Thứ Bảy, Tháng Năm 18, 2024
Trang chủPHIMYếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm...

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Kẻ Ăn Hồn là phim điện ảnh thứ tư của đạo diễn Trần Hữu Tấn từng làm sau Bắc Kim Thang (2019) và Rừng Thế Mạng (2021), Chuyện Ma Gần Nhà (2022). Những dự án gây trước chú ý vì có ý tưởng mới mẻ, lạ lẫm. Còn Kẻ Ăn Hồn được mọi người chờ đợi vì được xem là tiền truyện của series gây sốt được phát sóng trên K+ và Netflix cách đây chưa lâu mang tên Tết Ở Làng Địa Ngục.

Câu chuyện trong Kẻ Ăn Hồn có nội dung khác Tết Ở Làng Địa Ngục nhưng cùng chung mô-típ. Suốt tác phẩm, các nhân vật chính liên tục chứng kiến những cái chết nhuốm màu sắc đáng sợ, rùng rợn khó giải thích. Kẻ Ăn Hồn mở đầu với “đám cưới chuột” của Sang (Gia Huy) – Phong (Hoàng Hà). Sau đó, Phong nhìn thấy một người đàn bà áo đỏ.

Kế đến, hàng loạt người dân trong làng bỗng dưng bị ai đó “xuống tay” không rõ lý do và lúc nào bên cạnh những cái xác cũng là một con rối đầy bí ẩn.

Hình ảnh bà lái đò chở vong hồn, đàn đom đóm câu hồn và cảnh tượng mồ hôi máu là “trục xương sống” nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn. Bên cạnh đó, phim còn lồng ghép các hình tượng đậm chất Việt như con rối – xuất hiện bên cạnh các thi thể nạn nhân, mô phỏng theo từng cái chết.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn thường xuyên thay đổi góc máy quay, từ góc cận cho đến góc toàn. Từng khung hình có sự tính toán chính xác để xây dựng không khí ma mị, ngột ngạt, bí hiểm. 

Bối cảnh phim di chuyển từ căn nhà tre, sau đó dời sang ngoại cảnh ở khu rừng, bờ suối. Ngoài ra, nhà làm phim còn lựa chọn tông màu đỏ làm chủ đạo nhằm tạo ra cảm giác rùng rợn, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết vũng máu hay đàn đom đóm câu hồn để thiết lập nỗi sợ. Các nhân vật chính cũng thường xuyên mặc áo đỏ khi các tình tiết bước vào giai đoạn kịch tính.

Thiết kế sản xuất được đầu tư nhằm tái hiện không gian làng quê ở vùng núi Tây Bắc xưa. Ê-kíp chăm chút từ phục trang đến từng vật dụng như bàn, ghế, giường.. Phần âm thanh cũng được làm rất tốt. Các bản nhạc hòa tấu được lồng ghép tạo cảm giác sợ hãi. Chẳng hạn, mỗi khi Thập Nương (Lan Phương) xuất hiện, âm thanh trở nên dồn dập, như bóp nghẹt trái tim người xem.

Đạo diễn chọn nhiều hiệu ứng âm thanh làm nổi bật các tiếng động nhỏ, từ tiếng người phụ nữ gọi tên Phong ai oán, đến giọng cười ám ảnh của bà Tám Kheo (NSƯT Chiều Xuân), tiếng bà lão chở vong… Ê-kíp sử dụng kĩ thuật hóa trang để dựng tạo hình từng xác chết, những gương mặt bị biến dạng đến cơ thể với những khiếm khuyết mất tay, mất chân đủ cả.

Nội dung phim rõ ràng, có nút thắt, nút mở lẫn plot-twist. Song cốt truyện của phim vốn được phát triển từ Tết Ở Làng Địa Ngục nên những ai đã xem series này sẽ không cảm thấy quá bất ngờ hay mới lạ khi xem Kẻ Ăn Hồn, thậm chí là đoán trước được kết phim vì bản điện ảnh là tiền truyện. 

Càng về cuối, tác phẩm càng nhiều thoại hơn, mạch phim cũng dần trở nên gấp gáp nhằm giải quyết cho xong những vấn đề đã gợi mở ra trước đó, đồng thời cũng lạm dụng nhiều cảnh hồi ức (flash-back), gây nhiễu mạch cảm xúc.

Nhìn chung, yếu tố kinh dị được thể hiện rất rõ nét trong Kẻ Ăn Hồn. Khi phim hạ màn, người xem như cảm thấy xót xa cho số phận từng nhân vật, đồng thời làm nổi bật yếu tố thiện thắng ác. Đó là những điều mà Kẻ Ăn Hồn làm được.

 

 

Theo: Dienanh.net


Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN