Smile (Cười) là tác phẩm kinh dị tập trung vào khai thác tâm lý nhân vật Rose Cotter và hàng loạt vấn đề cô gặp phải. Ban đầu mình nghĩ thực chất của mọi việc, nguyên căn đến từ quá khứ của cô và người mẹ quá cố. Tuy nhiên cái kết của phim lại đưa ra một “cú twist” bất ngờ khi nó không chỉ dừng lại ở khía cạnh gia đình của Rose, mà còn liên quan đến người bạn trai Joel.
Hãy cùng mình tìm hiểu xem lý do thật sự là gì và vì sao nhà làm phim lại chọn “nụ cười” làm thực thể bí ẩn của Smile (Cười) nhé!
Diễn biến chính và cái kết của phim
Smile (Cười) kể về một bác sĩ trị liệu tâm lý tên Rose Cotter, cô là một người rất tận tụy với công việc và đặc biệt quan tâm đến bệnh nhân. Dù vậy, nhưng ít ai biết được trong quá khứ, Rose từng gián tiếp khiến mẹ mình ra đi vĩnh viễn.
Một ngày nọ, Rose nhận được ca điều trị với bệnh nhân tên Laura Weaver, cô bị ám ảnh bởi những thực thể vô hình và gọi nó là “một nhân diện khác trông giống người quen hoặc bản thân”. Trong khi Rose đang kêu gọi các bác sĩ đến ngăn chặn sự hoảng loạn của Laura, cô bất ngờ chứng kiến cô gái dùng một mảnh gương vỡ và kết liễu bản thân ngay tại chỗ.
Điều này khiến Rose sang chấn tâm lý liên tục và gặp những điều kỳ quái, chẳng hạn việc chú mèo Mustache đột nhiên nằm trong món quà sinh nhật của cháu trai Rose, hay cô liên tiếp bị những người thân xung quanh nở một nụ cười quái dị.
Đi tìm lời giải mã cho điều này, Rose nhận ra bản thân đang vướng phải một lời nguyền kinh dị, cô đến cầu cứu sự giúp đỡ từ Joel – một cảnh sát trong thị trấn, cũng là bạn trai cũ. Cả hai biết được trước Laura, có thêm 20 nạn nhân tương tự, nhưng chỉ có 19 vụ án được xác nhận. Người còn lại là Robert Talley, một trung niên đang phải chịu sự chế tài của pháp luật tại một trại giam.
Sau khi trò chuyện cùng Talley, Rose biết được để có thể thoát khỏi lời nguyền này, bản thân cô phải trở thành một kẻ thủ ác và thủ tiêu một ai đó trước sự chứng kiến của một nhân chứng. Có như vậy, lời nguyền sẽ chuyển sang nhân chứng ấy và hoàn toàn thoát khỏi cô.
Tuy nhiên bản tính lương thiện lại không cho phép Rose làm chuyện ấy, cô âm thầm đến căn nhà gỗ năm xưa sống cùng mẹ để tìm lại những ký ức, nhằm đối mặt và chôn vùi nó. Tưởng rằng sau khi thiêu đốt con quỷ ấy, Rose sẽ thoát được, nhưng khi cô chạy đến Joel và nói những lời xin lỗi về việc đã đẩy anh ra khỏi cuộc đời mình, Joel lúc này lột trần thân phận.
Hóa ra anh lại chính là con quỷ nụ cười ngụy trang, điều này tiết lộ cho mình hiểu rằng Rose chưa thật sự thoát khỏi căn nhà gỗ ấy. Lúc này, Joel ở thế giới thực mới tìm đến và giải thoát cho cô, tuy nhiên mọi thứ đã quá muộn.
Rose đã bị chính con quỷ nụ cười chui vào người. Sau khi Joel phá cửa và đi vào, anh thấy cô đứng im và nở một nụ cười quỷ dị, tự tay châm que diêm và thiêu đốt mọi thứ, kể cả bản thân mình.
Ý nghĩa cái kết
Bộ phim kết thúc với phân cảnh Joel chứng kiến Rose kết liễu bản thân, như cách mà Rose từng chứng kiến Laura làm việc tương tự. Điều này khiến mình hiểu rằng, Joel chính là người tiếp theo vướng phải lời nguyền ấy.
Dù rằng mình chưa biết Smile (Cười) sẽ có phần hậu truyện hay không, nhưng với cách kết thúc như vậy, mình nghĩ nhà làm phim ngầm chỉ ra rằng lời nguyền không bao giờ dừng lại, một khi nó đã hoạt động thì sẽ bắt buộc luân chuyển và liên đới đến những nạn nhân khác.
Điều này khiến mình nghĩ đến cách thức hoạt động lời nguyền trong The Ring hay It Follows. Vì cả 3 tác phẩm đều đưa ra tiền đề chính, là một lời nguyền có tính di truyền. Để thoát khỏi nó, hoặc là bạn buộc phải chuyển giao sang một người khác để họ trở thành nạn nhân, hoặc bản thân bạn phải tự kết liễu chính mình để chấm dứt điều này.
Với Smile (Cười), mình thấy bộ phim tập trung sự sợ hãi vào khía cạnh tâm lý. Một khía cạnh mình thấy khá thú vị, đó là thực tế thực thể bí ẩn trong Smile (Cười) nó không hề hoạt động như thế lực tâm linh trong The Ring hay It Follows, mà nó lại có hình dạng của một bộ phận với hành động thường thấy của con người.
Mình nghĩ điều này như một phép ẩn dụ cho nỗi đau tình cảm mà nhân vật phải gánh chịu, dù là chuyện gì. Từ đây mình hiểu được Smile (Cười) mang đến những thông điệp sâu sắc về bản chất thường không thể tránh khỏi của việc sang chấn tâm lý cùng những bi kịch mà con người chưa bao giờ dám đối diện hoặc cố tình phớt lờ nó.
Vì sao nụ cười chính là ẩn dụ cho cả phim?
Trong Smile (Cười), mình thấy sợi dây liên kết giữa các nạn nhân chính là nụ cười nham hiểm mà họ thể hiện trước khi “đăng xuất”. Điều này khiến mình thấy được trong quá khứ, họ từng phải chịu đựng nhiều sự dày vò, chấn thương về mặt tâm lý và thực thể bí ẩn này chính là kết quả của việc tồn đọng quá nhiều sự sang chấn qua từng giai đoạn.
Sở dĩ mình hiểu được bởi ở phân đoạn kết phim, khi con quỷ dữ chính thức lột trần thân phận và để lộ gương mặt nhiều lớp nụ cười, mình nghĩ đó chính là kết quả của quá trình ấy khi nó nuốt chửng 19 nạn nhân trước đó.
Theo giải thích của nhân vật Madeline Northcott – chuyên gia trị liệu của Rose, chấn thương tâm lý có thể kiểm soát nhưng nó vĩnh viễn không thể mất đi. Vì vậy mình nghĩ, Smile (Cười) là bộ phim ngụ ngôn về sự đau khổ đã bị cảm xúc vui vẻ một cách gượng ép, che lấp hoàn toàn.
Do đó các nạn nhân trong phim đều phải thể hiện nụ cười nham hiểm, lạnh toát cùng hành vi của họ, mình nghĩ biểu hiện này như một cách chế nhạo phản ứng của con người trước sự đau khổ ấy.
Tóm lại mình thấy Smile (Cười) là một tác phẩm kinh dị đầy châm biếm cho việc con người không dám đối mặt với chính cảm xúc thật của bản thân. Thực thể phản diện trong phim như sự ẩn dụ cho hàng loạt sang chấn mà con người gặp phải khi không thể chấp nhận sự thật đó.
Theo: Dienanh.net