Dịp Tết Qúy Mão đang là thời điểm thuận lợi cho Nhà Bà Nữ. Đến nay, bộ phim Việt này đã đạt doanh thu cao ngất ngưởng, bỏ xa đối thủ là Chị Chị Em Em 2 và đang nuôi hy vọng có thể lặp lại thành tích của Bố Già. Nguyên nhân có thể nhìn thấy được, sự thiếu vắng những cái tên nước ngoài và chất lượng của Chị Chị Em Em 2 quá thường khi so với bộ phim đầu tư hơn như Nhà Bà Nữ.

 

Khách quan mà nói, Nhà Bà Nữ là một bộ phim ổn áp theo mặt bằng chung của điện ảnh Việt. Nó không nhắm đến những mục tiêu quá cao như các phim nghệ thuật hay độc lập, mà nhắm đến tính giải trí được thực hiện bằng câu chuyện nghiêm túc, ở một mức độ nào đó. Nên nhìn chung, câu chuyện về các thế hệ phụ nữ của một gia đình như vầy không có những góc máy sáng tạo, an phận với những góc quay truyền thống, một câu chuyện chia rõ ba phần, các nhân vật và chủ đề gần gũi. Song, Nhà Bà Nữ vẫn còn nhiều điểm yếu. Bộ phim sẽ tốt hơn nếu nó cải thiện một số chỗ mà theo người viết là mạo hiểm hơn với công thức phim đời thường như thế này.

1. Cắt bớt lời thoại, tập trung vào hình ảnh

Một trong những điều không thể không để ý là Nhà Bà Nữ có lời thoại rất nhiều, đặc biệt là lời dẫn truyện từ nhân vật Nhi. Điều này dễ hiểu vì cô là nhân vật chính trong đây và câu chuyện trong Nhà Bà Nữ được thể hiện dưới góc nhìn của cô là chính. Song, liệu có cần thiết không khi chúng xuất hiện nhiều như vậy trong phim. Nhất là trong tình trạng những nhân vật cũng có nhiều lời để nói không kém.

Trên thực tế, dẫn truyện là phương thức được sử dụng phổ biến để mở đầu một bộ phim. Một trong những đối thủ của Nhà Bà Nữ Phi Vụ Toàn Sao – một bộ phim Guy Ritchie – cũng áp dụng lời dẫn truyện. Thật ra, phim nào vị đạo diễn này cầm trịch cũng có dẫn truyện và một phân đoạn mở đầu chạy credit như Nhà Bà Nữ. Nhưng Ritchie biết cách thực hiện chúng kịch tính hơn, và điều chỉnh lượng lời thoại dẫn truyện hợp lý hơn. Trong khi đó, Nhà Bà Nữ mở đầu bằng dẫn truyện, tiếp diễn với chúng, và kết thúc cũng với lời dẫn truyện. Đây là một cách sử dụng cứng nhắc và gây hại cho chính bộ phim.

nhưng phụ thuộc vào lời dẫn của nhân vật Nhi quá nhiều
nhưng phụ thuộc vào lời dẫn của nhân vật Nhi quá nhiều

Nếu có dịp xem phim, bạn sẽ hiểu tại sao Nhà Bà Nữ lại dùng nhiều lời dẫn truyện đến vậy. Cứ mỗi lần đến những đoạn xoáy vào nội tâm nhân vật, thì lời dẫn lại vang lên. Giọng dẫn thuộc về diễn viên Uyển Ân, đó là một chất giọng ngọt ngào, phân biệt rõ rệt với mẹ và chị hai đanh đá, chua ngoa của cô. Nhưng đó cũng là một điểm nhấn không mấy tích cực khi nó chỉ dẫn người xem phải cảm nhận thế nào về bộ phim. Dường như Trấn Thành lo sợ người xem không hiểu được dụng ý của anh, nên mới có những lời chỉ dẫn của Nhi vang lên ở những khoảnh khắc mà nhân vật đang thể hiện những mối tơ vò của họ. Đây không phải là một điều nên làm.

Điện ảnh là nghệ thuật về hình ảnh, kết hợp với âm thanh, thoại và âm nhạc, nhưng hình ảnh là yếu tố chủ chốt. Thay vì những lời chỉ dẫn hoặc “gợi ý” khán giả nên nhìn nhận, cảm thấy những gì về cảnh phim này, đạo diễn nên để hình ảnh thay lời muốn nói. Người xem có ấn tượng tốt ở phân cảnh cao trào giữa Nhi và John khi cả hai cãi nhau về việc họ đã xa cách phần nào trong cuộc sống chung, khi John gặp vấn đề trong công việc và Nhi cảm thấy bị bỏ rơi trong giai đoạn mang bầu nhạy cảm. Đạo diễn đã diễn giải cuộc tranh cãi bùng nổ giữa Nhi và John song song với trận phong ba tương tự mà chị hai của Nhi là Ngọc Như (Khả Như thể hiện) đang đối mặt với chồng Nhuần (Trấn Thành).

Điểm nhấn của phân cảnh này là sự đổ vỡ giữa Như và Nhuần diễn ra trước sự chứng kiến của bà Nữ (Lê Giang). Việc chuyển cảnh qua lại giữa Nhi, Như và sau cùng là bà Nữ nhớ lại giây phút chồng bà bỏ đi, phân cảnh này cũng được tua đi tua lại nhiều lần, mỗi lần thể hiện góc nhìn khác nhau. Một chìm trong hận thù nên người cha của hai chị em hiện lên như kẻ bạc tình, một là sự thật và người cha/chồng ấy đã bất lực và đau khổ trước người vợ cay nghiệt của mình. Đó là sự chuyển cảnh mà người viết đánh giá cao. Đạo diễn (cũng là Trấn Thành) đang thể hiện sang chấn thế hệ trong một gia đình.

Cha mẹ là tấm gương cho con cái. Đầu phim, Nhi đã nói bản thân đang sống cho ước mơ của mẹ (được học hành, được thành đạt, không phải lao động chân tay như bà…), thì ở đây, Nhà Bà Nữ đang khắc họa con cái khi lớn lên chứng kiến những hành xử và cảm xúc của mẹ cũng bước vào con đường của mẹ như thế nào. Như là chị lớn, cô đã cam chịu hành xử của mẹ, nổi loạn khi lấy Nhuần cho bằng được và giờ đây, chính cô cũng có những hành động như mẹ khiến Nhuần mất dần ý chí vun đắp cho gia đình. Trớ trêu thay, hy vọng sáng lạng nhất của gia đình là Nhi cũng có lối hành xử tương tự mẹ mình, cuối cùng khiến John mệt mỏi nên buông tay. Hai chị em, theo một góc độ, bộc lộ những khía cạnh tính cách của chính bà Nữ.

Nhà Bà Nữ nhấn mạnh cha mẹ là tấm gương của con cái | Báo Dân Trí
Nhà Bà Nữ nhấn mạnh cha mẹ là tấm gương của con cái | Báo Dân Trí

Cái hay ở đây là phân cảnh đang nhấn mạnh di sản vụn vỡ bà Nữ để lại cho con cái – những bản sao không thể tìm được hạnh phúc. Nhưng rồi lời dẫn truyện một lần nữa vang lên. Câu khẳng định “tôi là nạn nhân của một gia đình tan vỡ” khiến cảnh quay mất đi sức nặng. Thực tế là câu nói này, và phần dẫn truyện trước đó nữa, là dư thừa. Hãy chăm chút cho những cảnh quay này và bớt luôn cả phần nhạc phim lại, để Nhà Bà Nữ có thể lắng đọng cảm xúc bằng hình ảnh. Bố Già trước đó cũng phạm phải lỗi tương tự, dù không có dẫn truyện, nhưng phim lại có thói quen bật nhạc phim để định hướng cảm xúc của khán giả. Nếu nhận xét phũ phàng hơn, đây là một cách làm lười biếng.

Thoại nhiều như kịch nói là thói quen khó bỏ của điện ảnh Việt. Nhà Bà Nữ có thể bù trừ điều này bằng cách tắt nhạc đi và ước lượng thời lượng của các lời dẫn. Thay vào đó, hãy để người xem thấy được mâu thuẫn dần dần tích tụ giữa Nhi và John như thế nào, cả hai bắt đầu có khoảng cách như thế nào. “Show, don’t tell” là quy tắc vàng của điện ảnh, không có chiều ngược lại.

2. Giảm bớt tính cường điệu, cắt bớt phần thừa

Nhân vật của Lê Dương Bảo Lâm không cần thiết trong đây
Nhân vật của Lê Dương Bảo Lâm không cần thiết trong đây

Nhà Bà Nữ là một bộ phim phản ánh mối mâu thuẫn thời đại, nhưng cũng là một bộ phim có rất nhiều tính cường điệu, thể hiện trong tình huống nhân vật đả kích nhau. Vừa phải là hoàn hảo. Đây là một bộ phim nhấn mạnh mâu thuẫn thế hệ. Có mâu thuẫn, chắc chắn sẽ có đối đầu. Điều này chẳng có gì sai, nhưng phải được tiết chế. Quá nhiều tính đả kích với âm lượng lớn khiến bộ phim thấm tính sân khấu. Mặc dù điện ảnh chịu ảnh hưởng của sân khấu, nhưng đây là cá thể độc lập và không nên lẫn lộn.

Phim ảnh không có sự sướt mướt của kịch nói, nó ưu ái sự tinh tế trong việc thể hiện cảm xúc cũng như xây dựng nhân vật. Nếu đã nhắm đến những vấn đề thường trực trong cuộc sống, đời thường, Nhà Bà Nữ nên thể hiện luôn tính hiện thực. Và hiện thực là chúng ta không ăn nói như những nhân vật trong phim, cũng như không hành xử như một số phân cảnh trong đây. Trên tinh thần đó, Nhà Bà Nữ nên cắt đi một số nhân vật dư thừa trong đây, nhằm tập trung cho các tuyến nhân vật cần thiết vốn không hề nhỏ. Ví như nhân vật của Lê Dương Bảo Lâm hiện diện trong phim là một chi tiết rất gượng ép.

 

3. Xây dựng câu chuyện đa diện

Nhân vật nam không phải Trấn Thành hầu như bị gạt ra khỏi phim
Nhân vật nam không phải Trấn Thành hầu như bị gạt ra khỏi phim

Cái tên Nhà Bà Nữ báo hiệu đây là một bộ phim nữ tính. Đúng như dự đoán, những nhân vật trọng yếu trong đây là phụ nữ và cánh nhân vật nam chỉ là những ai có dây mơ rễ má với họ. Song, tuyến nhân vật nam không vì vậy mà trở thành “tiêu sản”. Không có họ, Nhà Bà Nữ không thể trọn vẹn, ngay từ đầu, bộ phim đã xây dựng tình huống đảm bảo điều đó với nhân vật chồng bà Nữ và chàng rể của bà là Nhuần. Bộ phim cũng cần tuyến nhân vật nam để thông điệp di sản được truyền tải rõ ràng. Nhưng bộ phim này chỉ diễn giải góc nhìn của các nhân vật nữ mà bỏ quên các bạn nam.

Thực thế thì nhân vật nam trong đây đáng chú ý là Nhuần và John, những người gắn kết với Như và Nhi. Nhưng trong khi Nhuần được ưu ái cho phân cảnh thổ lộ nỗi lòng người ở rể, John lại bị biến thành một cái bóng bên cạnh Nhi, mặc dù anh là cán cân cân bằng câu chuyện của Nhi. Nhi nói dối mẹ là vì anh, mang con của anh nên bỏ nhà ra đi để đến với anh, John cũng từ bỏ gia đình để đến bên Nhi. Nhưng góc nhìn của anh bị bỏ ngang vì Nhi bị hư thai – một chi tiết bồi đắp tình huống dễ đoán và lười biếng để gạt nam chính khỏi câu chuyện, chỉ để xuất hiện trở lại nhằm tạo điều kiện cho nữ chính truyền đạt thông điệp khác.

Nhà Bà Nữ để lại cho John sự lấp lửng | Vietnamnet
Nhà Bà Nữ để lại cho John sự lấp lửng | Vietnamnet

Tuyến nhân vật của John và Nhi chia sẻ nhiều sự tương đồng. Cả hai đến từ hai tầng lớp khác nhau, nhưng chịu chung một nỗi khổ là bị cha mẹ kiểm soát gắt gao, bị buộc phải gạt bỏ ước mơ của bản thân để chiều lòng ba mẹ. Cuối cùng thì Nhi học được bài học để trưởng thành, còn John thì sao? Nhà Bà Nữ đã gạt bỏ anh khỏi câu chuyện một cách chưng hửng như vậy, với viễn cảnh là anh bị cha mẹ từ mặt, nợ nần, giờ mất luôn đứa con và bạn đời. Điều này khiến người viết phải đề cập đến điểm cần cải thiện tiêp theo – xây dựng nhân vật hợp lý hơn.

4. Xây dựng nhân vật đúng với thông điệp mà phim muốn truyền tải

Nhi đáng lẽ phải phương tiện truyền tải tính xã hội của Nhà Bà Nữ | Zing News
Nhi đáng lẽ phải phương tiện truyền tải tính xã hội của Nhà Bà Nữ | Zing News

Nhà Bà Nữ có rất nhiều thông điệp muốn nói. Tập trung vào những chủ đề mang tính thời đại thường thức nên phim sẽ không gặp khó khăn thể hiện những thông điệp này. Vấn đề nằm ở chỗ, lời dẫn truyện nói rất rõ thông điệp, nhưng các nhân vật trong đây không thể diễn giải những thông điệp ấy khi cần. Mâu thuẫn có vẻ như không chỉ tồn tại dưới mái nhà bà Nữ, mà còn hiện diện trong cách bộ phim xây dựng nhân vật.

Các nhân vật trong Nhà Bà Nữ bất chấp lối ăn nói đao to búa lớn nhưng vẫn còn hạn chế về tính đa chiều. Điều này có thể dễ dàng khắc phục nếu phim tập trung diễn giải nhân vật theo đúng thông điệp, ví như câu nói đáng nhớ nhất phim “Con thà thất bại trong giấc mơ của con, còn hơn thành công trong giấc mơ của mẹ” nghe có vẻ tuổi trẻ ngông cuồng, phim còn chèn thêm một câu thế này “Thất bại cũng là quyền của con người”. Trước đó, khán giả còn được chứng kiến hai người trẻ tuổi Nhi và John ngồi lại nói về ước mơ của nhau, sau hai câu nói trên, Nhi và John đều rời nhà để sống và bắt tay vào biến ước mơ thành sự thật. Nhưng rồi người ta lại chứng kiến Nhi trở thành bà nội trợ toàn thời gian vì mang thai.

Tình huống này như đang nhắc nhở người xem về hiện trạng người đàn ông thường mạnh miệng nói người vợ đang chửa đẻ của mình ở nhà anh nuôi, rồi đổi lại là chính họ bắt đầu “đá thúng đụng nia” vì áp lực, vì chứng kiến vợ hầu như chẳng làm gì… Đây có thể là tình huống cho một bộ phim sướt mướt nào đó đầu thập niên 2000, nhưng ở Nhà Bà Nữ, nó khiến tuyến nhân vật của Nhi mâu thuẫn kinh khủng.

...nhưng John lại là nhân vật nêu rõ thông điệp trong Nhà Bà Nữ dù không được thể hiện nhiều | Zing News
…nhưng John lại là nhân vật nêu rõ thông điệp trong Nhà Bà Nữ dù không được thể hiện nhiều | Zing News

Đây là người con gái đã mạnh miệng với người mẹ kiểm soát của mình muốn được trải niệm thất bại, hoài bão và tự lập, giờ đây lại chịu kiếp ở nhà chồng nuôi, góp được vài triệu đồng vào ước mơ chung, còn lại, khán giả chỉ thấy cô phàn nàn, dẫn đến cuộc tranh cãi bùng nổ, đồng thời là bước ngoặt của phim. Đây là một điểm không thỏa đáng cho tiền đề mà Nhà Bà Nữ đặt ra.

Nhà Bà Nữ ngay từ đầu đã ngầm nói lên hai bên, con có lý của con và mẹ có lý của mẹ, không ai hoàn toàn đúng, cũng không hoàn toàn sai. Tình huống của Nhi lại chứng tỏ phía con gái…hoàn toàn sai. Rốt cuộc cô cũng phải chịu thua về nhà. Đấu tranh ở đâu? Cố gắng ở đâu? Vấp ngã ở đâu? Trưởng thành ở đâu? Tự đứng lên ở đâu? Những điều này trớ trêu thay thuộc về John và hoàn toàn diễn ra ở ngoài màn hình – tức khán giả không thấy được, nhưng lại cảm nhận được. Anh rời xa gia đình, tự lập nghiệp, nuôi vợ và chuẩn bị đón con đầu lòng. John nếm trải thất bại đầu tiên, trải niệm cảm giác lần đầu tiên trong đời bị trả thẻ ngân hàng vì không đủ tiền (nhân vật này vốn xuất thân giàu có), nếm trải gánh nặng mà cha mẹ mình từng gánh, nỗi lo cơm áo gạo tiền đổ dồn lên chàng trai trẻ mới ngoài hai mươi.

Một cảm giác lạc quẻ hiện lên ở đây là những gì Nhi trải qua lại không thể rõ ràng hoặc rung cảm như những gì John trải qua, trong khi nhân vật này so với cô có ít đất diễn hơn và không phải nhân vật chính mà phim hướng đến. Tuyến nhân vật của Nhi cũng khiến thông điệp mà phim muốn truyền tải trở nên lạc lỏng. Thậm chí, một số khán giả trẻ có thể nhầm lẫn chúng, hiểu bộ phim này muốn nói hóa ra rời xa bố mẹ là bão tố và cha mẹ không sai khi áp đặt những tư tưởng của mình lên con cái. Vì cuối cùng, người giúp Nhi vực dậy là bà Nữ và gia đình. Nhìn chung, lời dẫn truyện mới là phương tiện truyền tải thông điệp phim, không phải nhân vật, trong khi một bộ phim điện ảnh phải làm ngược lại.

 

Nhà Bà Nữ cuối cùng không phải là một bộ phim tệ hại gì. Nó vẫn đạt chuẩn so với mặt bằng chung của phim Việt, nhưng chỉ là nhích một bước qua biên giới giữa hài nhảm và phim xem được. Bộ phim này có thể đã tốt hơn, nếu khắc phục được những điểm hạn chế trên.

So sánh Nhà Bà Nữ vs Bố Già, phim nào hơn phim nào?