Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimSo sánh phim IT (Chú hề ma quái) phiên bản 2017 và...

So sánh phim IT (Chú hề ma quái) phiên bản 2017 và 1990

Tôi vừa xem xong cả 2 phiên bản là 1990 và 2017, phiên bản sau có điểm IMDb là 7.9 , còn phiên bản trước là 6.9; lần này thì quan điểm của tôi ngược lại với số điểm, tôi thích phiên bản trước, vì nó mang tính bao quát hơn. Tuy nhiên cũng không có gì kinh ngạc khi nhìn vào số điểm, kỹ thuật công nghệ và kỹ thuật làm phim ngày càng phát triển, mà thể loại phim kinh dị lại phụ thuộc rất nhiều vào đấy; ngoài ra phiên bản sau được thể hiện theo cách dễ hiểu cho người xem, có thể nói nó là bản đơn giản hóa của cái trước, và bản này chỉ là phần 1 của bản trước.

Ta bắt đầu với bản 2017, cậu em của Bill đã mất tích (chết) sau khi đuổi theo chiếc thuyền bằng giấy, vì thương em, Bill tìm mọi cách để điều tra sự việc, cậu không tin rằng em mình bị tai nạn như thông tin của phía cảnh sát. Bill có tật nói lắp, các bạn của cậu là những đứa được xem là khác với đa số, tức là những đứa thường bị kỳ thị ở trường, trong đó nào là dân do thái, bị hen suyễn, da đen, mập ú…; 7 đứa hợp thành nhóm “thất bại” để bảo vệ lẫn nhau. Đối đầu với chúng là những đứa được gọi là du côn và quậy phá, khi bọn này ức hiếp một trong số chúng, ta thấy cái bọn người lớn hoàn toàn thờ ơ.

Bộ phim cũng khắc họa cha mẹ của các đứa trẻ (tốt lẫn xấu) theo hướng tiêu cực, nghĩa là họ không những không phải nơi để nương tựa khi chúng cần, ngược lại thì họ là những kẻ bảo thủ và cay nghiệt, họ mang lại sự sợ hãi nhiều hơn. Trong quá trình điều tra, nhóm “thất bại” đã thấy những điều rất khủng khiếp, những điều mà người lớn không thấy, tất cả sự khủng khiếp đó đều đến từ chú hề ma quái. Cuối cùng, nhờ đoàn kết mà cả bọn đã tiêu diệt được nó.

Trong phiên bản 2017, không khó để nhận ra rằng chú hề là biểu tượng ma quái tượng trưng cho sự sợ hãi của con người đối với cái ác, bởi sợ hãi, họ quay mặt đi khi bắt gặp nó; dần dần con người trở thành thờ ơ và vô cảm, họ chỉ biết có mình, họ đánh mất lòng thương xót, họ chấp nhận cái ác như một thứ gì đó mang tính hiển nhiên, hoặc họ tìm cách né tránh những thứ như nỗi đau – cái ác – sợ hãi bằng cách chọn tin vào thứ có thể giảm nhẹ chúng. Ví dụ như bà già đã quay đi khi thấy em của Bill khom người trước nắp cống, hoặc người cha của Bill chấp nhận con mình chết do cơn bão chứ không phải là vụ giết người, vì tin vào tai nạn – sự xui xẻo thì con người dễ buông xuôi hơn. Kết phim dạy chúng ta một bài học, đó là không được bỏ cuộc, phải biết đối diện với sự sợ hãi, đứng lên và đoàn kết để chống lại nó.

Phiên bản 1990 – ĐÂY MỚI LÀ PHẦN QUAN TRỌNG CỦA BÀI VIẾT NÀY. Dù về mặt công nghệ thì nó kém xa bản sau, nhưng tôi thích cách mà những đứa trẻ này diễn hơn, tức những đứa trẻ này thật hơn là phiên bản sau, những việc chúng làm mang tính trẻ thơ hơn, cách điều tra của chúng là cách của bọn con nít. Việc thể hiện con nít giống con nít rất quan trọng trong phiên bản này. Vậy con nít là gì? Con nít thì ngây thơ, dễ bị tổn thương, dễ tin người, dễ trở thành nạn nhân vì chúng không biết cách tự vệ, và chúng rất nhạy cảm với bóng tối lẫn cái ác.

Có bạn nào tự hỏi rằng tại sao cái ác lại có khuôn mặt của chú hề? Đó là một hàm ý mang tính biểu tượng, hãy nhìn vào xã hội, những tên giết người hàng loạt luôn có vẻ ngoài đàng hoàng, những tên ấu dâm luôn tỏ ra họ là một người tốt bụng và yêu trẻ con, tội ác của họ ẩn sau những vẻ cười, những lời ngon ngọt, những món quà, để rồi khi con mồi vì nhẹ dạ mà rơi vào bẫy. Trong phim ta thấy nói nhiều về phần bóng tối phía sau ánh sáng, cũng tương tự như khuôn mặt cười, ánh sáng mà nó tỏa ra khiến kẻ khác say mê, ví dụ như giới showbiz, nhìn vào đó ta thấy ánh hào quang của những thần tượng, nhưng phía sau đó là gì? Lâu lâu bung ra vài vụ scandal chấn động, nào là ma túy, là buôn bán xác thịt lẫn nhân cách, là ăn “chơi” hội đồng… càng hiểu rõ thì bạn sẽ càng ghê tởm.

Tại sao người lớn không thấy chú hề ma quái? Tại sao bọn trẻ ban đầu không giết được nó? Vì “chú hề” – bóng tối ấy ẩn núp trong bọn người lớn, chính họ tạo ra nó. Họ tạo ra nó bằng sự thờ ơ, bằng cay nghiệt, bằng lòng tham, bằng sự phân biệt chủng tộc, sự phân biệt tôn giáo, bằng những định kiến, bằng sự ích kỷ; nhóm “thất bại” cũng mang tính biểu tượng cho những nạn nhân đó của họ, những người khác biệt với đa số, dân do thái, người da đen. Bọn trẻ cũng là biểu tượng, nó tượng trưng cho những điều tốt đẹp như sự hồn nhiên, sự thành thật, tình yêu thương.

Chú hề giết bọn trẻ mang cả 2 ý, thể hiện có một tên biến thái thật giết bọn trẻ thật, và thứ 2 là những cái ác đang tồn tại trong thế giới người lớn đã giết chết những điều tốt đẹp tồn tại trong những đứa trẻ. Cái bọn nhóc du côn chính là những đứa trẻ đã bị “giết chết” tính “trẻ thơ” bên trong.

Nếu ở phiên bản 2017 thứ có thể giết chết chú hề chính là sự can đảm – không sợ hãi thì ở phiên bản 1990 nó lại mang tính nền tảng và bao quát hơn, đó chính là niềm tin vào điều thiện. Chú hề trong phần 1 và con quái vật trong phần 2 bị giết bởi 2 viên bạc bắn ra từ ná. Truyền thuyết tin rằng bạc có khả năng giết chết những con quỷ đến từ địa ngục, bạc ở đây đại diện cho ánh sáng, nó như thứ dùng làm vũ khí cho phe thiện. Chỉ có một niềm tin mãnh liệt vào quyền năng của cái thiện mới có thể chống lại cái ác. Niềm tin ấy có thể đặt vào mọi biểu tượng, đó có thể là quyển Kinh Thánh và cây Thập Tự, là tượng Phật, là chim bồ câu (hòa bình), là hình bát quái, là ánh sáng, là ngọn đuốc soi đường.

Phim thể hiện điều đó nhiều lần, một đứa trong nhóm thoát khỏi tên hề khi đọc tên các loài chim mà nó yêu thích, đứa khác thì dùng ống trị hen suyễn, vũ khí chúng dùng là mọi thứ mang lại “sự sống” và đối lập với “sự chết”, mọi thứ mang lại niềm tin về sự sống.

Tên hề bị bọn trẻ thấy và bị tiêu diệt vì bọn trẻ tin, người lớn không thấy và vì thế không tiêu diệt được nó bởi họ mất niềm tin rồi. Bạn hiểu ý tôi nói không? Tôi sẽ nói theo cách rõ ràng hơn, khi một đứa trẻ thấy một đứa trẻ khác khóc vì đói, nó đến an ủi bạn, chia đồ chơi và bánh cho bạn (tôi đang nói những đứa trẻ không bị dạy hư); nhưng một người lớn thấy một người lớn đang nằm đói trên vĩa hè, họ vẫn thờ ơ đi thẳng, khi bỏ mặc người chết đói thì họ nghĩ kẻ ăn xin kia có thể là tên lười biếng, là tên lừa gạt, rằng không giúp họ thì cũng chẳng trái lẽ công bằng. Đấy! đấy gọi là không còn niềm tin vào cái thiện, và không thấy cái ác đang nẩy sinh xung quanh.

Vậy tại sao dường như chỉ bọn con nít trong nhóm “thất bại” thấy được chú hề – cái ác, còn những đứa khác lại không thấy? Vì chúng thuộc nhóm nạn nhân, ai thấu hiểu nhất sự khủng khiếp của chế độ nô lệ? Là người da đen. Ai hiểu nhất độ tàn ác của Phát Xít? Là người Do Thái. Ai hiểu rõ nhất sự cay nghiệt của bọn người lớn? Là bọn trẻ con. Nhóm “thất bại” chính là nhóm hiểu rõ nhất về bộ mặt thật của chú hề, hiểu rõ nhất cái tàn ác phía sau bộ mặt cười, hiểu rõ phía sau cái thứ ánh sáng chói lòa quyến rũ là cái bóng tối nuốt người.

Ngoài ra bộ phim còn truyền tải hai thông điệp lớn, thứ nhất là phải biết đoàn kết lại để chống cái ác nếu đủ mạnh, thứ 2 là hãy tránh xa và bỏ chạy cho nhanh khi mình đơn độc. Giống đứa bé gái đã bỏ lại người cha khắc nghiệt, như đoạn cuối phim lúc Bill muốn cứu tỉnh cô vợ. Bạn nhớ câu nói nổi tiếng trong phim Forrest Gump chứ:

“Run Forrest … run! Run Forrest …!”


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN