Phim Minari (Tựa Việt: Khát Vọng Đổi Đời) là tác phẩm của đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung nhận được cơn mưa lời khen của giới phê bình và khán giả kể từ khi ra mắt hồi đầu năm. Phim mang đến câu chuyện nhẹ hàng với nhiều ẩn dụ phản ánh những khó khăn của những gia đình nhập cư trong khát vọng đổi đời. Ngoài review phim, bài viết còn phân tích các tuyến nhân vật và giải thích ý nghĩa các phép ẩn dụ trong phim.
Phim nhận được 98% tươi trên Rotten Tomatoes và 7.7 điểm trên IMDB
Mục lục
Nội dung phim Minari
Bối cảnh của bộ phim diễn ra vào thập niên 80 khi Ronald Reagan là tổng thống Mỹ với những chính sách tạo cơ hội cho người nhập cư, bang Arkansas, nơi còn có một tên gọi khác là “The Land of Opportunity”. Minari là câu chuyện theo đuổi “giấc mơ Mỹ” – một đề tài không mấy mới mẻ nhưng được kể một cách đầy nhẹ nhàng, giàu cảm xúc và chân thực dưới bàn tay của Lee Isaac Chung.
Mở đầu phim, gia đình Jacob (Steven Yeun) và Monica (Yeri Han) cùng hai con nhỏ chuyển từ khu đô thị ở California để về vùng quê Arkansas hẻo lánh để trồng trọt với hi vọng đổi đời. Họ mua một mảnh đất lớn để trồng các loại nông sản Hàn Quốc mong bán được nhiều tiền để không phải làm công việc soi lỗ huyệt gà nữa.
Mọi chuyện không hề suông sẻ, Jacob không tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình cộng thêm đứa con nhỏ mắc bệnh tim khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nợ nần và nhiều mâu thuẫn trong quan điểm khiến vợ chồng Jacod lâm vào cảnh tình cảm rạn nứt.
Những mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Trong phim Minari không có nhiều nhân vật nên ta sẽ dễ dàng thấy mỗi nhân vật đều có chiều sâu riêng đại diện cho người Á Đông cũng như cái nhìn bao quát về bản chất xã hội hiện đại.
Steven Yeun (nổi tiếng với loạt phim Walking Dead và tác phẩm Burning) trong vai Jacob – người cha và là trụ cột gia đình, một người đàn ông với tham vọng và hoài bão nhưng đồng thời cũng mang trong mình tính gia trưởng khi anh sẵn sàng làm mọi thứ để chứng tỏ mình đang đem gia đình mình tới với miền đất hứa kể cả khi không ai đồng ý với điều đó.
Monica (đóng bởi Yeri Han) – một người phụ nữ thực dụng nhưng luôn dành cho gia đình mình một tình yêu thương vô bờ bến, đây là một nhân vật có phần tương phản với Jacob ngay từ những phút đầu tiên khi cô đặt ra câu hỏi đầy hoài nghi về việc làm thế nào mà có thể xây dựng được nền móng vững chắc cho gia đình trên một ngôi nhà gắn bánh xe, hay ở trong những phân đoạn đối thoại xuyên suốt bộ phim với Jacob sau đó.
Mỗi khi hai nhân vật này nói chuyện, có một cảm giác khiến người xem cũng bị giằng xé giữa cả 2 người: Liệu Jacob đang làm những điều tốt nhất cho gia đình mình hay chỉ cho bản thân? Liệu Monica có quá khắt khe với Jacob hay chỉ đơn giản là cô đã đến giới hạn chịu đựng của mình.
Anne và David: Anne là một cô bé tuổi mới lớn nhưng cũng rất chín chắn còn David lại là cậu bé vô tư, là tuyến nhân vật nổi bật nhất của cả bộ phim. Một màn trình diễn đầy tự tin và vô cùng tự nhiên của cậu bé Alan Kim cho ta thấy được một nhân vật người Mỹ gốc Hàn với những suy nghĩ trẻ con nhưng cũng khiến ta phải thấy rất đồng cảm.
Bà Ngoại: Ấn tượng mạnh nhất nằm ở những phân đoạn với người bà ngoại (Yuh-Jung Youn đóng) của cậu, khi cậu luôn tỏ vẻ không thích bà vì bà khác xa so với tư tưởng đã được Mỹ hóa của cậu: đó không phải là một người bà biết nướng bánh quy, không phải là một người bà nhẹ nhàng mà thay vào đó rất là tự do và phóng khoáng, thích chửi thề khi chơi bài, thích uống nước ngọt và xem đấu vật; đó không phải là một người bà hoàn hảo nhưng chỉ không hoàn hảo trong cái suy nghĩ non nớt của David. Rất nhiều cảnh phim giữa hai nhân vật này phải khiến ta mỉm cười khi xem, những cảnh phim được lấp đầy sự hài hước và tình cảm, lòng yêu thương.
Bên cạnh đó, điểm khiến phim tỏa sáng chính là tính chi tiết và ẩn dụ trong từng phân cảnh khiến người xem tự hiểu chứ chẳng cần phải tốn thời gian giải thích.
Giải thích ý nghĩa phim
Đây là những chi tiết ẩn dụ rất hay mà có thể bạn sẽ bỏ qua:
Nghề soi lỗ huyệt gà con
Đây là nghề phân loại giới tính gà từ ngay khi còn là gà con, người phân loại càng nhanh thì càng kiếm được nhiều tiền.
Trong Minari, đây là nghề chính của gia đình nhà Jacob khi ở Mỹ và nó cũng ngầm thể hiện phong trào nữ quyền đang mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Khi đàn ông đang mất dần ưu thế của họ trên nhiều phương diện, gia đình, công việc, địa vị xã hội. Việc phân loại ra gà trống sẽ bị cho vào lò thiêu, lý do là vì gà mái có thể đẻ trứng và “thịt ngon hơn” có lợi hơn nhiều trong kinh doanh. Cũng giống như cách Jacob thất bại trong việc nuôi sống gia đình thì người vợ quyết định đưa con trở lại California để Jacob lại với nông trại của mình.
Người Châu Á có ít niềm tin vào tôn giáo mà tin vào bản thân hơn người Mỹ
Điển hình nhất chính là nhân vật Paul, đại diện cho sự mộ đạo, ông vác thánh giá mỗi chủ nhật như lời chúa Jesus dạy “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Ngoài ra, người Mỹ ai cũng đi lễ vào chủ nhật, quyên góp cho nhà thờ và cầu chúa cho mỗi bữa ăn. Nếu bạn để ý, gia đình Jacob dù theo đạo nhưng không hề có hành động cầu nguyện trước bữa ăn dù từng đi lễ để hòa nhập.
Chi tiết tiếp theo chính là nhân vật người đàn ông dò tìm mạch nước ngầm bằng cây gậy mà Jacob đã không trả 300$, anh tin vào bản năng của mình hơn là thuê một người với phương pháp chủ yếu dựa vào niềm tin.
Ông bố của Johny:
Thêm một hình ảnh ẩn dụ về nữ quyền ở nhân vật này, lúc anh này làm bữa sáng cho 2 cậu bé có dặn Johny nhớ bảo mẹ là bố ở nhà cả đêm qua nhé với một khuôn mặt say xỉn từ và đang uống Aspirin. Chi tiết này cho thấy có lẽ người mẹ mới là người lao động chính nuôi cả nhà trong gia đình này.
Anh này cũng kể rằng người chủ cũ của khu đất mà Jacob đang ở đã tự sát sau khi làm ăn thất bại. Điều này nói lên những vấn nạn của giai đoạn khó khăn thập niên 80, những người nhập cư hay những người nông dân lập nghiệp thường tự sát khi tuyệt vọng.
Ý nghĩa tên phim Minari – Rau cần nước:
Cuối cùng là Minari, ý nghĩa của cả bộ phim. Rau cần nước là một loại rau dễ trồng, dễ mọc như cỏ dại, chỗ nào có nước là mọc được. Đại ý nói về sự dễ thích nghi của người châu Á nói riêng và người nhập cư nói chung khi có thể sống và lập nghiệp ở bất cứ đâu phù hợp.
Và tổng thể bộ phim cũng nhắc rất nhiều về nước, nước là nguyên nhân chính dẫn đến tất cả mọi thứ trong phim này, xem xong bạn sẽ thấy nếu như nước lúc nào cũng dư dả và thoải mái thì những chuyện tồi tệ sẽ không bao giờ xảy ra.
Minari không cần phải đao to búa lớn kêu gào đủ loại thông điệp như các bộ phim khác mà chỉ cần để người xem đặt bản thân mình vào các nhân vật là đủ.
Đánh giá phim Minari (Khát Vọng Đổi Đời) là một câu chuyện gia đình vô cùng đẹp, kể cả khi mọi thứ trong phim diễn ra một cách nhẹ nhàng, không có cố tình tạo ra những đột biến. Với góc nhìn nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật nói lên nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện tại cũng như làm nổi bật đặc tính của người Châu Á chúng ta chứ không chỉ là người Hàn nói riêng thì bạn nên xem vì nó thật sự đúng, rất đúng!