Trong những phim của VFC tôi từng xem qua thì có thể nói Thương Ngày Nắng Về là một trong những câu chuyện để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Bộ phim không chỉ gây ấn tượng về diễn biến, tình tiết phim, mà còn cả những câu chuyện đặc biệt bên lề nữa. Trong bài viết này, mọi người hãy cùng tôi nhìn lại những điểm tốt, chưa tốt của Thương Ngày Nắng Về và tìm hiểu điều gì đã tạo nên một bộ phim đặc biệt đến vậy.
Dù trong quá trình phim phát sóng, có nhiều khán giả đưa những chi tiết của Thương Ngày Nắng Về để so sánh với bản gốc Mine Of Mother, nhưng ở đây, tôi sẽ chỉ đưa ra những nhận xét của mình dựa trên những diễn biến của Thương Ngày Nắng Về và không có một sự so sánh nào cả. Vì như đạo diễn Bùi Tiến Huy nói: “Thương Ngày Nắng Về có những nét riêng và không phải là phiên bản của một bộ phim nào cả”.
Tôi ấn tượng với bộ phim ngay từ những phút đầu tiên, không biết mọi người có để ý không? Ngay ở tập tiên đã có một khúc ca trù được lồng ghép vào. Tôi cứ tưởng nó chỉ nhằm khắc họa thêm cái không khí của phiên chợ xưa, nhưng khi để ý đến những câu hát tôi mới nhận ra chi tiết này còn sâu sắc hơn thế.
“Sáng trăng, sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”.
Đây rõ ràng là để chỉ cuộc sống vất vả của cô Yến (Kim Oanh) và bà Nga (Lương Ngọc Dung – NSƯT Thanh Quý) thời trẻ, hai người phụ nữ truân chuyên, vất vả. Yến phải căng sức ra kiếm tiền để “cống nạp” cho anh trai và mẹ, còn bà Nga cũng chẳng khá hơn khi có một cuộc hôn nhân bị nhà chồng ngăn cấm, đắng cay đến vô cùng.
Qua bao biến cố trong quá khứ như thế, nhưng cuộc sống của bà Nga ở hiện tại nào có được yên ổn, gặp đủ thứ chuyện trên trời dưới đất vì những đứa con và cả cậu Vượng (Bá Anh) nữa. Lúc đầu, tôi nghĩ bộ phim chắc chỉ xoáy sâu vào cuộc đời của Vân Trang (Huyền Lizzie), nhưng tôi đã phải gật gù khi nó đã khai thác câu chuyện của cả gia đình một cách toàn diện. Tầng tầng, lớp lớp các câu chuyện được đan xen lấy nhau, khiến khán giả phải chờ đợi trong sự háo hức.
Đúng như câu nói “Con dại cái mang”, dù ở bất cứ câu chuyện nào, của đứa con nào thì mẹ Nga cũng là trung tâm. Do vậy, tôi thấy cuộc đời bà Nga hầu hết là những tháng ngày buồn tủi, lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho các con mà quên đi cả bản thân mình.
Rõ ràng bộ phim đã khắc họa rất thành công hình ảnh của một người mẹ Việt Nam được gửi gắm qua bà Nga, một người phụ nữ không hào nhoáng, xa hoa, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho gia đình của mình. Có một cái hay nữa là hình ảnh bà Nga không quá hoàn hảo, đó cũng là điều hợp lý vì ở đời đâu có ai hoàn hảo đâu.
Có những lúc bà chẳng biết làm thế nào cho phải, tự vấn mình xem đã phải là một người mẹ tốt hay có những lúc còn la mắng, “vuốt má” các con do quá nóng giận. Một người phụ nữ cục mịch, nóng tính thì đâu thể gọi là hoàn hảo, nhưng sau tất cả mọi chuyện bà vẫn biết cách để ủi an các con vượt qua những biến cố, tha thứ cho chúng dù lỗi lầm có lớn đến mấy đi nữa.
Những người mẹ như bà Nga từ khi có những đứa con là quên luôn cả giấc mơ của bản thân, không biết từ bao giờ ước mơ của con cũng là giấc mơ của mẹ mất rồi. Bao nhiêu tâm sức mẹ luôn dành ra để vun vén cho các con, miễn đứa nào cũng được hạnh phúc là mẹ mãn nguyện và không còn nuối tiếc điều gì.
Đã có mẹ thì không thể thiếu bố, tính ra ông bố nào trong Thương Ngày Nắng Về cũng cố gắng dành tình yêu thương của mình cho gia đình. Không như những người mẹ, bố luôn thể hiện tình thương một cách thầm lặng, đôi lúc bối rối vì không biết thể hiện nó sao cho phải, tinh tế và trọn vẹn nhất.
Riêng tôi lại ấn tượng với ông Hoàng Long (NSND Tiến Đạt), bên ngoài ông lúc nào cũng cứng rắn như sắt đá, nhưng sâu bên trong là một người đàn ông tình cảm, yêu vợ, thương con và cũng biết cười, biết khóc như bao người. Câu chuyện của ông Long hẳn đã làm cho những khán giả phải vỡ òa, không kém gì câu chuyện của mẹ Nga. Nó vẫn mang đến một chút nỗi niềm, có chút gì đó day dứt cho tất cả mọi người. Ông Long không phải một người tốt, nhưng ông chưa bao giờ tệ với gia đình.
Tôi vui khi bộ phim có một cái kết trọn vẹn như cuộc đời của bà Nga vậy, trọn vẹn với tôi không chỉ là tháng ngày hạnh phúc viên mãn. Mà trước đó mỗi người phải đi qua những chông gai, khó khăn để biết nâng niu, trân trọng từng phút vui vẻ ở đoạn sau. Đó cũng là lý do tại sao tôi nói hành trình của câu chuyện này trọn vẹn như cuộc đời của bà Nga.
Bộ phim được quay vào lúc dịch bệnh đang bùng phát nên có cả tá những khó khăn, nó chưa từng có tiền lệ nên ekip lại khó hơn cả vạn lần. Nhưng hơn hết, tất cả mọi người trong đoàn phim đã cố gắng để khán giả được thưởng thức từng thước phim theo cách trọn vẹn nhất.
Chưa kể sang phần hai của phim, có vài câu chuyện bên lề ảnh hưởng trực tiếp đến nhân vật và tình tiết. Nhưng tôi lại một lần nữa lại gửi lời khen đến ekip của Thương Ngày Nắng Về, các anh chị đã “hoạt động hết công suất” để vẫn có phim cho mọi người xem. Tôi nghĩ đây chắc sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của ekip, nó nghiễm nhiên trở thành một kỉ niệm, một sự cố không thể nào quên trong sự nghiệp của các anh chị và tất nhiên khán giả cũng rất nể phục sự hết mình đó.
Bộ phim còn như cột mốc đánh dấu của dàn diễn viên, với cô em út Vân Vân “ba chấm” là vai diễn đầu tiên chạm ngõ nghiệp diễn của Ngọc Huyền. Hay bước chuyển mình của Doãn Quốc Đam với vai Đông Phong, khi trước đó anh toàn phải vào những vai có phần cộm cán, hầu như phim nào cũng phải “mặc áo kẻ sọc”. Tôi còn nghe được nghe những chia sẻ của NSƯT Thanh Quý, khi một vai diễn người phụ nữ hiền lành, tần tảo như bà Nga, từ lâu đã là mong ước của cô và đến bây giờ ước mơ ấy đã trở thành hiện thực.
Tất cả các yếu tố, cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ của mọi người trong đoàn phim đã tạo lên một bộ phim tuyệt vời như Thương Ngày Nắng Về. Tôi cũng mong những bộ phim tiếp theo của VFC cũng xuất sắc như thế và mọi người đừng quên ủng hộ cho những bộ phim sẽ nối sóng trong thời gian sắp tới nha.
Theo: Dienanh.net