Toy Story là thương hiệu phim hoạt hình đầu tiên và nổi tiếng nhất của hãng Pixar. Toy Story đem đến danh tiếng cũng như định hình phong cách đặc trưng cho các bộ phim hoạt hình sau này. Xuyên suốt 4 phần phim kéo dài từ 1995 đến 2019 Toy Story trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ thanh thiếu niên trên toàn thế giới đồng thời thu về hơn $2.5 tỷ cho hãng vì thế không lạ gì Disney tiếp tục cho ra mắt phần phụ truyện về Buzz Lightyear.

Thay vì tiếp tục làm về những món đồ chơi của cậu bé Andy thì các nhà biên kịch khá thông minh khi đưa nhân vật Buzz Lightyear vượt qua khỏi khuôn khổ cũ kỹ để kể cho khán giả câu chuyện về hành trình của cảnh sát vũ trụ Buzz trước khi món đồ chơi lấy cảm hứng từ chính câu chuyện đó đến tay Andy. Pixar luôn biết cách đưa những điều bình thường trở nên tuyệt vời thông qua kỹ xảo hoạt hình đỉnh cao, hòa quyện sự đơn giản trẻ thơ cùng tính triết lý để phù hợp với mọi đối tượng khán giả.

 

Poster phim Lightyear: Cảnh Sát Vũ Trụ

 

Dù vậy, với bản tính không bao giờ chịu đầu hàng số phận Buzz một lần nữa tiền hành thử nghiệm. Lần này, anh đã thành công nhưng kéo vào một chiến dịch nguy hiểm cùng chú mèo Sox (Peter Sohn) với 3 đồng đội mới Izzy Hawthorne (Keke Palmer), Darby Steel (Dale Soules), Mo Morrison (Taika Waititi) nhằm chuộc lại lỗi lầm bản thân, ngăn chặn Emperor Zurg (James Brolin) cùng binh đoàn robot đang bao vây khu định cư của loài người.

 

Buzz Lightyear (Chris Evans lồng tiếng) và Mèo Sox (Peter Sohn lồng tiếng)

 

Nhân vật được phát triển tốt nhất đương nhiên là Buzz. Ban đầu, anh là một người lính thích chiến đấu một mình, không tin tưởng vào những tân binh gà mờ, kiên định đến mức cố chấp, độc lập trong suy nghĩ nhưng khá độc đoán. Đến cuối phim, Buzz học được cách hợp tác cùng người khác dù họ có hậu đậu hay phiền nhiễu thế nào. Đây thật sự là điểm sáng nhất, bất cứ kịch bản nào làm người xem cảm nhận được sự thay đổi tích cực của nhân vật đều dễ dàng nhận được ấn tượng tốt. Các nhân vật phụ khác như chú mèo máy Sox, cô cháu gái Izzy của người bạn Alisa và hai kẻ trái tính trái nết Darby và Mo đều có những phút giây tỏa sáng trên phim. Từ một nhóm “cùi bắp” họ trở thành vệ binh mới của hành tinh, từ những khiếm khuyết họ tìm thấy điểm tốt ở nhau và gắn kết thành một gia đình nhỏ.

 

Các nhân vật khác gồm: Izzy Hawthorne (Keke Palmer), Darby Steel (Dale Soules), Mo Morrison (Taika Waititi)

 

Bộ phim cũng đặt ra khá nhiều suy nghiệm có tính triết học cho khán giả lớn tuổi. Không gì khó khăn hơn là việc vượt qua “tâm ma” của chính mình, dám buông bỏ dục vọng cá nhân vì những người khác, chấp nhận quá khứ để cải thiện mình tốt hơn mỗi ngày. Tất cả thông điệp đều được các nhà làm phim chuyển tải nhẹ nhàng và hóm hỉnh đến người xem. Điều này vừa là điểm mạnh cũng là điểm hạn chế của kịch bản. Vì cố truyền đạt quá nhiều thông điệp với thời lượng hạn chế buộc lòng đầy nhanh nhịp phim và đơn giản hóa các tình tiết, nó khiến người xem thấy bối rối vì “đầu voi đuôi chuột”. Điểm thứ hai là mô-típ phim được dùng quá nhiều lần trong các bộ phim khác của Pixar, nó tuy khiến phim tránh được nguy cơ flop nhưng cũng không tạo được sự đột phá về ý tưởng như Wall-E hay Up. Lightyear: Cảnh Sát Vũ Trụ có kịch bản tầm trung được bọc bên ngoài lớp áo tuyệt đẹp.

 

To infinity and beyond (Đến vô cực và xa hơn nữa) đem đến nhiều hoài niệm

 

“Lớp áo” chính là hình ảnh và âm nhạc. Đây là thế mạnh của Pixar và Disney nên không ngạc nhiên khi Lightyear: Cảnh Sát Vũ Trụ thật sự là một trong những phim hoạt hình có phần kỹ xảo hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất mà người viết từng được xem. Các nhà làm phim đã rất công phu trong tạo hình các bộ đồ du hành vũ trụ, chiến đấu cơ, vũ khí và robot chiến đấu, mọi thứ đều được trau chuốt tỉ mỉ, có sự khác biệt chứ không phải những biến thể copy-paste thường thấy ở các phim hoạt hình khác (nhằm tiết kiệm chi phí xử lý đồ họa). Nếu xem lại tạo hình của Buzz ở phần phim Toy Story 4 (2019) sẽ thấy rõ sự “nâng cấp” trong tạo hình của Buzz, mọi biểu cảm trên gương mặt đều cực kỳ chân thật và rõ nét. Các đại cảnh chiến đấu đến chi tiết trên từng cỗ máy đều được đầu tư nghiêm túc nên đem đến trải nghiệm thị giác choáng ngợp, khuyên mọi người nên xem ở định dạng Imax hoặc 3D/4D để tận hưởng hết vẻ đẹp của phim.

Dù câu chuyện không liên quan gì đến Toy Story nhưng câu khẩu hiệu “To infinity and beyond” (Đến vô cực và xa hơn nữa) sẽ mang đến sự hoài niệm không hề nhỏ, nhà sản xuất cũng tinh ý lồng một số đoạn nhạc nền của Toy Story tạo cảm giác tuổi thơ ùa về. Phần âm nhạc được sử dụng phù hợp nhằm tương hỗ nâng tầm cảm xúc cho khán giả. Nếu xét riêng về mặt hình ảnh và hiệu ứng âm thanh, âm nhạc thì quả thật Lightyear: Cảnh Sát Vũ Trụ là một lựa chọn tuyệt vời.

Lightyear: Cảnh Sát Vũ Trụ vẫn giữ được phong độ tốt của một tác phẩm đến từ xưởng Pixar danh tiếng, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả và đem đến những phút giây giải trí thú vị. Dù chưa thoát khỏi công thức quen thuộc và không nhiều đột phá về ý tưởng nhưng dù sao đây cũng là bộ phim có chất lượng khá ổn của Pixar sau vài năm có phần “loạng choạng”.

Nguồn ảnh: IMDb