Mình theo dõi phim Việt và thấy các biên kịch ngày càng chú trọng khai thác đề tài gia đình. Cũng chính vì vậy mà hình ảnh của hội phụ huynh hiện lên rất rõ nét đấy nhé. Trong phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, mình thấy có nhiều kiểu bố mẹ với hoàn cảnh, tính nết và cách đối xử với con khác nhau. Họ đều là những mẫu phụ huynh dễ bắt gặp ngoài đời, được đưa lên phim rất chân thực.
Ông bố “gà trống nuôi con”, gửi gắm mọi hi vọng vào con
Nhân vật Lưu (NSƯT Hoàng Hải) làm cửu vạn ở chợ đầu mối, sống ở khu ổ chuột nơi gầm cầu. Từ ngày vợ bỏ đi, anh trở nên bặm trợn, nóng nảy và luôn tìm đến hơi men để giải sầu. Tuy là Lưu “nát” nhưng người đàn ông ấy luôn coi con trai sự ưu tiên đặc biệt. Lưu một mình nuôi con, anh coi con trai là tất cả, luôn dành mọi điều tốt đẹp cho con. Từ cuốn sổ tiết kiệm tới mấy chỉ vàng, Lưu đều vì con trai sau này mà không ngừng làm lụng.
Anh Lưu cũng gửi gắm mọi hy vọng vào tương lai của cậu con trai với tấm bằng đại học danh giá. Khi biết con trai vướng nợ nần, Lưu đã bất chấp tất cả để cứu con, làm mọi việc để trả nợ thay con miễn sao con trai phải yên tâm học hành. Lưu không màng tính mạng đi “bán siro” để cứu con. Những việc làm cao cả ấy đã xuất phát từ tình phụ tử thiêng liêng, mình xem mà cảm động vô cùng.
Đỉnh cao là khi bị thông gia tương lai coi thường con mình, bố Lưu đã phản kháng và bênh con trai “hết nước chấm” luôn. Mình thấy là hình mẫu ông bố, bà mẹ đơn thân như trong phim xuất hiện rất nhiều ngoài đời thực. Họ có thể không giàu có, cuộc sống còn gánh nặng mưu sinh nhưng tình yêu dành con thì không thể đong đếm. Họ làm tất cả vì con, chỉ mong con nên người.
>>Xem thêm: Những gương mặt cameo dạo góp vui “đỉnh chóp” của làng phim Việt
Mẹ chồng quốc dân coi con dâu như con gái
Trong phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, mình ấn tượng nhất với bà Tình (NSƯT Thành Quý). Bà Tình là người chăm chỉ, thương con dâu một cách chân thành. Bà lựa chọn ở cạnh Luyến (Thanh Hương) một phần để chăm sóc cô, phần nữa là vì muốn trả món nợ cả tiền bạc lẫn ân tình mà Luyến đã dành cho con trai bà. Vai bà Tình có tạo hình khắc khổ, già nua cho thấy cuộc sống mưu sinh vất vả của những người già neo đơn.
Với vai diễn mẹ chồng thương con dâu hết mực của NSƯT Thanh Quý, mình cảm nhận được thông điệp mà biên kịch muốn gửi gắm. Đó là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu thương yêu, gắn bó chứ không phải thường xuyên khắc khẩu như chúng ta vẫn nghĩ. Xã hội hiện đại, mối quan hệ tế nhị ấy cũng dần được nhìn thoáng ra rồi. Mình nghĩ ở ngoài kia, có biết bao bà mẹ chồng giống như bà Tình đấy ạ.
Bà mẹ giàu có, ngăn cấm con yêu đương
Một hình ảnh phụ huynh đặc trưng trong xã hội hiện nay mà mình không thể bỏ qua, đó là chị Hòa (Anh Thơ). Hòa là chủ cửa hàng hoa quả ở chợ, có thể coi như đại gia xóm chợ. Hòa xốc vác, mạnh mẽ, khôn ngoan và là một người tốt đối với những người, những việc không liên quan đến mình. Tuy vậy, Hòa cũng là một người mẹ nên có cái nhìn khắt khe hơn trong chuyện yêu đương của con gái.
Mình nhớ là đến giữa phim, biên kịch mới hé lộ Hòa chính là mẹ của Nga (Hà Đan), bạn gái Thạch (Việt Hoàng). Chính điều này đã đẩy mâu thuẫn giữa chị Hòa và anh Lưu lên cao trào. Chị vốn luôn miệng khen Thạch hết lời và mong cậu sớm báo hiếu bố. Tuy nhiên, khi biết mối quan hệ tình cảm của Nga và Thạch, chị lại không đành lòng để con gái khổ nên ra sức ngăn cản.
Đây cũng là điều dễ hiểu thôi. Đứng từ góc độ người làm bố làm mẹ thì có ai muốn lá ngọc cành vàng nhà mình làm dâu khu xóm chợ nghèo. Chị Hòa đã mắng Nga, thẳng thắn đề nghị Thạch tránh xa con gái mình, thậm chí là tỏ thái độ không tôn trọng Lưu vì hai nhà không môn đăng hộ đối. Mình thấy kiểu phụ huynh này có khá nhiều ngoài đời thực.
>>Xem thêm: Cảnh quay xúc động ở phim Việt khi các ông bố rơi nước mắt vì con
Bố mẹ trọng nam khinh nữ, chiều chuộng con vô điều kiện
Cặp đôi phụ huynh gây khó chịu nhất phim thuộc về bố mẹ Luyến. Kể từ khi xuất hiện, mình bố mẹ Luyến khiến nhiều khán giả bức xúc vô cùng vì sự trơ tráo, trọng nam khinh nữ và nuông chiều con trai vô điều kiện. Nào là bắt chị trả nợ cho em, liên tục mắng nhiếc, chì chiết con gái trong khi lại bỏ qua hết lỗi lầm của thằng đích tôn dòng họ.
Chưa hết đâu nhé, bố mẹ Luyến còn tìm đến tận xóm chợ để bắt cô phải chịu trách nhiệm với gia đình. Khi Bát (Tuấn Anh) bị thương vì trốn nợ, họ lo lắng cho con trai nhưng không tình nguyện hiến máu cứu con trai mà đùn đẩy trách nhiệm, ép Luyến hiến máu cho em. Khi Luyến không thể hiến máu vì lý do sức khỏe, họ quay ra mắng mỏ. Được Lưu đứng ra hiến “siro dâu” thay Luyến, bố mẹ Luyến lại vội vàng truy hỏi để ép con gái phải lo toàn bộ viện phí.
Mình thấy từ đầu tới cuối, bố mẹ Luyến chưa từng thể hiện thái độ quan tâm con gái, tất cả sự ưu tiên chỉ dồn cho con trai. Nhiều khán giả cho rằng, cặp nhân vật này được xây dựng quá vô lý nhưng mình lại thấy chẳng vô lý chút nào. Ngoài đời thực vẫn còn nhiều ông bố bà mẹ có lối tư duy lạc hậu, trọng nam khinh nữ đấy ạ. Họ vì vật chất mà đánh đổi tất cả, nuông chiều con trai quá mức, coi con gái chỉ như một công cụ kiếm tiền mà thôi.
Trên đây mới chỉ là những hình tượng điển hình mà mình điểm qua. Trong phim còn nhiều ông bố bà mẹ khác nữa. Ví dụ như Điền, Bình, Luyến cũng mang niềm vui được làm bố mẹ. Tất cả họ đều mong muốn một cuộc sống bình dị, tươi vui, không mang gánh nặng kinh tế và những điều tốt nhất đến với con mình. Bạn cũng thấy như vậy phải không nào?
Theo: Dienanh.net