Mình thấy một trong những điểm “ăn tiền” của thương hiệu hoạt hình Pororo không chỉ là tạo hình sặc sỡ, gần gũi của dàn nhân vật, mà còn là hành trình làm nên thông điệp của bộ phim. Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long là bộ phim khiến mình thấy rõ nhất điều đó.
Thoạt đầu mình tự hỏi vì sao khi phát hành, Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long lại không được đón nhận nồng hậu như Minions: The Rise Of Gru hay Conan: Nàng Dâu Halloween. Bộ phim đã làm rất rõ ràng và kỹ lưỡng về cách gửi gắm thông điệp thông qua hành trình giải cứu những người bạn của Pororo, đang mắc kẹt tại trụ sở của gã thợ săn Y.
Sau khi trải thời lượng khá ngắn ngủi, chỉ với 1 tiếng 17 phút, Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long như khiến mình có một cách nhìn đơn giản hẳn, không quá “xoắn não” hay thách đố bởi những câu hỏi hóc búa như những bộ phim khác, chỉ đơn giản mọi thứ nhà làm phim tạo ra nhằm đưa đến một thông điệp về sự đoàn kết, không bao giờ bỏ rơi bạn bè trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long là hành trình giải cứu đồng đội cũng như cả hòn đảo khủng long của Pororo và những người bạn. Họ gặp được chú khủng long nhỏ Alo, đang đi lạc đến thị trấn tuyết của Pororo và nằm ngủ trong quả trứng bay.
Chính quả trứng này là thiết bị để thâu tóm các loài khủng long mà trong quá khứ, gã thợ săn Y đã sử dụng nó để “hốt” về một lượng khủng long khá lớn nhằm thực hiện những âm mưu cá nhân.
Chính chú cáo Eddy đã hỗ trợ Pororo bởi đầu óc thiên tài của cậu trong quá trình giải cứu cho tất cả mọi người. Có thể thấy, Eddy như cánh tay phải, là “chiến thần khoa hoc” của cả đội.
Việc nhà làm phim xây dựng hình mẫu chú cáo Eddy cho mình thấy được không phải cứ là cáo thì phải gian manh, tùy mỗi cách nhìn của từng người. Với mình thì Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long nhân hóa hình ảnh dàn nhân vật nhí qua những kỹ xảo đồ họa đa sắc màu.
Điều đó không chỉ tạo sự thiện cảm, gần gũi cho mình khi xem phim, đặc biệt còn làm trải nghiệm điện ảnh thú vị hơn bao giờ hết.
Các miếng hài duyên dáng, ngớ ngẩn của những nhân vật phải nói là quá dễ thương và cực kỳ thiếu nhi luôn. Có đoạn Pororo đứng chọc quê dàn robot bằng cách ngoáy mông đánh lạc hướng chúng, hoặc chú gấu Poby bị kẹt trong quả trứng thủy tinh…
Là một phiên bản điện ảnh phát triển từ series truyền hình nên mình thấy câu chuyện trong Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long khá đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn nhờ vào tiết tấu nhanh, cao trào được đẩy cao đúng lúc trong thời lượng hợp lý.
Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long chỉ kéo dài 1 tiếng hơn, mình thấy ngắn hơn so với phim chiếu rạp thường thấy, nhưng lại rất phù hợp với khả năng tập trung của những khán giả nhí.
Tuy chỉ kéo dài chừng ấy thời lượng, nhưng mình thấy các khán giả nhỏ lẫn phụ huynh xem cùng rạp với mình đều phấn khích và hài lòng về thông điệp và những gì bộ phim mang đến.
Với việc ra mắt trong thời điểm khá nhiều cái tên nặng ký đổ bộ ra rạp như: Conan: Nàng Dâu Halloween, Minions: The Rise Of Gru, Liên Minh Siêu Thú DC… mình thấy Pororo: Cuộc Phiêu Lưu Đến Đảo Khủng Long lại xuất hiện phục vụ cho các đối tượng khoảng 5-7 tuổi, điều đó không chỉ là sự mạo hiểm trong vấn đề kinh doanh phòng vé của hãng phim, mà còn là một bài toán khó cho việc phát hành các phần phim tiếp theo.
Theo Dienanh.net