Thứ Ba, Tháng Tư 1, 2025
Trang chủGAMEKhám Phá & Trải NghiệmNhững tựa game cực hay nên chơi trong lúc đợi RE: Village

Những tựa game cực hay nên chơi trong lúc đợi RE: Village

Resident Evil (còn được biết đến dưới tên gọi Biohazard tại thị trường Nhật Bản) là một trong những series game kinh dị nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp game đương đại với sức ảnh hưởng rộng rãi. Cho đến tháng năm 2009, siêu phẩm kinh dị này của Capcom đã được tiêu thụ trên 40 triệu bản. Với gameplay pha trộn giữa yếu tố kinh dị, giải đố và những phân cảnh hành động đậm chất điện ảnh, hầu hết các phiên bản của dòng game Resident Evil đều giành được điểm số khá và xuất sắc, trong đó, Resident Evil 2 và Resident Evil 4 là 2 phiên bản sở hữu nhiều danh hiệu Game của năm theo bình chọn của nhiều trang thông tin điện tử về game.

Nối tiếp thành công trong quá khứ, Capcom tiếp tục ra mắt phần game thứ 8 của series 25 tuổi này với cái tên Resident Evil 8: Village. Câu chuyện trong RE 8 sẽ diễn ra sau sự kiện kinh hoàng của Ethan từ phần 7 nhưng ở bối cảnh Đông Âu phủ đầy tuyết trắng. Game đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý rất đông đảo của cộng đồng game thủ với đoạn trailer gameplay rất hứa hẹn cùng những pha hù dọa đã làm nên tên tuổi của phần 7. 

Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, chúng ta sẽ còn tận 3 tháng phải chờ đợi siêu phẩm tiếp theo của Capcom này phát nổ, vì vậy hãy cùng điểm qua những series mà anh em có thể “lót dạ” trong lúc đợi RE 8 nhé!

Series Resident Evil (Đặc biệt là RE 7)

Mở đầu cho danh sách lần này, không ai khác, chính là phiên bản tiền nhiệm của RE 8 sắp tới đây RE 7. Resident Evil 7 dẫn dắt bạn trong vai trò của Ethan Winters, nhân vật chính đáng thương trên đường tìm lại người vợ mất tích của mình và bị kéo đến khu vực Louisiana. Tại đây, anh chứng kiến những sự kiện kinh hoàng, sau đó lại bị bắt cóc và tra tấn bởi một gia đình sát nhân ăn thịt người, tự xưng là nhà Bakers. Được dẫn dắt khéo léo đầy uyển chuyển, cốt truyện của RE 7 tuy hoàn toàn độc lập nhưng lại vẫn mang hơi thở của toàn bộ dòng game, khiến ta cảm thấy như đang trở lại những ngày đầu tiên khi đại dịch zombie vừa bùng phát. 

Các yếu tố được lồng ghép tài tình khiến các fan gạo cội sẽ ồ lên thích thú khi nhìn thấy câu chuyện tưởng chừng rời rạc này lại gắn kết mật thiết cùng thế giới RE quen thuộc trước đây như thế nào, nhưng cũng không khiến người mới bỡ ngỡ và choáng ngợp trước quá nhiều thông tin lạ lẫm. Sẽ có rất nhiều những “âm vang” của các phần trước được mang vào phần này. Dulvey, Louisiana không phải là Raccoon City, nhưng cũng giống như phần đầu tiên, RE 7 lấy bối cảnh xoay quanh một căn nhà duy nhất. Phần lớn thời gian mở đầu game được dành cho người chơi quanh quẩn trong căn nhà của gia đình Bakers, không chỉ đơn giản là khám phá mà để người chơi ghi nhớ rõ mọi ngóc ngách đường đi nước bước tại đây. Điều này vô cùng quan trọng và hữu ích để giúp bạn có thể lẩn trốn hoặc bỏ chạy an toàn một cách nhanh nhất.

Việc sử dụng góc nhìn người thứ nhất thực sự đem nỗi sợ trong RE 7 lên một tầm cao mới. Kể từ phần đầu tiên cho tới nay, có thể nói không phần nào lại khiến người chơi vừa hoảng sợ vừa tuyệt vọng nhiều đến thế. Trong vai Ethan, một người bình thường, không phải là cảnh sát hay đặc công được trang bị vũ khí, huấn luyện chiến đấu đầy đủ, bạn phần lớn sẽ thấy mình phải trốn chạy như điên nếu không muốn bị giết theo cách man rợ nhất. Vẫn sẽ có vũ khí và đạn dược, nhưng chúng vô cùng ít ỏi nên hãy cố gắng tiết kiệm hết mức để khi thực sự hiểm nghèo bạn vẫn có thể chống chọi. Tương tự, các dược thảo chữa trị cũng không hề hào phóng cho người chơi chút nào.

Phương thức đối kháng của RE 7 có thể xem là khá tiêu chuẩn của dòng Resident Evil, khi mà người chơi sẽ bị hạn chế nhiều, những trận đấu cấp độ khó cao chứ không còn dễ dàng như phần 4 hay phần 6. Nhiều luồng ý kiến cho rằng việc chuyển sang góc nhìn người thứ nhất khi giao chiến làm mất đi cảm giác của dòng game, nhưng không, việc này chính xác đã đem RE 7 trở lại với nguyên bản nhất trong suốt hơn thập kỉ qua. Thêm vào đó, trong khi góc nhìn người thứ ba giúp người chơi có cái nhìn tổng quan cục diện thì góc nhìn người thứ nhất hạn chế đi rất nhiều góc độ quan sát của người chơi. Nó khiến nhịp độ của game dường như chững lại, người chơi phải thận trọng hơn trong từng bước đi, từ đó làm sự căng thẳng hồi hộp càng cao hơn. Liệu ở góc tối phía trước có kẻ thù nào đang lẩn khuất? Hay đằng sau bạn chúng đang tới gần? Không một phút giây nào trái tim của người chơi được phép thư giãn.

The Evil Within 2

The Evil Within 2 là hậu bản tiếp theo của trò chơi cùng tên được phát hành lần đầu vào năm 2014. Với điểm đánh giá khá cao, The Evil Within được xếp vào top những tựa game kinh dị đáng chơi nhất trong thập kỷ qua. Với thành công của người tiền nhiệm, trò chơi này cũng đã kết thừa được nhiều tinh hoa và làm người hâm mộ không phải thất vọng. Tiếp nối thành công của phần 1 nhưng The Evil Within 2 không đi theo hướng giải thích các bí ẩn còn dang dở ở The Evil Within, mà sẽ xoay quanh câu chuyện của Sebastian và hành trình giải cứu đứa con gái Lily bị mắc kẹt trong STEM.

Ba năm sau sự kiện của The Evil Withtin, Sebastian Castellanos rời khỏi sở cảnh sát thành phố Krimson, bị ám ảnh bởi cái chết của con gái Lily Castellanos yêu quý trong cơn hỏa hoạn, vợ anh, Myra, không chấp nhận việc đó nên bỏ đi, cùng với những trải nghiệm tại Bệnh viện tâm thần Beacon, Sebastian dần dần thành một tay nghiện rượu. Trong một cơn ác mộng, gợi lại kí ức của vụ cháy kinh hoàng năm xưa, Sebastian chạy về kịp nhưng khi chạm tới thì đứa con gái lập tức bị thiêu rụi. Anh thảng thốt, tỉnh lại trong quán rượu, và bắt gặp gương mặt thân quen của Juli Kidman. Cô ta cho hay không như những gì anh lầm tưởng bấy lâu, con gái anh vẫn còn sống, con bé hiện đang ở chỗ MOBIUS và đang gặp nguy hiểm. Sebastian nổi điên buộc Kidman phải đánh thuốc mê anh ta và mang về MOBIUS.

Tại đây anh chính mắt chứng kiến con gái mình đang bị kết nối vào STEM với vai trò Não Chủ (CORE). Sebastian gặp người đứng đầu MOBIUS tên là Administrator, tiếp tục giải thích rằng Lily đã được sử dụng làm Core cho một hệ thống STEM mới để mô phỏng một thị trấn Mỹ bình dị được gọi là Union. 

Ấn tượng trước tiên khi vừa vào là đồ họa của game đã được nâng cấp rõ rệt. Mở màn bằng đoạn phim kí ức về vụ cháy nhiều năm trước từng cướp đi đứa con gái Lily, chất lượng của cutscene cực kì ấn tượng. Ánh sáng của lửa và độ tương phản đều được thể hiện rõ rệt, chuyển động của môi trường cũng vô cùng mãn nhãn. Về bề mặt vật chất thì xem chừng các tạo hình vẫn hơi mượt mà quá mức, nhất là với nhân vật, dễ tạo cảm giác tượng sáp. Bù lại biểu cảm gương mặt được cải thiện chân thực, chắc chắn không ai có thể cưỡng lại khuôn mặt thiên thần đẫm nước mắt của Lily khi nhìn cha mình.

Điểm sáng tiếp theo chắc phải kể đến bọn phản diện.Trong phân đoạn đầu nổi trội nhất chúng ta sẽ gặp tay nhiếp ảnh Stephano và những tạo vật nghệ thuật chết chóc của hắn. Phải thừa nhận, dù biết rằng những tư tưởng cái đẹp của gã là biến thái nhưng anh em vẫn phải trầm trồ vì nó thực sự đẹp. Hay ít ra tui cảm nhận được chất nghệ thuật đó, cảm giác không khác gì khi nhìn những hiện trường án của Hannibal Lecter.

The Evil Within 2 không hẳn là một game thế giới mở, nhưng nếu so với phần 1 và cả một số game kinh dị khác cùng thể loại, rõ ràng lần này Bethesda đã dem tới một trải nghiệm rộng lớn hơn hẳn. Không còn bị bó buộc trong những đường hầm tối tăm, một căn nhà ma ám hay bệnh viện bỏ hoang, Sebastian sẽ phải đối mặt với cả một thế giới đầy rẫy những sinh vật bị biến đổi lẫn các nạn nhân đang kêu cứu. Từng ngóc ngách đều hứa hẹn nhiều cuộc trạm chán kẻ thù đầy ngẫu nhiên hay manh mối lẫn nhiệm vụ. Chính vì thế, người chơi tùy theo tính cách và sở thích mà có thể lựa chọn cách để trải nghiệm The Evil Within.

Series The Last Of Us

Bây giờ chúng ta đã bước sang một thập kỷ mới, cũng là lúc chúng ta nhìn lại những tựa game đã khuynh đảo cả thế giới trong suốt 10 năm qua. Trang web đánh giá nổi tiếng Metacritic gần đây đã tiến hành cuộc thăm dò ý kiến ​​người dùng về các tựa game hay nhất năm 2019 cũng như tựa game hay nhất thập kỷ vừa qua. Kết quả sẽ gây ngạc nhiên cho số ít game thủ, tựa game hay nhất thập kỷ qua không ai khác chính là The Last of Us năm 2013.

The Last of Us là một tựa game thuộc thể loại hành động – sinh tồn – kinh dị , được phát triển bởi hãng Naughty Dog game được phát hành vào ngày 14/6/2013, sau khi được phát hành game đã nhận được hàng tá giải thưởng tại E3 2013. Cùng những đánh giá trên cả tuyệt vời từ các website uy tín, The The Last of Us đã khiến cho biết bao nhiêu con tim phải khắc khoải mong chờ đến ngày game ra mắt. Cuối cùng, khi chính thức đặt chân vào thế giới của game, chỉ có thể nói rằng: “The Last of Us không chỉ là một trong những đỉnh cao của thể loại game hành động mà còn là tựa game hành động hay nhất vì nó quá tuyệt so với những gì chúng ta đã chờ đợi”.

Sự sụp đổ của một nền văn minh sẽ đưa chúng ta trở về thời kì hỗn loại, của hàng ngàn năm về trước khi những định nghĩa cơ bản về con người : như thế nào là đạo đức và ranh giới của nó. Sẽ không còn những tên trộm cướp , giết người hay những tên tội phạm nữa. Lúc này ai ai cũng phải trộm cắp giết người hay làm bất cứ điều gì để tồn tại. con người lúc này như một bầy chó hoang đánh dấu lãnh thổ cho riêng mình và sẵn sàng giết chết bất cứ kẻ nào xâm phạm đến lãnh thổ của mình. Trong một cuộc sống đầy rẫy chết chóc, tàn bạo và đau khổ. Không có điều gì là chắc chắn là bạn sẽ sống sót đến ngày mai, chỉ có kẻ mạnh mới là kẻ được sống, còn những kẻ luôn tôn trọng đạo đức thì chỉ có đường chết mà thôi, nên bạn chỉ có hai lựa chọn đó là đấu tranh hay là chết ?

Câu chuyện của The Last of US xoay quanh một người đàn ông có tên là Joel, vào một đêm nọ, khu trung tâm thành phố Texas nơi Joel sống bị tấn công bởi một đại dịch zombie khủng khiếp. Nó lây chuyền với tốc độ nhanh chóng mặt và không thể ngăn chặn được. Virut càn quét qua các thành phố lớn lớn, quân đội chính phủ đã dùng rất nhiều những phương tiện máy móc hiện đại nhưng không thể làm gì hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan chóng mặt này. Joel chỉ là một người đàn ông bình thường sống cùng với cô con gái Sarah, Joel là một người cha rất mực yêu thương con gái mình và mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi cho đến cái đêm định mệnh ấy, khi đang trên đường thoát khỏi thành phố cùng bố mình ,Sarah bị một tên sĩ quan quân đội bắn chết Joel đã vô cùng đau đớn vì cái chết của con gái mình.

Thời gian thay đổi và Joel cũng phải thay đổi để tồn tại trong một thế giới bị quân đội chính phủ , quân phiến loạn và những con quái vật đe dọa cuộc sống của mình. Nên Joel phải tự học cách làm cho bản thân trở lên mạnh mẽ hơn để có thể sống sót trong một thế giới chỉ có chỗ đứng cho kẻ mạnh. Khi ở trại tị nạn anh quen với một người phụ nữ có tên là Tess – một người phụ nữ sống sót qua đại dịch, cả hai trở lên nổi tiếng trong thế giới ngầm với hàng loạt những vụ buôn lậu chợ đen cùng sự tàn nhẫn của họ. Tronh một lần Joel cùng Tess truy đuổi Robert – một tên buôn lậu vũ khí , thì vô tình anh và Tess đã gặp được Ellie – một cô bé 14 tuổi, anh và Tess dẫn cô bé ra khỏi thành phố, theo lời hứa với mẹ nuôi của Ellie, mẹ cô bé là một thành viên của Fireflies là một nhóm kháng chiến chống lại chính phủ. Tất cả sẽ phải đối mặt với những hiểm nguy phía trước. Không biết chắc rằng ngày mai mình còn được sống nữa hay không, khi chết chóc ở khắp mọi nơi.

Phần kết của The Last of Us vốn đa trọn vẹn và hoàn toàn có thể dừng lại ở đó. Nhưng một lần nữa, câu chuyện sẽ được viết tiếp với The Last Of Us Part 2. Tiếp nối đoạn kết ở phần đầu tiên, The Last Of Us Part 2 kể về những câu chuyện diễn ra sau đó 5 năm, lúc này Ellie cùng Joel đã định cư tại Jackson. Mọi thứ đều thật yên bình và tốt đẹp cho đến khi một biến cố lớn xảy đến khiến Ellie buộc phải đi tới Seattle.

The Last Of Us phần đầu tiên được khen ngợi ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng sẽ có nhiều người đồng tình rằng, gameplay không nằm trong số đó. The Last Of Us Part 2 giữ lại đa số những tính năng của người tiền nhiệm và cải tiến chúng. Điểm khác biệt rõ nét là phần chơi mới có quy mô màn chơi rộng lớn hơn, hệ thống chiến đấu thiên về hành động lén lút nhiều hơn. Lối kể chuyện cũng có sự thay đổi lớn. Thay vì chỉ tập trung vào hai nhân vật chính trước đây, người chơi sẽ được “mở rộng tầm mắt” với tuyến truyện về nhiều nhân vật phụ hơn. Naughty Dog có ý đồ của họ khi chọn hướng kể chuyện này, nhưng tôi lại không nằm trong số những người chơi ủng hộ điều đó.

Hệ thống chiến đấu cũng có vài điều đáng nói. Một trong số đó là nó không tạo cho tôi cảm giác thỏa mãn trong những pha hành động lén lút vì thiết kế chưa tới. Trong khi các tựa game thuộc thể loại này thường trao cho bạn cơ hội làm mồi nhử kẻ thù để dễ ra tay thì The Last of Us Part II hoàn toàn không có. Đây là điều khá khó chịu khi hệ thống chiến đấu của trò chơi tập trung nhiều vào yếu tố này do đạn dược hạn chế hơn nhiều so với The Last of Us. 

Cũng phải thừa nhận rằng, cốt truyện trong phần game này sẽ gây tranh cãi rất lớn. Bạn sẽ yêu nó, bạn sẽ ghét nó nhưng gần như tất cả mọi thứ của The Last of Us Part 2 đều được chăm chút vô cùng kĩ lưỡng. Cơ chế vật lý được cải thiện đáng kể, kèm theo đó là hệ thống combat cực kỳ đa dạng, cùng với đó là cả một nền đồ họa cực kỳ sống động và xuất sắc, sẽ không ngoa chút nào khi nói, The Last of Us II đã tốt hơn rất nhiều người anh đi trước của mình.

P.T

Nếu bạn là một game thủ yêu thích và quan tâm đến dòng game kinh dị thì chắc chắn bạn sẽ biết đến cái tên P.T – một sản phẩm game kinh dị đỉnh cao do chính bậc thầy “xoắn não” Hideo Kojima thực hiện. Tuy nhiên, sau sự kiện gây chấn động lịch sử làng game – Hideo Kojima bất ngờ rời khỏi Konami, thì nhà phát hành Nhật Bản đã gỡ bỏ tựa game kinh dị P.T ra khỏi PlayStation Store khiến cộng đồng game thủ cảm thấy vô cùng hụt hẫng trước bi kịch và sự ra đi của tựa game kinh dị này. Mãi đến đầu năm 2018, một nhà phát triển độc lập mới tự thực hiện một bản port của P.T lên PC. Đây là cơ hội cho rất nhiều game thủ, những người đã không thể trải nghiệm phiên bản gốc trước đó.

Với việc hợp tác cùng Guillermo del Toro, cùng tác giả truyện tranh kinh dị nổi tiếng Junji Ito, Kojima quyết tâm tạo ra một tựa game kinh dị đáng sợ tới mức khiến người chơi “đóng bỉm”. Ông không nói giỡn. Bản thân P.T. giống như một màn tra tấn tâm lý không có hồi kết. Nó giả vờ tạo ra cảm giác an toàn cho người chơi, với đoạn hành lang cứ lặp đi lặp lại. Anh em đã từng chơi Silent Hill, nhất là phiên bản Silent Hill 2 hẳn đã biết khái niệm về thế giới song song ẩn nấp qua tác phẩm, một căn ngục, một tòa án lương tâm không có lối thoát với những kẻ từng gây tội. Chính cái thế giới song song này của Silent Hill cho phép người chơi suy nghĩ về những tội lỗi mà nhân vật chính từng gây ra. Những con quái vật mannequin hay y tá quỷ dữ mô tả ham muốn của con người, trong khi con quái vật Pyramid Head với cây đao khổng lồ lại được hình thành từ chính sự hối hận trong lương tâm của những kẻ lạc vào thế giới kinh hoàng, cho dù sự hối hận đó có bị chôn vùi sâu đến đâu đi chăng nữa.

Tương tự như vậy với những đoạn hành lang không hồi kết của P.T. Căn nhà quỷ ám chính là thứ đắt giá nhất trong toàn bộ đoạn demo. Nó vừa khiến người chơi cảm thấy e dè với không gian thiếu ánh sáng, nhưng đi lại nhiều lượt, người chơi sẽ bắt đầu có cảm giác an toàn hơn khi mọi thứ trở nên quen thuộc. P.T. có thể được chia thành hai nửa. Nửa đầu tiên, trò chơi xâm nhập vào tâm trí người chơi, tạo ra cảm giác an toàn giả tạo. Chỉ đến khi người chơi không còn cảm thấy dè dặt và cẩn trọng trong từng bước chân, sự kinh hoàng của P.T. mới được bộc lộ hoàn toàn.

Vừa tạo ra sự thân quen trong môi trường, nhưng chính đoạn hành lang của P.T. lại là thứ kết nối với “sự kinh hoàng không hồi kết” của game. Nửa sau của P.T., mọi thứ đều vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người chơi. Một trong những cách hoàn hảo nhất để khiến người chơi sợ hãi trong game kinh dị, đó chính là lấy đi cảm giác an toàn của một người ngồi trước màn hình, biết tất cả những gì diễn ra trong game đều chỉ là tác phẩm của sự hư cấu, không có gì là có thật cả. Và thế là, thay vì dồn dập những pha jump scare nhảy bổ vào màn hình người chơi, đoạn hành lang của game vừa khiến anh em lo sợ, nhưng vừa tạo ra cảm giác tò mò muốn tiếp tục khám phá những gì diễn ra kế tiếp. Đó chính là cái cách P.T. lấy đi sự tự tin của người chơi khi khám phá căn nhà.

Cái hay của P.T. chính là, bản demo này vứt bỏ hết những thứ bị coi là rập khuôn sáo rỗng của một game kinh dị điển hình. Lấy ví dụ những game khác, anh em sẽ đi tìm những món đồ cho phép anh em sinh tồn, hạ gục vài con quái vật, điểm xuyết vài pha jumpscare, chạy khỏi quái vật, vân vân và mây mây… Nhưng trong P.T., anh em ngay lập tức bị đẩy vào trò chơi mà chẳng biết chuyện gì xảy ra. Nhân vật chính là ai? Tại sao lại bị mắc kẹt ở đây? Làm thế nào để thoát khỏi đây? Không có một câu trả lời nào hết. Môi trường game điên loạn tới mức tối đa. Đèn tự tắt, những cánh cửa tự mở ra, và quan trọng nhất là nhân vật nữ trong game, Lisa.

Lisa không phải thứ Kojima lạm dụng quá nhiều. Những pha jumpscare trong P.T. chỉ phụ thuộc vào việc anh em có mất quá nhiều thời gian giải những câu đố hay không. Toàn bộ bản demo, Lisa chỉ xuất hiện vài lần, theo những cách không thể ngờ tới. Chính việc không chắc chắn vào con quái vật, mà người chơi luôn luôn rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Ngay cả khi Lisa không có ở đó, chiếc radio nhắc người chơi “nhìn sau lưng” cũng đủ khiến giật mình, chưa cần đến jumpscare.

Nếu del Toro và Junji Ito tạo ra những khung hình khủng khiếp, thì âm thanh mới là thứ khiến chính trí tưởng tượng của người chơi bắt đầu hình thành những chi tiết rợn người về việc ông bố phát điên, hạ sát cả hai mẹ con, dù rằng trong game hoàn toàn không có cảnh nào mô tả chuyện đó. Kết hợp cả hình ảnh lẫn âm thanh, cùng lối chơi của P.T., chúng ta có một kiệt tác. Kojima bắt người chơi phải làm, phải di chuyển, phải nhìn, phải trải nghiệm, phải phát hiện mọi thứ, và không có chi tiết nào thừa cả. Tất cả những hành động của nhân vật chính diễn ra trong game đều phục vụ những mục đích cụ thể, chứ không đơn thuần chỉ khiến người chơi sợ hãi. Mọi thứ diễn ra ở nửa sau bản demo đều hoạt động dựa trên logic của những cơn ác mộng. P.T. là một cơn ác mộng, chứ không phải một trò chơi bao phủ sự kinh dị lên trên.

Trong P.T. sẽ không có lựa chọn trốn khỏi con quái vật, ẩn nấp để hạ gục nó hay đối mặt trực tiếp với nó. Chí ít thì trong trường hợp ấy, người chơi sẽ có một phần kiểm soát cả thế giới game lẫn tâm trí của bản thân. Nhưng trong P.T. thì không. Anh em sẽ phải đối mặt trực tiếp với sự kinh hoàng, phải đứng nhìn qua khe cửa xem Lisa đang đứng ở đâu, không có vũ khí, không có thứ gì để phòng vệ cho bản thân cả. Anh em buộc phải nhìn thẳng vào sự kinh hoàng, phải chơi theo luật của nó, để hiểu kỹ về nó. Đó mới là lúc phá đảo được đoạn demo, và đó cũng chính là mục đích khi các tác phẩm giải trí kinh dị được tạo ra.

Series Silent Hill

Khi nói về các tượng đài trong thể loại game kinh dị, sau Resident Evil chắc chắn cái tên nổi trội tiếp theo không gì khác ngoài Silent Hill. Silent Hill là một thị trấn có lịch sử lâu đời và trải dài từ thời người châu Âu mới khám phá ra lục địa châu Mỹ. Trong game, Silent Hill hiện lên với vẻ ngoài như một địa điểm du lịch cổ xưa và yên bình đầy lí tưởng tại khu New England. Thế nhưng sự thật là những cư dân ở đây vô cùng khép kín và chính bản thân họ cũng không hề muốn mở rộng thông thương hay hiện đại hóa nơi này thành một điểm thu hút du lịch. Chúng ta đều đã biết thị trấn nhỏ này không hề yên bình như vẻ ngoài của nó, có rất nhiều chuyện kể rợn gáy và tin đồn đáng sợ về nơi này. Những người đi lạc đến đây sẽ bị tước đoạt linh hồn, hay bị chính những thứ kì lạ nơi này giết và bắt mất. Khủng khiếp hơn, tồn tại song song với Silent Hill thường ngày là một thế giới kì lạ đầy những con quái vật thường xuất hiện sau màn sương mù, người ta gọi nó là Fog World và Otherworld. Chúng thường xuất hiện sau một tiếng còi báo dài.

Series Silent vốn có rất nhiều phiên bản và các phần ngoại truyện khác nhau, nhưng để lựa chọn ra các bản đáng chơi nhất, có lẽ chúng mình sẽ lựa chọn phần 2 và 3 bởi phần 4 dường như không có mối liên kết vào với những người tiền nhiệm trước đó.

Silent Hill là phần game đầu tiên đặt viên gạch nền tảng dẫn lối cho cả một dòng game kinh dị huyền thoại. Mang màu sắc khác hẳn người hàng xóm lẫy lừng cùng thời là Resident Evil, Silent Hill đem đến những câu chuyện ma mị, ám ảnh và nhiều lớp nghĩa ẩn dụ xoay quanh thị trấn cùng tên. Tiếp nối thành công của Silent Hill, team Silent của Konami với những sáng tạo không giới hạn của mình một lần nữa đã đem Silent Hill trở lại trong phần 2 vào năm 2001. Silent Hill 2 đã luôn được đánh giá là phần xuất sắc nhất trong toàn bộ loạt game, khi nó không chỉ là hành trình đi qua nỗi sợ mà còn đào sâu đến những khía cạnh gai góc nhất trong góc tối của tâm hồn con người. Tiếp nối 2 phần trước, Silent Hill 3 sẽ là câu chuyện kết nối trực tiếp với phần đầu của dòng game để đào sâu hơn về những gì mà câu chuyện nhuốm màu tà giáo phần 1 đã để lại. Phần thứ 3 lần đầu tiên cho một nhân vật nữ trở thành người hùng của câu chuyện. Sang đến phần thứ 4, The Room, Konami lại đem tới câu chuyện khác hẳn cùng bầu không khí khác hẳn, mang hơi hướng tâm linh nhiều hơn so với những phần đầu. Tuy nhiên, đây cũng là phần game nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất, khi phần lớn những fan lâu năm của Silent Hill cho rằng đây chính là điểm đánh dấu sự thoái trào trong nội dung của Silent Hill.

Gameplay chủ đạo của dòng Silent Hill đều xoay quanh yếu tố kinh dị sinh tồn kết hợp với góc nhìn thứ 3 quen thuộc. Điểm hấp dẫn của Silent Hill là những câu đố đòi hỏi khả năng suy luận được đặt ra trong suốt cuộc hành trình. Ngoài việc khám phá các chi tiết chung về thị trấn, người chơi cũng có thể kiểm tra môi trường để tìm manh mối. Thông thường câu đố kiểu mẹo hoặc câu đố môi trường đòi hỏi người chơi phải thao tác với một vật thể hoặc hệ thống để có được vật phẩm hoặc tiếp tục tiến tới một mục tiêu cụ thể.

Nếu hồi tưởng về Silent Hill mà không đề cập đến việc sử dụng âm thanh đột phá của game sẽ là một thiếu xót trầm trọng. Silent Hill không chỉ thao túng cảm xúc của người chơi bằng những gì nó thể hiện với họ, nó cũng điều khiển họ bằng những gì họ nghe thấy. Thiết kế âm thanh và âm nhạc có thể là chất lượng đặc biệt nhất của trò chơi. Có lẽ nhiều hơn bất cứ điều gì khác, nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến người chơi bằng cách thiết lập một tông màu đen tối và u ám.

Silent Hill không chỉ tuyệt vời về mặt cốt truyện, gameplay mà cách game tạo nên cảm giác lo lắng và sợ hãi cũng vô cùng tài tình. Ra đời sau thành công vang dội của Resident Evil, Konami đã mong muốn tạo nên dấu ấn riêng biệt trong dòng game kinh dị để đời của mình. Và giờ đây chúng ta đã có một Silent Hill đầy kinh hoàng với những con quái vật được tạo ra chính bởi ám ảnh tội lỗi của bản thân mỗi con người.

4.9/5 - (122 votes)
Sưu tầm
Tổng hợp bài viết hữu ích nhất. https://divineshop.vn/tin-tuc
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -spot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN