Mình cứ nghĩ mãi là mình đã xem phim Room (2015) chưa, vì đôi khi mình cảm thấy những tình tiết trong phim khá quen nhưng đôi khi lại cảm thấy có những chi tiết mới. Có lẽ mình thực sự đã từng xem bộ phim này một lần và bằng cách nào đó đã quên mất nó. Cũng thật lạ là mình lại quên một bộ phim thế này.
Phim Room là câu chuyện về một căn phòng, và quá trình những người sống trong đó bước ra khỏi phòng, vào thế giới bên ngoài. Căn phòng đó rất bé, và hẳn là rất đáng sợ: bốc mùi, chật hẹp, thiếu sáng, đầy những điều xấu xa ghê tởm. Nhưng đó là trong con mắt của Joy (Brie Larson), cô bé 17 tuổi bất ngờ bị lừa vào sống trong căn phòng suốt 7 năm. Còn trong con mắt của cậu bé Jack 5 tuổi, căn phòng là cả thế giới, là nơi cậu bé được làm mọi việc, nơi cậu luôn có mẹ và sống vui vẻ dù thiếu thốn đủ thứ, những thứ cậu không hề biết đến.
Trong phim Room không nói rõ Joy trải qua 7 năm như thế nào, nhưng hẳn là cô đã “làm hòa” với cuộc sống trong căn phòng, như thể cuộc sống vốn như vậy, như thể kẻ tội phạm đã bắt cóc cô cũng là người có thể trò chuyện những điều củi gạo mắm muối được, như thể cô không mấy khi nhớ về thế giới ngoài kia. Đồng thời, cô cũng tạo ra thêm một “căn phòng” khác trong căn phòng, là tủ quần áo nhỏ xíu nơi cô giấu Jack, để Jack không bao giờ tiếp xúc với gã đàn ông cô ghê tởm và vẫn phải “làm hòa”. Trong căn phòng mà Joy phải chịu đựng suốt 7 năm là một “căn phòng” khác cô dựng lên cho Jack nơi cậu bé sống trong thế giới của riêng cậu và mẹ.
Thích nghi với cuộc sống mới
Và rồi một kế hoạch thô sơ và một chút may mắn đã giúp hai mẹ con được giải thoát, ra khỏi căn phòng. Mình bị ấn tượng bởi ánh mắt ngơ ngác sợ sệt của Jack và dáng vẻ thanh thản tràn đầy tự tin của Joy vào ngày đầu tiên sau khi được giải cứu. Dường như mọi chuyện chỉ là một cơn ác mộng dài và cô sẽ có thể trở về nhà, nằm trên chiếc võng ở trong sân, tận hưởng cuộc sống. Nhưng cuộc sống trong 7 năm Joy vắng mặt đã tiến triển, mọi thứ không còn như xưa, như chính cô.
Chi tiết làm mình ấn tượng nhất về sự đối lập Joy nhận ra giữa cuộc sống 7 năm qua và cuộc sống hiện tại là những câu hỏi phỏng vấn mà cô định trả lời: cuộc sống trong căn phòng vốn không có sự lựa chọn, mỗi việc Joy làm cô đều nghĩ là điều hiển nhiên, nhưng trong thế giới thực luôn tồn tại chọn lựa, và khi phải đối mặt với những câu hỏi về lựa chọn của mình, Joy mất phương hướng, cô không biết tại sao lựa chọn hiển nhiên lại không phải là hiển nhiên. Thế giới mà cô khao khát được trở về có lúc lại làm Joy tuyệt vọng như ở trong căn phòng nơi cô bị nhốt, thậm chí hơn thế, đến mức không kham nổi.
Mọi chuyện với Jack có vẻ dễ dàng hơn, cái cậu bé cần là dần dần tiếp nhận thế giới có nhiều hơn là chỉ mẹ cậu, cậu bé cần làm quen với con người, đồ vật, cảnh vật xung quanh, làm quen với thế giới bên ngoài căn phòng của mình. Quá trình làm quen của cậu bé suôn sẻ hơn, dù đôi lúc cậu bé có nhớ về căn phòng cũ – thế giới cũ của cậu.
Sau một ngày chạy trốn mệt lử và đầy sợ sệt, cậu bé Jack chỉ muốn về lại căn phòng, chốn thân thuộc và có lẽ bình yên đối với cậu. Khi đã quen với thế giới, cậu vẫn muốn về nhìn lại nó, nhưng chỉ để nhìn lại và tạm biệt căn phòng đã trở nên bé nhỏ hơn nhiều so với trong kí ức.
Có lẽ cảm nhận của người xem phim cũng như vậy: khi ánh mắt (hay ống kính) nằm trong căn phòng, mọi thứ dường như to lớn hơn, không gian dường như rộng rãi hơn; bầu trời xanh ở rất xa nhưng dường như cũng chỉ cách đỉnh đầu vài sài tay. Nhưng khi nhìn từ ngoài vào, ta mới thấy nó thật nhỏ bé, nhỏ bé đến dường như không thể chứa nổi cả cuộc sống của hai mẹ con họ.
Cuộc sống dưới góc nhìn của Jack
Cái mình thích ở bộ phim này là nó được kể từ góc nhìn của cậu bé Jack, không chỉ vì cậu bé là người dẫn truyện hay mọi cảnh quay đều là lúc cậu bé đang tỉnh hay góc máy luôn thấp như đôi mắt cậu bé, mà còn ở việc dù câu chuyện này khủng khiếp đến thế nào, các khung hình bạo lực hay tình dục cũng không xuất hiện, như chính thế giới mà mẹ của Jack cố gắng xây dựng cho cậu.
Mình thích những khung hình quay cận sát hai mẹ con trong căn phòng, phô bày rõ làn da xù xì mẩn đỏ và đôi mắt thâm quầng trũng sâu của Joy cũng như đôi mắt xanh biếc trong veo của Jack.
Mình cũng thích cách xây dựng nhân vật Joy, dù chỉ là một cô bé đầy bất hạnh nhưng cô luôn cố gắng nuôi dạy Jack tốt nhất, lễ phép nhất, ngoan ngoãn nhất. Dù hoàn cảnh khác biệt, những vấn đề trong giáo dục con trẻ mà Joy gặp phải có lẽ cũng giống nhiều bà mẹ bình thường khác, và dù vậy cô đã luôn “ra dáng” một người mẹ thực sự. Sự bất lực của Joy chỉ được bộc lộ khi cả hai đã an toàn trong thế giới bên ngoài. Thật không dễ dàng gì để cô bé ấy trưởng thành như vậy.
Đánh giá phim Room thực sự là một tác phẩm làm người xem cảm động!