Có thể kể ra đây một số công thức thường thấy trong các phim ăn khách và thành công của Hollywood: dựa trên một tác phẩm tiểu thuyết hoặc truyện tranh nổi tiếng, có các cảnh kỹ xảo cháy nổ hoành tráng, có các cảnh tình cảm nóng bỏng… Riêng phim “The curious case of Benjamin Button” ra đời với mô típ hiếm hoi ít gặp trong điện ảnh cùng kịch bản sâu sắc, lối quay phim lôi cuốn đã chứng minh được rằng một bộ phim không cần tí nào trong các công thức trên cũng có thể đọng lại trong lòng người xem những bài học quý giá về cuộc sống và con người.
Phim The curious case of Benjamin Button dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn F. Scott Fitzgerald ra đời năm 1921. Mặc dù bộ phim giữ nguyên tên của truyện nhưng thực ra phim chỉ mượn ý tưởng chính, ngoài ra rất nhiều tình tiết nội dung khác đã được thay đổi hoàn toàn so với bản truyện.
Nội dung phim The curious case of Benjamin Button
Phim xoay quanh một người tên Benjamin lúc vừa lọt lòng mẹ đã mang dáng vóc của một cụ ông hơn 80 tuổi nhưng ngày qua ngày, anh lội ngược dòng thời gian để trở thành một đứa trẻ khi tuổi tác đã đến ngưỡng chiều tàn.
Cuộc đời kì lạ của Benjamin Button trải dài trong mắt người xem qua lời kể chuyện của Caroline (Julia Ormond) bắt nguồn từ quyển nhật ký chứa đầy bưu thiếp và hình ảnh của Benjamin Button theo lời yêu cầu của người mẹ già Daisy (Cate Blanchett) đang tiến dần đến bước lâm chung. Một cuộc đời ly kỳ, ngoạn mục và có một không hai dưới cái nhìn của Benjamin bắt đầu ngay khi anh vừa mới lọt lòng…
Ngày 18-11-1918, tại một gia đình giàu có, một bé trai được sinh ra trong hình hài nhăn nheo xấu xí già khọm của một cụ ông 86 tuổi. Kinh hãi trước vẻ bề ngoài dị hợm và đau buồn vì người mẹ của cậu bé qua đời ngay sau khi lâm bồn, người cha mang cậu bỏ rơi trước cổng một viện dưỡng lão. Cậu được một người phục vụ da đen nơi đó nhận làm con nuôi và đem đến cho cậu tất cả những tình thương mà một người mẹ có thể dành được cho người con của mình. Chỉ mới vài tuổi đầu, bề ngoài của Benjamin hòa nhập với tất cả những người xung quanh. Viện dưỡng lão , nơi không ai xa lạ gì với cái chết, dường như là chốn thích hợp để Benjamin bắt đầu một cuộc đời khi cậu có tình thương của mẹ và không phải chịu sự ghẻ lạnh từ xung quanh.
Năm lên 12 trong ngoại hình 70 tuổi, Benjamin làm quen với Daisy, một cô bé cùng tuổi nhưng, đương nhiên, trẻ hơn rất nhiều so với Benjamin. Mối tình cảm lạ lùng của hai người phát sinh từ đây khi Daisy không hề tìm thấy trong Benjamin sự già cỗi khô khan mà trái lại, trong ánh mắt tò mò nhạy cảm của một cô bé 12 tuổi, Benjamin mang đầy sự ly kỳ khác lạ.
Tình yêu và nghịch lý
Những cuộc phiêu lưu để đời của Benjamin bắt đầu khi anh từ giã viện dưỡng lão để làm việc cho một tàu kéo, mở màn cho một loạt những “lần đầu tiên” mà Benjamin được nếm trải: lần đầu tiên biết đến mùi vị đàn bà, lần đầu tiên uống rượu, lần đầu tiên biết được thế nào là yêu và được yêu khi anh gặp Elizabeth Abbott (Tilda Swinton)… Thế chiến thứ hai nổ ra, cả đoàn tàu kéo của Benjamin thiệt mạng, trừ anh. Lần đầu tiên được chứng kiến những cái chết không phải đến do tự nhiên, quan niệm về sống-chết thay đổi trong Benjamin, anh quyết định quay trở lại viện dưỡng lão, nơi mà theo anh, cái chết thật nhẹ nhàng và tự nhiên làm sao.
Tại đây, anh gặp lại Daisy để rồi yêu say đắm với một mối tình vượt qua cách trở của thời gian. Tất cả các cảnh lãng mạn của bộ phim tập trung tại đây, khi Benjamin và Daisy như hai con người đi từ hai đầu trái ngược của một con đường, gặp nhau ở chính giữa đường lúc Benjamin đạt được hình hài của người đàn ông trưởng thành viên mãn còn Daisy cũng đến lúc chín muồi của người phụ nữ. Họ say đắm bên nhau với tất cả thời gian mà họ có để rồi lại tiếp tục đi theo sự trớ trêu của tại hoá, về hai phía cuối đường trái ngược nhau, mang theo trong lòng nỗi tiếc nuối và buồn bã suốt cả cuộc đời.
Có thể thấy rằng The curious case of Benjamin Button rất khác biệt với các phim khác của đạo diễn David Fincher, chẳng hạn như Se7en, Fight Club, Zodiac hay Panic Room… Bộ phim giống như một cuộc hành trình đi tìm giá trị và ý nghĩa của sống và chết cùng tất cả những gì xảy ra giữa hai thái cực của cuộc đời đó. Nhờ đó mà phim trở nên sâu sắc và đầy ý nghĩa, xoay quanh những mối quan hệ trong cuộc đời của một con người, những hành trình cuộc sống khi con người ngày một thêm tuổi tác, những mất mát đau thương và biết đứng dậy sau những đau thương đó. Và trên hết, thông điệp sâu sắc nhất của bộ phim chính là phải biết nắm lấy tất cả những cơ hội mà cuộc đời ban tặng cho một con người.
Ý tưởng về một con người sinh ra trong già cỗi và chết đi như một đứa trẻ con của F. Scott Fitzgerald xuất thân từ một câu hỏi của nhà văn Mark Twain: Tại sao những giai đoạn tươi đẹp nhất của cuộc đời lại bắt nguồn từ lúc xuất phát và những giai đọan đau buồn lại đến vào lúc sau cùng? Tại sao tuổi trẻ tồn tại khi suy nghĩ và nhận thức của con người chưa được hoàn thiện và đến khi con người đã chín muồi về suy nghĩ, thành đạt trong công việc, hạnh phúc với người thân thì lại phải chuẩn bị nghĩ đến cái chết? “The curious case of Benjamin Button” đã minh chứng được rằng, con người được sinh ra và lớn lên theo đà phát triển của tự nhiên và tạo hoá, được trau dồi theo thời gian, được thêm nét hằn của tuổi tác trên khuôn mặt, được già đi cùng với người mà mình thương yêu… chính là điều tốt đẹp nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho con người.
The curious case of Benjamin Button là một bộ phim đẹp, đẹp cả từ nội dung cho đến phần kỹ xảo. Mỗi khung hình là một ví dụ cho thấy sự chăm chút đến từng chi tiết của đoàn làm phim. Nước phim ấm, hơi đục mờ như ký ức xa xưa của một con người qua lời tự truyện. Phim mở màn bằng cảnh Cate Blanchet trong hình hài của một bà cụ gần đất xa trời với lớp hoá trang đạt và ấn tượng tới nỗi có thể nói đây là một trong những cảnh hoá trang già giống nhất trong các phim thời điểm đó. Camera lia sát mặt Cate Blanchet, cho thấy rõ các nếp nhăn chi chít trên mặt mà nếu không biết, người xem chắc chắn sẽ nghĩ đây là một cụ bà thật sự.
Tuy nhiên, nghệ thuật hoá trang cộng với kỹ xảo tài tình cho nhân vật Benjamin mới là thứ làm cho người xem kinh ngạc. Nhiều diễn viên đóng thế với chiều cao cân nặng khác nhau đã được huy động để vào vai Benjamin trong khoảng thời gian kéo dài suốt 80 năm. Khuôn mặt của Brad Pitt được hoá trang và sau đó nhà làm phim dùng kỹ xảo ghép phần đầu này vào thân của các diễn viên đóng thế. Các cơ biểu cảm trên mặt anh cũng được ghi lại khi anh đọc lời thoại và ghép chung vào khuôn mặt đã được hoá trang, cho ra kết quả một Benjamin từ lúc lọt lòng đến lúc dậy thì cực kỳ thuyết phục.
Đến gần cuối phim, khi Benjamin khoác lên hình hài của một thanh niên 20, người xem lại có dịp chiêm ngưỡng lại một Brad Pitt của “Thelma and Louise” 17 năm trước đây, để sững sờ và để thấy rằng, với khoa học kỹ thuật như ngày nay, con người chỉ cần lòng đam mê cao độ thì gần như không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều mà thôi.
Đánh giá The curious case of Benjamin Button là một tác phẩm điện ảnh khiến bạn thỏa mãn tất cả các giác quan, mang đến một trải nghiệm điện ảnh thú vị với những suy niệm về cuộc sống.