Review phim Sài Gòn Trong Cơn Mưa là bộ phim đẹp và trau chuốt về hình thức, nhưng nội dung thì chưa hay và chưa sâu.
Trước hết, phim có những điểm sáng nhất định. Dàn diễn viên chính đa phần là những gương mặt mới, đem đến sự khác lạ, tươi trẻ. Một vài người trong số đó diễn xuất khá tốt và có tiềm năng để tiến xa, như Thu Anh và Hồ Thành Trung. So với họ, nam chính Avin Lu nhập vai khó khăn hơn, nhưng cách diễn của anh càng về cuối càng được cải thiện. Phần hình ảnh của phim cũng khá chỉn chu, với bối cảnh Sài Gòn quen thuộc, gần gũi, đặc biệt phù hợp để kể câu chuyện về tuổi trẻ thời hiện đại. Bên cạnh đó, phim xây dựng được đoạn kết ấn tượng, đủ trọn vẹn để khép lại một hành trình, nhưng cũng đủ gợi mở để bắt đầu một hành trình khác.
Tuy nhiên, giống như nhiều phim Việt, nội dung của phim Sài Gòn Trong Cơn Mưa vẫn còn những hạn chế nhất định. Phim tỏ ra khá tham vọng khi tiếp cận cùng lúc ba câu chuyện: Hành trình làm nghệ thuật của Bồng Bềnh Band, chuyện tình của Vũ (Avin Lu) và Mây (Hồ Thu Anh), cuối cùng là sự đổi thay, vấp ngã và trưởng thành của Vũ. Nếu câu chuyện thứ hai và thứ ba tương đối ổn, thì câu chuyện thứ nhất, tiếc thay, lại không đủ thuyết phục, dù nó đóng vai trò chi phối đối với hai tuyến truyện còn lại.
Có thể nói rằng, một câu chuyện đặc sắc về nghệ thuật luôn phải bắt đầu với những cá nhân độc đáo, tài năng và có chiều sâu, bởi nghệ thuật đến cùng vẫn là chuyện về con người. Thế nhưng, cách bộ phim xây dựng nhân vật vẫn còn khá đơn giản, nếu không muốn nói là bề mặt. Dường như với Sài Gòn Trong Cơn Mưa, chỉ có hai cách để định hình nghệ sĩ trẻ: Một là hiền hòa, trong sáng đến ngây ngô như Vũ và Gia Linh (Việt Linh), hai là sành điệu, cá tính, nổi loạn như Phong (Hồ Thành Trung).
Tuy nhiên, cả ba nhân vật trên – ba mảnh ghép chính của Bồng Bềnh Band, gần như đều trống rỗng về nội tâm. Nghệ sĩ không nhất thiết phải gai góc hầm hố, nhưng họ buộc phải có chiều sâu tâm hồn, cũng như sự khác biệt, độc lập trong tư tưởng để làm nên sức mạnh. Với Vũ, Phong và Gia Linh, tôi chưa thấy được bản sắc riêng của họ. Thậm chí, ở nhân vật chính Vũ, dường như không có nét tính cách nào nổi bật ngoại trừ sự nhu mì, chất phác hiện ra bên ngoài.
Trong phim, Lê Cát Trọng Lý có vẻ là nghệ sĩ anh thần tượng: Trên tường phòng Vũ có dán poster album của cô, bài Mùa yêu cô hát cũng vang lên khi Vũ và Mây gặp lại nhau. Thế nhưng, chúng ta không rõ Lý ảnh hưởng đến cuộc sống, đến âm nhạc của Vũ như thế nào, góp phần nhào nặn nên Vũ của hôm nay ra sao. Nếu thay tên cô bằng tên những nghệ sĩ khác, như Ngọt hay Nhạc của Trang thì có lẽ cũng không mấy khác biệt. Từ đó, có thể thấy cái nhân vật đang thiếu là một nền tảng vững chắc, giúp anh đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt câu chuyện.
Mặt khác, nội dung phim xoay quanh những nghệ sĩ độc lập, nhưng dấu ấn của nhạc indie lại khá mờ nhạt. Sự lên ngôi của trào lưu này chỉ được khắc họa qua những mốc thời gian và vài cái tên quen thuộc, còn những nét thú vị, độc đáo của nó lại chưa được đào sâu. Phim cố xây dựng sự đối lập giữa mainstream thời thượng, hào nhoáng với indie khiêm nhường, bình lặng, nhưng chưa làm rõ những giá trị nhạc indie đem lại cho khán giả. Nếu làm tốt việc khắc họa này, bối cảnh văn hóa – nghệ thuật của phim sẽ dày dặn hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, Sài Gòn Trong Cơn Mưa là phim âm nhạc nhưng phần nhạc lại không quá ấn tượng. Theo cảm nhận của tôi, bài hát chủ đề Đàn chim di cư có giai điệu khá an toàn, chưa đủ bứt phá để tạo không khí cho tác phẩm. Phải đến cuối phim, sự an toàn này mới được thay thế bằng một bản phối mạnh mẽ, ấn tượng, khẳng định được chất riêng của Bồng Bềnh Band. Tuy nhiên, phần lớn thời lượng phim vẫn trôi qua với những ca khúc có phần nhạt nhòa, dễ chịu, dễ nghe nhưng không đáng nhớ.
Hơn nữa, cách phim sử dụng âm nhạc cũng chưa hiệu quả, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với tình huống, cảm xúc của nhân vật. Ở những cảnh Vũ hát cho Mây nghe, ca khúc chỉ dừng ở mức phụ họa cho tình yêu của hai người, chứ không thực sự tạo được dấu ấn. Trong khi đó, bộ phim thường được so sánh với Sài Gòn Trong Cơn Mưa là Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi lại thành công hơn hẳn về mặt âm nhạc. Ít nhất, ở một số phân đoạn, như cảnh nhân vật Thanh hát bài Tiền trên xe buýt hay bài Điều vô lý thứ nhất khi nhớ tới người bạn quá cố, âm nhạc đã giúp người trẻ bộc bạch cả những băn khoăn phổ quát và những nỗi niềm cá nhân. Còn ở phim Sài Gòn Trong Cơn Mưa, nó mới chỉ minh họa cho những ý niệm chung chung về tình yêu, ước mơ, đam mê, thành công và hạnh phúc. Nhưng có lẽ lỗi không nằm ở âm nhạc, khi chính bộ phim cũng lúng túng trong việc diễn giải một cách thấu đáo những ý niệm này.