Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimReview phim Nomadland một hiện thực mềm mại

Review phim Nomadland một hiện thực mềm mại

Ngoại trừ nhân vật chính Fern, hầu hết các nhân vật trong phim là người thật. Những cuộc đối thoại, những việc họ làm, những nơi họ đi qua đều rất chân thật và nó khiến phim Nomadland trở thành một bộ phim bán tài liệu xuất sắc đầy chất thơ.

Khái niệm “nomad” đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng được chú ý trong vài năm gần đây, thời điểm mà nhiều người dần cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống quay vòng nhàm chán với mua nhà, trả nợ, ăn và chết. Và rồi họ lên đường, có phần giống với Thế hệ Beat của Jack Kerouac, dân hippie hay gần gũi hơn là Christipher McCandless trong Into the Wild. Nhưng không như những thanh niên trẻ nổi loạn mất định hướng trong cuộc sống, nomads phần lớn là những người trung niên, không muốn kết thúc cuộc đời trong cô độc, nhàm chán.

Câu chuyện trong phim Nomadland diễn ra sau cuộc Đại Suy Thoái những năm đầu thế kỉ 21, Fern (Frances McDormand), một phụ nữ lục tuần mất chồng vì bạo bệnh, mất luôn cả công việc gắn bó lâu năm. Fern quyết định bỏ căn nhà đang ở, chuyển sang sống trong chiếc minivan kiêm phòng ngủ, nhà vệ sinh và bếp, để rong ruổi khắp bờ Tây nước Mỹ, từ nơi này qua nơi khác, làm những công việc thời vụ qua ngày. Fern trở thành một nomad, danh từ chỉ những người có lối sống giống như cô.

Tựa như người nghệ nhân dùng đôi bàn tay để vuốt lên những đường cong cho bình gốm, phim Nomadland được tạo tác bằng một sự mềm mại khẽ vươn lên trên hiện thực cuộc sống. Trên nền piano du dương, bộ phim chậm rãi đưa người xem đi theo hành trình chữa lành vết thương của Fern. Cô khởi hành là một con người đơn độc tưởng như đã đánh mất tất cả, khép chặt lòng mình cùng nụ cười xã giao. Lặng lẽ làm việc mà không kêu ca, cô trở về nhà mỗi tối, đón giao thừa một mình với pháo bông que, và khước từ mọi sự kết giao.

Dần dần, khi tiếp xúc với những nomad khác, Fern bắt đầu mở lòng, giao tiếp nhiều hơn. Ta sẽ thấy những nụ cười chân thành, cùng sự gắn bó và những kỉ nhiệm khiến cô tự dằn vặt mình có nên rời đi để tiếp tục tự trừng phạt bản thân trong nỗi buồn đau cô độc hay không.
Xen lẫn với cuộc gặp gỡ bình dị, những cảnh quay tuyệt đẹp về thiên nhiên hiện lên trong chuyến đi, mà trong đó Fern chỉ là một cá thể đơn độc, nhỏ bé đang chiêm ngưỡng vẻ trác tuyệt ấy cho thấy bộ phim đại diện cho một tinh thần tìm cách trở về, đón nhận và khám phá sự đẹp đẽ của thế giới quanh ta. Nó mở mang tầm mắt và thu hút sự chú ý của Fern, khiến cho những lời bình luận vô lý về sự lẩn tránh hiện thực rằng các tập đoàn lớn đang lợi dụng sự bấp bênh của những nomad nhằm bóc lột họ trở nên thật lố bịch. Khi nhìn vào Wankie – bà già với cái tay gãy và căn bệnh ung thư giai đoạn cuối luôn trực chờ trước mắt, việc Fern hay tôi, còn sống, còn đủ sức để làm việc, để lái xe và tận hưởng cuộc sống, là một điều đáng quý.

Frances McDormand, linh hồn của bộ phim, chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Oscar năm nay sẽ là cuộc đọ sức của Frances McDormand và Viola Davis. Khuôn mặt của Fern luôn ẩn chứa một sự khắc khổ và đầy chịu đựng, nó ẩn chứa cả trong những nụ cười của cô. Ở nụ cười ấy, dù là trong những khoảnh khắc vui mừng hay thấu hiểu, luôn tồn tại một nỗi đau được kìm nén hết sức. Và khi Fern trở về căn nhà nơi người chồng dấu yêu qua đời, hoặc lúc ngồi bên cạnh người em gái, tôi lại thấy những giọt nước mắt của niềm nhớ nhung và hạnh phúc trong sự đồng cảm, sự tìm lại được một điểm neo cho bản thân. Rằng trên cuộc đời này chúng ta chưa bao giờ, và không bao giờ cô đơn. Vì thế nên Fern đã chọn đi tiếp.

Mỗi cuộc gặp gỡ đến với Fern, từ Linda May, Wankie, Bob, Dave, tới chàng trai trẻ cho cô chiếc bật lửa, để Fern thấu hiểu không chỉ nỗi đau của người khác mà còn là nỗi đau của bản thân. Từ những góc nhìn ấy, cô nhận ra những tâm tư trong lòng con người luôn tồn tại, dưới dạng này hay dạng khác. Đó không phải là lời bào chữa để coi nhẹ nỗi đau buồn mà là sự giác ngộ để chấp nhận nó như một phần của cuộc sống.

Cuộc sống vận động giống như một vòng trôn ốc nhưng nó chuyển động lên hay xuống là tùy mỗi người. Phim Nomadland, hay nhân vật Fern, khám phá ra quy luật ấy, và cũng tự lặp lại chính mình trong một hình thái mới. Khởi đầu và kết thúc phim, Fern vẫn sống một mình, nhưng giờ đây là sự giải thoát đi cùng cảm giác khoan khoái tận hưởng sự cô độc. Cô vẫn đón giao thừa một mình, vẫn quay lại Amazon và vẫn đi đào khoai mỗi mùa đông tới.

Life goes on, no matter how we live.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN