Thứ Năm, Tháng Chín 19, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáDân Chơi Không Sợ Con Rơi: Nửa đầu tấu hề, nửa sau...

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi: Nửa đầu tấu hề, nửa sau gây mê man cục bộ

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi là bộ phim có rất nhiều cái “lần đầu” của cặp đôi Thu Trang – Tiến Luật: lần đầu Tiến Luật đóng vai chính trong phim điện ảnh, lần đầu Thu Trang lui về sản xuất cho ông xã Tiến Luật chiếm trọn spotlight và cũng là lần đầu ekip làm phim về tình cảm gia đình lấy nước mắt khán giả. 

Cá nhân mình cảm thấy Dân Chơi Không Sợ Con Rơi đã làm tốt việc thể hiện tình cảm cha con và đem đến những phân cảnh cảm động. Tuy nhiên, phim vẫn có phần lỗi thời và sắp đặt quá nên mình lại thấy thiếu đi tính chân thật. 

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi kể về Quân (Tiến Luật) – một tay chơi miệt vườn chính hiệu, một hôm bị bạn gái cũ Gia Linh (Vân Trang) quay về “đem con bỏ chợ” theo đúng nghĩa đen. Từ đó, Quân bắt đầu hành trình “gà trống nuôi con”. Sau 8 năm, mẹ bé Thỏ – con gái Quân quay về và tiếp theo đó là một cuộc chiến giành quyền nuôi con.

Xét về cấu trúc kịch bản, mình thấy Dân Chơi Không Sợ Con Rơi xây dựng lớp lang khá ổn và có những bước chuyển rõ ràng cho nhân vật. Tuy nhiên, rõ ràng mình nghĩ là ai cũng có thể thấy câu chuyện của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi không hề mới. Ngay cả cách triển khai, đường đi nước bước trong phim cũng khá đi vào lối mòn, không tạo được điểm gì mới mẻ. 

Câu chuyện “gà trống nuôi con” được triển khai theo lối thông thường với những tình huống hết sức quen thuộc mình thấy vừa có điểm cộng, vừa có điểm trừ. Điểm cộng là nó dễ dàng tạo được sự đồng cảm cho người xem, nhất là với những người ở trong tình huống tương tự. Điểm trừ là không thấy được tính sáng tạo của kịch bản. Câu chuyện trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi với cá nhân mình thì đã “xưa như trái đất” rồi. Từ tình huống cho đến diễn biến trong phim đều đã được xuất hiện trên màn ảnh từ những năm 2000. 

Với kịch bản của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi, mình chỉ thấy được một điều đó chính là phim đang kể lại một câu chuyện cảm động nhưng có phần xưa cũ, lỗi thời và thiếu tính bứt phá. Điều này là bởi vì mình nghĩ câu chuyện này có thể xảy ra ở những năm về trước, còn với thời buổi ngày nay thì thật là hy hữu.

Cách xây dựng hình tượng nhân vật Quân (Tiến Luật) khá điển hình. Đó là hình tượng người cha mình vẫn thường thấy trên phim ảnh và cả ngoài đời thực. Bỏ qua lúc đầu giằng co tâm lý về việc nuôi dạy bé Thỏ, Quân là một người cha hết mực yêu thương và làm tất cả vì con của mình. Dường như từ ngày có bé Thỏ, mục đích sống duy nhất của Quân là vì con. 

Dân gian có câu “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Câu này có nghĩa là không ai sinh ra đã biết làm cha, làm mẹ hay làm ông, làm bà. Chính việc có con, đứa con đã giúp họ học cách để trở thành người cha, người mẹ. Như trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi, Bé Thỏ đã giúp Quân trở thành một người cha thực thụ và qua diễn xuất của Tiến Luật, mình có thể cảm nhận được sự chuyển biến tâm lý này. 

Từ một dân chơi sát gái, rượu chè lêu lỏng, Quân dần tu tâm dưỡng tính và chí thú làm ăn để nuôi dạy bé thỏ. Điều này làm cho mình nhớ đến những người cha đơn thân khác trên thế giới, đơn cử là Barney Stinson trong How I Met Your Mother. Với mấy tay sát gái, bài học đáng giá nhất với họ là làm cha và cô gái duy nhất họ yêu nhất chính là con gái mình. Ngày trước càng đào hoa, si tình bao nhiêu, khi có con, đặc biệt là con gái lại càng cưng chiều con bấy nhiêu. Mình thấy người Việt mình hay nói đùa con gái là “người tình nhí” của cha cũng không sai. 

Bé Thỏ lớn lên cũng rất đáng yêu và luôn coi ba Quân là số một. Diễn xuất của bé Bảo Thi trong vai bé Thỏ cũng vô cùng tự nhiên và chân thật. Mình cảm nhận được sự kết nối giữa hai cha con của Tiến Luật và bé Bảo Thi trong vai diễn này. 

Một điều mà mình thấy đáng yêu nữa là cách nuôi dạy con của ba Quân rất giống với những người cha trong văn hóa của người Việt Nam. Bản thân mình cũng được lớn lên với những câu chuyện về siêu nhân và những phép màu như cách mà ba Quân nói với bé Thỏ. 

Diễn biến của Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cũng làm tốt được một điều, tuy không mới nhưng nó đã được xử lý một cách hợp lý, gọn gàng và đem lại được cảm xúc đó chính là việc Quân phải đối diện với 7749 câu hỏi của bé Thỏ về sự vắng mặt của mẹ. Thật sự mình thấy đó là một hành trình vô cùng gian nan và không phải ai cũng có thể làm được như Quân. Thay vì nói thẳng ra và làm tổn thương đến bé Thỏ như những người lớn khác vẫn thường làm. Quân đã chọn cách bảo vệ tuổi thơ cho con bằng cách: ban đầu nói mẹ Thỏ là siêu nhân, đi giải cứu các em nhỏ khác nên không thể ở bên Thỏ; sau đó nhờ cô giáo viết thư thăm hỏi và cuối cùng, sau khi mẹ Thỏ về thì hợp lý hóa câu chuyện đó. 

Có một câu nói của Quân trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi khiến mình suy nghĩ rất nhiều, đó là: “Hãy cho trẻ con sống trong câu chuyện cổ tích của chính nó.” Mình thấy theo văn hóa Việt Nam thì thường đứa trẻ nào cũng lớn lên với hình ảnh siêu nhân, ông bụt, bà tiên,…và đó chính là những điều làm nên tuổi thơ của chúng ta. Trẻ con có thế giới riêng của nó. Việc giữ cho thế giới đó không bị sụp đổ và khiến chúng tổn thương là điều mà bậc làm cha làm mẹ phải làm. Quân đã làm được điều đó và khiến mình cảm thấy xúc động vì một phần gợi nhớ về tuổi thơ của mình. 

 

Ngoài Quân thì diễn biến tâm lý và diễn xuất của bé Bảo Thi cũng cho thấy được sự khủng hoảng về mặt nhận thức của một đứa trẻ khi phải đối diện với những điều mà nó không muốn tin là sự thật. Những phân cảnh bé Thỏ gào khóc vì sắp phải xa ba Quân, phải lựa chọn giữa việc có ba thì không có mẹ, có mẹ thì không có ba khiến mình hiểu hơn về sự tổn thương của một đứa trẻ trong tình cảnh đó. 

Vì là một bộ phim hài – tình cảm nên yếu tố hài hước trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cũng được đầu tư mảng miếng vô cùng chất lượng. Mình thấy sự xuất hiện của dàn diễn viên trong phim mới đầu thôi đã thấy mắc cười rồi vì toàn là cây hài. 

Từ diễn viên chính đến diễn viên phụ trong phim ai cũng là những gương mặt quen thuộc trên màn ảnh và đã từng xuất hiện nhiều trong các dự án của Thu Trang – Tiến Luật như: Kiều Minh Tuấn, Ngô Kiến Huy, Lâm Vỹ Dạ, Huỳnh Phương, Vinh Râu, Khương Ngọc…Lần này Dân Chơi Không Sợ Con Rơi cũng có sự quy tụ của những diễn viên tên tuổi khác như Vân Trang, Lê Khánh,…Vậy nên thật sự xét về mặt diễn xuất trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi thì mình thấy khá ổn.

Chính vì phim chỉ toàn “người nhà” như vậy nên mình thấy tương tác giữa các nhân vật với nhau rất ăn ý và miếng hài cũng tự nhiên, duyên dáng. Tiến Luật với Huỳnh Phương cân trọn mảng miếng cho Dân Chơi Không Sợ Con Rơi, vẫn là miếng hài “tỉnh” như mọi khi nhưng cực kỳ nhuần nhuyễn. Sự phụ họa của bé Bảo Thi và Ngô Kiến Huy trong vài phân cảnh “làm khó” ba Quân cũng rất dễ thương. 

Mình thấy lời thoại trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi khá ổn, nó tự nhiên và có chỗ cho sự tung hứng giữa các nhân vật. Tuy nhiên, Dân Chơi Không Sợ Con Rơi chủ yếu cũng chỉ là những cảnh sinh hoạt thông thường, mọi thứ đều được đưa thông tin bằng lời thoại nên cũng là một điểm hạn chế. 

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi nửa đầu tấu hề cá nhân mình thấy khá ổn, những tương tác giữa hai cha con Quân và bé Thỏ cũng đáng yêu. Tuy nhiên, nửa sau bắt đầu có vấn đề lớn, những chỗ thiếu logic, những chỗ thừa, chỗ thiếu cũng dần hiện ra. 

 

Việc Gia Linh quay về và dẫn theo Phát (Khương Ngọc) – bạn trai cô đòi rước bé Thỏ đi không hề có lý do. Đến cả sau cú twist, Phát không muốn dẫn bé Thỏ theo nữa cũng được đề cập một cách khá hời hợt, vẫn chưa cho biết đằng sau mong muốn ấy là gì. 

Dân Chơi Không Sợ Con Rơi lấy bối cảnh làng quê, ở nơi giáp ranh biên giới nhưng lại không được khai thác triệt để và dường như cũng không tác động gì mấy đến câu chuyện. Việc tạo hình nhân vật Quân cũng thiếu tính nhất quán. Ban đầu Quân để tóc xoăn dài, sau đó trở về chiếc “sân bay” như hình ảnh của Tiến Luật bình thường. 

Thêm nữa là lúc thì thấy Quân chạy xe ôm, lúc làm chú hề bán đồ chơi cho trẻ con, lúc làm cascadeur, không có cái nào được nhấn mạnh. Mặc dù những cảnh Quân làm cascadeur được đề cập nhiều hơn nhưng nó vẫn lớt phớt. 

Diễn biến trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi khá mượt nhưng mình thấy đó là do tính sắp đặt của phim. Hầu hết những sự kiện diễn ra đều được cài cắm từ trước và nằm trong sự suy tính của biên kịch. Mình chưa thấy được đời sống của nhân vật một cách tự nhiên. 

Tưởng chừng như Dân Chơi Không Sợ Con Rơi đã đem đến được một cách giải quyết vấn đề có giá trị nhân văn hơn rồi nhưng cái kết của phim lại khiến mình vô cùng hụt hẫng vì tính sắp đặt tuyệt đối. Ngay từ khi mở ra cảnh kết, không chỉ riêng bản thân mình, mình nghĩ khán giả khi xem cũng sẽ dễ dàng đoán được chuyện gì sắp sửa xảy ra. Chính vì sử dụng kỹ thuật quá nhiều nên câu chuyện trong Dân Chơi Không Sợ Con Rơi, cá nhân mình thấy dù cho lấy được nước mắt nhưng vẫn còn khá khiên cưỡng. 

Tóm lại, với mình Dân Chơi Không Sợ Con Rơi là câu chuyện cảm động về tình cha con, dù cho không mới nhưng cách dẫn dắt vấn đề khá ổn. Chỉ là dường như mình cảm thấy phim đang cố sắp đặt, cố lấy nước mắt người xem nên nhiều chỗ dần về cuối mình thấy có phần gượng ép. 

 

Theo: Dienanh.net


4.3/5 - (119 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN