Thứ Năm, Tháng Mười 10, 2024
Trang chủĐỜI SỐNGThời SựTrào lưu NFT – thiên đường cho giới nghệ sĩ hay “con...

Trào lưu NFT – thiên đường cho giới nghệ sĩ hay “con dao hai lưỡi”?

Vụ việc ngôi sao âm nhạc Đài Loan Châu Kiệt Luân bị “trộm mất” NFT vào đúng hôm Cá Tháng Tư vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về việc đầu tư NFT.

Mới đây, Châu Kiệt Luân đã thông báo trên Instagram của mình về việc bị mất một NFT thuộc bộ sưu tập “Bored Ape Yacht Club (BAYC)” có trị giá hơn 130 Ethereum, tức 424,541 USD, do bấm vào một website lừa đảo. Đây cũng không phải lần đầu tiên những tiếng xấu xoay quanh thị trường đầu tư NFT được nêu lên. Vậy bản chất của NFT là gì? Và việc đầu tư NFT có mang lại lợi ích hay tác hại gì hay không?

Chân dung ca sĩ Châu Kiệt Luân (Jay Chou)

Ý tưởng ban đầu của NFT là việc áp dụng công nghệ để giúp cho các nghệ sĩ thuận tiện hơn trong việc thực hiện quyền kiểm soát đối với các tác phẩm của mình. Từ đó họ có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện các giao dịch hay bảo vệ tác phẩm của mình khỏi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian số.

Nếu bạn thích một tác phẩm, liệu bạn có sẵn sàng trả tiền chỉ vì tên của nó có trên một bảng tính không? Nếu bỏ qua các yếu tố kỹ thuật của NFT, thì việc đưa các tác phẩm nghệ thuật lên blockchain cũng giống như liệt kê chúng trong một danh mục đấu giá vậy. Điều đó giúp cho tác phẩm được xác thực và công nhận. Theo mặc định, các bản sao của hình ảnh hoặc video kỹ thuật số là bản sao hoàn hảo – không thể phân biệt được với bản gốc theo từng bit và byte của nó. Việc có thể tách tác phẩm gốc của nghệ sĩ khỏi những bản sao của nó thực sự là một bước đột phá.

Minh họa: NFT Bored Ape

Tuy nhiên điểm yếu chết người của NFT nằm ở chỗ, nó không thực sự lưu trữ một tác phẩm kỹ thuật số trên blockchain. Thay vào đó, nó chỉ lưu một đường link dẫn đến địa chỉ trang web chứa tác phẩm. Điều này có nghĩa là khi một người mua NFT, họ không hề thực sự mua tác phẩm mà chỉ mua một đường dẫn tới tác phẩm. Và tệ hơn nữa, những đường link này rất có thể sẽ sập sau vài năm. Đến khi đó thì còn ai có thể xác minh được liệu tác phẩm gốc có được liên kết với đường link đã sập ấy hay không? 

Các NFT được bán với giá “trên trời”

Hầu như tất cả các nền tảng NFT phổ biến ngày nay đều có một vài trong các điểm yếu kể trên. Chúng vẫn phải dựa vào việc một công ty nào đó duy trì hoạt động để xác thực tác phẩm mà bạn đang sở hữu. Đồng thời, dựa vào internet thời kỳ tiền-blockchain cũ kỹ, nơi một tác phẩm nghệ thuật sẽ đột nhiên biến mất nếu ai đó quên gia hạn tên miền. Kỹ sư phần mềm Jonty Wareing gần đây đã viết trên Twitter rằng, “Ngay lúc này các NFT giống như một lâu đài lá bài được xây dựng nên bởi những người còn tiếp tục mua bán chúng.”

Nhưng tình hình còn ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong thập kỷ vừa qua, blockchain đã trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho những người muốn lưu trữ tài sản của mình. Đối với các ông trùm tư bản toàn cầu, NFT chỉ là một giải pháp thay thế cho việc gửi tiền của họ vào một số bất động sản mà họ sẽ không bao giờ đến thăm. Nguồn tiền của họ sẽ được an toàn miễn là mọi người vẫn tiếp tục mua bitcoin, Dogecoin, Ethereum và những thứ tương tự nhanh hơn so với mức tăng tổng thể của nguồn cung. 

Hàng tá tác phẩm đang được rao bán trên các chợ NFT

Khó khăn lớn nhất mà các blockchain phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, là chúng gần như vô dụng trong các nhu cầu tiêu dùng thông thường. Bởi sẽ chẳng có người bình thường nào chọn sử dụng công nghệ blockchain khi mà các công nghệ truyền thống vẫn hoạt động hoàn toàn ổn định. Ngoài ra, nếu nhìn nhận một cách sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng những đồng tiền điện tử chỉ có giá trị sử dụng ở trên chính các ứng dụng giao dịch tiền điện tử. Ở đó, tiền tệ chỉ tồn tại để được giao dịch và trở thành các công cụ phái sinh của chính chúng.

Bạn hoàn toàn không thể mua bất động sản hay du thuyền bằng tiền điện tử được. Vì vậy, lựa chọn duy nhất để tiêu tiền điện tử là vào thị trường nghệ thuật, nơi mà không ai bắt buộc phải có thị hiếu hay có khả năng thẩm định nghệ thuật. Tuy nhiên, mọi thứ đã dần trở thành một đống hổ lốn khi con người ta chỉ quan tâm đến việc làm lợi trước mắt mà không quan tâm đến trách nhiệm dài hạn. Có những người đang tạo NFT cho các tác phẩm của nghệ sĩ mà không hề xin phép hoặc thậm chí cho họ được biết. Cơn sốt NFT thì thổi giá cho các tấm hình hay ảnh meme lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu Đô la. Giờ thì, liệu bạn còn có muốn tham gia vào cơn bão tài chính NFT này nữa hay không?


4.9/5 - (172 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN