Thứ Tư, Tháng Mười Hai 4, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimReview phim Mother (2009) với những dấu ấn của Bong Joon-ho

Review phim Mother (2009) với những dấu ấn của Bong Joon-ho

Bong Joon-ho là đạo diễn tài năng của điện ảnh Hàn, từ rất lâu trước Parasite, khán giả đã biết đến ông qua những tác phẩm đình đám như “Mother”, “The Host”, “Memories of Murder”, “Barking Dogs Never Bite”,… Trong đó, “Mother” có thể xem là phim có phong cách tương đối khác biệt với thể loại dark comedy thường thấy của ông. Bài viết cảm nhận phim “Mother” đi sâu vào việc phân tích phim và những điểm khác biệt trong cách làm phim của vị đạo diễn tài năng này.

Cảm nhận phim Mother 2009 và những dấu ấn của Bong Joon-ho

“Một cánh đồng cỏ mênh mông. Một bầu trời u ám. Một người phụ nữ luống tuổi trong chiếc áo khoác ngoài màu tím cũ kỹ tiến lại gần khung hình. Bỗng tiếng nhạc guitar nổi lên! Người phụ nữ ấy bắt đầu nhảy múa, hết sức chậm rãi, không chút ngại ngần, phảng phất chút man dại trong từng động tác, chuyển động của cơ thể lẫn gương mặt… Cả cái không gian rộng lớn lẫn con người nhỏ bé ấy đều như bị dìm trong một sắc màu nhợt nhạt cho đến khi tiếng nhạc kết thúc. Để rồi lại người phụ nữ đó, đứng nhìn trân trân vào ống kính camera, trong sự tối tăm đến lạnh lẽo, khi tựa đề phim hiện lên…”

Bong Joon-ho đã mở đầu “Mother”, tác phẩm phim dài thứ tư của ông trong vòng chính xác 2 phút 20 giây một cách đầy mê hoặc như thế. Người phụ nữ vừa nhảy múa ấy là nhân vật người mẹ, không hề được tiết lộ tên trong suốt bộ phim. Cậu con trai bà – Yoon Do-joon – khá đẹp trai, nhưng lại mắc chứng đần độn, ăn nói lủng củng, trí nhớ vô cùng tệ hại. 27 tuổi đầu mà Do-joon suốt ngày chỉ lông bông với gã bạn xấu tính Jin-tae, còn đêm về thì vẫn nằm ngủ chung với mẹ. Bỗng trong vùng xảy ra vụ sát hại một nữ sinh trung học. Chứng cứ tại hiện trường cho thấy Do-joon là nghi can số một của vụ án. Cảnh sát nhanh chóng kết tội Do-joon, nhưng mẹ của Do-joon không tin vào chuyện đó. Bà quyết tâm tự mình tìm kiếm ra sự thật để minh oan cho cậu con trai.

Cảm nhận phim Mother 2009 và những dấu ấn của Bong Joon-ho

Trước khi “Mother” ra mắt, nhiều hoài nghi cho rằng phim sẽ lặp lại “Memories of Murder” – tác phẩm hình sự xuất sắc từng đưa tên tuổi Bong Joon-ho đến với công chúng thế giới hồi 2003. Bởi giống như “Memories of Murder”, bộ phim cũng lấy bối cảnh tại một vùng thôn quê Hàn Quốc và một cuộc tìm kiếm kẻ sát nhân thực sự. Thế nhưng, đạo diễn Bong Joon-ho cuối cùng đã giữ được đúng lời hứa sẽ thay đổi, khi “Mother” hoàn toàn khác biệt, với không chỉ “Memories of Murder”, mà còn là cả “bộ ba phim tìm kiếm”* trước đó của ông. Thể loại phim hình sự, rùng rợn dễ rơi vào sự nhàm chán hay rập khuôn, một lần nữa trở nên vô cùng mới mẻ và hấp dẫn dưới đôi bàn tay ma thuật của Bong Joon-ho.

“Triệt tiêu những cú trượt ngã”

Nếu để ý, trong cả ba bộ phim trước của Bong Joon-ho, ở những thời điểm then chốt của bộ phim, các nhân vật đều trượt ngã: cô gái Hyeon-nam đập mặt vào cánh cửa và ngã xuống khi đang đuổi theo gã hàng xóm trộm chó Yun-ju trong “Barking Dogs Never Bite”; các thanh tra ngã lên ngã xuống tại hiện trường vụ án trong “Memories of Murder”; con quái vật ngã lộn vòng khi vừa lên mặt đất, hay một nhân viên Nhà nước trượt chân khi đang chuẩn bị vào thông báo ở đám tang chung trong “The Host”… Những cú trượt chân ngã cứ lặp đi lặp lại trong phim của Bong Joon-ho, như một ẩn dụ cho việc nhân vật của ông sẽ không thể tới được đích cuối cùng của cuộc tìm kiếm, mà chỉ có thể mãi đau đáu về những sự thật hay nỗi đau mà ngoại cảnh lịch sử, chính trị đã tạo ra.

Cảm nhận phim Mother 2009 và những dấu ấn của Bong Joon-ho

Tuy nhiên, yếu tố này đã bị triệt tiêu hoàn toàn trong Mother. Dẫu ngay trong đoạn đầu phim, nhân vật Do-joon cũng trượt ngã khi định đạp vào gương một chiếc xe ô tô, nhưng đó chỉ là một chi tiết hài hước thuần túy. Không có một yếu tố chính trị hay lịch sử ngoại cảnh nào hiện hữu và ảnh hưởng tới các nhân vật trong phim. Toàn bộ “Mother” hoàn toàn đến từ góc nhìn chủ quan của nhân vật người mẹ. Tất cả những gì mẹ Do-joon làm, đâu là đúng, đâu là sai đều dựa trên nhãn quan của chính bà. Vì thế bà đi tìm kiếm sự thật, nhưng ở điểm đích, bà cũng có thể rũ bỏ hoặc phủ nhận sự thật đó và gánh lấy mọi hậu quả. Điều này cũng vô tình khiến cho yếu tố dark comedy thường thấy ở phim của Bong Joon-ho giảm hẳn trong “Mother”, mà thay vào đó chỉ còn lại một sự tối tăm u uẩn đơn thuần.

Sự ngộ nhận có chủ đích!

Một điểm chung khác trong ba bộ phim trước của Bong Joon-ho chính là những sự ngộ nhận khách quan của các nhân vật được tận dụng để đưa đẩy câu chuyện phim đi xa hơn: như Yun-ju ở “Barking Dogs Never Bite” bắt nhầm con chó mà anh cho là đã sủa ầm ĩ bấy lâu nay, như Park Du-man ở “Memories of Murder” lầm tưởng viên thanh tra đến từ Seoul là một gã biến thái và liên tục cáo buộc nhầm nghi phạm, hay như người cha Park Gang-du ở The Host cầm nhầm tay con gái người khác trong cuộc chạy trốn và đếm nhầm số đạn trong khẩu súng đưa cho người cha…

Ở “Mother”, những sự ngộ nhận vẫn xuất hiện với một tần suất dày dặc trong chuyến hành trình của mẹ Do-joon và tạo nên được những hiệu quả nhất định về tính bất ngờ. Nhưng nếu tạm gạt qua những lầm lẫn khách quan, thì sự ngộ nhận của bà mẹ về cậu con trai hoàn toàn là chủ quan. Và đó chính là bằng chứng cho tình mẫu tử, cho việc bà có thể hy sinh tất cả hay làm bất cứ thứ gì để minh oan cho Do-joon. Thậm chí, khi đang là người đi tìm kiếm sự thật, bà còn đóng cả vai trò kẻ che giấu sự thật với người con trai ngờ nghệch, nhằm đẩy cậu vào một thế ngộ nhận khác bởi vết thương lòng giữa hai mẹ con trong quá khứ.

Những sự ngộ nhận của bà, giữa bà và các nhân vật khác, cứ liên tục được bóc tách, ở cả những cảnh xúc động, căng thẳng lẫn những trường đoạn bạo lực rợn người, khiến cho bộ phim trở nên ngột ngạt và khán giả đôi khi mất phương hướng. Và những tưởng khi sự thật được khám phá còn sự ngột ngạt được hóa giải, thì hóa ra Bong Joon-ho chỉ sử dụng đó làm đòn bẩy cho một sự ngộ nhận có chủ đích đầy cay nghiệt khác, khiến cho khi bộ phim hạ màn, khán giả “cảm thấy như vừa được thưởng thức một ly espresso đậm đặc,” giống như lời đạo diễn từng so sánh.

Phim Mother – một tác phẩm xuất sắc!

Góp phần lớn nhất vào thành công của Mother, hẳn phải là nữ diễn viên Kim Hye-ja, người đã được Bong Joon-ho “đo ni đóng giày” cho vai diễn người mẹ không tên đầy góc cạnh. Vốn là người nổi tiếng với các bộ phim truyền hình, Kim Hye-ja đã xa rời màn ảnh rộng tròn 10 năm, kể từ bộ phim Mayonnaise của ngôi sao quá cố Choi Jin-shil. Đạo diễn Bong Joon-ho đã cố thuyết phục bà tham gia vào “Mother” sau khi “Memories of Murder” đóng máy và những ý tưởng đầu tiên về bộ phim xuất hiện. Và quả thực, Kim Hye-ja đã có một màn trình diễn xuất sắc và lấn át hoàn toàn tài tử Won Bin trong vai cậu con trai Do-joon.

Theo dõi phim, khán giả sẽ cảm nhận được tình cảm mà bà dành cho Do-joon qua từng bước chân, ánh mắt, lời nói… Đó có thể chỉ là một chi tiết đơn giản như bà dùng chân di đi di lại vệt nước đái bậy của người con ở đầu phim; hay một khoảnh khắc dữ dội như ánh mắt điên dại kèm theo câu nói “Con trai tôi không bao giờ làm những việc như thế” tại đám tang của cô bé bị sát hại. Sẽ thật không ngoa nếu nói rằng Kim Hye-ja đã lột tả được sự man dại của tình mẫu tử!

Một điểm nhấn khác của “Mother” chính là phần quay phim cực kỳ xuất sắc của Hong Kyung-po. Toàn bộ phim được Kyung-po nhuộm trong một tông màu nhợt nhạt đến uể oải từ cảnh đầu tiên tới cảnh cuối cùng, khi một nhóm người đi du lịch đứng nhảy múa trên chiếc xe buýt trong ánh nắng vàng váng vất và (lại) tiếng guitar của cảnh mở đầu phim.

Các cảnh closed-up quay cận mặt nhân vật được tận dụng tối đa, từ những trường đoạn kéo dài cho tới một lát cắt ký ức ám ảnh kéo dài chỉ trong hơn một giây đồng hồ. Tất cả đều nhằm tăng thêm sự căng thẳng cho bộ phim theo chủ ý của Bong Joon-ho. Cả hai cái tên kể trên đều đã dành chiến thắng tại Lễ trao giải thưởng của Hội đồng phê bình phim Pusan lần thứ 10 lần lượt trong các hạng mục Nữ diễn viên chính và Quay phim xuất sắc nhất. Cũng ở lễ trao giải này, phim đã được xướng danh tại hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất và được chọn đi làm đại diện cho điện ảnh Hàn Quốc tại Oscar 2010.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN