Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024
Trang chủPHIMGiới Thiệu PhimReview phim Bá Vương Biệt Cơ: Khi tình yêu cứa xót xa...

Review phim Bá Vương Biệt Cơ: Khi tình yêu cứa xót xa từng thớ thịt

Phim Bá Vương Biệt Cơ tác phẩm xuất sắc của đạo diễn Trần Khải Ca vẫn luôn được người đời nhắc lại vào những ngày đầu tháng 4 thế này, vào ngày giỗ hằng năm của tài tử điện ảnh Trương Quốc Vinh. Nhuốm màu của nước mắt và máu xuyên suốt tác phẩm, Bá Vương Biệt Cơ kể về những phận đời đau khổ, day dứt, mắc kẹt giữa hai chữ “tình yêu” và “kỳ vọng”, bị đặt trong vòng quay luân lý xã hội và hoàn cảnh chính trị – lịch sử Trung Quốc vào chủ yếu nửa đầu thế kỉ 20.

Phim 'Bá Vương Biệt Cơ' Khi tình yêu cứa xót xa từng thớ thịt
Trương Quốc Vinh với màn hóa thân xuất sắc thành cả Trình Đắc Di lẫn Ngu Cơ.

Nội dung phim Bá Vương Biệt Cơ

Phim kể về hành trình của Trình Đắc Di và Đoàn Tiêu Lâu, kể từ ngày còn nhỏ, mới gia nhập gánh hát kinh kịch của một vị quan về hưu hà khắc, tới những ngày thành tài, nổi tiếng, đứng trước guồng quay dồn dập của xã hội, tình yêu và danh vọng thời bấy giờ.

Câu chuyện bắt đầu khi cậu bé Trình Đắc Di (tên khi ấy là Đức Chí) bị mẹ là một cô gái hoa lâu gửi vào gánh hát để học kinh kịch. Vì bàn tay Đức Chí bị thừa bẩm sinh một ngón, để được chấp nhận, bà đã ngay lập tức, chặt đi ngón tay của con trai mình. Đức Chí với bản tính lì lợm sẵn có, luôn vi phạm những quy luật hà khắc. Chỉ khi nhận ra sự cứng đầu của mình làm Sĩ Tứ bị phạt nặng – một người bạn nhỏ cùng trong gánh hát luôn đối xử tốt và bảo vệ mình, Đức Chí mới chịu khuất phục và phấn đấu hết mình để trở thành một nghệ sĩ kinh kịch.

Phim 'Bá Vương Biệt Cơ' Khi tình yêu cứa xót xa từng thớ thịt

Tuổi trẻ lớn lên dưới sự cự tuyệt của mẹ, khó khăn gian khổ luyện tập và đau xót nhất là bị xâm hại tình dục, những tưởng tương lai của Đức Chí sẽ tươi sáng khi trở thành nghệ sĩ kinh kịch nổi tiếng. Nhưng không, cuộc đời vẫn là một màn kịch buồn. Và bi kịch về tình yêu, thù hận, phản bội và kỳ vọng tan vỡ của Trình Đắc Di (Đức Chí) được miêu tả trong bối cảnh biến đổi chính trị – xã hội của Trung Quốc: từ những ngày quân Nhật đặt chân tới Bắc Kinh, quân Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch chiếm lại, và cuối cùng là việc Đảng Cộng sản đặt một nền cách mạng mới tại đây.

Phần lớn thời lượng và sự tập trung của bộ phim được dành cho những ngày trưởng thành, sau khi hai chàng trai thành danh, khi thế giới bên ngoài và cả nội tâm của nhân vật trở nên phức tạp hơn nhiều. Ấy là khi Trình Đắc Di ôm mối tình đơn phương mãnh liệt dành cho người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu. Là khi Đoàn Tiểu Lâu phải lòng một cô gái lầu xanh tên Diệu Linh khéo léo và đôi phần tinh ranh, mưu mẹo. Là khi Viên đại nhân phải lòng Trình Đắc Di và bất chấp lý trí để thế chỗ người họ Đoàn. Được đặt trong những biến chuyển lớn của vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ, nên số phận của những nhân vật trong phim Bá Vương Biệt Cơ cũng không thể tầm thường, mà dập dềnh trùng điệp, buộc họ phải đánh đổi để bảo vệ tình yêu, bản thân hoặc người khác.

Bá Vương Biệt Cơ – xót xa từ cái tên

Bá Vương biệt cơ là tên một vở kinh kịch cổ Bắc Kinh nổi tiếng với cốt truyện kể về Tây Sở Bá vương Hạ Vũ sau khi thua cuộc chiến chinh. Mất tất cả, đến mạng sống cũng nguy nan, ấy vậy mà ái thiếp của Bá Vương – Ngu Cơ để chứng minh sự trung thành, cho tình yêu son sắt đã vội tuốt lưỡi kiếm của Bá Vương để tự sát. Thành danh nhờ vở kịch này, Bá Vương Biệt Cơ vừa là giấc mộng đẹp, vừa là ám ảnh cả đời Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu. Là khởi nguồn, động lực và đáp án của bao tấn bi kịch.

Nhận xét về tình yêu của Trình Đắc Di trong Bá Vương Biệt Cơ xuất hiện nhiều luồng ý kiến. Nhiều người cho rằng không thể thiển cận áp đặt đây là “mối tình đồng tính”. Thực chất Trình Đắc Di yêu vai diễn Bá Vương chứ không phải Tiểu Lâu và tất cả chỉ là một sự ám ảnh, một giấc mộng hão huyền vào những điều toàn mỹ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều chi tiết rõ ràng để khẳng định tình yêu của Trình dành cho Tiểu Lâu là thật, yêu cả vai diễn lẫn người diễn viên.

Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu) và Trương Quốc Vinh (vai Trình Đắc Di)

Trương Phong Nghị (vai Đoàn Tiểu Lâu) và Trương Quốc Vinh (vai Trình Đắc Di)

Trước hết, điều ấy thể hiện ở sự đối lập giữa cuộc đời và nghiệp diễn của hai nhân vật. Sự trái ngược của vở kịch với cuộc đời khiến Trình Đắc Di day dứt và càng muốn ở bên người mình yêu bao nhiêu, thì chàng càng vô vọng và đau đớn bấy nhiêu.

Nếu như ở trong vở kịch nơi chàng và Bá Vương của mình đã diễn hàng trăm lần, hiểu từng cử chỉ, động tác, bước đi, nơi “nàng” và người mình yêu là định mệnh trời se, chẳng còn chút hoài nghi. Thì ở ngoài đời, khi những lớp trang điểm được lau đi, khi những bộ trang phục lóng lánh, rực rỡ bị thế chỗ bởi bộ y phục tầm thường thì chàng và người mình yêu chẳng là gì xa hơn là những người bạn tốt, những người đồng nghiệp. Hiện thực là mỗi người đi một đường.

Trong khi Đoàn Tiểu Lâu đam mê với những thú vui bên ngoài, những cô nàng ở thanh lâu, những tràng rượu tầm phào như một đấng phàm phu, thì Trình Đắc Di lại luôn yếu đuối chờ đợi, đau đáu vào thứ tình yêu vô vọng. Ấy cũng vì thế mà một lần sau buổi biểu diễn, Trình Đắc Di, dường như dự trước được điều không lành, đã dốc cạn lòng mình để thổ lộ trái tim, ước muốn ở bên chàng đời đời, kiếp kiếp, chỉ cần thiếu một giây thôi cũng chẳng thể là đủ. Ấy vậy là “Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình”. Những điều sâu thẳm tha thiết tận sâu đáy lòng sao chạm nổi tới người vô tâm. Để ý cảnh này, người ta càng nhận thấy rõ hơn tấm chân tình của Trình Đắc Di cho Sĩ Tứ. Anh nói ra lời ấy khi lớp trang điểm của Sĩ Tứ đã chẳng còn đậm đà, khi Trình hiểu rõ mình đang bộc bạch tình yêu dành cho ai. Chỉ có lớp trang điểm Ngu Cơ của Trình là đậm đà, như cố gắng níu kéo, cứu vớt lấy chút thân phận ái thiếp của vị Bá Vương.

Trình luôn là người giữ lớp trang điểm lâu hơn. Hẳn là vậy, vì luôn cố gắng níu kéo giấc mộng đẹp lâu hơn nữa. Cũng bởi sự trái khoáy, mâu thuẫn ấy mà khi nhận ra Đoàn Tiểu Lâu thành thân với người phụ nữ khác, Trình lao vào thuốc phiện, cũng là để kéo dài những giấc mơ, để xóa nhòa ranh giới giữa ảo và thật. Bởi sự thật cũng đâu có ý nghĩa gì, nếu chàng không thể ở bên cạnh người mình thương. Chỉ qua vở kịch, qua giấc mơ, qua những lần khói thuộc phiện, Trình mới được sống đúng với ước mơ của mình, mới được trở thành ái thiếp của Đoàn, của Bá Vương, mới được đường đường chính chính nâng khăn sửa túi cho chàng, được chăm sóc chàng từ những việc nhỏ nhất.

Một chi tiết nữa về lớp trang điểm trắng muốt, đẹp nhưng xót xa ấy là khi Trình hôn và có thể là còn làm tình với Viên đại nhân. Để chuộc lại thanh kiếm ngày nhỏ Sĩ Tứ buột miệng nói vui muốn có, Trình đã dấn thân vào mối quan hệ với Viên Đại nhân. Trong lớp trang điểm vẽ đậm của cả hai người, khi những danh giới về giới tính và cả cá tính con người biến mất, Trình chấp nhận để Viên Đại nhân đặt lên mình một nụ hôn, để khi ấy là Bá Vương hôn vị thê thiếp Ngu Cơ của mình. Hay đau đớn hơn, vào đêm động phòng của Đoàn với Diệu Linh, Trình được miêu tả là đã qua đêm với Viên Đại nhân. Một lần nữa, lại trong lớp trang điểm của Bá Vương và Ngu Cơ. Giấc mơ cứ kéo dài triền miên, Trình đủ tỉnh táo, hoặc không, để nhận ra người trước mặt mình là ai. Phải chăng Trình Đắc Di khi ấy đã bất chấp tất cả, hoặc lừa dối bản thân trong ánh nến mờ, trong hương rượu say, rằng người trước mắt không phải là Viên Đại nhân, mà là Sĩ Tứ – Bá Vương của đời mình.

Chi tiết khoác áo

Phim Bá Vương Biệt Cơ của Trần Khải Ca, cũng như những tác phẩm Trung Quốc xuất sắc khoảng thời gian ấy, luôn có cách truyền tải tình yêu thương, thể hiện nội tâm nhân vật qua những hành động nhỏ nhặt, xuyên suốt. Mà ở đây là chi tiết khoác áo cho người khác.

Xuyên suốt gần 3 tiếng của bộ phim, chi tiết khoác áo được lặp lại vài lần, bởi những người khác nhau. Lần đầu tiên là khi bỏ con trai lại gánh hát, người mẹ của Chí Đức đã tủi hổ khoác vội chiếc áo cho con rồi bỏ đi. Hành động ấy thể hiện cảm giác tội lỗi, xấu hổ, nhục nhã khi không thể làm tròn bổn phận chăm sóc con, là hành động chăm sóc yếu ớt, vô vọng cuối cùng mà bà có thể làm.

Lần thứ hai là khi Sĩ Tứ vì Chí Đức mà bị phạt, quỳ gối bê nước trong tiết trời mùa đông “nước tiểu cũng đóng thành băng”. Khi Sĩ Tứ trở về phòng, Chí Đức đã chạy đến và chùm chiếc áo lên cho anh. Mối quan hệ của hai người bừng nở từ ấy, cũng là dấu hiệu cho thấy Chí Đức cứng đầu, lì lợm đã bị sự hi sinh của Sĩ Tứ thuần phục.

Lần ba là khi Sĩ Tứ khoác áo cho Chí Đức sau khi cậu bé rời khỏi phòng của Trương Công Công. Mặc dù không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng Sĩ Tứ cũng nhận thấy có điều khác thường, hẳn có chút cảm giác tội lỗi, an ủi, thương cảm dành cho người bạn diễn, mà chắc cũng không ngờ, cuộc đời của hai người sẽ rẽ sang trang mới từ đó.

Tiếp đến là hai lần Diệu Linh khoác áo cho Trình Đắc Di. Một là khi cô cầu xin anh cứu chồng mình, kèm lời hứa sẽ không ở bên Đoàn Tiểu Lâu nữa, để trả anh về với Trình. Dường như với bản năng của một người phụ nữ, Diệu Linh hiểu được mối chân tình của Trình dành cho chồng mình.

Đối với cô, Trình dường như không chỉ là ân nhân, mà còn là người cùng chịu “kiếp chồng chung”. Ghen tức có, đố kỵ có, nhưng không thể không nhắc tới sự thấu cảm của cô gái thanh lâu lanh lợi này, dành cho người cũng yêu chồng mình thiết tha. Điều làm người ta day dứt ở đây chính là ở số phận của cô gái này cũng là gái làng chơi như mẹ Trình Đắc Di. Vì vậy, xúc động thay, khi chẳng phải ai khác mà chính là Diệu Linh là người ở bên cạnh Trình Đắc Di khi anh yếu lòng nhất, mê man khi cai nghiện thuốc phiện, bị trói tay đến mức lạnh toát, lại nhớ về ngày ấu thơ, khi thủ thỉ với mẹ rằng tay con lạnh mà chẳng được lời hồi đáp.

Diệu Linh lúc ấy đã ôm Trình vào lòng, như cách một người mẹ ôm đứa con thơ, vơ vội đám áo phục trang chùm lên cho Trình, hy vọng có thể bù đắp phần nào sự thiếu thốn hơi ấm và tình thương cho anh. Chi tiết khoác áo còn diễn ra vài lần, như khi Trình khoác bộ phục trang cho Đoàn, chấp nhận sự hèn nhát, phản bội của Đoàn.

Củng Lợi xuất sắc với vai diễn Diệu Linh, tạo cảm giác e ngại, hoài nghi ban đầu, nhưng sau cùng là thương cảm, xót xa

Củng Lợi xuất sắc với vai diễn Diệu Linh, tạo cảm giác e ngại, hoài nghi ban đầu, nhưng sau cùng là thương cảm, xót xa

Nhưng đau đớn nhất vẫn là hai lần cuối, vẫn là Diệu Linh khoác áo cho Trình. “Tại sao ái thiếp phải chết?” – Trình đã thốt ra như vậy khi nhận ra sự hy sinh của những người “phụ nữ” xung quanh Đoàn. Tại sao Ngu Cơ phải chết vì Bá Vương? Tại sao Trình phải hy sinh cho Đoàn? Tại sao Diệu Linh cũng phải chịu lấy bao thương đau? Ấy là bởi phụ nữ, kẻ yêu nhiều hơn luôn là kẻ thiệt thòi. Là bởi vì đối với những bậc bá vương như trong kinh kịch, nam tử hán như Đoàn thì thế giới của họ là tứ phương rộng lớn. Còn đối với những Diệu Linh, Trình Đắc Di thì thế giới của họ chỉ là phu quân, chỉ là vị bá vương của lòng mình thôi.

Một khi chẳng còn được chở che, yêu thương, hình tượng đại trượng phu của lòng mình cũng tan tành, giấc mơ vỡ vụn, thì liệu cuộc đời còn có ý nghĩa? Diệu Linh lanh lợi, thông minh, Trình Đắc Di sắc sảo, nồng nhiệt mà cố chấp, cuối cùng cũng chết thảm, khi những vết cứa của tình yêu khắc quá sâu da thịt. Bên cạnh thứ tình cảm yêu đương của hai nhân vật này dành cho Đoàn, thì tình cảm của họ dành cho nhau cũng đặc biệt khiến khán giả xúc động. Ấy là thứ tình cảm mẫu tử chắp vá ngắn ngủi của một người mẹ mất con với một người con mất mẹ, là sự cảm thông đến nao lòng của những người cùng “kiếp chồng chung”, yêu sai người, bị phản bội nhưng hy sinh cả đời vì người ấy.

Phim Bá Vương Biệt Cơ kết thúc thảm thương, bi kịch lồng trong bi kịch, khi người thì chết trong đau thương, còn kinh kịch thì hấp hối trong tương lai mờ ảo, vô định. Ngẫm nghĩ về số phận và cái chết của Trình, nhận ra rằng đây là điều khó thể tránh khỏi, dường như đã được định sẵn từ ngày chàng vào vai Ngu Cơ.

Trình chết vào một buổi diễn 11 năm sau Cải cách Văn hóa, bằng chính thanh gươm định mệnh đã đưa chàng tới với danh vọng và đẩy chàng xuống vực sâu, bên cạnh người chàng yêu mà cũng hận vô cùng. Chọn cái chết như vậy quả thật không thể ai khác ngoài Trình – người đau đáu và tâm huyết vô cùng với bộ môn kinh kịch truyền thống này, người cả đời ám ảnh sự duy mỹ và tình yêu tới cùng cực.

Điều đáng tiếc nhất ở Trình có lẽ là tình yêu quá lớn dành cho Đoàn, cho sự mê muội không lối thoát. Nhưng cũng không thể trách được Trình, bởi suy cho cùng, anh cũng chỉ là một kẻ đói khát vồ vập tìm tới tình thương, rồi ngấu nghiến tới mức bội thực trong nó. Cũng là bởi vì hai chữ “hạnh phúc” đối với Trình dường như khó kiếm tìm quá, mà anh chỉ tìm thấy nó qua tình thương của Đoàn dành cho mình, trong những giây phút thăng hoa trên sân khấu.

Bá Vương Biệt Cơ là một bộ phim tuyệt vời, đau đớn nhưng cũng vô cùng nhân văn về tình yêu, ước mơ và những kiếp người nhỏ bé trong bánh xe lịch sử. Khung cảnh Trung Quốc vừa chút hoài cổ, vừa mới mẻ, kết hợp cùng chất liệu kinh kịch truyền thống, tích cổ Trung hoa khiến người xem vừa choáng ngợp, ấn tượng, vừa thổn thức, tái tê với những xúc cảm dồn dập.

Để làm nên thành công này, chắc chắn ta không thể không nhắc tới dàn diễn viên tài năng Trương Quốc Vinh, Trương Phong Nghị, Củng Lợi, và đặc biệt là dàn diễn viên nhí rất xuất sắc đã đặt nền móng cho những cảm xúc mạnh mẽ ngay từ đầu phim.

Cốt truyện bi thương được kế thừa và phát triển từ nền văn học, văn hóa đồ sộ, kết hợp cùng nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc kinh kịch ấn tượng chắc chắn sẽ là dấu ấn khiến phim Bá Vương Biệt Cơ bất hủ với tư cách một tuyệt tác của thời đại, một tấn bi kịch của tình yêu.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN