ngỡ ngàng của đám người phía sau. Còn khi phải đối đầu với Captain America phiên bản 2012, Steve đã quá hiểu bản thân mình nên anh lập tức xài ngay câu thần chú “Bucky is alive”. Chỉ một giây sững người cũng là quá đủ để Steve hạ gục anh chàng Captain America kia.

Trận đại chiến của thập kỉ

Như đã nói ở trên, số lượng cảnh đánh đấm trong Avengers: Endgame có thể ít nhưng không có nghĩa là nó không hoành tráng.

Ấn tượng nhất chắc chắn là khi Nebula 2014 mở đường hầm lượng tử, mang Thanos từ năm 2014 đến hiện tại. Cái búng tay của Hulk vừa mang tất cả trở lại, đâu đó có cánh bướm bay lượn trong ánh nắng vàng thì chỉ vài giây sau đó, toàn bộ căn cứ của nhóm Avengers đã tan thành tro bụi vì lửa đạn của Thanos. Bầu trời cũng trở nên u ám như cảnh báo về sự xuất hiện của tên bạo chúa.

Cảnh tượng Captain một tay siết chặt chiếc khiên đã bị vỡ, một tay cầm búa Mjölnir đối đầu với Thanos cùng đội quân đông đảo của hắn trong khung cảnh tan hoang đầy khói bụi làm tôi nổi da gà vì quá bi tráng luôn các bạn ạ. Dù là một chọi một hay một trăm, một nghìn, Steve vẫn sẽ chiến đấu đến chết như một người lính đúng như câu nói cửa miệng của anh: “I can do this all day”.

Nhưng anh không hề cô đơn khi ngay sau đó chúng ta được đón chào sự trở lại của các anh hùng bị biến mất trong phần trước gồm Doctor Strange, Black Panther,….cùng các thành viên mới như Pepper Potts với bộ giáp ngầu không kém gì Iron Man, Captain Marvel và Valkyrie. Tất cả đã tạo nên trận đại chiến hoành tráng bậc nhất thập kỷ trong lịch sử điện ảnh. Mà để ý mới thấy Thanos đúng là bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế với sự cân bằng luôn các bạn ạ. Đến vũ khí của ổng cũng phải chia làm hai phần bằng nhau luôn.

Cái kết hoàn hảo của một chặng đường

Vậy là trận chiến với Thanos đã ngã ngũ. Mỗi người trong nhóm 6 Avengers đời đầu có một kết thúc khác nhau. Natasha và Tony ra đi mãi mãi. Steve chọn cách sống một cuộc đời khác bên Peggy trong hành trình trả lại đá vô cực. Thor nhập hội với nhóm Vệ Binh Dải Ngân Hà. Bruce đang trong quá trình hồi phục sau ảnh hưởng của găng tay vô cực còn Clint quay về với gia đình. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn muốn cảm ơn họ vì đã hành trình tuyệt vời này. 11 năm, 22 bộ phim.

Từ những nhân vật trên phim ảnh, họ cùng các siêu anh hùng khác của MCU đã trở thành biểu tượng, niềm cảm hứng cho biết bao khán giả trên thế giới. Vậy nên dù các báo đã khẳng định phim không có after credit nhưng khi bản nhạc nền The Avengers quen thuộc vang lên, tôi vẫn muốn ngồi lại đến cuối cùng bởi tôi biết đây là lần cuối cùng tôi được thấy 6 người họ cùng xuất hiện trên màn ảnh rộng. Để rồi, ngay sau dòng chữ cuối cùng sẽ là tiếng rèn kim loại leng keng vang vọng khắp rạp chiếu, khiến tôi cảm thấy mình được quay lại thời điểm 11 năm trước, khi Tony Stark cùng Yinsen chế tạo bộ giáp Iron Man. Năm 2008, trong một hang động ở Afghanistan, một huyền thoại đã ra đời.

… Nhưng vẫn còn không ít sạn

Avengers: Endgame là siêu bom tấn của năm nhưng phim cũng tồn tại không ít sạn và các câu hỏi cần được giải đáp. Đầu tiên là hành trình đến Vormir của Natasha và Clint. Điều kiện và Red Skull đưa ra cho mọi người muốn lấy Soul Stone là phải đánh đổi thứ quan trọng nhất với mình, một linh hồn đổi lấy một linh hồn và Nat đã hy sinh để Clint mang đá về. Nhưng thực tế là họ đâu có yêu nhau? Mà nếu chỉ dừng ở việc một linh hồn đổi lấy một linh hồn thì lại mâu thuẫn với giây phút Thanos đấu tranh nội tâm để đưa ra quyết định lựa chọn đại nghĩa hay tình thân. Hoặc chúng ta có thể hiểu điều kiện để lấy Soul Stone chỉ đơn giản là hai người đến nhưng chỉ có một người trở về? Tôi nghĩ trường hợp này đổi thành Natasha và Bruce đi thì sẽ hợp lý hơn.

Mà các bạn có tò mò rốt cuộc sự kiện Budapest là thế nào không? Clint đã 2 lần nhắc đến địa danh này nhưng không ai biết chuyện gì đã xảy ra ở đó ngoại trừ hai người họ. Và một vấn đề to đùng khác khiến tôi cảm thấy lú lẫn không chỉ sau khi xem Avengers: Endgame mà cả những phim về chủ đề du hành thời gian nói chung. Đó là dòng thời gian. Vẫn biết là dòng thời gian trong MCU không hoạt động theo nguyên lý cánh bướm (Ví dụ tiêu biểu: Terminator của James Cameron), nghĩa là dù có tác động quá khứ không thể thay đổi tương lai. Giống như Bruce đã nói: “Khi anh quay về quá khứ, hiện tại của anh sẽ thành quá khứ của cậu” rồi kể cả The Ancient One cũng đề cập, 6 viên đá vô cực là một phần của thực tại, nên nếu lấy dù chỉ 1 viên ra khỏi thực tại thì sẽ tạo ra một nhánh thực tại khác.

Mục đích của nhóm Avengers cũng chỉ định mượn tạm đá vô cực và sẽ trả lại đúng thời điểm nó bị lấy đi nhưng trong quá trình đó, nhóm của Steve đã gặp sự kiện ngoài ý muốn. Loki biến mất cùng với khối Tesseract khiến anh cùng Tony phải quay về năm 1970. Vậy Loki đã đi đâu? Thực tại ở thời điểm 2012 đó liệu có bị xáo trộn? Cuối phim, Steve đã hoàn trả đá vô cực mà đặc biệt là Soul Stone kiểu gì? Rồi cả việc anh sống cuộc đời mới với Peggy thế nào sau khi hoàn thành nhiệm vụ trả đá? Việc búng tay mang một nửa dân số trở về sẽ gây ra ảnh hưởng gì? Họ sẽ giải quyết việc những người biến mất kém 5 tuổi so với số còn lại ra sao? Bài viết giải ngố về thuyết du hành thời gian, các bạn có thể tìm đọc tại đây.

Nói chung là với những cảm xúc cùng trải nghiệm mà Avengers: Endgame mang lại, phần lớn khán giả chắc chắn sẽ bỏ qua vài điều lấn cấn trên đây để có thể thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn nhất.

Cơn sốt Avengers: Endgame

Avengers: Endgame sở hữu số điểm cao chót vót với 8.9/10 trên IMDb, chứng nhận 95% tươi roi rói của Rotten Tomatoes. Các chuyên gia metacritic.com cũng không ngần ngại cho điểm 78/100. Mà tôi nghĩ nếu điểm của Endgame có là âm vô cực thì cũng chả ai quan tâm đâu.

Phim thật sự đã tạo ra một cơn sốt chưa từng có nhưng sau cột mốc lịch sử này, Marvel sẽ đối mặt với thời kỳ chuyển giao thế hệ. Iron Man nay không còn nữa. Chiếc khiên biểu tượng của Captain America cũng đã được trao lại cho Sam Wilson. Các công thần như Robert Downey Jr., Chris Evans hay anh em nhà Russo cũng đã hết hợp đồng với hãng. Họ sẽ phải tiếp tục xây dựng một kế hoạch dài lâu khác để tiếp tục duy trì thành công của MCU hiện tại. Nhưng hãy tạm gác lại những vấn đề đó sang một bên để tận hưởng trái ngọt bởi khi tôi đang viết những dòng này, Avengers: Endgame đã trở thành bộ phim đạt mốc 2 tỷ đô nhanh nhất với chỉ 11 ngày. Thôi thì cứ với đà này tôi xin mạnh dạn dự đoán doanh thu của phim rơi vào tầm khoảng 3 tỷ đô.

Thông báo luôn là những tâm hồn bị tổn thương sau Captain America: Civil War sang đến Endgame sẽ được an ủi phần nào vì trong phim này hint của Stony nhiều quá trời luôn. Đoạn Steve chạy đến đỡ Tony lúc bước xuống phi thuyền này, trao khiên làm lành này, đoạn bắt tay này, đoạn “I do” huyền thoại xong cho Ant Man làm bóng đèn nữa,… Tôi kiểu như sắp chìm trong ánh mắt lúc Steve nhìn Tony ý. Nhưng xem đến đoạn Tony chết thì vẫn khóc một dòng sông.

Đánh giá Avengers: Endgame là hồi kết bi tráng nhưng cũng đầy trọn vẹn của vũ trụ điện ảnh Marvel, là món quà tri ân dành tặng các fan hâm mộ đã yêu mến và ủng hộ hãng trong suốt 11 năm qua. Hành trình này sẽ được nối dài với Spiderman: Far From Home vào tháng 7. Mọi người nhớ đón xem nhé.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN