Hai tuần liền được xem hai xuất phẩm của năm trên Netflix. Nếu “The Irishman” của Martin Scorsese là một “epic gangster movie” mẫu mực về thể loại này thì “Marriage Story” của Noah Baumbach cũng xứng đáng là một “epic family drama” với đầy đủ những hỉ nộ ái ố và tổn thương không thể chữa lành của một cuộc hôn nhân bên bờ vực thẳm. Có lẽ Noah Baumbach đặt tên cho bộ phim của mình là “Marriage Story” (Chuyện hôn nhân) thay vì thêm mạo từ “a” hoặc “the” đằng trước vì đó là một câu chuyện rất phổ quát về hôn nhân (dù rất riêng tư), một câu chuyện mà bất cứ ai, đặc biệt là những người đã và đang trải qua hôn nhân hay một mối quan hệ đều có thể tự soi mình vào đó.
Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng của họ (Anna Karenina – Lev Tolstoy).
Tôi thích và chú ý đến Noah Baumbach từ bộ phim mà anh làm cách đây 14 năm, “The Squid and the Whale” (Mực ống và cá voi), đơn giản vì hồi đó tôi rất thích diễn xuất của Laura Linney sau bộ phim You Can Count on Me. Nhưng bộ phim độc lập này mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm điện ảnh nhiều hơn là diễn xuất của Laura Linney (dù cô vẫn rất tuyệt vời trong phim này).
Bộ phim được xem là một câu chuyện riêng tư mang màu sắc bán tự truyện (semi-autobiographical story) của chính Noah Baumbach, kể về cuộc ly hôn của bố mẹ anh những năm 80 của thế kỷ trước và những tác động của cuộc ly hôn đó đến hai anh em đang tuổi ăn tuổi lớn của Noah.
Trong phim, nhân vật người bố, một tiểu thuyết gia và giáo sư đại học (do Jeff Daniels đóng) kiêu ngạo, cố chấp và đang mất dần đi danh tiếng của mình. Nhân vật người mẹ (do Laura Linney đóng) đang phát triển sự nghiệp viết lách đầy triển vọng của riêng mình, muốn thoát khỏi ảnh hưởng của người chồng ích kỷ và ngoại tình với một anh chàng huấn luyện viên thể dục trẻ hơn tuổi. Cuộc căng thẳng từ những chi tiết nhỏ nhặt cộng cái tôi quá lớn giữa đôi vợ chồng trí thức ở New York dẫn họ đến một cuộc ly hôn không cứu vãn. Và điều đó ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của hai đứa con trai đang ở tuổi vị thành niên của họ, nhất là khi bọn chúng bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền nuôi con và đấu tố nhau không mệt mỏi mà không biết đứng về phía nào giữa bố mẹ. Cậu anh trai (Jesse Eisenberg đóng) 16 tuổi bắt đầu có những hành vi tâm lý không ổn định, như ăn cắp một bài hát trên mạng và tuyên bố do mình sáng tác trong một cuộc thi tài năng ở trường; hành xử thô lỗ và kiêu ngạo – y như ông bố của mình với một cô bạn gái mà cậu ta đang hẹn hò. Cậu em trai mới 12 tuổi còn rơi vào cuộc khủng hoảng tuổi mới lớn nặng hơn, ví dụ như uống bia, thủ dâm và bí mật bắn tinh trùng của mình bừa bãi trong thư viện nhà trường cho đến khi bị phát hiện…
Ở bộ phim mang màu sắc bán tự truyện của gia đình mình, Noah Baumbach không ngần ngại tái hiện những câu chuyện có thật, những chi tiết trần trụi vừa bi vừa hài đằng sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, cho dù đó là một gia đình trí thức New York đi nữa. Khi được hỏi những điều này có làm tổn thương đến bố mẹ anh, vốn rất nổi tiếng ở Mỹ, Noah Baumbach nói rằng anh chỉ muốn chia sẻ những kinh nghiệm trưởng thành của bản thân anh thông qua cuộc ly hôn của bố mẹ.
Có hàng tỷ cuộc ly trên thế giới này, người ta dắt nhau ra tòa mỗi ngày và luật sư ly hôn trở thành một nghề hái ra tiền (điều này được anh đạo diễn này thể hiện rất thâm thúy trong “Marriage Story”). Nó đã trở thành một chủ đề quá phổ quát đến độ còn gì lạ lẫm để mà quan tâm nữa. Nhưng bộ phim của Noah Baumbach vẫn khiến khán giả quan tâm, vì những chi tiết riêng tư và trần trụi mà anh không ngần ngại lột trần nó theo cách rất đặc trưng qua ngôn ngữ điện ảnh của mình để mỗi người xem đều có thể liên hệ với bản thân mình. Và vì cách đan cài rất khéo léo giữa cảm xúc bi hài và sự phức tạp tâm lý của những nhân vật liên đới trong một chủ đề vốn đã quá quen thuộc với khán giả.
Và 14 năm sau, “Marriage Story” tiếp tục và một câu chuyện về hôn nhân và li hôn mang màu sắc… bán tự truyện tiếp theo của Noah Baumbach và có phần vượt trội với bộ phim trước. Nó trở thành một trong vài ứng cử viên nặng ký nhất của Oscar năm nay, đặc biệt là những hạng mục chính như Phim, Đạo diễn, Kịch bản gốc và Diễn xuất (Nam, Nữ chính cho Adam Driver & Scarlett Johansson và Nữ phụ cho Laura Dern).
Bộ phim lần này lại lấy trải nghiệm từ cuộc hôn nhân của chính Noah Baumbach và nữ diễn viên Jennifer Jason Leigh (vai diễn nổi bật gần nhất của cô này được đề cử Oscar trong The Hateful Eight của Quentin Tarantino). Noah Baumbach một lần nữa lại không ngại lột trần chính bản thân mình như đang bóc một củ hành để khán giả được dịp chiêm ngưỡng từng lớp bên trong của một cuộc hôn nhân bên bờ vực khác. Một câu chuyện tình khởi đi từ tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau, tại sau lại đổ vỡ và dẫn đến những tổn thương không thể cứu vãn? Có phải như câu dẫn chuyện mở đầu trong Anna Karenina của Lev Tolstoy: “Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng của họ”, hay ở một câu hát trong bộ phim Blue Valentine có chủ đề tương tự mà tôi đã từng nhắc đến trước đây: “You always hurt the one you love, do you?”
Charlie (Adam Driver) là một đạo diễn sân khấu tài danh ở New York. Anh có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, một đoàn kịch riêng và cuộc hôn nhân có vẻ hạnh phúc với Nicole (Scarlett Johansson), người đã từ bỏ sự nghiệp điện ảnh ở Los Angeles để trở thành vợ của Charlie và diễn viên trong đoàn kịch của anh. Họ có một cậu con trai 8 tuổi tên là Henry rất đáng yêu và thừa hưởng sự tinh tế và nhạy cảm của cả bố và mẹ.
Mọi thứ đều có vẻ viên mãn với cuộc hôn nhân của họ, nhất là ngay đoạn intro từ đầu phim, ta nghe họ “kể về những điều tốt đẹp” ở vợ/chồng của mình khiến ta càng lầm tưởng điều đó. Đoạn intro này được lặp lại một lần nữa ở đoạn kết, như một chủ ý cài cắm tinh vi của đạo diễn để đẩy cảm xúc lên một tầm cao mới, nhất là ở diễn xuất của Adam Driver và Scarlett Johansson (họ chưa bao giờ diễn tốt hơn thế).
Charlie viết về Nicole: “Cô ấy làm cho người khác có cảm giác thoải mái ngay cả khi gặp chuyện khó xử. Cô ấy biết lắng nghe người khác và biết cách làm gì đúng đắn khi gặp những chuyện khó nhằn. Cô ấy cắt tóc cho cả nhà chúng tôi, biết chơi đùa với con. Cô nàng là một vũ công tuyệt vời, có sức ảnh hưởng. Cô nàng làm tôi ước gì mình có thể nhảy. Cô thích thể hiện những ý tưởng điên rồ của tôi trên sân khấu. Cô ấy là diễn viên yêu thích của tôi…”
Ở phía ngược lại, Nicole viết về những điều cô thích ở Charlie trong một tờ giấy: “Anh ấy không bao giờ để ý kiến của kẻ khác hay bất cứ một trở ngại nào ngăn anh làm điều muốn làm. Anh cực kỳ gọn gàng và tôi cậy vào anh để giữ mọi thứ ngăn nắp. Anh dễ khóc khi xem phim. Anh có thể tự làm mọi thứ, vá lại chiếc vớ, tự mình nấu buổi tối và ủi áo. Anh ấy có tính ganh đua. Anh thích việc được làm bố. Anh yêu tất cả những thứ mà hẳn bạn sẽ ghét, như trò ăn vạ, thức giấc giữa đêm của Henry. Anh biến mất vào trong thế giới của riêng mình. Anh và Henry giống nhau kiểu đó. Charlie là người tự lực. Anh bảo thời thơ ấu của anh toàn mùi rượu và cả chút bạo lực nữa. Anh chuyển tư Indiana tới New York và sống đời bấp bênh. Và giờ anh có chất New York hơn bất cứ dân New York nào. Anh rất chỉn chu và kỹ lưỡng. Anh biết điều mình muốn, khác tôi, vốn không phải lúc nào cũng biết vậy…”
Và để minh họa cho những chi tiết nói tốt về nhau đó, Noah Baumbach dẫn dắt chúng ta vào những thước phim tái hiện quá khứ hạnh phúc của họ. Ở đó hiện lên những khung cảnh của một cuộc hôn nhân hạnh phúc qua những những chi tiết đời thường nhất của một đạo diễn biết cách “đánh lừa” khán giả một cách ngọt ngào nhất để rồi khiến họ tỉnh mộng khi đưa thẳng vào một thực tại tan vỡ mà đôi vợ chồng đang đối mặt.
Ở cảnh ngay sau đó, ta biết được rằng đôi vợ chồng tưởng chừng như rất hạnh phúc đang gặp phải cuộc khủng hoảng hôn nhân, sống li thân và phải nhờ đến một chuyên gia tâm lý hòa giải. Khi người hòa giải yêu cầu cả hai đọc to lên những điều họ viết tốt về nhau, Charlie có vẻ thoải mái với lời đề nghị đó trong khi Nicole từ chối vì ngượng ngập. Khi bị dồn ép, cô tức giận bỏ về và nói: “Nếu hai anh còn như vậy thì ngồi đó tự sướng rồi mút cu cho nhau đi”.
Cuộc khủng hoảng hôn nhân dường như không thể cứu vãn. Nicole đưa con trai trở về Los Angeles để ở với mẹ và chị gái của cô khi nhận được một lời đề nghị đóng một series truyền hình dài tập, thứ mà Charlie có vẻ coi thường. Một thời gian ngắn sau khi Charlie bay sang L.A để thăm vợ và con trai, anh nhận được một tờ đơn li dị từ Nicole. Chưa hết bất ngờ thì Charlie tiếp tục bị kéo vào những thủ tục pháp lý trầm trọng khi Nicole trong phút bối rối và không biết làm gì với tình thế lưỡng nan của mình đành thuê một nữ luật sư gia đình nổi tiếng vì sự háo thắng và thích thao túng người khác (chị Laura Dern đóng tuyệt vời, chắc ăn một giải Oscar cho Nữ phụ năm tới). Để trả đũa, Charlie cũng thuê một tay luật sư nổi tiếng vì những trò tấn công cá nhân xôi thịt (anh Ray Liotta đóng cũng duyên đáo để).
Và a lê hấp, từ một cặp vợ chồng từng hạnh phúc và yêu thương nhau, từ một cặp đôi nghệ sĩ trí thức tài năng từng tôn trọng nhau, họ trở thành hai con rối cho hai kẻ luật sư gia đình không ngần ngại bóc mẽ, đấu tố và tấn công cá nhân lẫn nhau trước toà để giành phần thắng về cho thân chủ của mình. Khi biết đang bị bọn luật sư đầu gấu thao túng ngoài ý muốn, họ gặp riêng nhau để cố gắng hòa giải, nhưng một lần nữa, bọn họ lại mất kiểm soát và lao vào nhau với cuộc đấu võ mồm điên loạn cho dù kết thúc trong nước mắt của sự tan vỡ không cách nào cứu vãn được nữa. Phân cảnh dài gần chục phút này với diễn xuất bùng nổ của cả Adam Driver và Scarlett Johansson làm nên linh hồn của bộ phim độc lập có lẽ là tuyệt vời nhất của năm 2019 và chắc chắn còn được nhắc mãi về sau khi nói về một phân đoạn kinh điển về sự tan vỡ của tình yêu.
Không có kẻ xấu hay người tốt hoàn toàn nào trong “Marriage Story” cả, họ đơn giản chỉ là những con người bình thường với những ưu & nhược điểm, tốt & xấu và đầy rẫy những sai lầm làm tổn thương nhau để rồi cuối cùng không cứu vãn nổi khi cuộc hôn nhân bị đẩy đến bên bờ vực của sự sụp đổ.
Còn chúng ta, những kẻ được mời tham dự chứng kiến trong phiên tòa kết tội tình yêu mà không biết nên đứng về phía kẻ nào. Bọn họ ai cũng có lý của mình cả. Sự tan vỡ nào cũng có lý do chính đáng cả khi họ đã không cùng đứng về một phía.
Bộ phim này khiến tôi nhớ đến “Kramer vs. Kramer” với diễn xuất của Dustin Hoffman & Meryl Streep, đến “Blue Valentine” với Ryan Gosling & Michelle Williams, đến “Loveless” của đạo diễn người Nga Andrey Zvyagintsev mới đây.
“You always hurt the one you love, do you?” – có phải như câu hát trong Blue Valentine, chính chúng ta không ngừng làm tổn thương người mà ta yêu thương nhất?
“Tôi phải lòng và yêu anh chỉ hai giây sau khi gặp anh. Và tôi chưa bao giờ ngừng yêu anh, dẫu cho giờ chẳng có nghĩa lý gì nữa.”
Đoạn mở đầu phim được tiếp diễn trong một phân cảnh ở cuối phim với diễn xuất thực sự bùng nổ về mặt cảm xúc của Adam Driver, người từng có một màn cống hiến đáng nhớ trong bộ phim “Paterson” ba năm về trước, khiến tôi có linh cảm Adam Driver sẽ vượt qua Joaquin Phoenix để trở thành chủ nhân của tượng vàng Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc tới đây.