Có sự đầu tư chỉn chu về mặt kĩ thuật hình ảnh, song Mười: Lời Nguyền Trở Lại vẫn còn đâu đó những lỗ hổng tương tự các dự án kinh dị Việt khác.
Mười: Lời Nguyền Trở Lại là tác phẩm đầu tay của nhà sản xuất – đạo diễn Hằng Trịnh lấy ý tưởng từ bộ phim kết hợp giữa Việt – Hàn là Mười được ra mắt vào năm 2007. Phim xoay quanh câu chuyện của hai cô bạn thân và mối liên hệ với lời nguyền Mười ở thời xa xưa, một lời nguyền từ một người phụ nữ bị đày đọa bởi sự ghen tuông mù quáng trong tình yêu. Nhìn chung, ý tưởng của phim không quá tệ nhưng cách triển khai kịch bản lại làm phim bị mất điểm bởi sự rối rắm và hời hợt.
Với tông màu xám xanh chủ đạo, Mười: Lời Nguyền Trở Lại đã mang lại một cảm giác u ám ngay từ khi bước vào cốt truyện chính, màu phim này có chút khác biệt so với các dự án khác. Với bối cảnh chính từ một ngôi biệt thự cổ giữa rừng cao su tại Đồng Nai, màu phim này tương đối phù hợp khi đẩy được đặc trưng của một khu rừng đầy hiểm nguy và có phần bí ẩn. Tuy nhiên, hợp lí với nhiều cảnh quay chính là thế, tông màu này lại bị lạm dụng cho những cảnh quay ở Sài Gòn, điều này làm nhiều khung cảnh bị mất đi tính thực tế của nó.
Về chất liệu kinh dị, phim làm tương đối tốt ở phần kĩ thuật hình ảnh như các phân cảnh máu me, xác chết, hồn ma và nhập hồn. Ngoài ra, góc quay cũng được đầu tư rất tốt cho toàn phim để có nhiều cảnh quay đủ ấn tượng và đem lại cảm giác hồi hộp cho khán giả. Jumpcare được sử dụng khá nhiều, tính sáng tạo kém nhưng đủ để làm người xem giật mình vì hầu hết cảnh phim là vào ban đêm.
Diễn xuất cũng là một điểm cộng khi dàn diễn viên khá tài năng và có kinh nghiệm, những phân đoạn thể hiện rõ tâm lí sợ hãi và xen kẽ giữa các bản tính khác nhau của một cá nhân khi bị thao túng tâm lí rất thuyết phục. Khách quan mà nói, dàn diễn viên gạo cội như Anh Thư, Bình Minh và Hồng Ánh diễn rất xuất thần và tròn vai. Chi Pu ở Chị Chị Em Em vẫn có nét diễn ấn tượng hơn trong đây, Thanh Vy thì với hình tượng hốc hác, tàn tạ rất phù hợp với vai diễn giúp cho yếu tố “body horror” thêm thuyết phục. Tuy nhiên, diễn xuất ổn là thế nhưng sự tương tác của các nhân vật chính lại chưa đủ ấn tượng, nó có phần khá hời hợt giữa mối quan hệ gọi là thân thiết lâu năm giữa Linh và Hằng.
Dù ở quá khứ hay ở hiện tại thì những hành động, biểu hiện của Linh và Hằng chưa đủ thuyết phục để nói rằng đây là một đôi bạn rất thân và có thể làm tổn thương nhau. Từ đó, việc gây dựng lên mâu thuẫn của hai cô gái này càng không có cơ sở khi động cơ dường như quá ấu trĩ, thiếu thuyết phục. Ở khía cạnh tình yêu cũng thế, một phần vì vai phụ Kiệt có vẻ không được chú trọng nên ta vẫn chưa nhận ra bất cứ thứ đẹp đẽ hay đáng si mê chàng trai ấy của hai cô gái.
Nhân vật Kiệt có gì nổi trội để Hằng yêu như chết đi sống lại, để khi Linh cướp đi người đàn ông ấy, cô đã ôm đầy thù hận? Hay sự ghen tị của Linh bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để dẫn tới việc cướp đi người yêu của bạn mình? Mọi thứ đều gượng gạo và chưa đủ thuyết phục.
Gượng gạo ở tam giác mối quan hệ là thế nên có lẽ điều này khiến cho động cơ hành động của các nhân vật càng không có sự hợp lí. Cách hành xử của các nhân vật rất vô định, chưa đủ sức thuyết phục để đẩy đến cao trào. Giá như phim có thể khai thác tâm lí nhân vật chính tốt hơn, xây dựng nhân vật có chiều sâu hơn thì mạch phim đã không hời hợt như thế. Không dừng lại ở đó, việc đưa một số nhân vật vào phim nhưng lại không đào sâu vào tính cách cũng như động cơ và chọn bỏ dở làm mạch phim càng trở nên rối rắm hơn để đến tận khi kết thúc, người viết vẫn còn rất nhiều dấu hỏi chấm to đùng trong đầu.
Một lối mòn của kinh dị Việt mà Mười: Lời Nguyền Trở Lại vẫn chọn bước theo đó là phần thoại, là một bộ phim được quay dựng giữa miền Nam thân thuộc thế nhưng thoại phim lại rất sượng, rất thiếu tự nhiên dẫn đến rất khó để đồng cảm với bất kì nhân vật nào dù là phản diện hay chính diện. Cao trào thì phim vẫn có, cũng có chút ấn tượng khi dồn dập mọi phân cảnh cho cú twist nhưng cái kết mang tính hàn gắn của phim lại chưa đủ thuyết phục và vẫn để lại nhiều thắc mắc.
Nói tóm lại, Mười: Lời Nguyền Trở Lại có sự tiến bộ hơn các dự án tương tự ở mặt hình ảnh khi được đầu tư khá chỉn chu nhưng điều đáng tiếc là từ trong trứng nước, thông điệp của phim đã không hề rõ ràng để rồi hết cả một bộ phim hơn 2 tiếng, người xem thực sự không biết cuối cùng đạo diễn đang muốn truyền tải điều gì?
Có thể đây là một mánh khóe để gây tranh cãi cho dư luận, cũng có thể đây là sự thiếu hụt trầm trọng về chất xám mà người ta đổ vào cho phim. Với tagline “Màn trừng trị tiểu tam thâm độc nhất”, phim đang hướng đối tượng là những ai? Để rồi khi triển khai, mọi thứ trong phim dường như đi ngược lại với tagline này? Đề cao tình bạn, dìm tiếng nói của phụ nữ, cổ xúy người thứ ba, cổ xúy thói đổ lỗi cho nạn nhân, rốt cuộc phim đang đi theo hướng nào? Hãy thử ra rạp để cho chính mình một câu trả lời phù hợp nhất nhé!
Theo: Moveek.com