Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024
Trang chủPHIMĐánh giáThoát Khỏi Mogadishu: Bom tấn hành động nhưng thấm đẫm tình người

Thoát Khỏi Mogadishu: Bom tấn hành động nhưng thấm đẫm tình người

Dạo gần đây, phim Hàn Quốc đang lên ngôi nên mình không ngần ngại giới thiệu đến các bạn bộ Escape From Mogadishu (Thoát Khỏi Mogadishu) – một tác phẩm xuất sắc nữa đến từ xứ sở kim chi, xoay quanh chủ đề chính trị và có lẽ cũng chưa nhiều người “rành” về chủ đề này.

Escape from Mogadishu (2021) - IMDb

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về cuộc trốn chạy của các đại sứ quán Hàn Quốc và Triều Tiên tại thủ đô Somalia trước sự nổi dậy ở cuộc nội chiến năm 1991. 

Quay về lịch sử vào năm 1991, thủ đô Mogadishu cùng những thành phố lớn khác tại Somalia bị bạo loạn dẫn đến một cục diện rối ren và bất ổn. Han Shin Sung (Kim Yun Seok) – đại sứ Hàn Quốc tại Mogadishu cùng vợ và những người khác bị mắc kẹt trong một tòa nhà không thể thoát ra ngoài. Không vũ khí, không phương thức liên lạc, họ gần như tuyệt vọng trước thế cục hỗn loạn ngoài kia.

Nguy hiểm cần kề, đây là lúc Shin Sung phải phối hợp với những “đồng đội” khác bao gồm Kang Dae Jin (Jo In Sung) và Rim Yong Su (Heo Joon Ho) để cùng nhau giải cứu chính mình, và cho cả người dân hai nước Hàn Quốc – Triều Tiên thoát khỏi vùng đất Mogadishu.

 

Đứng trước một viễn cảnh tại châu Phi, điều đầu tiên mình cảm nhận được ở Thoát Khỏi Mogadishu là một sự mới mẻ hoàn toàn vì mình chưa từng thấy được sự hòa trộn độc đáo này trên màn ảnh. Bối cảnh hoang tàn cùng với những cuộc chiến thảm khốc, sự nguy hiểm luôn chực chờ trong từng thước phim, từng chuyển động của nhân vật.

Dồn con người vào ranh giới ra đi và ở lại, đây là thời điểm họ cần nhất sự tương trợ và phối hợp lẫn nhau. Điều này đã dẫn đến một sự kết hợp hi hữu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên – hai quốc gia luôn đối nghịch nhau. Nhưng trong hoạn nạn, những định kiến đó không còn quan trọng nữa, đây là lúc họ phải vượt qua rào cản về chính phủ mà đồng tâm hợp lực tìm đường sống cho đôi bên.

Tuy vậy nhưng Thoát Khỏi Mogadishu không chọn cách loại bỏ hoàn toàn mà vẫn duy trì sự ngờ vực giữa các “đối thủ” cùng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nắm bắt những mâu thuẫn về thái độ của miền Nam đối với miền Bắc: một mặt vẫn thấy sự an ủi vì vốn dĩ họ cũng được gọi là “đồng hương” với nhau, mặt khác, khoảng cách quá lớn về tư tưởng giữa nền dân chủ tự do và đối thủ độc tài cũng khiến họ có những bất cập về người đồng minh nhưng cũng là đối thủ của mình.

Trước những phân cảnh hành động cùng khung cảnh khốc liệt, Thoát Khỏi Mogadishu vẫn cố gắng đặt để yếu tố tình người lên hành đầu. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, cũng là lúc dễ dàng bắt gặp những khoảnh khắc khiến người ta chạnh lòng nhất. Cách đoàn người bảo vệ lẫn nhau, hy sinh vì nhau trong cuộc chiến sinh tồn không khoan nhượng càng đề cao hơn tính nhân văn mà bộ phim muốn nhắn gửi.

Tạm bỏ qua về những khác biệt về chính trị, Triều Tiên và Hàn Quốc trong bộ phim này là hai người bạn kề vai sát cánh cùng nhau để vượt qua một cơn chiến chinh mang tên Mogadishu. Đây cũng như là một niềm hy vọng cho sự hòa hợp, thống nhất giữa hai quốc gia mà nhà làm phim đã truyền tải.

Lối kể chuyện của Thoát Khỏi Mogadishu cũng là một điểm đáng khen khi bắt đầu bằng những bài học lịch sử ngoại giao có phần nhẹ nhàng nhưng lại kết thúc bằng những pha hành động trong bối cảnh hoan lạc. Sự đối lập đó cũng như mâu thuẫn giữa những nhân vật trong phim vậy, hay hơn hết là lột tả khía cạnh khắc nghiệt của chính trị, của những vấn đề mang tính tầm cỡ mà không phải ai cũng can đảm đưa lên phim ảnh như vậy.

Một bộ phim hay còn được ghi nhận bởi màn trình diễn tài tình của dàn diễn viên nữa. Riêng về diễn xuất thì mình luôn đánh giá cao Hàn Quốc và Thoát Khỏi Mogadishu cũng vậy, cũng sở hữu cho mình nhiều gương mặt ấn tượng mà chỉ cần dùng ánh mắt mà họ có thể lột tả được hết những uẩn khúc bên trong nội tâm của mình.

Đặc biệt với mình là diễn viên gạo cội Kim Yoon Seok trong màn hóa thân thành Han Shin Sung, ngài đại sứ Hàn Quốc bị mắc kẹt giữa tham vọng thăng tiến với trách nhiệm của một người sếp, người cha. Nội tâm phức tạp của nhân vật được tài tử lột tả trọn vẹn qua từng cử chỉ, ánh mắt đăm chiêu của mình.

Tuy khen là vậy nhưng khách quan thì Thoát Khỏi Mogadishu vẫn còn tồn tại vài yếu điểm đáng nói. 

Đầu tiên là việc hư cấu hóa một sự kiện có thật làm nhiều thước phim hiện lên còn khá khiên cưỡng. Nếu tiết chế lại một chút, đánh sâu vào cảm xúc hơn thay vì chú trọng vào tình tiết gây cấn có lẽ bộ phim sẽ có được một hình hài hoàn thiện hơn.

Lối xây dựng cốt truyện lần này cũng còn khá chủ quan thiên lệch hoàn toàn về Hàn Quốc. Đây là một điều hoàn toàn dễ hiểu vì nhà làm phim đều thuộc quốc gia này nhưng để thể hiện trong điện ảnh thì phải cần có cái nhìn khách quan hơn về mọi vấn đề.

 

Nhìn chung thì mình vẫn đánh giá Thoát Khỏi Mogadishu là một tác phẩm tốt mang đủ yếu tố của hành động từ kịch tính, gây cấn trong mọi khung hình đến cả những thông điệp nhân văn đằng sau câu chuyện phim nữa.

Còn bạn nghĩ sao về bộ phim lần này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.

 

Theo: Dienanh.net


5/5 - (197 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN