Việt Nam vốn là một đất nước sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc, chứa đựng vô vàn nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng, bình yên. Vì lẽ đó các nhà làm phim đã tận dụng hiệu quả những cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn nhằm tạo nên nhiều thước phim lung linh, khó quên trong lòng khán giả. Hãy cùng ngắm nhìn lại top 5 địa điểm đẹp nức lòng được quảng bá rộng rãi qua các bộ phim, đáng để khán giả trải nghiệm tham quan trong mùa hè này.

5. Quảng Bình

Bom tấn Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) (2017) đã tạo nên cơn sốt ngay từ những ngày bắt đầu bấm máy quay khi đoàn làm phim quyết định chọn nhiều cảnh sắc thiên nhiên tại Việt Nam để làm quê hương của King Kong.

 

Một trong những cảnh quay Kong ở hồ Yên Phú – Quảng Bình

 

Quảng Bình nổi bật lên trong phim bởi sự hùng vĩ và hoang sơ với các địa điểm gồm thung lũng Chà Nòi (khu vực đèo Đá Đẽo, xã Thượng Hóa), hồ nước Yên Phú (xã Trung Hóa), hang Chuột (xã Tân Hóa) và hệ thống hang Tú Làn. Với địa hình đồi núi trùng điệp, ẩn hiện trong màn sương cùng hệ thống hang động rộng lớn, nguyên sơ và những dòng suối chảy róc rách càng làm cho khung cảnh vừa bí ẩn vừa nên thơ.

 

Đèo Đá Đẽo hiện lên hùng vĩ giữa núi rừng

 

4. Ninh Bình

Thiên Mệnh Anh Hùng (2012) được xem là bộ phim tiên phong trong việc phát hiện và mang vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng đất Ninh Bình đến đông đảo du khách. Từng thước phim hiện lên đầy cổ kính, tráng lệ với các cảnh sắc thiên nhiên như Tam Cốc – Bích Động, di sản thế giới Tràng An hay kiến trúc xưa cố đô Hoa Lư.

 

Thiên nhiên Ninh Bình đẹp tự nhiên, hoang dã trong Thiên Mệnh Anh Hùng

 

Giống như  Thiên Mệnh Anh Hùng, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016)  cũng chọn Ninh Bình làm bối cảnh cổ trang. Di tích cố đô Hoa Lư (đền vua Đinh), chùa Bái Đính là những địa điểm cực kỳ thích hợp cho cảnh kinh thành hoành tráng thời phong kiến. Bên cạnh đó, khán giả cũng không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp sông nước hữu tình, đồi núi hùng vĩ ở hang Múa.

 

Một cảnh phim ấn tượng trong Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể khi thiên nhiên cùng con người kết hợp

 

Đầm Vân Long, Tam Cốc – Bích Động và Tràng An là 3 địa điểm mà Kong: Đảo Đầu Lâu đầu tư xây dựng phim trường cũng như dành những phân đoạn hấp dẫn nhất của phim tại đây. Ninh Bình xuất hiện với những thung lũng bí ẩn được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi chằng chịt, hùng vĩ đã chiêu đãi thị giác của khán giả trên khắp thế giới.

 

Phim trường Kong: Đảo Đầu Lâu tại Tràng An trước khi bị gỡ bỏ vào năm 2019

 

3. Phú Yên

Được mệnh danh là vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh, có thể nói bộ phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015) của đạo diễn Victor Vũ đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc đưa hình ảnh tươi đẹp của xứ miền trung nắng gió quanh năm này đến với du khách.

 

Bãi cỏ gây sốt màn ảnh tọa lạc tại Bãi Xép – Phú Yên

 

Bãi Xép – điểm đến cực hút khách tham quan sau khi phim trình chiếu không chỉ bởi thảo nguyên xanh mướt,  làn nước trong veo, dải cát trắng mịn mà còn sở hữu đồi núi nhấp nhô, những gành đá kỳ vĩ dọc bờ biển.

Không chỉ thế, Phú Yên còn khẳng định mình qua những thước phim đậm nét đẹp làng quê thơ mộng nhưng đầy mộc mạc, bình dị như chính con người miền Trung thân thương.

 

Đồng mía tại huyện Sông Hinh

 

2. Đà Lạt

Xứ sở sương mù không còn là địa điểm quá xa lạ nhưng với nét đẹp mơ mộng, nhẹ nhàng pha chút huyền bí thì Đà Lạt vẫn luôn là lựa chọn khó bỏ qua cho nhiều bộ phim.

 

Dốc nhà bò trong Tháng Năm Rực Rõ trở thành địa điểm check-in thu hút nhiều du khách

 

Tháng Năm Rực Rỡ (2018) cũng từng tạo nên cơn sốt cho các địa điểm khi phim quay về bối cảnh Đà Lạt những năm 90. Trong phim, Đà Lạt hiện lên rất thanh xuân, rất bình dị và hoài cổ. Những địa điểm quay nổi tiếng sau bộ phim này phải kể đến như dốc nhà bò, rừng thông, khu Hòa Bình, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm,… Đồng thời những món ăn đặc sản của nơi đây như sữa nóng, bắp nướng, khoai nướng cũng được phim đưa vào càng làm người xem thích thú và muốn trải nghiệm ngay lập tức.

 

Các món ăn đặc trưng tại thành phố ngàn hoa

 

1. Huế

Một điểm đến được rất nhiều nhà làm phim ưa chuộng trong những năm gần đây chính thức gọi tên xứ Huế. Hàng loạt bộ phim ra đời lấy bối cảnh tại Huế khiến nơi đây trở thành phim trường hứa hẹn cực kỳ lý tưởng trong tương lai.

Nối tiếp sự thành công series Gái Già Lắm Chiêu 5 (2021) tiếp tục xây dựng một câu chuyện mới mẻ tại đất Huế và cung An Định là bối cảnh chính của phim. Đoàn làm phim đã dành hẳn 30 ngày để xây dựng thêm Bạch Trà Viên nằm phía sau cung khiến khán giả lạc vào một không gian tuyệt đẹp, sang trọng đầy khí chất giới thượng lưu quyền quý. Ngoài ra, lăng Minh Mạng, hồ Thủy Tiên, cầu Dã Viên và loạt địa điển ở Hoàng thành Huế như Trường Lang, Duyệt Thị Đường, Ngọ Môn, Nhật Thành Lâu,… cũng xuất hiện ấn tượng trong nhiều khung hình.

 

Bạch Trà Viên – nơi đi dạo, ngắm hoa của gia đình họ Lý trong phim

 

 

Lăng Minh Mạng trong Gái Già Lắm Chiêu 5

 

Mắt Biếc (2019) mang đến một xứ Huế vào những năm 1960 -1970. Làng Đo Đo được quay tại làng Hà Cảng, Quảng Điền. Cây vông cổ thụ của làng cũng trở nên hút khách du lịch ghé thăm khi đó là nơi Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe trong Mắt Biếc. Huế ở Mắt Biếc lại mang nét đẹp mộng mơ rất lãng mạn đậm chất si tình của chàng Ngạn. Không chỉ vậy, nhiều địa điểm khác lên phim cũng đẹp nao lòng người xem như trường Đại học Sư phạm Huế, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An, đường Bạch Đằng, đường Huỳnh Thúc Kháng, cầu sắt Dã Viên, lăng vua Khải Định,… Trước sức hút của phim, nhiều địa điểm đã được quản lý và trở thành nơi tham quan trong các tour du lịch. 

 

Cây cô đơn (cây vông) nổi tiếng trong Mắt Biếc

 

 

Đồi Thiên An tươi xanh, ngập sắc hoa

 

Và lần nữa, nét đẹp xưa cổ, nhẹ nhàng, dạt dào cảm xúc lại được gửi đến khán giả qua bộ phim hiện đang khởi chiếu – Em Và TrịnhTrịnh Công Sơn (2022). Phim được xây dựng dựa trên câu chuyện cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì vậy phần lớn bối cảnh là ở Huế, nơi gắn liền với thời trai trẻ của ông. Màu sắc của phim cùng với những góc quay điện ảnh đã làm hiện lên một xứ Huế lung linh đầy hoài niệm và da diết. Những địa điểm gắn bó mật thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như góc phố Nguyễn Trường Tộ, cầu Phủ Cam, cầu Trường Tiền, Đại nội Huế, ga Huế, chùa Linh Mụ, Đại học Sư phạm Huế,… đều xuất hiện rất nên thơ và toát lên chất tình của người nghệ sĩ đa sầu đa cảm. 

 

Cầu Trường Tiền với nét đẹp xưa cổ

 

 

Cầu Phú Cam ở con phố Nguyễn Trường Tộ – nơi gắn bó với thời niên thiếu của cố nhạc sĩ

 

Quả thật, không thể phủ nhận rằng thông qua điện ảnh, cảnh sắc Việt Nam ngày càng được tô điểm hơn và bộc lộ được những vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có của nó. Từ đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.