Kéo xuống để xem tiếp
Lấy cảm hứng từ web drama Chuyện Xóm Tui, từng tạo nên tiếng vang lớn thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Youtube, mới đây cặp đôi Thu Trang – Tiến Luật lại tiếp tục cho ra mắt phiên bản điện ảnh mang tên Con Nhót Mót Chồng được cầm trịch bởi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Không ít lo ngại được đặt ra khi gần đây liên tiếp những tác phẩm dựa theo phim chiếu mạng được trình làng màn ảnh rộng nhưng chất lượng lại đáng thất vọng. Dù vậy, Con Nhót Mót Chồng đã phần nào phá bỏ định kiến ấy khi mang đến một tác phẩm khá khẩm cho điện ảnh Việt với những tiến bộ đáng học hỏi.
Bộ phim có bối cảnh tại khu xóm lao động giống với web drama Chuyện Xóm Tui. Ở phiên bản điện ảnh, phim tập trung khai thác câu chuyện về Nhót (Thu Trang) – người con gái nổi tiếng khắp xóm với tài siêu trộm, sống cùng cô là người cha nghiện rượu, ông Xỉn (Thái Hòa). Trong một lần chợt nhận ra con gái mình đã 39 tuổi, ông Xỉn bèn tức tốc tìm cách mau gả đi “quả bom nổ chậm” trong nhà nhưng ngặt nỗi cứ nhắc đến cái nết con Nhót là trai trong xóm đều xin rút lui.
Từ chuyện tìm chồng, ông Xỉn và Nhót lập một giao kèo nếu Nhót lấy được chồng, sinh con thì ông Xỉn cũng quyết tâm bỏ rượu. Thế nhưng, bi kịch dần ập đến khi 39 không còn là độ tuổi dễ dàng cho việc sinh nở. Hai cha con từ đó cũng bùng nổ những mâu thuẫn vốn tồn tại âm ỉ trong một gia đình nơi có con “ma men” trú ngụ.
Miếng hài duyên dáng, tự nhiên
Thông thường những bộ web drama đều khai thác yếu tố gây hài vô tội vạ là chủ yếu để đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần của người xem. Khi phát triển thành một bộ phim điện ảnh, phần lớn nhà làm phim đều bê nguyên xi những miếng hài đó và dễ rơi vào lối hài nhảm nhí, lố lăng, thậm chí còn biến tấu chúng trở nên gượng gạo đến mức khó có thể chấp nhận được.
Với Con Nhót Mót Chồng, bộ phim được tinh chỉnh hài hòa giữa thể loại hài và chính kịch. Do đó, những phân đoạn gây cười có sự thêm thắt hợp lý, với cách thể hiện vừa đủ hài của các nhân vật. Ngay cả khi trong những khoảnh khắc không ngờ nhất, ông Xỉn cũng có những phát ngôn “khó đỡ” chọc cười khán giả một cách tự nhiên và hiệu quả. Điều đáng khen là yếu tố hài không bị một màu, nhàm chán và không cố chiếm thời lượng một cách vô bổ.
Ngôn ngữ điện ảnh chỉn chu hơn
Yếu điểm lớn nhất của các bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ web drama có thể nói là tính cường điệu đậm màu sân khấu. Qua phiên bản điện ảnh, những tác phẩm ấy vẫn chưa thoát xác được và tựa như bản thu gọn của một bộ phim chiếu mạng không hơn không kém. Chất kịch mà khán giả ngán ngẩm khi xem phim chính là cách diễn xuất cường điệu, phô diễn của một vài diễn viên cùng với những tình huống gượng gạo đến ngớ ngẩn.
Con Nhót Mót Chồng có mở đầu lan man chưa mấy ấn tượng bởi sự ồn ào đặc trưng trong bộ web drama trước đó. Tuy vậy, càng đi sâu phim càng có sự tiết chế nhất định và làm bật lên ngôn ngữ điện ảnh vốn có của phim. Lời thoại tạm ổn, đài từ tự nhiên, âm nhạc xúc động cùng những nút thắt – mở có chiều sâu đã khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn để giữ mắt người xem. Có thể nói, lối diễn xuất nhập tâm của Thái Hòa đã khiến anh thành người giữ nhịp và truyền nhiệt cho xuyên suốt bộ phim. Thu Trang dù chỉ ở mức vừa vặn cho nhân vật con Nhót nhưng khi có sự tung hứng cùng Thái Hòa thì cũng giải phóng được nhiều cảm xúc.
Tính hiện thực rõ nét dễ cảm, dễ thấm
Mượn những đề tài quen thuộc trong xã hội, thế nhưng không phải tác phẩm nào cũng có cách truyền tải hữu hiệu. Gần đây nhất là cú sẩy chân của phim điện ảnh Biệt Đội Rất Ổn – tác phẩm được phát triển từ web drama Gia Đình Cục Súc. Bộ phim là hành trình vạch mặt người chồng cũ bội bạc để người vợ giành lại quyền nuôi con. Thế nhưng, tác phẩm được đánh giá có kịch bản phim rất nông, không đảm bảo chất lượng và thể hiện rõ tính sắp đặt với những tình huống hết sức phi lý và xa rời thực tế.
Trước sự thất vọng tràn trề của khán giả với phim Việt, một bộ phim đề tài gia đình gần gũi như Con Nhót Mót Chồng có lẽ sẽ là lựa chọn dễ chịu hơn. Đáng bất ngờ, tác phẩm lần này không chỉ xây dựng một câu chuyện về tình cha con, về khoảng cách thế hệ đơn thuần mà còn đan xen phản ánh một hiện trạng nhức nhối hủy hoại nhiều gia đình trong xã hội, đó là nạn nghiện rượu.
Mượn một chất liệu cụ thể để truyền tải thông điệp nhân văn, bộ phim đã làm tốt trong việc khiến người xem có cái nhìn “đời” hơn và dễ đồng cảm hơn cùng các nhân vật. Chẳng có ông Xỉn hay con Nhót nào thao thao bất tuyệt những đạo lý muôn thuở về tình cha con mà chỉ có khán giả tự nhìn nhận và kết nối bản thân mình theo một khía cạnh nào đó với các nhân vật và nội dung mà bộ phim đã truyền tải.
Theo: Moveek.com